“Luật sư kì lạ Woo Young Woo” hiện là một bộ phim hay ho, và tách biệt đáng kể so với những bộ phim Hàn hiện tại, vì không đi sâu vào xu hướng “trả thù” hay có một nhân vật phản diện rõ ràng. Đặc biệt, ở tập 3, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra việc chịu áp lực thi cử, học hành, giữ danh hiệu “con nhà người ta”, đối với những người trẻ có thể dẫn đến hậu quả buồn như thế nào.
Lúc trước, khi Chó Sói viết về một sự kiện tương tự, xảy ra vào đầu tháng tư, đã từng nhận xét: “Đó là một tổ hợp đáng buồn: Một thanh niên non dại cùng ba mẹ vô tâm. Tất nhiên người lớn đáng trách hơn chứ, nhưng trách hay không cũng chẳng còn ý nghĩa gì nhiều.”
Lúc đó, rất nhiều nhà đạo-đức-học đã nhảy vào, rồi tính “lồng lộn” lên, rằng “người ta đã buồn rồi còn bị lên án vô tâm, ba mẹ nào mà chẳng thương con.”
Chó Sói trả lời, rằng “vô tâm” ở đây, ý Chó Sói là cái cần quan tâm đã không được quan tâm. Tất nhiên nếu bạn trưởng thành hơn, thì câu “ba mẹ nào mà chẳng thương con” tự nó đã không đúng 100% như vậy rồi. Nhưng, cứ cho là nó đúng 100% về ý định, thì nó cũng thường có nhiều sai sót khi tiến hành hành vi trên thực tế.
Bởi, con trẻ luôn có thế giới riêng. Phải đủ quan tâm, thì mới hiểu được thế giới riêng của con trẻ. Các vị phụ huynh trong bộ phim, không phải không hề “quan tâm” đến con, không lo lắng cho con, hay ngược đãi con cái. Nhưng, họ đã không đủ “quan tâm” để nhận ra những sự thay đổi về tư tưởng, về hành vi, thậm chí khi nó xảy ra chính trong ngôi nhà của mình. Và khi sự việc được kết luận, họ lúc đầu vẫn còn không nhận ra mình đã làm gì sai, và liên tục phủ nhận lỗi lầm từ sự “vô tâm” của mình.
Khi các nhà đạo-đức-học trên mạng nhảy vào tiếp tục, kêu Chó Sói “mượn đau thương để câu view, biết gì mà phán xét”, Chó Sói trả lời: “Làm sai thì phải bị lên án, để học được từ những lỗi lầm.” Không chỉ bản thân người đó, mà những người xung quanh, những hoàn cảnh tương tự, những hành vi tương tự, có thể nhờ đó mà nhận ra được một số bài học từ sự thật. [Tất nhiên, Chó Sói không bàn tới chuyện trang của Chó Sói xưa giờ không cần câu view gì, nhưng các nhà đạo-đức-học bận phán xét trong thế giới của mình quá, nên cũng đâu thấy mình sai gì, nhưng lại bày đặt kêu người khác đang “phán xét”. Có thể, những người đó cũng sẽ hành động rất giống với những bậc phụ huynh trên.]
Chẳng có gì thay thế được sự thật, đặc biệt nên nhận ra việc mình góp phần vào “hậu quả” cao như thế nào. Như Chó Sói đã từng viết, và xin được nhắc lại: “Nếu bạn tham gia vào một việc gì đó, mà nó thất bại, thì ít nhất 50% là lỗi ở bạn.” Hãy tập nhìn nhận về sai lầm của bản thân, dù nó đau đớn, để tiếp tục trưởng thành và tiến về phía trước. Nếu không, bạn sẽ chỉ lập lại lỗi lầm đó dưới một hình thức khác. Bạn đau lòng không là chưa đủ, bạn phải học cách đối diện và nhìn nhận sự thật. Nếu không có [hoặc không còn] cơ hội để xin lỗi, hay mong cầu thứ tha, để cải thiện hành vi, ít nhất, hãy sửa đổi mình từ trong tư tưởng.
#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong