Bạn thấy gì từ “drama” những ngày qua?
Nếu bạn đủ trưởng thành, bạn sẽ nhận ra, vốn dĩ drama đó chẳng nên bắt đầu. Trong một xã hội thật sự văn minh, nó sẽ không có chỗ đứng để tạo “sóng gió” như vậy.
Tại sao?
Có những lời nói vốn dĩ không đúng, nhưng cũng chẳng sai. Người nói đứng trên góc nhìn của họ, đứng trên tư tưởng [dù còn non nớt của họ] để phát ngôn, thì đó là ý kiến cá nhân. Họ không nói về một người cụ thể nào, thì mình cũng đừng tự nhạy cảm để biến mình thành người-họ-nói. Đó gọi là “có tật giật mình”. Khi bạn trưởng thành hơn, nếu người ta không chỉ đích danh của bạn, thì bạn sẽ chẳng có nhu cầu đính-chính gì với những ý kiến cá nhân chung chung mơ hồ. Bạn sẽ mặc kệ những điều tiếng như vậy.
Công kích người nổi tiếng chỉ vì một ý kiến cá nhân là một sự non nớt. Nhiều người lên tiếng chắc tưởng mình đang đấu-tranh cho công lý. Thật ra, chẳng có công lý nào ở đây cả. Đó chỉ có sự hả hê để “dìm” người khác xuống, bất chấp là bạn đang ghen tị, hay đang muốn chứng tỏ sự-nhạy-cảm của mình.
Tất nhiên, đó là cái giá của sự nổi tiếng. Người nổi tiếng thường đứng vững vì sự yêu thích hơn là vì sự đúng-sai, hay giỏi-giang của họ. Bất kể bạn giỏi đến độ nào, thì bạn vẫn nên có đủ sự yêu thích nhất định. Cái mà cô bé đó nên hiểu, chính là chuyện này.
Vậy còn cậu bé?
Cậu bé chính là ngụ ý của tiêu đề. Cậu bé [có thể] thật sự giỏi giang, và nên tự hào. Nhưng lòng tự hào hãy gắn với chính bản thân mình, rằng mình đã nỗ lực như thế nào, đã cố gắng như thế nào, đã chống chọi như thế nào, để thành công hơn mình của ngày hôm qua. Đó mới là điều cậu bé nên hiểu. Thành công vốn dĩ là thứ mơ hồ, thứ mình cho rằng đó là “thành công” cũng chưa chắc là thứ khiến người khác phải ngưỡng mộ, và việc đem lên bàn cân so sánh hai đối tượng, vốn dĩ khác biệt ngay từ đầu về nền tảng, tính cách, nguồn lực… để cho rằng ai “giỏi” hơn, ai “thành công” hơn, ai được quyền nói về “trà sữa” nhiều hơn…vốn dĩ luôn là một điều hết sức ngốc-nghếch và vô cùng thiển cận.
Nếu mình đã thành công như vậy, mà vẫn còn sân si như vậy, thì mình liệu có khác gì cô bé mà mình lên án không?
Còn một người-lớn bỗng dưng nhào vô thì thôi. Chán chả buồn nói.
Từ một trào lưu cũng đủ thú vị, nay đã biến thành một thứ hết sức độc hại. Từ chỗ nên tự hào về thành công của bản thân, nay lại là chỗ để sân si. Đó chính là điển hình của những xã hội còn thiếu văn minh.
Một bạn trẻ chạy xe ôm công nghệ, nếu cố gắng hoàn thành thêm một cuốc xe mỗi ngày, để đủ tiền đóng học phí, thì bạn cũng nên cảm thấy mình đã “thành công” hơn. Và nên tiếp tục cố gắng. Chứ không phải để thấy mình “đã chăm chỉ hơn những người chạy xe ôm công nghệ khác”. Nhắc lại, nếu không chỉ đích danh ai, thì lời nói, phát ngôn, hay ý kiến cá nhân nào cũng chỉ là chung chung, mang tính tham khảo. Nếu nó sai với mình, thì vốn dĩ chả cần phải nghĩ tới. Nếu nó đúng với mình, thì nên điều chỉnh thêm để thành công. Chẳng lúc nào, chẳng khi nào, lại cần lên “giật mồng”, công kích cá nhân người khác, đặc biệt là ở trên mạng.
Lòng tự hào lại hoá chỗ sân si, thì học hành bao nhiêu, giỏi giang bao nhiêu, thành công bao nhiêu, vốn dĩ có còn ý nghĩa gì nữa chăng?!
Khi nào, thì xã hội mình có thể dừng bớt những loại drama như thế này?
#camnangchosoi #kinhnghiemdilam