Hôm trước, có bạn độc giả hỏi Chó Sói làm cách nào để biết giá trị sống của sếp-tương-lai nếu mình chỉ có một buổi phỏng vấn. Câu trả lời là: không có cách nào hết. Giá trị sống chắc chắn không thể hiện chỉ qua một buổi phỏng vấn, đó là lý do thông thường bạn hay có hai tháng thử việc để tìm hiểu điều này.
Khoan khoan, đừng vội thất vọng. Tuy một buổi phỏng vấn không thể giúp bạn tìm hiểu hết giá trị sống của sếp-tương-lai, nó vẫn có vai trò đặc biệt trong việc xác định bạn có nên làm việc cho người sếp đó hay không. Bởi vì, nếu bạn nắm vững một vài kỹ năng giao tiếp cơ bản, bạn sẽ xác định được câu trả lời cho hai câu hỏi quan trọng sau đây về sếp-tương-lai của bạn:
– Một là, người sếp đó có am hiểu về văn hóa công ty hay không?
– Và hai là, người sếp đó có thật sự yêu thích cái văn hóa công ty mà họ đang làm hay không?
Làm cách nào bạn có thể biết được những câu trả lời đó?
Đương nhiên, kỹ năng cơ bản được đề cập chính là hỏi và quan sát.
Trong cấu trúc của các buổi phỏng vấn, phần ứng viên đặt câu hỏi lúc nào cũng có. Điều đáng tiếc là, nhiều bạn không tận dụng khoảng thời gian này, bởi đây mới chính là lúc quan trọng để xác định bạn-có-nên-làm-việc-cho-người-đó-hay-không?
Bạn hãy đặt câu hỏi này:
– Anh/chị có thể nói ngắn gọn về văn hóa công ty mình giúp em?
Và đây là các tình huống xảy ra:
– Nếu bạn nhận câu trả lời giống như vầy: “Em biết không, công ty anh là một chốn tổ hợp về văn hóa. Có rất nhiều người khác nhau làm việc ở đây, họ cũng đến từ các nước khác nhau, nên để miêu tả về văn hóa công ty thì rất khó. Mỗi người đều có một bản sắc riêng…abc…” thì đây chính là điển hình của những người sếp tránh né nói về văn hóa công ty. Một khi ai đó tránh nói về văn hóa công ty, thì chỉ có hai kiểu: Một là không thể xác định nổi văn hóa công ty, hai là biết rõ văn hóa công ty và không thể tự hào nổi về nó. Trường hợp nào bạn cũng nên cân nhắc khi vào làm!
(Nếu bạn nghĩ chỉ có công ty nhỏ mới trả lời như vậy thì đừng, bởi vì Chó Sói từng có dịp phỏng vấn với một chị giám đốc nhân sự bự bự của một tập đoàn đầu tư siêu bự mua nổi cả cái đại học Hồng Bàng, nhưng không thể trả lời rõ ràng nổi về văn hóa công ty. Và Chó Sói đương nhiên không làm việc với chị này, càng có ấn tượng khá tệ về tập đoàn này nói chung!)
– Nếu bạn nhận được câu trả lời như sau: “Văn hóa ở đây là sự đam mê”, “Văn hóa ở đây là tính linh hoạt”, “Văn hóa ở đây là sự uy tín”…thì chúc mừng bạn, bạn đã có câu trả lời. Nhưng vấn đề lại không nằm ở câu trả lời. Đối với văn hóa, thì câu trả lời nào cũng chấp nhận được. Vấn đề là, người sếp-tương-lai của bạn có thích thú với văn hóa đó hay không. Hãy quan sát thật kỹ biểu hiện phi ngôn từ của họ (ví dụ: nụ cười thật quan sát ở đuôi mắt, nếu chỉ có gò má và miệng chuyển động thì đó là nụ cười giả…), đi kèm với những lời họ nói, từ đó xác định mức độ yêu thích của họ đối với văn hóa công ty hiện tại. Bạn biết đó, nếu bạn làm việc với người đang chán ghét công ty, thì bạn cũng hiểu số phận tương lai của bạn rồi!
Tất nhiên, bạn vẫn có thể bất chấp làm việc với những người sếp như trên, vì lý do hoặc mục đích cá nhân nào đó khác của bạn. Nhưng cũng chính vì vậy, mà Chó Sói mới nhắc bạn về câu hỏi lương bổng ở chương trước. Môi trường tệ, thì chỉ có tiền lương mới giúp bạn chống chọi qua ngày thôi!