Tất nhiên, như người bạn của Gấu Mỹ, bạn có rất nhiều cách giải-thích linh hoạt:
- Người bạn của Gấu Mỹ có thể cho rằng trong tương lai nào đó không xa, những người ngồi trong bàn tiệc sẽ trở thành khách hàng của bạn ấy. Và do đó, chi phí này dùng để tiếp khách là có cơ sở.
- Bạn thì nói rằng việc in tài liệu cá nhân sẽ giúp ích cho tri thức của bạn. Và như vậy gián tiếp giúp ích cho công ty, vì bạn đang làm cho công ty. Những bạn làm tuyển dụng cũng nghĩ tương tự vậy.
- Và những nhà quản lý sẽ cho rằng tiền bảo hiểm đã trả rồi, nên chi cho nha chu hay làm trắng cũng như nhau.
Sau khi giải thích xong, bạn dừng lại một lúc. Bạn dần thấy nó có lý. Bất kỳ điều gì khiến bạn thoải mái hơn đều giúp bạn đóng góp tốt hơn cho công ty. Và, xa hơn ý tưởng gì đó ban đầu, bạn thấy bạn vốn không-làm-gì-sai. Đây chính là hiện tượng được đề cập trên tiêu đề của chương: “Cấp số giả dối”.
Thuyết cấp số giả dối cho rằng nếu chúng ta muốn hạn chế cảm giác phạm tội, chúng ta phải tìm cách thay đổi phương thức hợp lý hóa hành động của mình. Khi khả năng hợp lý hóa những tham vọng ích kỷ của chúng ta được nâng cao, cấp số giả dối cũng sẽ gia tăng, khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi hành động sai trái và lừa dối. Tương tự như vậy, khi khả năng hợp lý hóa này giảm xuống, chúng ta sẽ cảm thấy khó xử hơn rất nhiều khi hành động sai trái và lừa dối.
Một tương quan mà mọi người, đặc biệt là dân công sở, hay lợi dụng: Đó là tương quan lợi-hại. Theo đó, nếu bạn đem về nhiều lợi nhuận cho công ty trong mỗi hành động, ví như 100.000 VNĐ, thì việc bạn tiêu tốn 10.000 VNĐ (vì bất kỳ lý do gì) cũng không có gì đáng nói. Suy cho cùng, tất cả đều đi làm. Nên miễn bạn đóng góp nhiều hơn so với bạn tiêu tốn, thì công ty cũng nên hiểu.
Và, vì bạn không phải là người cá biệt, mà rất nhiều người xung quanh cũng như vậy. Nên, các công ty cần phải hiểu.
Vậy, các công ty có hiểu?
Với những người điều hành/ chủ doanh nghiệp mà Chó Sói từng được trao đổi, họ hiểu. Họ chấp nhận chuyện đó. Vấn đề là, họ không cho rằng việc đó đúng. Họ cũng đồng ý rằng bạn có giá trị lợi-nhuận, và họ không sa thải bạn khi họ phát hiện ra những hành động 10.000 VNĐ, nhưng họ không cho rằng bạn có giá trị nhân-cách nhiều (tất nhiên, không phải ai cũng dùng từ này).
Cấp số giả dối còn sẽ gia tăng nhiều hơn, trong trường hợp bạn cảm thấy bất công. Ví như bạn cho rằng công ty trả lương quá thấp so với mức đóng góp của bạn. Khi đó, bạn tự giải-thích rằng những tờ giấy in, cây bút, hay tiền tiếp khách, bảo hiểm…là những thứ công ty phải bù cho phần “bất công” kia.
Vậy, chúng ta cần làm gì để trung thực hơn?
Câu trả lời sẽ có ở phần cuối.