Tuy hơi kỳ lạ, nhưng nếu bạn từng đi làm ở một số doanh nghiệp tầm trung và lớn trở lên, bạn sẽ nhận ra một trường hợp: Luôn có một người ở chức vụ rất cao mà bạn không thể hiểu nổi!

Không thể hiểu nổi ở đây tức là việc bạn băn khoăn tại sao một người rất tệ không chỉ về mặt quản lý, mà cả về mặt chuyên môn, tệ đến độ không chỉ phòng ban của người đó, mà toàn bộ công ty đều hay biết, chỉ có người thăng chức cho họ là [vờ như] không biết.

Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi thông tin người này được thăng chức lan ra toàn công ty?

Không bàn đến lý do đằng sau việc thăng chức này, đây là những chuyện sẽ xảy ra:

  • Những người ở cùng cấp bậc với người đó sẽ cảm thấy cấp bậc của mình khá mất giá trị.
  • Những người ở dưới cấp bậc người đó sẽ xuất hiện một hiện tượng gọi là “Quy luật của những người kém cỏi”.

Quy luật của những người kém cỏi, do Ben Horowitz đề ra trong quyển “Gian nan chồng chất gian nan”, cho rằng: Với bất kỳ chức danh nào trong một tổ chức lớn, nhân tài ở chức danh đó cuối cùng sẽ tịnh tiến trở thành người kém cỏi nhất với chức danh đó.

Nghĩa là, nếu chị Muỗi là quản lý bán hàng khu vực tệ nhất công ty bạn, thì tất cả cửa hàng trưởng thuộc công ty bạn sẽ chỉ so sánh mình với chị Muỗi, chứ không so sánh với bất kỳ quản lý khu vực nào khác, và ngay khi họ đạt mức năng lực tệ như chị Muỗi, họ sẽ yêu cầu được thăng chức.

Trên thực tế, việc chị Muỗi được thăng lên làm quản lý bán hàng khu vực còn có thế khiến cho những người quản lý bán hàng khu vực khác, không chỉ dừng lại ở việc cảm thấy cấp bậc mình mất giá trị, mà sẽ bắt đầu giảm năng suất xuống cho bằng chị Muỗi, nếu cùng một mức lương.

Tức là, người ta giảm năng suất, hay sự cống hiến cho công ty, để bù đắp cho sự bất công so với chị Muỗi.

Vậy, chúng ta phải giải quyết như thế nào?

Cách đầu tiên, là xây dựng hệ thống thăng chức. Hệ thống này phải đảm báo tính công bằng giữa các phòng ban. Các doanh nghiệp cần một tư vấn giỏi để xem xét về hệ thống thăng chức đang hiện hữu và tìm cách điều chỉnh. Tuy nhiên, việc này hiếm khi xảy ra, vì nếu người chủ/ người điều hành doanh nghiệp đủ tỉnh táo để tìm người tư vấn, họ đã không gặp phải “quy luật của những người kém cỏi” ngay từ đầu.

Cách hai, không phụ thuộc vào người chủ/ người điều hành doanh nghiệp, phải bàn tới kỹ năng quản lý [hay cách ăn ở] của bạn. Nếu nhân viên của bạn đã đạt đến trình độ như chị Muỗi, và yêu cầu thăng chức; bạn phải nhanh chóng chuyển hướng so sánh của họ sang, và chỉ sang: Chính bạn. [Bạn cũng có thể yêu cầu nhân viên của mình ngừng so sánh với người khác, và chỉ tập trung vào công việc. Nhưng họ cũng sẽ xem bạn như thế nào để có thể ngừng so sánh!]

Và nếu như bạn là những nhân viên đang yêu cầu thăng chức?

Chó Sói phải nói ngay với bạn rằng, việc thăng chức hầu như không thành hiện thực. Chị Muỗi đang có một lợi thế [không phải về năng lực] mà rất nhiều người không có được. Sếp của bạn có rất nhiều cách để chuyển hướng câu chuyện.

Nhưng đến khi Sếp bạn không thể nói gì được nữa về chị Muỗi, và thành thật nói với bạn rằng: “Công ty của người chủ đó, họ muốn làm gì làm!”. Bạn chỉ còn hai cách: Hoặc nghỉ việc do không đồng ý với sự bất công, hoặc ở lại sống-chung-với-lũ. [Tất nhiên, những người ở lại sống-chung-với-lũ sẽ bắt đầu tìm cách giảm năng suất và cống hiến lại, cho dù họ không nhận ra.]

Cho nên, thăng chức sai lầm là gián tiếp hại chết công ty, trên diện rất rộng. Có rất nhiều lý do [dù đôi lúc bí ẩn] có thể khiến một số người chủ/ người điều hành vẫn làm chuyện này, nhưng chốt lại, bạn có thể nhận ra họ không còn quan tâm sát sao tới sự phát triển của doanh nghiệp nữa (một trong những khả năng nguy hiểm, là có khi họ sắp bán lại công ty, sắp nghỉ việc hoặc công ty sắp phá sản cũng nên). Vì vậy, khi có dấu hiệu “quy luật của những người kém cỏi” xảy ra, dù bạn ở cấp bậc, cương vị nào, cũng hãy cân nhắc cho mình một sự lựa chọn mới [trước khi trở thành một người khác vì sự bất công].

Author

Write A Comment