Khi đi làm, đôi lúc chúng ta sẽ nhận được một yêu cầu công việc nào đó từ Sếp hoặc một yêu cầu hỗ trợ nào đó từ đồng nghiệp mà chúng ta không thể (hoặc rất không muốn) làm. Để từ chối, bạn cần thực hiện một cách khéo léo để tránh tối đa việc tổn hại các mối quan hệ (cho dù bạn chưa thực sự có ý định tạo dựng một mối quan hệ nào), và dưới đây là những gợi ý tốt:

  • Cách từ chối Sếp: Thay vì nói “không” với Sếp, việc nói “có” kèm theo các điều kiện hỗ trợ về nguồn lực là một lựa chọn khôn ngoan hơn [nguồn lực chính bao gồm thời gian, ngân sách và nhân lực]. Ví dụ: Câu “em không thể thực hiện dự án XYZ vì em đang phải làm công việc ABC…” nên được thay bằng “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu Sếp hỗ trợ giúp em tuyển thêm người phụ trách công việc ABC em đang làm” hoặc “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu mình có ngân sách để thuê ngoài công việc ABC” hoặc “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu mình tạm hoãn công việc ABC em đang làm, Sếp đồng ý chứ ạ?”

Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng nhận được sự đồng ý hỗ trợ về nguồn lực. Nhưng khi từ chối bằng yêu cầu nguồn lực, bạn cho Sếp thấy được rằng bạn rất mong muốn hoàn thành công việc được giao thêm, bạn chỉ bị giới hạn về nguồn lực thôi. Và khi không thể cung cấp thêm nguồn lực, Sếp sẽ tiến hành cân nhắc lại.

Mặc dù vậy, kết quả của việc cân nhắc lại vẫn có thể như cũ, ý là giao thêm việc cho bạn. Trong trường hợp này, bạn cũng không cần từ chối. Cái bạn cần làm, là thỏa thuận lại về phạm vi trách nhiệm của các công việc. Ví dụ: “Vì em vẫn đang làm công việc ABC mà lại nhận thêm dự án XYZ nên em xin được hạ mức độ trách nhiệm của dự án XYZ từ 70% xuống còn 40%” chẳng hạn.

  • Đối với đồng nghiệp: Rất may mắn, đồng nghiệp không phải là Sếp, ở thì hiện tại. Đối với đồng nghiệp, bạn chỉ cần từ chối với lý do chính đáng là đủ (nhắc lại, lý do chính đáng nghĩa là những lý do không liên quan tới việc bạn quá lười, hoặc quá bàng quan). “Em không thể giúp mình lúc này vì em đang phải phụ trách công việc ABC” là một câu trả lời phù hợp.

Hãy ghi nhớ, rằng bạn nên giúp đồng nghiệp mỗi khi có thể. Bên cạnh việc xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, nó còn cung cấp cho bạn cơ hội học hỏi thêm (tin Chó Sói đi, học hỏi thêm không bao giờ là thừa cả!). Chỉ cần lưu ý, việc học hỏi thêm này không được chiếm hơn 20% tổng nguồn lực bạn đang có [về thời gian, tiền bạc, hệ thống…], và không được mâu thuẫn với bất kỳ chính sách hay quy trình nào hiện hữu tại công ty. Hãy nhớ nhé, con số tối đa là 20%. Con số này giúp bạn tránh một số đồng nghiệp lạm dụng, đồng thời vẫn giữ được khả năng xoay sở, nếu nhiệm vụ chính của bạn gặp sự cố bất ngờ.

Chúng ta nên hiểu rằng, việc nói “không” chưa bao giờ là dễ dàng. Nó càng khó hơn khi bạn đang đi làm, đồng nghĩa với việc đây là một kỹ năng cần học, và có giá của nó. Chúc bạn may mắn!:)

#camnangdilam #dancongso

Author

Write A Comment