Nghe tên chương có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra dễ hiểu lắm. Lực lượng mở rộng, Chó Sói muốn nói về lực lượng quản lý cấp trung.
Tức là, khi một công ty bắt đầu muốn mở rộng quy mô, thì chất lượng của sự mở rộng phụ thuộc vào chất lượng quản lý và lãnh đạo của đội ngũ cấp trung ở công ty, chứ không phải đội ngũ cấp cao [thuần về lãnh đạo] hay cấp thấp [thuần về chuyên môn].
Khi một công ty mới được thành lập, sự tồn tại của nó phụ thuộc vào đội ngũ làm chuyên môn. Người đứng đầu công ty phải vững vàng về chuyên môn. Khách hàng chọn công ty giai đoạn này cũng là vì chuyên môn[1] (công ty chưa thể tạo dựng thương hiệu ngay lập tức).
Sau khi công ty bắt đầu có lượng khách hàng ổn định, số lượng nhân sự gia tăng, để đáp ứng được yêu cầu công việc, sẽ có hai chuyện xảy ra: Một là đội ngũ cấp cao thăng chức cho một số đối tượng có chuyên môn lên làm công việc quản lý [và lãnh đạo], vì họ không thể trực tiếp quản lý hết được. Đối với chuyên mục này, điều cần thiết là cẩn thận về nguyên lý Peter, đã được Chó Sói đề cập ở Chương 67.
Chuyện thứ hai, là thuê người bên ngoài về để quản lý đội ngũ chuyên môn (do đội ngũ hiện tại không thể hoặc chưa đủ để lên làm quản lý). Lúc này, vấn đề là ở khâu tuyển người.
Nên hiểu rằng, việc đưa sai người lên làm quản lý cấp trung sẽ khiến công ty không thể mở rộng quy mô được. Thực tế cần nhìn nhận, là quản lý cấp trung cũng là công việc khó hoàn thiện nhất.
Nếu bạn để ý, bạn sẽ nhìn ra, số lượng người bị kẹt ở vị trí cấp trung khá đông. Lý do chính, đa phần là do họ không phân biệt được công việc mình cần phải làm.
[Đoạn bên dưới chứa nội dung quảng cáo có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].
Tức là, không biết khi nào mình nên quản lý, quản lý như thế nào, và không biết khi nào mình nên lãnh đạo.
Trái với những lãnh đạo cấp cao, nhắc lại, chỉ thuần làm về lãnh đạo; và đội ngũ cấp thấp hơn, chỉ thuần làm về chuyên môn; vị trí cấp trung phải đảm bảo đủ chuyên môn để quản lý, hoàn thiện kỹ năng quản lý, đồng thời phải lựa chọn thời điểm lãnh đạo phù hợp, thì mới giúp đội ngũ của mình phát triển, để tiến lên vị trí lãnh đạo cao hơn.
Một số người thường bỏ cuộc trong giai đoạn này. Họ không còn mục tiêu phấn đấu lên vị trí cao hơn nữa, đặc biệt là trong các công ty với phúc lợi ổn định.
Số còn lại tự ra mở công ty riêng (lúc này, họ chính là lãnh đạo cấp cao).
Mặc dù nghe có vẻ hoành tráng, việc ra-riêng theo kiểu này vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Sớm hay muộn, công ty cũng phải mở rộng (hoặc lụi tàn), và những người ra-riêng vẫn sẽ phải đối mặt với bài học “cấp trung” mà họ chưa vượt qua được[2].
Làm sao để hoàn thành tốt đẹp bài học này?
Nếu để quảng cáo, thì bạn phải đi học lớp L&M của Chó Sói mới được. Nếu không phải quảng cáo, thì bạn phải đi học ở đâu có người giỏi như Chó Sói là được [tỷ lệ siêu hiếm nha].
Nhưng nếu bạn vẫn kiên quyết không đi học?
Không sao, luôn có một tỷ lệ những người chịu vùng-vẫy để vượt qua giai đoạn này. Họ va chạm thực tế, đọc thêm sách, tìm người cố vấn…và, có những người đã thành công.
Liệu bạn có thành công được như vậy không?
Chó Sói không biết, vì điều này phụ thuộc vào số lượng “hạt” bạn đang có. Số lượng “hạt” [từ Chó Sói xài, phiên bản độc quyền không được bảo hộ], nghĩa là phụ thuộc vào nền tảng tự nhiên để xem bạn có thể tự học mà không cần được người khác hướng dẫn hay không.
Bạn tự tin chứ?
Tỷ lệ cao nhất là 10%. Hoặc bạn “tẩu hỏa nhập ma”.
Chúc bạn may mắn!
[1] Khách hàng có thể chọn công ty vì uy tín cá nhân của người đứng đầu, nhưng đây là thương hiệu cá nhân, không phải thương hiệu công ty.
[2] Hãy hiểu rằng, nếu bạn không vượt qua được giai đoạn “cấp trung”, thì dù bạn có ra mở công ty, bạn cũng sẽ không tuyển được những quản lý cấp trung đủ điều kiện, vì bạn không biết “điều kiện” là gì!
#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam