Chó Sói hiểu rằng, ngày còn trẻ, đúng-sai đối với mọi người là rất quan trọng. Có nhiều thứ cần phải rạch ròi, và đa phần mọi người (đặc biệt là các bạn trẻ) sẵn sàng theo đuổi tới cùng những lựa chọn của bản thân, miễn là các bạn cho rằng mình đúng.
Có lẽ là do xã hội đã thay đổi, có lẽ là do cách thức và môi trường giáo dục khác nhau, có lẽ là do suy nghĩ, đặc biệt trong môi trường mạng, một số người thậm chí còn hành động và phát ngôn không có một chút giới hạn nào.
Đúng-sai thật sự quan trọng như vậy sao?
Nếu bạn định trả lời là “không”, nó không quan trọng như vậy, thì, thật sự hết sức nguy hiểm. Cho dù là lúc nào, thì đúng-sai vẫn luôn quan trọng. Nó là tiêu chuẩn nền tảng để hành xử.
Vấn đề ở đây, là làm sao bạn biết bạn đang “đúng”?
Phải rồi, đây mới là ý của tiêu đề.
Làm sao bạn biết bạn đang “đúng”?
Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, cái “đúng” của bạn thật ra chỉ là ở vấn đề các bạn đang nói, chứ tuyệt nhiên không nằm ở cách trình bày, hay lời nói, hay hành động được thể hiện.
Tức là, bạn chỉ đang đúng “nội dung”, chứ không đúng về mặt “cách thức”.
Thêm vào đó, đôi lúc “nội dung” chỉ đúng với bạn, chứ không đúng với những người xung quanh. [Ví dụ: bạn ghét những người đi làm vì tiền, nhưng có nhiều người thích những người này, như các Sếp Sales]. Lúc này, cái cần “đúng” hơn lại là “cách thức”. Nếu bạn nói “ai đi làm vì tiền là có vấn đề” thì, các bạn có thể đúng, nhưng cách biểu hiện “bất chấp” đó cũng sẽ khiến cho người ta quên đi “nội dung” các bạn đang trình bày [tức cá-nhân bạn ghét họ], mà chỉ chú trọng vào “cách thức” các bạn đang trình bày mà thôi [tức bạn đang lên án người khác một cách vô căn cứ].
Đặc biệt trong các mối quan hệ, hoặc trong các trường hợp mà lựa chọn chỉ đơn giản là đánh đổi cái này với cái kia [ví dụ như tăng lương thì tốt cho người lao động và sự hài lòng trong nội bộ nhưng không tốt cho lợi nhuận ngắn hạn của các cổ đông và nhà đầu tư], việc chứng minh ai đúng, ai sai không quan trọng bằng việc làm sao để cả hai phù hợp hơn với nhau. Bởi vì, rất nhiều trường hợp là cả hai cùng “đúng”. Nếu muốn thuyết phục người khác hành động theo ý mình, thì cần nhiều hơn cái đúng. Và tất nhiên, đôi lúc cũng chẳng cần đúng.
Biết rõ rằng mình không chỉ cần “nội dung” đúng, mà cần cả “cách thức” đúng, cho từng đối tượng tiếp xúc, vào thời điểm phù hợp nhất, mới gọi là trưởng thành.
Nghĩa là, “nội dung” đôi khi không quan trọng, “cách thức” còn quan trọng hơn nhiều. “Của cho không bằng cách cho”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”… chính là ý nói về việc lựa chọn cách thức và thời điểm tiếp cận phù hợp nhất trong nhiều trường hợp mới là quan trọng. Và nhiều người thất bại không phải vì họ “sai”, mà vì họ đã tiếp cận theo một cách thức hoặc thời điểm “không phù hợp”.
Cho nên mới ra kiểu, “em rất tốt nhưng anh rất tiếc!”
Cần phải nhắc lại, Chó Sói không nói trưởng thành nghĩa là từ bỏ điều mình cho là đúng. Con người không ai làm vậy.
Trưởng thành ở đây, chỉ đơn giản là học cách hiểu, cách nói, cách trình bày, cách ứng xử với những người nghĩ khác, và làm khác mình, sao cho cả hai có thể hoà hợp tốt nhất mà thôi (*).
——–
(*): Tất nhiên, có những lúc không thể “hoà hợp” được, vì sự cực đoan của một số người và một số tình huống. Tham khảo bài viết “Chống lại cả thế giới” để hình dung nền tảng của việc lựa chọn và ra quyết định đúng đắn nhất có thể nha các bạn ơi!
#camnangchosoi #dancongso #kinhnghiemdilam