- Chắc hồi xưa em làm với Sếp sao đó, nên mới có tư tưởng này. Chứ nó không phải là tư tưởng của anh. Anh cũng đâu chắc mình sẽ làm việc tại công ty này đời đời kiếp kiếp, nếu có “offer” tốt thì anh cũng đi thôi à. Nên, em tìm chỗ làm tốt hơn, đúng với nguyện vọng của em hơn, thì có gì không được. Đây không phải là chuyện mình cần phải xấu hổ.
- Anh nói để em hiểu, là lần sau em không cần phải nói dối anh. Có “offer” tốt thì cứ đi. Không cần phải có ý nghĩ mình đang làm gì lầm lỗi cả. Dù anh rất thích chuyên môn của em, có những thứ anh sẽ không đáp ứng cho em được. Hôm nay không, có thể ngày sau cũng không, dù là chức vụ, hay mức lương mong muốn, hay phúc lợi liên quan. Vì mỗi người khi quản team đều có một tiêu chuẩn khác nhau.
- Nhưng cái anh làm được, là anh có thể sắp xếp cho các bạn. Nếu các bạn thất bại, thì cứ về lại. Anh cũng có thể cùng em ngồi cân nhắc, xem “offer” đó tốt không, ổn không, hay công ty em sắp ứng tuyển, nếu anh có thông tin, là chỗ như thế nào, có văn hoá gì, để cung cấp thêm thông tin cho em. Như việc em đi chỗ mới á. Thị trường nhìn rộng thì rộng, chứ khi em lên chức vụ cao, thì thị trường hẹp hơn. Mọi người biết nhau khá nhiều, nên, nếu có điều gì em muốn biết về chỗ mới em đi phỏng vấn, đừng ngại hỏi anh. Nếu biết được gì anh sẽ nói hết cho em nghe, nhé!
Lúc này, bạn đã bình tĩnh lại. Bạn làm việc với Chó Sói cũng đủ lâu. Chó Sói không thích bạn, bạn cũng không thích Chó Sói, cái này từ ngày đầu hai bên đã biết. Nhưng làm việc là làm việc. Trên cương vị người quản lý và lãnh đạo, nhiệm vụ của bạn là hỗ trợ nhân viên hoàn thành công việc tốt nhất có thể.
- Khi em ở trong team, hay dù em phỏng vấn không thành công và về lại team tiếp tục làm việc, KPI của em cũng không đổi. Dù tinh thần em thế nào, thì anh vẫn sẽ có cách quản lý để đảm bảo team không bị ảnh hưởng về năng suất. Tất nhiên mình muốn ở lại thì rất tốt, năng suất có thể cao hơn KPI. Nhưng nếu mình có đường khác muốn đi, chỉ cần đảm bảo KPI thì mình vẫn có thể ở lại thôi. Cứ chậm rãi để chọn công việc tốt hơn. Đi phỏng vấn chỗ khác, em có thể có góc nhìn mới về vị trí công việc cũng như thị trường, đây là một việc rất tốt. Phỏng vấn nhiều thì sẽ biết nhiều hơn. Anh lên tới vị trị này, thậm chí ngay ngày mai em xin nghỉ việc, anh cũng có thể sắp xếp được nha. Xá chi mấy lần phỏng vấn.
- Nên em hãy đi phỏng vấn cho thoải mái, rồi về báo kết quả cho anh. Nếu họ cần “reference” thì có thể để anh làm “reference”. Nếu họ cần mình qua gấp thì nhắn, để anh sắp xếp cho em nghỉ nhanh nhất có thể, không cần đợi 30-45 ngày gì đâu. Khi ở công ty mình làm việc đàng hoàng, ra đi càng phải biết ngẩng cao đầu mà đi, hãy nhớ kĩ điều này, em nhé!
Thậm chí khi bạn có đang là chủ doanh nghiệp, tức bạn chịu ở lại đời đời kiếp kiếp với doanh nghiệp của mình, thì phải hiểu cho nhân viên của bạn, mọi người không thể cam kết được như vậy. Cái mình có thể làm được, là làm sao để mọi người đạt được chất lượng công việc tốt nhất, học được nhiều nhất, phát triển tốt nhất, khi mọi người làm việc với mình. Khi nhân viên “đủ lông đủ cánh”, thậm chí khi họ nghĩ rằng họ đã “đủ lông đủ cánh”, chứ thực tế không phải vậy, thì cũng chẳng có lý do gì cản họ “bay” tới “chân trời” mà họ muốn đi. Lòng trung thành luôn được đánh giá cao, Chó Sói rất hiểu, nhưng không có nghĩa những người lựa chọn rời đi là làm chuyện gì đó “phản bội”, hay xấu xa hết mực. Họ chỉ có lựa chọn khác, do mỗi người đều có mục đích sống và giá trị khác nhau. Bản thân mình như vậy, mọi người cũng như vậy. Mình chọn trung thành thì rất tốt, nhưng ai lựa chọn khác đi, nhắc lại, cũng chẳng có vấn đề gì.
[Còn tiếp]