Hãy hiểu rằng, không có công ty nào “tốt” cho tất cả.
Mỗi công ty, giống như mỗi cá nhân, đều có những điểm khác biệt. Nó có thể là ưu điểm so với người này, nhưng là khuyết điểm so với người kia.
Ví dụ: Có người thì xem chuyện công ty cho làm việc nhiều là chuyện tốt, không cần trả thêm lương, vì họ có cơ hội học hỏi và/hoặc thăng tiến. Có người thì cho rằng công ty muốn làm nhiều phải trả lương nhiều, nếu không thì là không tốt, học hỏi và thăng tiến gì tính sau.
Vậy nên, khi các bạn đọc “review” công ty từ những người nội bộ, cần lưu ý việc review này có thể bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, mục đích và nền tảng của chính người review. Một “review” về công ty đáng tin tưởng nên bao gồm:
- Cả ưu điểm và nhược điểm: Nếu ai review mà chỉ có nhược điểm thì nghĩa là người đó có vấn đề, nếu họ chịu làm ở công ty đó từ 6 tháng trở lên. Còn công ty có thể có vấn đề, nhưng không thể xác định chính xác được bởi vì người review có vấn đề (1). Đặc biệt nếu công ty đó có nợ lương. Nếu công ty nợ lương trên 2 tháng mà người review vẫn chưa nghỉ thì là người review có vấn đề. Vì họ không kiếm được chỗ tốt hơn [do năng lực, mục đích…] hoặc không có lương nhưng có “lậu”, nên ở chung với công ty “tệ” là bình thường. Đó gọi là “ngưu tầm ngưu”, “mã tầm mã”.
- Người review nên làm trên 1 năm: Trừ một số trường hợp đặc biệt, những người làm việc dưới 1 năm review không “chất lượng” lắm, vì cái nhìn của họ thường không đủ bao quát cho toàn bộ công ty, đặc biệt là các công ty trên 50 nhân sự (2). Nên nếu họ viết chỉ về phòng ban của họ hoặc Sếp của họ thì còn tạm được, nếu viết về nguyên công ty thì cần xem xét lại.
- Người review không có động cơ “mờ ám”: Những người review chỉ để đòi quyền lợi, ví dụ vì lương, thì review không đáng tin lắm. Do họ thường cố tình “bóc phốt” đưa sự thật lên nhiều lần, hoặc cố tình che giấu phần sai của mình trong câu chuyện, chứ không đưa hết mọi điều trên thực tế, để lợi dụng dư luận “đe doạ” công ty, yêu cầu công ty trả quyền lợi cho mình để xoá bài. Review “đúng” nên là “review” để mọi người hiểu và cân nhắc “tránh xa” công ty “tệ”, chứ không đòi hỏi hoặc buộc công ty phải trả lại quyền lợi cá nhân. [Đừng hiểu lầm ý Chó Sói, tất nhiên là người review được đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng khi người viết là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thì người đọc phải biết cân nhắc về sự chủ quan để thấy những “mâu thuẫn lợi ích”, và biết tin tưởng đến độ nào là phù hợp].
- Nhưng quan trọng nhất, là người review phải từng đề xuất cải thiện tất cả những điều được nêu trong bài review tới Sếp trực tiếp và công ty một cách cẩn thận, nhưng không được chấp thuận. Tất cả những người không góp ý trực tiếp tới Sếp và công ty mà chỉ lên mạng review là những người làm việc không chuyên nghiệp, nên lời review đó chủ yếu chỉ là than phiền cá nhân chứ không có “chất lượng” gì.
Hãy đọc review công ty một cách cẩn thận, chắt lọc thông tin từ người review, kiểm tra những “dấu hiệu” được đề cập trong bài viết, để đưa ra cho mình một nhận định chính xác nhất. Đừng hùa theo mọi “review”. Cũng cần hiểu, như Chó Sói đã nói từ đầu bài, rằng có những điểm chỉ “tệ” với người review, chứ chưa chắc tệ với chính bản thân bạn. Hiểu người, và cũng hiểu mình, đặc biệt cần hiểu mình nhất, thì đọc thông tin trái chiều mới chính xác nhất. Nhắc lại một lần nữa, mọi công ty trên đời đều có “vấn đề”. Còn bạn thích vấn đề đó hay không, thì bạn phải tự trả lời mới được.
Trong trường hợp bạn đi phỏng vấn, đã nghe qua công ty có “vấn đề” và bạn băn khoăn không biết “vấn đề” đó có đúng [thật] hay không [từ các review], hãy hỏi trực tiếp người phỏng vấn để được giải đáp. Sau đó, tuỳ thuộc vào tính chính xác của đáp án và “tấm lòng” của phỏng vấn viên [vì không phải lúc nào phỏng vấn viên cũng cung cấp câu trả lời đúng cho bạn], cũng như mục đích, nền tảng và hoàn cảnh của bản thân bạn, cân nhắc kĩ lưỡng để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
———-
(1,2): Nếu bạn đọc mà vẫn không hiểu thì là do “hạt” của bạn còn ít, cứ từ từ suy ngẫm thêm nha.
#camnangdilam #kinhnghiemdilam