Tất nhiên, nhận được tin bạn sắp lên chức thường là chuyện vui. Mặc dù vậy, dưới đây là một số trường hợp bạn cần cẩn thận, để tránh việc lên chức trở thành cạm bẫy nguy hiểm vì thiếu sự chuẩn bị cần thiết.

  • Chuyển từ bậc chuyên môn sang bậc quản lý: Làm quản lý, nghĩa là chuyển từ việc “bạn làm” sang việc “nhân viên làm”, nên các kĩ năng chuyên môn vốn giúp sức cho bạn trong những lần thăng chức trước đó trở nên khá “nhỏ bé” so với các kỹ năng cần để quản lý. Hãy xem xét trong 4 phần việc chính của quản lý thì đâu là phần bạn có thế mạnh để phát huy, đâu là phần bạn còn yếu [và bạn sẽ dễ gặp vấn đề gì với nó, tham khảo “nguyên lý Peter” được đề cập tại chương 67] để tập trung cải thiện trước khi thực sự nhận chức.
  • Gia tăng trách nhiệm cho bạn để khiến bạn thất bại: Nghe có vẻ kì-dị, nhưng việc này thường xảy ra tại các môi trường có tính chính trị cao. Khi bạn đang làm ổn, và người ta muốn cho bạn ra-đi nhưng lại không kiếm được lý do chính đáng, người ta sẽ tìm cách thăng chức cho bạn và đưa bạn vào chỗ khó khăn hơn rất nhiều để gánh thêm trách nhiệm; sau đó cho bạn “lên đường” khi nhiệm-vụ không được hoàn thành [thông thường, người ta sẽ đưa bạn vào vị trí lãnh đạo của một đội ngũ đang ở giai đoạn 2]. Trong trường hợp này, việc thăng chức không phải là chuyện vui. Bạn cần lượng sức mình ở cương vị lãnh đạo để, trong một vài trường hợp, phải từ chối lên chức ngay từ đầu hoặc thương lượng rất kĩ về điều kiện để nhận lãnh trọng trách mới [tham khảo thêm tại chương 90 về nghệ thuật thương lượng].
  • “Cầm đèn chạy trước chuyển giao”: Chuẩn bị chuyển giao công việc còn lại quá sớm hoặc nhanh chóng tiếp cận đội ngũ mới để lấy thông tin, mà quên mất mình vẫn chưa chính thức lên chức. Mặc dù chuẩn bị là chuyện tốt, nhưng sự chuẩn bị nên nằm ở khía cạnh cá nhân [tức xem xét về tâm lý và kĩ năng của bản thân, cùng các tình huống khó khăn có thể gặp phải], chứ đừng quá nhanh nhảu khi mọi việc vẫn chưa được ấn định chính thức. Cứ chờ ngày cầm quyết định thăng chức trên tay rồi hãy tính tới các bước chuyển giao, đừng [tỏ ra] gấp gáp như vậy. [Nhiều trường hợp gấp gáp quá làm cấp trên hoặc các bên liên quan ngứa-mắt và rốt cuộc lại dẫn đến chuyện không được thăng chức nữa, quê ơi là quê!].

Nói chung, điều quan trọng nhất vẫn là xem xét lại kiến thức và kỹ năng của bản thân để biết tỷ lệ thành công ở cương vị mới là bao nhiêu. Dù có câu nói truyền thuyết từ ai-đó rằng: “Nếu người ta giao cho bạn cơ hội và bạn chưa biết mình phải làm như thế nào, hãy cứ nhận và sau đó tìm hiểu” thì trừ trường hợp bạn chưa trưởng thành, bạn phải nhận ra nó chỉ là trích dẫn kiểu “một nửa sự thật”. Như Chó Sói đã từng viết ở chương 65: “Dám thất bại không đồng nghĩa với việc cứ để mặc cho mình thất bại. Trên thực tế, bạn phải cố gắng tránh thất bại hết mức có thể, để khi thất bại xảy ra, bạn có thể nhanh chóng xác định được một số nguyên nhân chính, thay vì không thể nhận ra nổi một nguyên nhân chủ đạo nào trong mớ bòng bong do sự thiếu chuẩn bị của mình tạo ra.”

Nó có nghĩa là, bạn chỉ nên nhận một cơ hội mới khi định lượng thành công của bạn ít nhất là 50%. Còn nếu bạn không biết định lượng gì [chưa bàn đến việc định lượng sai do thiếu kiến thức hoặc chủ quan], thì, chà, công ty cũng thật kì-lạ trong việc cho bạn thăng chức và bạn cũng thật kì-lạ trong việc nhận chức. Bạn sẽ rất khó để thành công [và hạnh phúc] trong tương lai, còn nếu xui mà rơi vào trường hợp “thăng chức để thất bại”, thì thú thật với Chó Sói cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

#camnangdilam #kinhnghiemdilam

Author

Write A Comment