Thật ra, chương này có vẻ “nhẹ nhàng” so với quyển 3. Mặc dù vậy, do có nhiều bạn hỏi cũng như để xác nhận lại bản quyền, Chó Sói nhắc về một nguyên tắc được Chó Sói sáng tạo và sử dụng trong suốt những năm qua, khi nói về tiêu chuẩn để đánh giá một bài thuyết trình hiệu quả.
Đối với Chó Sói, bài thuyết trình hiệu quả cần tuân thủ theo nguyên tắc SPEAK, trong đó:
S: Simple. Bài thuyết trình hiệu quả cần đơn giản, để mọi người có thể hiểu và nhớ được. Nếu có nhiều thuật ngữ hoặc chi tiết chuyên ngành, bạn cần chuyển nó thành các ví dụ để bất cứ người bình thường [ngoài chuyên ngành] nào cũng có thể hiểu được. Trong một số trường hợp mà lời nói không có hiệu quả lắm, hãy chuyển sang dùng hình ảnh, hoặc video để minh hoạ, thay vì phải diễn giải.
P: Passionate. Bạn chỉ nên thuyết trình về chủ đề mà bạn yêu thích, bởi mọi người có thể quan sát và cảm nhận ra “năng lượng tích cực” mà bạn truyền tải trong suốt quá trình thuyết trình. Ngoài ra, do đó là chủ đề mà bạn yêu thích, bạn thường sẽ chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan nhiều hơn, thay vì chỉ gói gọn trong nội dung được “phân công”. Điều này rất có lợi khi quá trình hỏi-đáp xảy ra.
E: Engaging. Từ này được hiểu rằng bạn phải cung cấp sự “gắn kết” cho mọi người đối với bài thuyết trình của bạn, tức tại sao mọi người lại phải lắng nghe bạn [hay chủ đề bạn đang thuyết trình], thay vì dành thời gian nghe nhạc, xem phim. Họ sẽ dùng nó để giải quyết những vấn đề gặp phải trong công việc, hay cuộc sống, như thế nào? Theo cách nào thuận tiện nhất? Đôi khi, bạn cần cung cấp điều này qua những bài kiểm tra, hoặc một vài hoạt động đơn giản cho những người tham dự, để họ hiểu hơn về “những điều họ tưởng mình đã biết”.
A: Accurate. Các trích dẫn và số liệu của bạn, cũng như các từ được sử dụng nên chính xác, từ nguồn gốc tới định nghĩa. Dù câu “ngân sách cho chương trình khoảng 160 triệu” nghe cũng chấp nhận được, thì câu “ngân sách cho chương trình là 163.527.000 VNĐ” nghe thuyết phục và chính xác hơn, dễ nhận được sự tin tưởng hơn rất nhiều.
K: Kind. Trong rất nhiều tình huống, bài thuyết trình có giá trị bởi vì nó chỉ những điểm sai lầm của người khác, những điều người khác chưa làm được, và cách bạn khắc phục các sai lầm đó. Do vậy, nhiều thời điểm, nó khiến mọi người khó chịu, vì “sự thật mất lòng”. Do đó, bạn cần chỉ ra điểm sai của mọi người, theo một cách lịch sự và tử tế nhất có thể. Người nghe đôi lúc có thể nổi nóng [vì bị động chạm vào “cái tôi”, hay thể diện], nhưng bạn luôn phải hành xử một cách lịch sự nhất trong suốt thời gian thuyết trình [lưu ý, lịch sự chứ không phải “thảo mai”!].
Nguyên tắc SPEAK, mở rộng ra, là tiêu chuẩn mà bạn có thể luôn dùng để cân nhắc trước mỗi lần phát ngôn, giúp giao tiếp hiệu quả hơn. Nó đặc biệt có thể kết hợp với mô hình EAR, trong việc lắng nghe, để phát huy hiệu quả của cả hai quá trình quan trọng trong cuộc sống.
#camnangdilam #kinhnghiemdilam #camnangchosoi #nguyentacspeak