Author

Chó Sói

Browsing

Nghe tên chương có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra dễ hiểu lắm. Lực lượng mở rộng, Chó Sói muốn nói về lực lượng quản lý cấp trung.

Tức là, khi một công ty bắt đầu muốn mở rộng quy mô, thì chất lượng của sự mở rộng phụ thuộc vào chất lượng quản lý và lãnh đạo của đội ngũ cấp trung ở công ty, chứ không phải đội ngũ cấp cao [thuần về lãnh đạo] hay cấp thấp [thuần về chuyên môn].

Khi một công ty mới được thành lập, sự tồn tại của nó phụ thuộc vào đội ngũ làm chuyên môn. Người đứng đầu công ty phải vững vàng về chuyên môn. Khách hàng chọn công ty giai đoạn này cũng là vì chuyên môn[1] (công ty chưa thể tạo dựng thương hiệu ngay lập tức).

Sau khi công ty bắt đầu có lượng khách hàng ổn định, số lượng nhân sự gia tăng, để đáp ứng được yêu cầu công việc, sẽ có hai chuyện xảy ra: Một là đội ngũ cấp cao thăng chức cho một số đối tượng có chuyên môn lên làm công việc quản lý [và lãnh đạo], vì họ không thể trực tiếp quản lý hết được. Đối với chuyên mục này, điều cần thiết là cẩn thận về nguyên lý Peter, đã được Chó Sói đề cập ở Chương 67.

Chuyện thứ hai, là thuê người bên ngoài về để quản lý đội ngũ chuyên môn (do đội ngũ hiện tại không thể hoặc chưa đủ để lên làm quản lý). Lúc này, vấn đề là ở khâu tuyển người.

Nên hiểu rằng, việc đưa sai người lên làm quản lý cấp trung sẽ khiến công ty không thể mở rộng quy mô được. Thực tế cần nhìn nhận, là quản lý cấp trung cũng là công việc khó hoàn thiện nhất.

Nếu bạn để ý, bạn sẽ nhìn ra, số lượng người bị kẹt ở vị trí cấp trung khá đông. Lý do chính, đa phần là do họ không phân biệt được công việc mình cần phải làm.

[Đoạn bên dưới chứa nội dung quảng cáo có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].

Tức là, không biết khi nào mình nên quản lý, quản lý như thế nào, và không biết khi nào mình nên lãnh đạo.

Trái với những lãnh đạo cấp cao, nhắc lại, chỉ thuần làm về lãnh đạo; và đội ngũ cấp thấp hơn, chỉ thuần làm về chuyên môn; vị trí cấp trung phải đảm bảo đủ chuyên môn để quản lý, hoàn thiện kỹ năng quản lý, đồng thời phải lựa chọn thời điểm lãnh đạo phù hợp, thì mới giúp đội ngũ của mình phát triển, để tiến lên vị trí lãnh đạo cao hơn.

Một số người thường bỏ cuộc trong giai đoạn này. Họ không còn mục tiêu phấn đấu lên vị trí cao hơn nữa, đặc biệt là trong các công ty với phúc lợi ổn định.

Số còn lại tự ra mở công ty riêng (lúc này, họ chính là lãnh đạo cấp cao).

Mặc dù nghe có vẻ hoành tráng, việc ra-riêng theo kiểu này vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Sớm hay muộn, công ty cũng phải mở rộng (hoặc lụi tàn), và những người ra-riêng vẫn sẽ phải đối mặt với bài học “cấp trung” mà họ chưa vượt qua được[2].

Làm sao để hoàn thành tốt đẹp bài học này?

Nếu để quảng cáo, thì bạn phải đi học lớp L&M của Chó Sói mới được. Nếu không phải quảng cáo, thì bạn phải đi học ở đâu có người giỏi như Chó Sói là được [tỷ lệ siêu hiếm nha].

Nhưng nếu bạn vẫn kiên quyết không đi học?

Không sao, luôn có một tỷ lệ những người chịu vùng-vẫy để vượt qua giai đoạn này. Họ va chạm thực tế, đọc thêm sách, tìm người cố vấn…và, có những người đã thành công.

Liệu bạn có thành công được như vậy không?

Chó Sói không biết, vì điều này phụ thuộc vào số lượng “hạt” bạn đang có. Số lượng “hạt” [từ Chó Sói xài, phiên bản độc quyền không được bảo hộ], nghĩa là phụ thuộc vào nền tảng tự nhiên để xem bạn có thể tự học mà không cần được người khác hướng dẫn hay không.

Bạn tự tin chứ?

Tỷ lệ cao nhất là 10%. Hoặc bạn “tẩu hỏa nhập ma”.

Chúc bạn may mắn!

[1] Khách hàng có thể chọn công ty vì uy tín cá nhân của người đứng đầu, nhưng đây là thương hiệu cá nhân, không phải thương hiệu công ty.

[2] Hãy hiểu rằng, nếu bạn không vượt qua được giai đoạn “cấp trung”, thì dù bạn có ra mở công ty, bạn cũng sẽ không tuyển được những quản lý cấp trung đủ điều kiện, vì bạn không biết “điều kiện” là gì!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Bởi đáp án, luôn là thứ có thể thay đổi. Một thứ có thể dùng để giải thích câu hỏi ngày hôm nay, có thể sẽ rất khác vào ngày mai.

Nên việc cần làm, thói quen cần làm, để bạn giỏi “common sense” hơn, là đặt ra nhiều câu hỏi “Tại sao” hơn!

Dễ vậy đó, mà sao ít người làm thế nhỉ?! (Cười)

[Đa phần trẻ con hành xử “đúng” hơn người-lớn, dù người-lớn không nhận ra, là bởi vì trẻ con thường đặt ra nhiều câu hỏi “Tại sao” hơn. Thói quen này dễ mất đi theo thời gian, dưới ảnh hưởng của 82% những bậc làm cha mẹ, hoặc làm Sếp!]

Chương này thật quá dài!

Tựu chung lại, nếu bạn muốn mình giỏi hơn về “common sense”, đây là một quy trình gợi ý đơn giản. Đối với bất kỳ hành động nào của mọi người, hãy đặt ra thứ tự câu hỏi sau:

  1. Mọi người đã biết gì, và đã nghĩ gì (trước) khi hành động?
  2. Nó có hợp pháp không? Hoặc có tuân theo những thỏa thuận chung nào không? (Đây, ai muốn lách luật thì nhào vào đây, để trả lời!)
  3. Nếu nó hợp pháp, tại sao người ta lại hành động như vậy? Vào lúc này? Với đối tượng đó? Và quan trọng hơn, nếu nó không hợp pháp [hoặc phá bỏ thỏa thuận chung], tại sao người ta vẫn hành động như vậy? Vào lúc này? Với đối tượng đó?

Như vậy, bạn sẽ nhận ra, “common sense”, tức căn cứ của sự hợp lý, là mối tương quan giữa hành động với lượng thông tin mà bạn có được từ những câu hỏi nói trên. Bạn càng có nhiều thông tin đúng thông qua các câu hỏi, bạn càng có được bức tranh hợp lý vì nó toàn cảnh, rõ ràng và dễ xử lý hơn.

Điều này quan trọng đến độ nào?

Khi bạn quen với quy trình này, bạn sẽ tự có cho mình những hành xử tương thích cho từng hành động của mọi người, đối với bạn. Bạn sẽ hiểu được rằng, có những điều cho dù bạn có ý tốt [hoặc bạn cho là tốt], thì cách thức tiếp cận và mức độ ảnh hưởng của bạn, đối với mọi người, là điều cần phải cân nhắc đầu tiên, tương ứng với đáp án cho từng câu hỏi “tại sao”.

Còn nếu bạn vẫn không muốn áp dụng?

Không sao, bẫy 1 và bẫy 2 luôn chờ đợi bạn! Chúc bạn may mắn!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Nếu bạn thấy đỡ hơn rồi, thì chỉ còn phần cuối nữa thôi. Phần cuối mới là tiền đề của triết-học, cũng là phần chính của sự rối rắm. Cụm từ “để sống một cách an toàn và hợp lý”.

Phần dễ hiểu nhất, và dễ thực hành nhất, là “sống một cách an toàn”. Đơn giản không thể thêm bớt, đó là “hãy tuân thủ pháp luật” [hoặc các thỏa thuận mà bạn đã đồng ý]. Và hãy nhớ, “lách luật”, cũng là một phần của việc “tuân thủ pháp luật”. Làm những gì không bị cấm, nghĩa là phải biết cái gì đang bị cấm. Khá an toàn!

Nhưng “sống một cách hợp lý”, rốt cuộc là cái gì?

Nếu nhìn từ gốc, thì “reasonable” xuất phát từ chữ “reason”, nghĩa là “lý do”. Hành động một cách hợp lý, suy cho cùng, là hành động có lý do, tức là nói về động cơ của hành động.

“Tại sao bạn lại làm điều đó?”

“Tại sao bạn lại làm điều đó vào lúc này?”

“Tại sao bạn lại làm điều đó với người đó, mà không phải với ai khác?”

“Tại sao?”

Sau này, khi khôn ngoan hơn, bạn sẽ nhận ra: Những người hợp lý nhất mà bạn nên biết, hoặc nên học, không phải là những người luôn đưa cho bạn đáp án.

Mà là những người biết cách dạy bạn đặt đúng câu hỏi.

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Vậy, rốt cuộc, định nghĩa về “common sense” nên được hiểu như thế nào?

Trái với sự phức-tạp được hình dung hơi quá, hãy nhìn lại định nghĩa một lần nữa. Như những từ ngữ vốn có của nó, việc đầu tiên cần làm để xác định hành động của ai đó có hợp lý không, là căn cứ họ hành động dựa trên “những kiến thức và nhận định thực tiễn” nào?

Tức là, họ biết gì, và không biết gì (kiến thức) liên quan tới hành động đó?

Ví dụ dễ hiểu, là “em có biết theo luật pháp Việt Nam, thì con trai 20 tuổi mới được đăng ký kết hôn không?”

Cái thứ hai, là khi biết (hoặc không biết) kiến thức đó, thì họ đã có những nhận định riêng nào, cho bản thân?

Ví dụ dễ hiểu, là “em biết con trai Việt Nam 20 tuổi mới được kết hôn, em thấy quy định như vậy có đúng không, hay sai, hay 18 tuổi là được rồi (thậm chí 15 tuổi là được rồi)?”, chẳng hạn.

Tiếp theo, là xác định “mức độ cơ bản mà mọi người cần”. Mức độ cơ bản cho một kiến thức hoặc đánh giá, là một chuyện vẫn luôn gây tranh cãi. Tuy nhiên, về mặt bản chất, “mức độ cơ bản mà mọi người cần” được xác định dựa trên một điều, đó là: sự đồng thuận của chính mọi người. “Chúng ta đồng thuận A là mức độ cơ bản!”.

Xét đến một hành động trong xã hội, thì mức độ cơ bản mà mọi người đều đồng thuận, chính là các quy định của pháp luật. Luật pháp cho phép hoặc không cho phép, biết hoặc buộc phải biết…, đó là cái gọi là mức độ cơ bản.

Đến lúc này, bạn sẽ nhận ra, lý do Chó Sói nói rằng “số đông mọi người rất yếu về “common sense””, đó là vì đa phần mọi người không có nhiều hiểu biết về pháp luật (tệ nhất, là cho lĩnh vực mà mình đang hoạt động). Bên cạnh đó, hệ thống tư pháp để hỗ trợ việc nghiên cứu và thực hành pháp luật cũng khá yếu (như một số nước, căn cứ cho việc “hỗ trợ tư pháp” chính là số luật sư/dân, hoặc quyền của luật sư, cách thức bổ nhiệm thẩm phán và công tố, quyền của thẩm phán và công tố…).

Hãy hiểu rằng, việc thông qua một bộ luật nào đó, chính là căn cứ dùng để xác định “mức độ cơ bản” cho một (số) loại hành động trong xã hội.

Trong các tổ chức, công ty…, những nội quy (không trái pháp luật) chính là mức độ cơ bản. Trong một team, một nhóm nhỏ hơn, đó là những quy tắc đã được thỏa thuận (không trái pháp luật). Hãy hiểu rằng, cái hợp lý nhất, đối với một cộng đồng, là cái được nhiều người đồng tình nhất.

[Điều này lý giải cho việc các nhóm thiểu số, các đối tượng cá biệt thường rất khó chứng minh rằng hành động riêng lẽ của mình là hợp lý, trong mắt mọi người. Họ thường chỉ cố chứng minh là nó hợp pháp thôi!]

Bạn thấy đỡ hơn chút nào chưa? Ý Chó Sói là, bạn đã thấy dễ hiểu hơn chút nào chưa? Nếu chưa, cứ quay lại bẫy 1 hoặc bẫy 2, vậy cho nó nhanh, nha bạn! (Cười)

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Với 82% phụ huynh rất-hợp-lý như trên, các bạn trẻ, hay còn gọi là nhóm những-người-đi-sau, gặp vấn đề lớn trong việc tìm ra căn cứ hợp lý cho chính mình. Các bạn nảy sinh khá nhiều mâu thuẫn, và trong quá trình đi tìm kiếm đáp án để giải thích các mâu thuẫn, thì rơi vào cái bẫy thứ hai.

Chó Sói gọi nó là “bẫy thần tượng”, tức là, chọn một người mình hâm mộ, và cho rằng tất cả những gì người đó làm là hợp lý. Ai khác thần tượng là không hợp lý.

Hãy nhìn tình huống này: Thần tượng của một số bạn trẻ nói rằng, bạn đi làm phải biết ơn những người chủ công ty, vì họ đã cho bạn cơ hội học tập và còn trả lương cho bạn. Đặc biệt khi hoàn cảnh thị trường khó khăn, nếu họ vẫn còn trả lương cho bạn, thì bạn phải biết ơn họ đến-ngàn-lần.

Nếu bạn vẫn không thấy được vấn đề, thì chà, bạn đừng nên quản lý doanh nghiệp. May mắn thay (!), lại có 82% những người quản lý giống như bạn.

Hãy hiểu rằng, số đông mọi người rất yếu về “common sense”, vì họ rất dễ mắc bẫy. Hoặc tệ hơn, là họ cho rằng họ không mắc bẫy!

Nhưng nếu bạn, hoặc thuộc 18% những người khác-biệt, hoặc muốn chuyển qua nhóm 18% này, thì bạn phải làm gì? Muốn giải quyết bất kỳ vấn đề nào từ tận gốc rễ, thì đương nhiên phải đi về gốc rễ.

Tức là, giải quyết cái định nghĩa triết-học kia.

Chết tiệt thật!

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Theo định nghĩa trong từ điển, thì common sense là: “the basic level of practical knowledge and judgment that we all need to help us live in a reasonable and safe way”.

Tạm dịch ra tiếng Việt, nghĩa là: “Những kiến thức và nhận định thực tiễn ở mức độ cơ bản mà mọi người cần để sống một cách an toàn và hợp lý.”

Tất nhiên, sau khi nghe (đọc) xong, nhiều người sẽ nhảy dựng lên ngay. Và ai nhảy dựng lên, đều là những người có “độ suy nghĩ” nhất định. Chúng ta đánh giá sự hợp lý, bằng một định nghĩa kỳ-dị, có cái từ “hợp lý”. Tức là, nhìn tổng quan, cái xem xét sự hợp lý chính là sự hợp lý.

Rõ vớ vẩn!

Như những tiền đề có phần triết-học khác, rất nhiều người đến đây, đã bỏ cuộc. Và thế là, họ quyết định chọn ra một kiểu căn cứ, làm nền tảng cho sự hợp lý.

Đó chính là: bản thân họ.

Có nghĩa là: nếu anh làm gì đó để kiếm tiền, và anh kiếm ra nhiều tiền, thì những gì anh làm là hợp lý nhất. Mọi người cũng “nên” làm như anh.

Đây, chính là cái bẫy đầu tiên có trong tiêu đề: Dùng những suy nghĩ và hành động của mình để làm căn cứ cho sự hợp lý. Ai làm khác mình là bất hợp lý.

Đối tượng dễ rơi vào cái bẫy đầu tiên này, chính là những-người-đi-trước. Tức những bậc làm cha làm mẹ, hay những nhà quản lý tại công ty.

Hãy nhìn tình huống này: Một phụ huynh đến gặp Chó Sói để nhờ tư vấn về trường hợp kết quả học hành sa sút của con mình. Sau vài thông tin chung, Chó Sói hỏi ra được là bạn trẻ đã từng chia sẻ với chị, rằng mình đang bị bạn học tẩy chay. Chó Sói hỏi phụ huynh, là chị đã hướng dẫn con như thế nào. Chị nói: “Chị kêu nó cứ tập trung học đi. Kệ bạn bè, nó không chơi với mình thì thôi. Mình cứ học cho giỏi là được!”

Nếu bạn vẫn không thấy được vấn đề, thì chà, bạn đừng vội có con. May mắn thay (!), có 82% phụ huynh giống như bạn.

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Trong công tác tuyển dụng, có một nguyên tắc phỏng vấn được khá nhiều công ty sử dụng, gọi là nguyên tắc STAR. Ngắn gọn lại, thì để làm rõ ý nghĩa câu trả lời của một ứng viên, ta cần tìm hiểu về S/T (Situation/Task) tức hoàn cảnh và nhiệm vụ đặt ra cho ứng viên, ứng viên đã hành động như thế nào (A: Action), và mang lại kết quả gì (R: Result). Đây là một nguyên tắc hợp lý, nhưng tiếc thay, đa phần người ứng dụng nó lại không hiểu rõ về bản chất của sự hợp lý.

Tức là, hành động hợp lý nhất trong một tình huống là gì?

Nói cách khác, bạn, với tư cách là người nghe, đã dùng căn cứ gì để đánh giá cho sự hợp lý của một hành động. Tại sao bạn lại cho rằng một hành động là hợp lý hơn một hành động khác, trong cùng một bối cảnh?

Nếu bạn chưa từng đặt ra câu hỏi này, thì chà, bạn đừng nên làm người tuyển dụng nhé. May mắn thay (!), như Chó Sói từng viết (trong chương 79 và 80), có 82% những nhà tuyển dụng trên thị trường cũng đang hành xử giống như bạn.

18% còn lại, chắc các bạn đã hiểu về tiêu đề của bài viết này.

Và đúng như những gì bạn đang hiểu, căn cứ để đánh giá cho sự hợp lý của hành vi con người, trong một hoàn cảnh nhất định, được gọi là “common sense”.

Vậy, common sense là gì?

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Những ngày này, nếu mở mắt ra, bạn có thể sẽ nghe tin ai đó vừa mất việc, hoặc nghỉ không lương. Cũng có khi, người đó là chính bạn. Công ty giúp bạn sống “an toàn” những ngày trước, giờ đây không còn nữa.

Bạn phải làm gì bây giờ?

Tất nhiên, việc đầu tiên là kiểm tra tài khoản của bạn. Bạn có thể sống sót thêm bao nhiêu tháng nữa?

Đến lúc này, bạn sẽ nhận ra. À, hóa ra tiết kiệm là một việc bạn nên làm. Có thể là sớm hơn, với nhiều người. Có những người đang rất vất vả để sống thêm một hai tháng nữa.

Nhưng, cũng đến khi đụng vào số tiền tiết kiệm “xương máu”, bạn mới nhận ra. À, nó ít ỏi hơn bạn tưởng, dù bạn rất cố gắng tiết kiệm. Giả sử bạn có thể tồn tại thêm 02 tháng, lúc này bạn chắc chắn nghĩ đến chuyện bắt đầu làm (tạm) một công việc khác.

Bạn nhận ra, à, hóa ra một nguồn thu nhập, thường là không đủ. Với những gia đình chỉ có chồng/vợ đang đi làm, nó sẽ còn tệ hơn. Hai, hay bốn người, chỉ có một nguồn thu nhập, là không bao giờ đủ. Không phải chuyện một nguồn có đủ lớn để “nuôi dưỡng” 4 người hay không, mà vấn đề đơn giản là nó chỉ có một nguồn thôi. Một nguồn thu nhập, không bao giờ đủ an toàn, dù chỉ cho một người.

Rồi giả sử bạn đang không có tiết kiệm, hoặc có nhưng không đủ trả, cho một số khoản nợ nào đó, ví dụ như tiền thẻ tín dụng, tiền vay ngân hàng trả góp nhà, xe hay tiền vay tiêu dùng cá nhân…, khi bạn bị ngắt đi nguồn thu nhập chính. Lúc này, bạn hoang mang tột độ. Thứ nợ mà bạn tưởng chừng luôn có thể trả, lúc này đang vuột khỏi tầm tay của bạn.

Bạn nhận ra, đáng lẽ mình nên chi tiêu hợp lý hơn.

Rồi ngày trả nợ càng đến gần, chắc chắn, bạn sẽ bắt đầu làm một chuyện, đó là huy động tiền từ những nguồn xung quanh, để trả nợ.

Là ba mẹ bạn, hay anh chị em, hay bạn thân, hay bạn bè…? Lúc này, bạn lại chợt nhận ra…

Hoặc là bạn tưởng một số người có điều kiện hơn bạn, nhưng thật ra họ cũng không hề “an toàn”, giống như bạn.

Hoặc là bạn nhận ra một số mối quan hệ không được như bạn nghĩ, bạn có những người bạn “thân ai nấy lo”.

Lúc này, bạn thất vọng, hay tức giận, hoặc cả hai. Điều đó không quan trọng. Nhưng, nó nhắc bạn về một thực tế cuộc sống.

À, cái mà bạn nghĩ, cái mà bạn tưởng, không phải là sự thật. Bạn biết rằng, mình nên quan sát nhiều hơn, và để ý nhiều hơn.

Bạn cũng nên lọc lại một số mối quan hệ.

Và, đi qua tất cả những điều trên. Nếu bạn có thể vượt qua giai đoạn này, bạn sẽ nhận ra. À, bạn đang làm gì đúng. Bạn đang mở rộng nguồn thu nhập, tối ưu hóa đầu tư, hay đơn giản, là chọn đúng người để “chơi” cùng…

Rồi bạn nhận ra một thứ quan trọng hơn nữa.

Tất cả những gì bạn xem là ổn định, là “an toàn”, đều có thể mất đi, chỉ trong một ngày. “An toàn” là một trạng thái tĩnh, không kéo dài lâu, và bạn thường ảo tưởng về sự-lâu của nó.

Cái bạn nên làm, để luôn “an toàn”, là thích nghi với sự thay đổi. Là dự trù những sự thay đổi. Là chuẩn bị những kiến thức mới, kỹ năng mới, quan hệ mới [hoặc làm mới quan hệ]…để luôn có thể “làm gì đó” khi chuyện-xấu xảy ra.

Nhắc lại, chữ “an toàn” đó, rất ngắn!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Nếu bạn thắc mắc vì sao có nhiều người thất hứa với bạn, thì Chó Sói xin nói một trong những lý do thiết yếu nhất, đó là họ cũng thường xuyên thất hứa với chính bản thân họ!

Nặng thì có những mục tiêu lớn và dài hạn, như giảm cân, tiết kiệm, trả nợ, học thêm kỹ năng…Nhẹ thì có những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn hơn, như giặt đồ, tập thể dục, khám sức khỏe…Bản thân không giữ được lời hứa với chính mình, nói gì giữ lời hứa với người khác. Làm những thứ có lợi cho mình còn không làm được, thì làm những thứ có lợi cho người đương nhiên thất bại thôi.

Chó Sói gần như không xài từ “hứa”, vì với Chó Sói, lời đã nói chính là lời hứa. “Công ty sẽ phản hồi cho bạn trong vòng 2 tuần”, “Mình sẽ trả nợ cho bạn trong vòng 3 ngày”, “Tao sẽ tới chỗ đó vào lúc 8 giờ”, “Anh sẽ không bao giờ ngoại tình nữa”…Nhiều người giỏi hứa hẹn, chỉ không [hoặc ít] bao giờ làm.

Vậy nên, đừng tin lời mọi người hứa. Hãy nhìn giá trị sống và cách hành xử của họ. Người giữ chữ tín ít nói, nhưng chỉ cần họ nói, thì đó đã là lời hứa, không cần gì thêm nữa. Nhắc lại, hãy nhìn vào chuỗi hành vi của một người, để đánh giá có hệ thống việc giữ lời của họ!

Gửi những người hay thất hứa: Không giữ lời cũng là một loại nghiệp. Hãy tôn trọng chính mình!

#camnangdilam #dancongso

 

  • Rà soát lại công việc của bạn: Hãy chuẩn bị một bản báo cáo tổng hợp về những nhiệm vụ chính bạn đã và đang làm, cộng với những ghi chú cần thiết khác. Bạn sẽ phải ngồi lại với Sếp mới sớm thôi, nên tốt nhất là thể hiện rõ bạn biết mình đang làm gì tại công ty.
  • Chỉnh đốn lại tác phong làm việc: Sếp mới đương nhiên không hiểu rõ về bạn như đội ngũ hiện tại, càng không biết về những “quy tắc ngầm” đang tồn tại trong team, nên trước khi gặp được Sếp mới để trao đổi và thống nhất lại quy tắc, hãy cẩn trọng về giờ giấc, trang phục, ngôn ngữ trao đổi…trong thời gian làm việc.
  • Hợp tác với Sếp mới, hoặc ít nhất giữ thái độ trung lập: Khi có sự thay đổi diễn ra, rất nhiều người trong team bạn có thể sẽ ra mặt phản đối Sếp mới, và kêu gọi bạn tham gia vào liên-minh-ma-quỷ. Trong những thời điểm như thế này, thì việc hợp tác với Sếp mới, hoặc ít nhất giữ trung lập, sẽ tốt cho bạn hơn.

Nhưng nếu bạn vẫn quyết tâm tham gia vào liên-minh-ma-quỷ?

Không vấn đề gì, bạn chỉ cần chuẩn bị tinh thần nghỉ việc. Đặc biệt khi bạn là thành viên tích cực (!) của liên-minh. Các Sếp mới khi tiếp quản team thường phải đưa ra một số quyết định về nhân sự, mà cao-cấp nhất, là quyết định “thay máu”.

“Thay máu nhân sự”, nghĩa là cơ cấu lại ít nhất 50% những vị trí chính và thay bằng những người mới được tuyển vào, để giúp kiểm soát hoặc loại bỏ liên-minh-ma-quỷ. Một học viên cũ của Chó Sói, gần đây đảm nhiệm vị trí Giám đốc Marketing cho một tập đoàn đa quốc gia, có gặp Chó Sói để nhờ tư vấn làm sao cho việc “thay máu” mượt mà hơn. Cần được tư vấn, điều đó đồng nghĩa với việc, “thay máu nhân sự” là điều không người quản lý mới nào muốn làm, trừ khi họ buộc phải làm, vì nó cực kỳ tốn công sức.

Và không chỉ tốn công sức, nó còn đòi hỏi trình độ quản trị cao, mà không phải vị Sếp mới nào cũng biết cách làm.

Thế nhưng, Chó Sói vẫn khuyên bạn không nên tham gia vào liên-minh-ma-quỷ. Hãy hợp tác tốt với Sếp mới, bởi vì khi đã hợp tác hết mình và nhận ra Sếp mới quá tào lao, bạn có thể chủ động nộp đơn nghỉ việc mà không cần tham gia vào liên minh nào.

Còn ở chiều ngược lại, nếu mọi thứ tốt đẹp, bạn đương nhiên có thêm một cơ hội quý giá, như để học hỏi chuyên môn từ Sếp mới hay phát triển một mối quan hệ cá nhân tốt đẹp hơn.

Nói chung, dù thế nào cũng đừng bao giờ khinh thường Sếp mới [rộng ra là mọi cấp trên trực tiếp] của bạn. Nếu bạn tham gia vào liên-minh-ma-quỷ, bạn càng cần phải thận trọng hơn. Có nhiều cách để Sếp mới ra đi, nhưng vẫn có rất nhiều người sẽ phải ra đi trước khi Sếp mới ra đi. Nếu bạn không giữ được sự trung lập, bạn có thể trở thành “con gà” đầu tiên phải chia tay đội ngũ trong chiến lược “giết gà dọa khỉ” của việc “thay máu”. Nhắc lại, hãy cẩn trọng!

#camnangdilam #yeudancongso