Author

Chó Sói

Browsing

Hãy tưởng tượng vào một sáng thứ hai đầu tuần, như mọi khi, bạn đang nhâm nhi tách cà phê và ung dung mở máy tính lên chuẩn bị làm việc thì thấy đại diện phòng nhân sự bước tới. Bên cạnh là một khuôn mặt trầm lắng, chậm rãi nhìn xung quanh và nhẹ mở nụ cười khi được giới thiệu: “Từ bây giờ, anh Sư tử sẽ là quản lý mới của các bạn!”.

Bạn bần thần, và thôi không tưởng tượng nữa. Bạn mở máy tính lên. Email thông báo ở ngay màn hình. Vậy là, bạn không có tưởng tượng. Bạn đã chính thức có Sếp mới!

Điều này có ý nghĩa gì?

Nếu bạn đã làm ở công ty từ 6 tháng trở lên và cho đến tận ngày thứ hai đó (hoặc trước đó một hai ngày) mà bạn mới được biết tin thì xin chúc mừng, điều này có nghĩa là bạn ăn ở rất có vấn đề. Hãy cải thiện ngay lập tức.

Ý là về mọi thứ có thể!

Nhưng, như 60% những người ăn ở không đến nỗi tệ khác, bạn đã biết tin này từ trước đó vài tuần. Bạn chỉ không biết chính xác khi nào Sếp mới xuất hiện, và bàng hoàng thay, đó chính là hôm nay.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo, là bạn nên làm gì?

Bất kể bạn đang mưu tính gì, thì điều đầu tiên bạn cần làm, đó chính là…

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso

Tùy vào mức độ trưởng thành, mà sẽ đến lúc bạn biết được mình đã làm sai điều gì, đã làm sai ở đâu, và đã làm sai với ai. Sớm cũng được, muộn cũng được, rồi cũng tới thời điểm, mà bạn phải cất lên lời xin lỗi.

Thật ra, lời xin lỗi tuy dành cho người bị bạn tổn thương, nhưng chủ yếu lại khiến bạn nhẹ nhõm nhiều hơn. Bởi vì không phải loại tổn thương nào cũng có thể lành, cho dù bạn thành tâm xin lỗi.

Nhưng, bạn vẫn phải học cách xin lỗi, bởi xin lỗi là điều cực kỳ khó chịu. Bởi xin lỗi, là dẹp bỏ cái tôi ngạo nghễ để lớn khôn. Bởi xin lỗi, là nhận ra mình cần phải chiến thắng quá khứ, để bước tiếp.

Có đôi khi, bạn phải mất hàng năm trời, để học cách xin lỗi. Hoặc để đối diện với một người nào đó mà mình còn nợ họ, cho một lời xin lỗi chân thành.

Như một học viên của Chó Sói từng nói, xin lỗi phải đi kèm với sự thay đổi. Nếu không, đó chỉ là ngụy biện cho qua chuyện. Bạn cần xin lỗi ai: gia đình, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, người yêu? Thay đổi từ cách xin lỗi, cho đến lời xin lỗi, cho đến hành xử sau khi nhận lỗi, đó gọi là trưởng thành.

Hãy trưởng thành, từ những lời xin lỗi!:)

#camnangdilam #dancongso

Đi làm, có đủ thứ chuyện vui buồn. Nhưng có một điều bạn cần nhớ, là không được khóc trước mặt đồng nghiệp.

Gặp chuyện ấm ức, thì về nhà rồi khóc. Đồng nghiệp thấy mắt bạn đỏ hoe, nhẹ thì than yếu đuối quá, nặng thì nói “cá sấu” quá. Là thứ phiền nhiễu.

Gặp chuyện vui sướng, thì về nhà rồi khóc. Đồng nghiệp thấy nước mắt rơi, nhẹ thì nói sống cảm xúc quá, nặng thì nói “diễn sâu” quá. Là thứ ngứa mắt.

Khách hàng bắt nạt, đồng nghiệp khó khăn, sếp la sếp mắng…nặng nhẹ thế nào, bức xúc thế nào, lỗi lầm thế nào…cũng không được khóc. Nuốt nước mắt vào trong, đó cũng là chuyên nghiệp. Công sở không phải là chỗ để khóc.

Muốn khóc, thì khóc ở nhà. Lớn rồi, thì khóc một mình. Hoặc chỉ khóc cạnh người thân cận nhất. Lớn rồi, tập khóc ở nơi không bị đánh giá.

#camnangdilam #dancongso

Khi đi làm, đôi lúc chúng ta sẽ nhận được một yêu cầu công việc nào đó từ Sếp hoặc một yêu cầu hỗ trợ nào đó từ đồng nghiệp mà chúng ta không thể (hoặc rất không muốn) làm. Để từ chối, bạn cần thực hiện một cách khéo léo để tránh tối đa việc tổn hại các mối quan hệ (cho dù bạn chưa thực sự có ý định tạo dựng một mối quan hệ nào), và dưới đây là những gợi ý tốt:

  • Cách từ chối Sếp: Thay vì nói “không” với Sếp, việc nói “có” kèm theo các điều kiện hỗ trợ về nguồn lực là một lựa chọn khôn ngoan hơn [nguồn lực chính bao gồm thời gian, ngân sách và nhân lực]. Ví dụ: Câu “em không thể thực hiện dự án XYZ vì em đang phải làm công việc ABC…” nên được thay bằng “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu Sếp hỗ trợ giúp em tuyển thêm người phụ trách công việc ABC em đang làm” hoặc “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu mình có ngân sách để thuê ngoài công việc ABC” hoặc “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu mình tạm hoãn công việc ABC em đang làm, Sếp đồng ý chứ ạ?”

Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng nhận được sự đồng ý hỗ trợ về nguồn lực. Nhưng khi từ chối bằng yêu cầu nguồn lực, bạn cho Sếp thấy được rằng bạn rất mong muốn hoàn thành công việc được giao thêm, bạn chỉ bị giới hạn về nguồn lực thôi. Và khi không thể cung cấp thêm nguồn lực, Sếp sẽ tiến hành cân nhắc lại.

Mặc dù vậy, kết quả của việc cân nhắc lại vẫn có thể như cũ, ý là giao thêm việc cho bạn. Trong trường hợp này, bạn cũng không cần từ chối. Cái bạn cần làm, là thỏa thuận lại về phạm vi trách nhiệm của các công việc. Ví dụ: “Vì em vẫn đang làm công việc ABC mà lại nhận thêm dự án XYZ nên em xin được hạ mức độ trách nhiệm của dự án XYZ từ 70% xuống còn 40%” chẳng hạn.

  • Đối với đồng nghiệp: Rất may mắn, đồng nghiệp không phải là Sếp, ở thì hiện tại. Đối với đồng nghiệp, bạn chỉ cần từ chối với lý do chính đáng là đủ (nhắc lại, lý do chính đáng nghĩa là những lý do không liên quan tới việc bạn quá lười, hoặc quá bàng quan). “Em không thể giúp mình lúc này vì em đang phải phụ trách công việc ABC” là một câu trả lời phù hợp.

Hãy ghi nhớ, rằng bạn nên giúp đồng nghiệp mỗi khi có thể. Bên cạnh việc xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, nó còn cung cấp cho bạn cơ hội học hỏi thêm (tin Chó Sói đi, học hỏi thêm không bao giờ là thừa cả!). Chỉ cần lưu ý, việc học hỏi thêm này không được chiếm hơn 20% tổng nguồn lực bạn đang có [về thời gian, tiền bạc, hệ thống…], và không được mâu thuẫn với bất kỳ chính sách hay quy trình nào hiện hữu tại công ty. Hãy nhớ nhé, con số tối đa là 20%. Con số này giúp bạn tránh một số đồng nghiệp lạm dụng, đồng thời vẫn giữ được khả năng xoay sở, nếu nhiệm vụ chính của bạn gặp sự cố bất ngờ.

Chúng ta nên hiểu rằng, việc nói “không” chưa bao giờ là dễ dàng. Nó càng khó hơn khi bạn đang đi làm, đồng nghĩa với việc đây là một kỹ năng cần học, và có giá của nó. Chúc bạn may mắn!:)

#camnangdilam #dancongso

Bên Chó Sói đang tạm dừng nhận đăng ký mua sách để kiểm tra đơn và số lượng sách với các bưu cục vận chuyển. Chó Sói sẽ mở lại link đăng ký hên xui vào một ngày nào đó trong tương lai nha các bạn ơi!:D

Nhắc lại là quyển 1 đã hết từ-ngàn-năm-trước rồi nha các bạn ơi, giờ chỉ còn quyển 2 thôi nha!:D

Cảm ơn các bạn vẫn luôn đọc và ủng hộ Chó Sói!:D

From Chó Sói with love,

#camnangdilam #dancongso

Nhiều người nghỉ việc ở tuổi trên 30, vì nhận ra họ đã làm một công việc họ không yêu thích, rồi gặp khủng hoảng nghề nghiệp khi tìm đường đến công việc họ yêu thích [hãy thử tưởng tượng bạn xin làm thực tập sinh ở tuổi 30].

Vậy nên, câu hỏi “khi nào bạn nên nghỉ việc” thật sự là một câu hỏi dễ, nếu bạn biết bạn đang cần điều gì cho bản thân mình. Ngược lại, nó có thể dẫn đến một chuỗi quyết định không chính xác.

Như có người làm bán hàng chỉ vì công việc đó dễ được tuyển, sau đó nghỉ việc vì bị Sếp chửi, rồi đi một vòng các công ty, mới nhận ra, à, đa phần các Sếp bán hàng đều chửi nhân viên, chỉ khác nhau ở mức độ thôi.

Nếu bạn không chịu được điều đó, đừng nên làm bán hàng ngay từ đầu. [Nhiều người mất nhiều năm để xác định đâu là công việc mình có thể làm được dưới áp lực].

Tất nhiên, như đã nói, việc bạn chọn một công việc bạn không yêu thích, chính là lý do để bạn có thể nghỉ việc bất kỳ lúc nào. Nó không liên quan mật thiết tới môi trường làm việc, hay Sếp bạn, hay lương thưởng phúc lợi…

Khi bạn không yêu thích điều gì đó, tất cả mọi thứ dính tới nó đều có thể trở thành ngòi-nổ [hãy xem lý do chia tay vì chúng ta không-hợp-nhau].

Bạn không biết bạn thích gì, và nhiều người tuyển dụng cũng không biết bạn thích gì, tạo nên một tổ-hợp tuyệt vời khi phỏng vấn. Chúc mừng bạn!

Nếu bạn quyết định chịu đựng một công việc bạn không yêu thích [hoặc bạn không biết mình có yêu thích nó không], bạn ít nhất phải xác định được lý do tại sao bạn cần chịu đựng nó. Ví dụ là tiền, thì bạn đang cần bao nhiêu tiền, tại sao lại cần chừng đó tiền, bạn sẽ kiếm ra chừng đó tiền trong bao nhiêu năm. Đó là thời điểm bạn biết bạn nên nghỉ việc.

Đó cũng là thời điểm mà những nhà tuyển dụng bạn biết cho-bạn-nghỉ-việc, nếu họ thực sự quan tâm tới động cơ làm việc của bạn. Nhưng để Chó Sói nói cho bạn nghe một tin vui, chỉ 3% nhà tuyển dụng có khả năng xác định động cơ tìm việc qua quá trình phỏng vấn thôi [Chó Sói đang cân nhắc, 3% liệu có quá nhiều không nhỉ?!]. Phần còn lại chỉ muốn [hoặc buộc phải] lấp đầy KPI của tuyển dụng, nên sẽ không quan tâm động cơ của bạn lắm đâu. Chúc mừng bạn!

Vậy rốt cuộc, đâu là thời điểm bạn nên nghỉ việc?

Từ những chia sẻ phía trên, bạn có thể dễ dàng nhận nha: Bạn nên [hay cần thiết] chấm dứt một công việc, khi:

Nó không còn đem lại ý nghĩa trong các mục tiêu cuộc sống của bạn hoặc khi:

Bạn đã hết thời gian [lý do] để chịu đựng công việc đang làm.

Thành thật mà nói, mọi người không nghỉ việc khi họ nên [hay cần thiết] phải nghỉ, mà lại nghỉ việc vì họ muốn nghỉ. Nếu bạn từng được học bài bản về cách ra quyết định, bạn sẽ biết ngay đó là sai lầm đầu tiên, hết sức cơ bản: không phân biệt được đâu là điều mình muốn và đâu mới là điều mình thực sự cần.

#camnangdilam #dancongso

Việc thứ hai cần làm, sau khi trao đổi thẳng thắn với cấp trên trực tiếp, đó là:

  • Có một khoảng thời gian hợp lý để bàn giao công việc cho đội ngũ: Ra đi êm đẹp tất nhiên bao gồm việc bàn giao lại những gì bạn đã làm cho công ty. Đặc biệt lưu ý đến những vấn đề mang tính pháp lý trong quá trình bàn giao như hồ sơ giấy tờ, máy móc thiết bị, tiền bạc…Việc bàn giao phải được lập thành văn bản có chữ ký của hai bên, và bạn nên giữ lại một bản sao hoặc chụp hình lại biên bản bàn giao để tránh những vấn đề phát sinh về sau.

Quan trọng hơn, hãy đảm bảo mình làm hết sức có thể để người thay thế bạn cũng hoàn thành tốt được công việc [tất nhiên, đó là nếu công ty đã tuyển được người thay thế trước khi bạn nghỉ việc], và đừng chia sẻ gì với họ về lý do bạn nghỉ việc.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra, như trong tiêu đề, chính là: Khi nào bạn nên nghỉ việc?

Khi nào ai đó nên nghỉ việc, thật sự là một câu hỏi vừa khó vừa dễ. Dễ ở chỗ, chỉ cần bạn trung thực với bản thân, và có mục tiêu rõ ràng về cuộc sống, bạn luôn biết khi nào một công việc không còn phù hợp với bạn. Khó ở chỗ, đa phần mọi người thường thiếu trung thực với bản thân, hoặc không có mục tiêu rõ ràng về cuộc sống của chính mình.

Thoạt nghe, điều này có vẻ kỳ-dị. Nhưng hãy đảo mắt một vòng chốn công sở của bạn, và bạn sẽ nhận ra, số người thật sự yêu thích công việc họ đang làm, vốn rất ít.

Số người tự đặt mục tiêu cho cuộc sống của mình, càng ít hơn. Mọi người hay thích phó mặc cho dòng-đời-xô-đẩy.

Đầu tiên, đây là hệ lụy của giáo dục. Nó dẫn đến việc rất nhiều người trưởng thành vẫn không biết mình yêu thích công việc gì, hoặc thậm chí đơn giản hơn, là có năng khiếu trong việc gì.

Tệ hơn, tiếp sau đó, nhiều người càng không dành thời gian để đặt câu hỏi về điều họ muốn làm trong cuộc sống. Nói cách khác, là họ muốn sống một cuộc đời như thế nào. Nên, họ chuyển trọng-trách đó cho ba mẹ của họ, người thân của họ, bạn bè của họ, Sếp của họ…

Ba mẹ em muốn một công việc ổn định, bạn bè em thích công việc nhiều tiền, người yêu em thích em làm quản lý, Sếp em muốn em học thêm…Tất cả, trở thành tiêu chí chọn công việc của rất nhiều người.

Họ cố gắng đi theo tiêu chí đó, cho đến một ngày, mà họ cảm giác công việc của mình như một cơn ác mộng. Rồi họ nghỉ việc.

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso

Chó Sói nhớ ngày Chó Sói rời khỏi một vị trí khá-bự ở tập đoàn, vì cảm thấy mình không muốn và không thể cống hiến gì hơn, trong khi lương bổng và phúc lợi đều tốt, nhiều người đã “trầm trồ”. Nhiều người thậm chí không tin vào việc “nghỉ làm vì không thể cống hiến”. Đối với họ, chỉ cần lương bổng và phúc lợi tương xứng, thì việc càng-không-phải-làm-nhiều càng là một chuyện rất đáng mừng, nên họ cho rằng đó không phải là lý do Chó Sói rời đi. Từ đây bắt đầu một thông tin, chắc Chó Sói nghỉ việc vì bất mãn gì đó với các lãnh đạo.

Đáng quan ngại hơn, là nhiều người bắt đầu tung ra một giả thuyết, rằng Chó Sói nghỉ việc là vì Sếp của Chó Sói. Rằng do Sếp của Chó Sói dậm chân tại chỗ, nên Chó Sói không thể thăng chức tiếp được nữa, vì vậy Chó Sói mới bất mãn rời đi.

Cho dù Chó Sói xưa giờ là người không hề quan tâm lắm đến cái gọi là chức vụ, thì tin đồn đó, thậm chí đến bây giờ, có thể vẫn còn tồn tại.

Nên, cái định nghĩa, nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, nghĩa là không để lại một tin đồn xấu nào về mình, là thứ cũng không tồn tại luôn.

Vậy, nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, rốt cuộc là như thế nào?

Nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, đối với Chó Sói, tức là nghỉ việc mà bạn không còn gì phải bận tâm khi rời đi. Để ai đó không phải bận tâm khi rời đi, đối với một công việc, có 02 điều bạn nhất định phải hoàn thành:

  • Trao đổi thẳng thắn với cấp trên trực tiếp của bạn về lý do nghỉ việc: Chó Sói nói trao đổi thẳng thắn, bởi vì đối với rất nhiều người, cấp trên trực tiếp của họ chính là lý do. Nếu bạn thấy Sếp mình chưa ổn về chuyên môn, hãy nói với họ. Nếu bạn thấy Sếp mình chưa giỏi về quản lý, hãy nói với họ. Nếu bạn ghét Sếp bạn vì bất kỳ lý do gì, hãy nói với họ, một cách đàng hoàng và thẳng thắn, trước khi rời đi. Bạn có thể nghe được câu lý giải, hoặc không. Bạn không cần phải tin câu lý giải, nếu bạn cảm thấy nó không đủ thành thật. Nhưng ít nhất, bạn nói được lý do của mình. Và cấp trên của bạn biết được lý do của bạn.

Nhiều người không làm chuyện này, vì họ sợ. Họ sợ cấp trên của họ sẽ nói xấu họ khi họ nhận công việc mới, hay chặn đường về công ty cũ một khi chỗ mới không suôn sẻ. Bạn ra quyết định dựa trên nỗi sợ, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể bước đi một cách thoải mái và bình thản.

Hãy nhìn rộng ra, nếu chỉ vì một câu nói của Sếp bạn mà chỗ nào đó không tuyển bạn, chỉ có hai khả năng: Một là chỗ đó quá hồ đồ khi không nghe câu chuyện từ phía bạn, liệu đây có phải là một chỗ làm xứng đáng? Hai là khả năng của bạn quá tệ nên không thể thuyết phục nhà tuyển dụng, vậy đây là lỗi do câu nói của Sếp bạn?

Bạn vẫn còn sợ hãi. Chẳng sao đâu, bạn có thể không làm. Chỉ là, đừng nghĩ tới chuyện êm-đẹp gì nữa. Chẳng có thứ gì êm đẹp xuất phát từ nỗi sợ. [Bạn cũng có thể hiểu được tại sao có rất nhiều người không thể ra đi một cách đàng hoàng].

Và xin lưu ý, chỉ có một người bạn cần phải trao đổi thẳng thắn về lý do thực sự bạn rời đi, đó là cấp trên trực tiếp của bạn thôi. Đồng nghiệp cùng phòng ban, Sếp của Sếp, phòng Nhân sự…đó là những chỗ bạn nên lựa chọn mà cung cấp thông tin cho phù hợp.

Nếu bạn không thể nói thật với Sếp trước mặt họ, thì cũng đừng nghĩ tới chuyện nói khác đi sau lưng họ làm gì.

Hãy chỉ rời bước nhanh-gọn-lẹ thôi.

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso

Thứ được gọi là nghỉ việc trong êm đẹp, thực tế không hề tồn tại.

Ý Chó Sói là thứ mà mọi người hay rao giảng “Khi bạn nộp đơn nghỉ, mọi người sẽ cảm thấy hối tiếc vì mất đi một đồng nghiệp như bạn.”

Tại sao nó lại không tồn tại?

Bởi vì, khi bạn nghỉ việc, không bao giờ có chuyện “mọi người đều cảm thấy hối tiếc!”

Bất kể bạn làm việc tốt đến độ nào [thậm chí bạn là người làm việc tốt nhất trong công ty của bạn], bất kể bạn nghĩ quan hệ của bạn với mọi người trong công ty tốt đến độ nào [thậm chí bạn là người được yêu thích nhất công ty], thì khi bạn nghỉ việc, đây là chuyện sẽ xảy ra:

Một số người sẽ cảm thấy hối tiếc.

Một số người sẽ cảm thấy bình thường.

Và một số người sẽ cảm thấy vui mừng.

Bạn hiểu rồi đúng không?

Nó không phụ thuộc vào việc bạn là ai, bạn như thế nào, hay đang nắm giữ vị trí quan trọng bậc nhất nào trong công ty. Kể cả việc bạn đang làm chủ công ty.

Bởi vì:

Thậm chí khi bạn là người làm việc rất tốt, sẽ có những người không thích sự tốt đó (ví dụ: người hay bị lấy ra để so sánh với bạn!)

Thậm chí khi bạn là người được yêu thích nhất, sẽ có những người được yêu thích nhì vui sướng khi bạn ra đi, vì giờ họ được lên hạng nhất!

Thế nên, nghì việc trong êm đẹp, là thứ không bao giờ tồn tại.

Thứ tồn tại, và thứ bạn nên đạt được, là nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể.

Nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, theo định nghĩa của nhiều người, tức là nghỉ việc mà không để lại một tin đồn xấu nào về mình.

Để Chó Sói nói cho bạn biết tiếp một sự thật.

Việc “không để lại một tin đồn xấu nào về mình” khi nghỉ việc, thực tế cũng không tồn tại luôn…

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso

Yếu tố quan trọng nhất trong thương lượng, đó chính là “thông tin”.

Tất nhiên, thông tin không có nghĩa là mọi-thứ-trên-đời (mặc dù việc bạn biết càng nhiều thứ trên đời thì càng có lợi). “Thông tin” trong thương lượng, ý muốn chỉ đến bốn vấn đề bên dưới, làm nền tảng của mọi cuộc thương lượng.

  1. Thứ bạn có: Các bằng chứng cho thấy vì sao người ta nên đồng ý với đề xuất của bạn. Giả sử như bạn muốn tăng lương, bạn cần bằng chứng về chất lượng làm việc của mình: KPI, các danh hiệu trong công việc, những lời khen từ Sếp/Đồng nghiệp (bằng email), hay thứ tốt nhất [và cũng nguy hiểm nhất, nếu dùng không cẩn thận], offer từ một công ty khác, với mức lương cao hơn hẳn mức bạn muốn tăng lương… “Thứ bạn có” giúp bạn định hình một cách chính xác mức độ “giao kèo”, để đạt được kết quả tốt nhất (hãy hình dung bạn có offer với mức đề xuất gấp đôi mức lương hiện tại, thì việc tăng lương lên 50% sẽ trở nên khả thi hơn rất rất nhiều, dù đa phần mức tăng hàng năm của công ty bạn chỉ dao động từ 10% đến 20%).
  2. Thứ bạn muốn: Những điều bạn thực sự muốn đạt được. Giả sử bạn không có một offer nào với mức tăng gấp đôi, mà chỉ có offer với mức tăng 50%, bạn sẽ làm gì? Bạn vẫn muốn được tăng 50%, hay sẽ giảm xuống còn 40%, 30%? Hay bạn có thể chỉ cần tăng 25%, nhưng kèm theo việc thăng chức? Bạn cần xác định thứ bạn muốn [đặc biệt là “giá chót” của giao kèo] để biết nên quyết định như thế nào với đề xuất của bên còn lại.
  3. Thứ người khác có: Người khác ở đây, tức là bên còn lại của thương lượng. Giả sử bạn yêu cầu tăng lương, thì “người khác” ở đây sẽ là Sếp của bạn. Sếp bạn có đồng ý về mức độ hoàn thành KPI của bạn? Sếp bạn có bằng chứng nào cho thấy bạn không hoàn thành tốt công việc như bạn nghĩ? Sếp bạn có khả năng tăng lương cho bạn bao nhiêu phần trăm? Nếu bạn không đồng ý với mức tăng lương và đòi nghỉ việc, Sếp bạn có ai để thay thế, hay có phương án nào để thay thế không?

Xác định được “thứ người khác có”, và so sánh với “thứ bạn có”, sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra được mức độ giao kèo phù hợp cho cả hai, khiến bạn dễ dàng đạt mục đích hơn.

  1. Thứ người khác muốn: Những điều bên còn lại thực sự muốn đạt được. Sếp bạn quan tâm như thế nào tới ngân sách? Sếp bạn có muốn giữ bạn lại? Sếp bạn sẽ đạt được điều gì nếu tăng lương cho bạn? Sếp bạn có thể tăng lương cho bạn nhưng không muốn tăng chức cho bạn? Tương tự như việc xác định “thứ người khác có”, xác định đúng “thứ người khác muốn” cho phép bạn đưa ra quyết định tốt hơn với các đề xuất trong thương lượng.

Theo lẽ thường, đề xuất trong thương lượng nên dựa trên nền tảng win-win, nghĩa là đôi bên cùng có lợi. Nếu không thể cùng có lợi, ít nhất hãy hạn chế việc thua thiệt của bên còn lại [ít thua nhất có thể]. Tuy nhiên, do chúng ta gần như không thể lường trước được hết mọi thứ, nên nguyên tắc là hãy ẩn bớt thông tin về những “thứ bạn có” và những “thứ bạn muốn” [hoặc làm người khác hiểu sai về nó], đồng thời cố gắng xác định chính xác “thứ người khác có” và “thứ người khác muốn”, vì họ cũng sẽ làm giống như bạn.

#camnangdilam #dancongso