Author

Chó Sói

Browsing

Trong rất nhiều kỹ năng cần rèn luyện, Chó Sói cho rằng thương lượng là một trong những kỹ năng hữu dụng nhất. Nhiều người cho rằng thương lượng chỉ cần cho những người bán hàng, nhưng thật ra, có vô vàn tình huống trong cuộc sống mà bạn cần dùng tới kỹ năng thương lượng. Hãy tưởng tượng bạn muốn được Sếp tăng lương, hoặc muốn được đồng nghiệp hỗ trợ hơn trong công việc, hay tạo ra giới hạn phù hợp trong việc giáo dục con cái…những cái này đã [hoặc đáng lẽ rất nên] dùng tới việc thương lượng.

D Trong các khóa đào tạo về phát hiện nói dối [mà nghệ thuật thương lượng cần sử dụng rất nhiều], Chó Sói thường nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tinh tế đối với các học viên, và rất nhiều bài thực hành được áp dụng chỉ để phát hiện ra đâu là những điều cốt lõi để thương lượng.

Để bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau trả lời câu hỏi sau:

Đâu là [thứ] quan trọng nhất để thương lượng thành công?

Đừng nôn nóng, hãy suy nghĩ kỹ hơn một chút. Dựa trên kinh nghiệm [công sở hoặc cuộc sống] của bạn, đâu là thứ quan trọng nhất để thương lượng thành công?

Bạn biết đấy, việc kéo ào ạt các dòng trong bài viết để tìm đáp án [đặc biệt từ trang của Chó Sói] không giúp ích gì cho việc học hỏi của bạn. Hãy tìm câu trả lời cho đáp án trên [đặc biệt nếu bạn rảnh, thì comment trong phần bình luận], và chúng ta sẽ quay trở lại để đàm đạo trong bài viết sau.

#camnangdilam #dancongso

Trẻ ở đây, ý Chó Sói là bạn mới vừa lên chức. Không phải bạn bao nhiêu tuổi, mà là thời điểm bạn bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ quản lý.

Tất nhiên, tuổi đời có một số lợi thế nhất định. Trên cương vị quản lý, bạn bắt đầu xa rời dần công việc chuyên môn, để đảm nhận trọng trách với đội ngũ, với con người nhiều hơn. Do đó, tuổi đời sẽ giúp sức ít nhiều cho bạn trong việc đối nhân xử thế.

Chó Sói trở thành người đứng đầu toàn quốc của một bộ phận khi tuổi đời còn trẻ (có thể là một trong những quản lý trẻ tuổi nhất ở một chỗ bự-bự vài ngàn người), và nhận ra, trong số các bạn đang có tiềm năng phát triển cho các vị trí quan trọng (quản lý cấp trung trở lên), những sai lầm dưới đây dễ khiến cho hành trình tiếp tục thăng tiến của các bạn gặp trở ngại, khi bắt đầu trở thành cấp trên của một người khác.

  1. Đổ lỗi cho nhân viên:

Khi bạn bắt đầu làm cấp trên của một người, cho dù bạn có đang làm đúng hay không, thì thành quả của nhân viên đó cũng là của bạn. Không có gì để biện hộ. Khi có sự việc không tốt xảy ra, thì câu: “Đó là lỗi của bạn Mèo trong team em, không phải của em. Em đã nhắc bạn rồi!” là một trong những câu biện hộ tệ hại nhất mà bạn có thể nói, đặc biệt là đối với người ở ngoài đội ngũ của bạn.

  1. Cho rằng cách làm của bạn là đúng nhất:

Thường thì, xuất phát điểm của việc thăng chức là do bạn giỏi chuyên môn. Công ty hy vọng bạn có thể truyền thụ kinh nghiệm cho cấp dưới của bạn, khi bạn làm quản lý. Mặc dù vậy, hãy nhớ rằng quá trình truyền thụ kinh nghiệm có nhiều điểm khác với việc tự bản thân bạn làm. Do nền tảng, cách xử lý, và trải nghiệm của mỗi người rất khác nhau, việc truyền thụ kinh nghiệm là để nhân viên của bạn có thể hoàn thành công việc tốt nhất theo cách của họ, chứ không phải theo cách của bạn.

Dĩ nhiên, cách của bạn có thể đúng hơn (và thường thì nó đúng hơn). Nhưng, cũng còn nhiều cách đúng khác nữa. Hãy đảm bảo nhân viên hoàn thành kết quả mong muốn, theo cách mà họ cảm thấy thoải mái và tin tưởng nhất.

Và trong một chừng mực nào đó, hãy để nhân viên của bạn được phép sai. Bạn có thể không biết lý do vì sao bạn thành công, nhưng bạn thường rất rõ lý do vì sao bạn thất bại. Thất bại giúp nhân viên của bạn học hỏi nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, không chỉ về kỹ năng, mà còn về thái độ làm việc.

  1. Quá sợ hãi để phân quyền:

Bạn đã bao giờ nghe về thuật ngữ “micromanagement” chưa? Nó dùng để chỉ những người quản lý bị ám ảnh trong việc theo dõi và kiểm soát những nhân viên bên dưới, vì lo ngại họ sẽ không hoàn thành công việc theo ý mình. Mục 3 và mục 2 thường đi kèm với nhau, khiến cho nhiều quản lý trẻ vật lộn với công việc, và lao đầu vào làm chuyên môn để hỗ-trợ [làm thay] cho cấp dưới, thay vì phân quyền để tập trung vào điều hành.

Hậu quả là, họ trở nên quá bận rộn, vì vừa phải làm việc của mình, vừa phải làm việc của nhân viên. Do quá sợ hãi để phân quyền, họ không có thời gian phát triển đội ngũ, đặc biệt là người kế nhiệm mình, để có thể lên vị trí cao hơn. Dậm chân tại chỗ hàng tháng, thậm chí là hàng năm trời.

Làm thế nào để khắc phục những sai lầm này?

Ngoại trừ mục số 1, vốn khá dễ để thay đổi, mục số 2 và số 3 cần cả một nghệ thuật để tiến hành, đặc biệt khi bạn yếu về tư duy quản lý. Do không thể gói gọn trong bài viết này, Chó Sói sẽ chia sẻ cho bạn vào một dịp khác.

Nhưng như phần lớn những sự việc khác trên đời này, bạn luôn có thể học hỏi qua việc quan sát người đi trước (như Sếp bạn, đồng nghiệp của bạn…). Đặc biệt, hãy chọn cho mình một người hướng dẫn (mentor) về quản lý. Khi đắn đo không biết hành xử như thế nào là hợp lý, hãy hỏi mentor của bạn trước khi tiến hành. Bạn có thể tránh được nhiều sai lầm bằng cách này.

#camnangdilam #dancongso

Nhớ lại vài ngày trước, khi Chó Sói [dù viết bài giải trí thôi], nói về những phát ngôn sai-sai của một ông chủ tập đoàn, không biết bao nhiêu người đã nhảy vào phản đối, bằng một luận điểm: “Kiếm được nhiều tiền hơn người ta chưa mà nói!”

Chó Sói trả lời với các bạn đó, rằng Chó Sói chẳng có lý do gì phải kiếm tiền nhiều hơn ai-đó mới được nói về những điều Chó Sói nghĩ là đúng. Nhưng bên cạnh đó, Chó Sói còn chỉ ra [với các bạn đang mắc những hiệu ứng tâm lý nói trên], rằng các bạn nên nhớ, đây là phiên tòa ly hôn. Bất kỳ ai có mối quan hệ hạnh phúc hơn và không phải ly dị như ông chủ tập đoàn đều đã “chuyên gia” hơn ông ta về mặt quan hệ, và thừa [tư cách] để nói về quan hệ.

Nhưng nhắc lại, họ cũng chẳng phải làm điều đó. Người độc thân vẫn có thể nói về cách gìn giữ quan hệ, dưới góc nhìn của họ, và nó đúng! (Ví dụ, họ đã trải qua nhiều sai lầm về quan hệ nên giờ ở trạng thái độc thân, và họ chia sẻ về việc đó!)

Thế nên, kết luận ai đó sai [hoặc đúng] trước khi tìm hiểu về thế giới quan của họ, và áp đặt thế giới quan của mình vào họ, để kết luận, vốn không giúp ích gì cho việc học hỏi của bạn. Nó là rào cản mà rất nhiều người đang mắc phải, khiến họ chậm chạp đi và ít mở mang đầu óc hơn.

Đừng hỏi ai đó “có làm Sếp bao giờ chưa mà nói” khi họ chia sẻ về kinh nghiệm quản lý con người của mình.

Đừng hỏi ai đó “kiếm được bao nhiêu tiền mà nói” khi họ chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư của mình.

Đừng hỏi ai đó “có con chưa mà nói” khi họ chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục trẻ nhỏ.

Tất nhiên, bạn có quyền không nghe ngay từ đầu, để làm những việc khác mà bạn cho là quan trọng hơn, thay vì ngồi lại với họ. Nhưng nếu đã có dịp ngồi lại, thì hãy hỏi họ nhiều hơn về lý do tại sao, để tự đưa ra kết luận cho mình!

Và hãy nhớ, “nói” chỉ là một chuyện thôi. Tác phong, thái độ, ngôn ngữ cơ thể, mấy thứ đó còn đáng giá ngàn lần hơn nội dung lời nói. [Thêm vào đó, nếu bạn đủ giỏi, bạn sẽ biết ngay trải nghiệm của ai đó đến mức độ nào, mà không cần hỏi những câu vô duyên như trên!]

Nhưng cũng bởi vì xã hội hiện tại [giáo dục khá tệ], nên Chó Sói không bao giờ nói cho ai đó nghe về bất kỳ điều gì, nếu họ không tìm đến Chó Sói để hỏi. Thậm chí cho dù họ có tìm đến, Chó Sói cũng không chắc sẽ nói cho họ nghe.

Hãy tưởng tượng một sự thật:

Nếu nhiều người siêu giỏi [như Chó Sói chẳng hạn, thật không khiêm tốn gì cả!], lựa chọn làm như vậy, vì họ không muốn phải mở đầu câu chuyện, bằng việc nói về những thành-tựu-của-đời-mình. Vậy, những câu hỏi kiểu như “có làm chuyện đó chưa mà nói” sẽ giúp ích gì cho bạn, khi vô tình gặp gỡ một ai?

Bạn sẽ học được từ bao nhiêu người, nếu lúc nào cũng cần phải làm rõ về thành-tựu-của-đời-họ, so với đời bạn?

#camnangdilam #dancongso

Có cả ngàn, vạn người, mà bạn gặp mỗi ngày, có nhiều điều tuyệt vời khác, để bạn học tập. Nó chỉ chưa chắc hữu dụng để bạn kiếm tiền [một cách trực tiếp] thôi, chứ cực kỳ đáng học tập.

Mà trên hết, để học tập, có một điều bạn nên làm. Làm mỗi ngày, với mỗi người mà bạn gặp, để có thể giỏi lên thật nhanh:

“Đừng phán xét góc nhìn của người khác. Hãy lắng nghe lý do họ nói, và tự nghiệm để áp dụng cho mình!”.

Đối với Chó Sói, bạn không cần thiết phải biết nấu ăn, thì mới biết nhận xét một món ăn ngon hay dở. Bạn không cần thiết phải học thanh nhạc, mới nhận ra một bài hát hay hay không.

Tất nhiên, bạn biết về chuyên môn thì rất tốt để nhận xét. Và bạn nên có chuyên môn, để nhận xét được thấu đáo. [Lưu ý, có một số lĩnh vực đặc thù không nên nhận xét chuyên môn gì, ví dụ như câu nói: Bạn không cần phải là bác sĩ, mới biết người ta mắc bệnh gì, là một câu hết sức tầm bậy!]

Nhưng phần của người nói, không liên quan tới người nghe. Bác bán vé số hay ăn bún cùng Chó Sói, có thể có ngàn điều sai, và chỉ vài chục điều đúng, về tư duy cuộc sống. Nhưng hễ bạn có thể bình-tâm nhận ra được điều gì đúng, điều gì sai [chứ không phải mọi điều đều sai], thì bạn đã giỏi hơn lên. Hoặc bạn không bịt hết tai lại, chỉ vì người ta là người bán vé số, dù bạn băn khoăn không biết người ta nói vậy có đúng không. Bạn đi hỏi thêm nhiều người nữa, và chiêm nghiệm nó lại cho mình, đó cũng là một cách học.

Mặc dù vậy, sự-học đôi khi thật gian nan với nhiều người, vì họ còn dễ bị mắc một hiệu ứng học hỏi khác nữa, được gọi là “hiệu ứng Halo”. “Hiệu ứng Halo” cho rằng, nếu bạn thấy ai đó giỏi một vấn đề, thì bạn cho rằng họ cũng giỏi mọi vấn đề khác.

Và người giỏi mọi vấn đề khác, trong mắt nhiều người, có-lẽ lại là những người giỏi kiếm tiền.

Thật là một vòng quay kỳ-dị!

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso

Chó Sói nói thật với bạn, Chó Sói chưa bao giờ cho rằng cô bán bún đầu hẻm nhà Chó Sói có tư duy tiền bạc, hay cuộc sống, thua kém bất kỳ một ông chủ tập đoàn nào.

Nếu bạn đang nghĩ rằng Chó Sói thật sai lầm, thì bạn mới là người nên đọc hết bài viết này. Nhưng, thường thì bạn sẽ không đọc nữa. Bạn cho rằng Chó Sói tư duy thật có vấn đề.

Tội nghiệp cho bạn!

Ý Chó Sói là tiếc cho bạn, vì bạn đã mất đi thật nhiều cơ hội học hỏi và phát triển bản thân.

Để Chó Sói cho bạn một ví dụ:

Cô bán bún đầu hẻm nhà Chó Sói, có thể vì xuất thân gia đình có nhiều khó khăn, mà không thể làm chủ tịch tập đoàn. Nhưng, điều đó chẳng nói lên gì về tư duy tiền bạc của cô.

Ngược lại, ông chủ tập đoàn nào đó mà bạn đang mến mộ, và đang không tiếc lời nói rằng họ tự lập, thật ra có thể đều thừa hưởng từ ba mẹ mình. Họ không vật lộn với tiền từ nhỏ, nên tư duy tiền bạc có thể tệ gấp ngàn lần cô bán bún đầu hẻm nhà Chó Sói kia.

Nhưng có rất nhiều người, trước khi lắng nghe và học hỏi, hay mắc một hiệu ứng tâm lý, được gọi là “hiệu ứng chuyên gia”. “Hiệu ứng chuyên gia” nghĩa là, cho đến khi bạn thừa nhận ai đó giỏi hơn mình, bạn mới bắt đầu để ý tới lời người ta nói.

Và nhiều người bây giờ, trong cuộc sống thường nhật, tệ hơn, định nghĩa chữ “giỏi” gói gọn trong: khả năng kiếm tiền.

Đừng hiểu lầm ý Chó Sói. Chó Sói chưa bao giờ phải hỏi mình câu: “Tiền nhiều để làm gì?”. Chó Sói biết rằng, khả năng kiếm tiền là một trong những thứ tuyệt vời.

Nhưng để Chó Sói nhắc lại, nếu bạn đang đọc một cách qua-loa.

Nó chỉ là “một trong những khả năng tuyệt vời”.

[Còn tiếp…]

#camnangdilam #dancongso

Văn hóa giả dối xuất hiện khi những người lãnh đạo doanh nghiệp cố gắng khoác lên mình những giá trị tươi đẹp mà họ không có (dù có thể rất muốn thực hiện), ví dụ như văn hóa công ty đề cao sự “chuyên nghiệp” nhưng lãnh đạo suốt ngày thay đổi kế hoạch vào phút chót mà không có một lý do, cũng không có lời xin lỗi nào. Khi đó, văn hóa giả dối tồn tại song song với văn hóa thật của công ty, khiến cho nhân viên của tổ chức bối rối vì rơi vào “bẫy” của lãnh đạo: làm theo lời nói thì không được vì biết nó không có thật, không làm theo lời nói cũng không được vì đó là chủ trương của công ty.

Nếu chấp nhận ở lâu, nhân viên sẽ ngày càng không quan tâm xem lãnh đạo nói gì. Khoảng cách giữa lời nói và hành động càng xa, sự giả dối càng giết chết lòng trung thành của họ. Rồi hãy xem cảnh nhân viên gật đầu với mọi lời nói từ bên trên, tán dương lãnh đạo hết cỡ, nhưng bên dưới thì không có động tĩnh gì. Thuật ngữ “lead by example” ra đời chính là để nói về cái khó của việc làm lãnh đạo, nếu bạn không làm gương thì bạn không gây được ảnh hưởng gì hết!

Nhưng dù rất tệ trong việc làm gương, một số lãnh đạo lại rất giỏi trong việc kiếm tiền, và dùng tiền để “nuôi” văn hóa giả dối cho mình (tức để người khác tung hô những giá trị mà mình không có!). Chó Sói gặp qua nhiều lãnh đạo, có người kỹ năng tốt, có người không, nhưng có những người làm Chó Sói cảm thấy rợn-rợn. Mỗi lần rợn-rợn như vậy, đều nhận ra là do họ tự “nuôi” sự giả dối mà không chút ngượng ngùng.

Chị T., lãnh đạo kiêm Giám-Đốc-Hạnh-Phúc của công ty A. (chuyên mua-bán giải thưởng “Nơi làm việc hoành-tráng nhất năm”), là một người khiến Chó Sói rợn-rợn như vậy. Chị này thường xuyên làm những đoạn clip lời hay ý đẹp về lãnh đạo, kiểu lãnh đạo phải bao dung thế này, phải tốt thế kia (tất nhiên, với một bầu-trời ngôn ngữ cơ thể có vấn đề), để rồi Chó Sói tình cờ được tận mắt chứng kiến chị ấy đổ lỗi cho nhân viên ngay trước mặt khách hàng, dù đó rõ ràng là lỗi của chị.

Thà rằng đừng nói! (Nếu chị có đọc bài này, làm ơn thay người để làm mấy clip truyền cảm hứng nha, vì chắc chắn sẽ có người bớt giả hơn chị!:))

Vì thế, lãnh đạo cần hiểu, văn hóa công ty chính là văn hóa của bản thân mình. Không phải lời hay ý đẹp, là những gì bạn thật sự nghĩ và làm. Nếu bạn yêu tiền, hãy nói văn hóa công ty là yêu tiền. Nếu bạn cố gắng bớt yêu tiền, dù bạn yêu tiền, thì cũng đừng nên nói “công ty không yêu tiền”. Bớt không có nghĩa là không! Cố gắng hoặc muốn không có nghĩa là bạn có!

Đừng dùng tiền “nuôi” văn hóa giả. Sự thật, dù lúc đầu có vẻ kỳ dị, luôn được lòng hơn. Đó chẳng phải lý do ông bà có câu: “Mất lòng trước được lòng sau” à!:)

Và cuối cùng, nếu bạn thực sự rất rất muốn một giá trị nào đó, bạn đang cố gắng hoàn thiện từng ngày, để đấu tranh chống lại tính cách tự nhiên của bạn, hay bất kỳ lý do nào tương tự, hãy tuyên bố sự thật đó: Tôi không có giá trị đó, nhưng tôi muốn có, và tôi đang cố gắng. Hãy giúp tôi!

Hãy thành thật, để người khác giúp bạn bớt giả dối!

Nếu phải đánh giá dựa trên góc độ quản lý cũng như hiệu quả kinh doanh, thì việc nhìn người, dùng người và giữ người là thử thách lớn nhất tại các doanh nghiệp. Để giúp sức cho việc vượt qua thử thách, các doanh nghiệp thường bố trí các vòng phỏng vấn nhằm tăng cường khả năng nhận biết về con người. Dưới đây là 3 loại phỏng vấn đang hiện hữu:

  1. Phỏng vấn tuyển dụng: (Interview): Cơ bản và lâu đời nhất, được dùng để đánh giá khả năng phù hợp của ứng viên đối với công việc. Dù là chỗ 1 vòng hay 5 vòng, thì tỷ lệ nhận biết về con người của loại hình này cực kỳ thấp (đặc biệt tại Việt Nam), do trình độ và kỹ năng của người phỏng vấn đa phần khá tệ, cũng như việc ứng viên đang ở trong một môi trường khác với môi trường thực tế làm việc.
  2. Phỏng vấn nghỉ việc (Exit Interview): Khá phổ biến hiện nay, được dùng để nhận định lý do nhân viên rời khỏi công việc họ đang làm, giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại trong hệ thống. Tuy nghe hay ho, nhưng tính hữu dụng của loại hình này cũng rất thấp. Bởi vì rất ít nhân viên chia sẻ sự thật về việc vì sao họ rời đi (ví dụ cực kỳ phổ biến: nhân viên rời đi do quản lý trực tiếp của họ quá tệ, nhưng họ thường lấy lý do “có việc gia đình”, “du học”, “thay đổi định hướng cá nhân”, để tránh bị điều tiếng ở chỗ công ty cũ, rằng họ “cay cú với Sếp”, có khi ảnh hưởng tới việc công ty mới).
  3. Phỏng vấn giữ người (Stay Interview): Có vẻ khá mới với một số công ty, được dùng để khẳng định lại ưu thế của công ty trong mắt các nhân viên đang làm việc. Đối với Chó Sói, đây mới là loại hình phỏng vấn có tính hữu dụng cao nhất, vì nhân viên cung cấp thông tin khi thực tế công việc của họ còn đủ tốt đẹp, và nhà quản lý được nghe về khuyết điểm trong trạng thái còn có thể giữ được người tài.

Nhưng nói gì thì nói, tính hữu dụng lớn nhất của các loại hình phỏng vấn đều tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng của những người làm công tác Nhân sự, cộng với sự hợp tác của các quản lý trực tiếp (sao cho nhân viên có thể lên tiếng về những tồn tại yếu kém ở doanh nghiệp mà không sợ bị vùi-hoa-dập-liễu). Vấn đề là phần lớn những người làm quản lý đều tự tin về trình độ nhận-định-con-người của mình, trong khi thực tế thì ngược lại, và khi có vấn đề xảy ra, họ thường tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và hệ thống của doanh nghiệp thay vì tập trung vào trách nhiệm của bản thân mình.

Lẽ tất nhiên, đổ lỗi cho hoàn cảnh chứ không đổ lỗi cho bản thân cũng là một kiểu tâm lý rất con người, nên quan trọng là doanh nghiệp cần nhận ra ai có thể điều chỉnh tốt nhất những tâm lý hết sức con người này, để đưa họ lên các vị trí cao hơn trong công tác Nhân sự, từ đó tạo ra một hệ thống tốt.

Mặc dù vậy, bạn biết đấy, có đầy CEO rất tự tin về khả năng dùng người của mình, nhưng trên thực tế lại không biết gì về trình độ của bản thân!:))

Đầu tiên, là sách đã được gửi đi trở lại cho các bạn thuộc khu vực bị hạn chế rồi nha các bạn ơi!:D

Hai là, bên Chó Sói chỉ nhận gửi sách (quyển 2) trong vòng từ hôm nay đến chủ nhật (ngày 21/11/2021), sau đó sẽ tạm khoá lại việc này để kiểm tra. Ngày gửi lại hên xui trong tương lai!:D

Cảm ơn các bạn đã đọc và luôn ủng hộ Chó Sói.

From Chó Sói with love,

P.s: Các bạn nào muốn đặt sách điền giúp Chó Sói thông tin và làm theo hướng dẫn ở link đăng ký bên dưới nhé:

Link đặt Quyển 2: https://forms.gle/igfDrFzfoTz7QXoN9

#camnangdilam #dancongso

Trừ những ngày trái-gió-trở-trời, đây là 3 lý do quan trọng khiến dân công sở không có động lực làm việc và phát triển:

#1: Không được làm công việc yêu thích:

Có rất nhiều bạn, ngay từ lúc học trong trường đại học đã không chọn được đúng ngành nghề mình yêu thích (hoặc ghê hơn là không biết mình thích gì). Đến khi phát hiện được đam mê, lại vì bằng cấp ngành học mà khó khăn hơn khi xin việc. Có người không xin được công việc yêu thích, cắn răng chịu đựng làm vài năm để có cơ hội chuyển nghề. Đến khi muốn chuyển nghề, lại bị mấy năm kinh nghiệm đó đè chết, không đi đâu được (vì có rất nhiều nhà tuyển dụng không quan tâm bạn thích gì, chỉ quan tâm bạn có kinh nghiệm gì!). Từ đó trở đi làm việc qua ngày đoạn tháng. Rệu rã!

#2: Đồng nghiệp thiếu hợp tác:

Lại có những bạn, bản thân mới đầu rất nhiệt huyết với công việc, xui thay vô phải môi trường đầy chính trị, mạnh ai nấy làm, né trách nhiệm, một hồi cũng bị đồng-hóa y chang. Bởi vì mình giúp người, không ai giúp mình, mình có trách nhiệm, nhưng không ai nhận trách nhiệm, thì đến cuối chỉ có hai lựa chọn: hoặc là kiệt sức đến khủng hoảng, hoặc cũng giống y chang mọi người, không thèm nhiệt huyết gì nữa. Rệu rã!

#3: Quan hệ không tốt với Sếp trực tiếp:

Cái này thì miễn bàn!

Nói chung dù vì #1, #2 hay #3, Chó Sói khuyên bạn nên tìm một cơ hội khác. Công việc đã chiếm đến 1/3 thời gian cuộc sống của bạn, hãy khiến nó xứng đáng với bạn hơn.

Ai cũng có lý do để trì hoãn, dù là sự lười biếng, tính kinh tế, hay việc gia đình. Chỉ mong bạn nhớ rằng chẳng ai ép uổng, và ai cũng phải vượt qua thử thách để sống cuộc sống như ý mình.

#camnangdilam #dancongso

Khi Chó Sói nói về trưởng thành, Chó Sói không bao giờ có ý chỉ về tuổi tác. Có những người 70 tuổi vẫn còn bồng bột, có những người mới 13 tuổi đã thấu hiểu cuộc sống. Tuy nhiên, một cách bình thường nhất, sau năm 18 tuổi, đến thời điểm bạn nhận ra những điều bên dưới, thì tư duy của bạn đã thay đổi, và trưởng thành hơn.

  1. Bạn nhận ra rằng ưu tiên chăm sóc bản thân trước mọi người (kể cả gia đình bạn), không có gì là ích kỷ.
  2. Bạn nhận ra rằng bạn không thể cho cái mà bạn không có, nên “hy sinh bản thân” (dù cho bất kỳ ai) là một điều rất vô ích.
  3. Bạn biết rằng bạn luôn có quyền lựa chọn, ít nhất là 02, cho mọi tình huống.
  4. Bạn biết rằng nếu có việc gì đó liên quan đến bạn mà không đạt được kết quả như mong muốn, thì ít nhất 50% là lỗi của bạn.
  5. Bạn bắt đầu bớt yêu cầu mọi người phải hiểu mình, và cố gắng hiểu người khác hơn.
  6. Bạn biết rằng cho dù có làm gì đi nữa, bạn sẽ không bao giờ đáp ứng được hết kỳ vọng của mọi người về bạn.
  7. Bạn nhận ra rằng có nhiều thứ quan trọng hơn tiền, nhưng tiền vẫn luôn có chỗ đứng của nó.
  8. Bạn nhận ra rằng quan hệ luôn đến từ hai phía, nên chỉ có bạn cố gắng là không đủ.
  9. Bạn bắt đầu tập trung đầu tư vào một số mối quan hệ nhất định, và bỏ qua những mối quan hệ còn lại.
  10. Bạn tập trung vào cuộc sống của mình, và dừng so sánh, cũng như can thiệp, vào cuộc sống của người khác (trừ trường hợp họ yêu cầu).

Rồi đến cuối cùng, sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra: rằng cuộc sống khá đơn giản, chỉ có con người cố gắng phức tạp nó mà thôi.

Nhưng nếu bạn không đồng ý với bất kỳ điều nào kể trên, cũng không phải vấn đề. Bạn cứ đọc lại rồi từ từ sẽ hiểu!:)

#camnangdilam #dancongso