Author

Chó Sói

Browsing

[Thuộc về số đông, đương nhiên luôn có những trường hợp đặc biệt!]

  1. Sinh viên mới ra trường:

Câu nói dối kinh điển: “Em muốn học hỏi kinh nghiệm và cống hiến cho công ty.”

Sự thật là: Em chỉ muốn tiền thôi!

  1. Những người đi làm được 2-3 năm:

Câu nói dối kinh điển: “Em nghỉ việc vì môi trường hiện tại không giúp em phát triển hơn.”

Sự thật là: Em không được thăng chức!

  1. Những người đi làm lâu năm:

Câu nói dối kinh điển: “Mình bây giờ chỉ cần một công việc ổn định, môi trường làm việc thân thiện.”

Sự thật là: Lương bổng không chưa đủ, phúc lợi công ty cũng phải tốt nữa!

  1. Nhân viên:

Câu nói dối kinh điển: “Em sẽ cố gắng phát triển bản thân hơn mỗi ngày.”

Sự thật là: Đi làm về em chỉ muốn ngủ thôi!

  1. Quản lý:

Câu nói dối kinh điển: “Anh sẽ…”

Sự thật là: Anh chỉ hứa thôi!

  1. Quản lý cấp cao:

Câu nói dối kinh điển: “Công ty chúng ta luôn coi trọng nhân viên, xem nhân viên là ưu tiên số một.”

Sự thật là: Bạn cũng tự biết hen!:)))

  1. Người tuyển dụng:

Top 3 câu nói dối kinh điển: Tham khảo chương 49, 50, 51.

Sự thật cũng tham khảo chương 49, 50, 51.

  1. Ứng viên:

Câu nói dối kinh điển: “Khuyết điểm của em là…”

Sự thật: Em sẽ giấu mọi thứ ảnh hưởng tới khả năng nhận việc!

  1. Những công ty lớn:

Câu nói dối kinh điển: “Môi trường làm việc ở đây rất thân thiện, cởi mở.”

Sự thật là: Công ty càng lớn càng nhiều chính trị công sở!

Đối với Chó Sói, không có bài học nào từ cuộc sống quan trọng hơn bài học về sự cân bằng. Bất kể tính cách và trải nghiệm của bạn như thế nào, bất kể bạn yêu hoặc ghét điều gì, bất kể bạn tham gia vào bao nhiêu mối quan hệ, hãy mặc kệ mọi người để sống theo cách mà bạn muốn. Chỉ cần lưu ý một điều, đừng bao giờ làm quá!

Ví như:

Tự tin quá thì thành tự cao, mà thiếu tự tin quá thì thành tự ti. Vừa đủ là được.

Thẳng thắn quá thì mất lòng, thiếu thẳng thắn quá thì thảo mai. Vừa đủ là được.

Tin người quá thì dễ bị lợi dụng, thiếu tin người quá thì cô độc. Vừa đủ là được.

Yêu nhiều quá thì độc đoán, yêu ít quá thì thờ ơ. Vừa đủ là được.

Chơi với nhiều người quá thì thành bè, chơi với ít người quá thì thiếu bạn. Vừa đủ là được.

Làm việc nhiều quá thì kiệt sức, làm việc ít quá thì cơ cực. Vừa đủ là được.

Thế nào là vừa đủ?

Đây là lý do rất nhiều người làm quá, vì họ không biết khi nào thì vừa đủ cho mình. Vì họ chưa bao giờ hoạch định đúng nghĩa cho cuộc sống của bản thân.

Chó Sói cũng không thể đưa cho bạn đáp án chính xác, vì Chó Sói không phải là bạn. Chó Sói chỉ có thể cho bạn gợi ý, cũng là 02 câu hỏi quan trọng: Rằng đối với mọi mục tiêu trong cuộc đời bạn, bạn có đưa ra giới hạn nào không?

Và, vì sao giới hạn này có ý nghĩa với bạn?

Đừng “muốn mình trở nên giàu có”, hãy “tiết kiệm được 01 tỷ trong vòng 10 năm”. Tại sao lại là 01 tỷ, tại sao lại là 10 năm? 10 tỷ được không? 20 năm được không? Tại sao?

Nếu là 01 tỷ trong vòng 10 năm, nghĩa là 100 triệu 01 năm, nghĩa là tiết kiệm 8,33 triệu một tháng. Tiết kiệm ít hơn là bị thiếu, tiết kiệm nhiều hơn là bị dư. Nghĩa là có tháng cần ăn chơi ít lại, nhưng có tháng cần tận hưởng nhiều hơn. Thế, nghĩa là đủ.

Đừng “được mọi người yêu mến”, hãy “có 03 người bạn thân suốt đời”.

Đừng “cố gắng làm việc”, hãy “lên chức trưởng phòng trong 5 năm tới”.

Đừng “yêu hết mình”, hãy “cùng nhau xây dựng một ngôi nhà 02 tầng, 04 phòng ngủ, 02 đứa con, mỗi năm đi du lịch nước ngoài một lần.”

#camnangdilam #yeudancongso

Khi bạn mới đi làm, bạn muốn Sếp bạn phải vừa giỏi về quản lý, vừa giỏi về chuyên môn.

Làm được 2-3 năm, bạn hy vọng Sếp bạn chỉ cần giỏi về chuyên môn, không giỏi về quản lý cũng được.

Đi làm được tầm 5 năm, bạn nhận thấy Sếp bạn không cần giỏi về chuyên môn, giỏi về quản lý thôi là quá đủ.

Đi làm được tầm 8-10 năm, bạn không cần Sếp giỏi chuyên môn, cũng không cần Sếp giỏi quản lý, chỉ cần Sếp hỗ trợ cho công việc của bạn.

Đi làm trên 10 năm, bạn không cần gì ở Sếp cả, chỉ cần Sếp để yên cho bạn làm việc là được.

Đến khi ở yên thân thôi mà cũng không được, bạn đứng ra thành lập doanh nghiệp (hoặc làm tự do)

Nhân viên của bạn mong đợi gì ở bạn?!:)))

#camnangdilam #yeudancongso

Đối với Chó Sói, khi đi làm, điều cần nhất là sự thật.

Tất nhiên, trong đời sống hàng ngày cũng vậy. Mặc dù, vì những lý do xã giao tế nhị nào đó, bạn có thể, và thường, bỏ qua cho mọi người khi bắt gặp những lời nói dối vô hại.

Nhưng, Chó Sói luôn cần biết sự thật khi đi làm.

Nếu ai đó trong công ty nói rằng họ thích Chó Sói, Chó Sói cần biết điều này có đúng hay không. Trong công sở, mọi người luôn nói thích bạn, nhưng sau lưng thì đâm chọt không ghê miệng.

Nếu Sếp nói tương lai sẽ thăng chức hoặc tăng lương cho Chó Sói, Chó Sói muốn biết độ tự tin trong kế hoạch đó của Sếp. Rất nhiều người quản lý hay lấy lương bổng và chức vụ làm mồi nhử, nhưng rất lâu sau nhân viên mới nhận ra sự vô vọng trong hành trình này.

Nếu nhân viên của Chó Sói nói họ đi trễ vì kẹt xe, Chó Sói muốn biết sự thật trong lời nói của họ. Nhân viên có thể lừa bạn từ chuyện nhỏ, thì không thể nào nhờ vả được trong chuyện lớn.

Thế nên, trong suốt hành trình đi làm của mình, Chó Sói luôn tập trung chuyên môn học về sự thật: từ phân tích tâm lý, ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu…cho đến áp dụng các thủ thuật tương tác.

Đến ngày hôm nay, khi đi làm, mở rộng ra tới đối tác, khách hàng, trở thành chuyên gia (chắc siêu hiếm ở Việt Nam, có chứng nhận hẳn hoi) về phát hiện nói dối [đúng rồi á bạn, khúc này là PR cho bản thân].

Thế nên, Chó Sói khuyên bạn hãy học nhiều hơn về phát hiện nói dối. Khi bạn biết sự thật, bạn sẽ dễ dàng đưa ra được những quyết định đúng đắn. Bạn cũng dễ dàng thiết lập các phương án phòng ngự, hoặc tự bảo vệ mình, khi có những manh mối lừa dối đầu tiên.

Nhiều người không dám nhìn thẳng vào sự thật, vì nó mất (và đau) lòng. Nhưng rồi sau này bạn sẽ nhận ra, bỏ qua sự thật đem lại hậu quả ghê gớm hơn nhiều.

Có rất nhiều cách để đối phó với một ai đó khi bạn nhận ra họ ghét mình. Bạn có thể bỏ mặc chuyện đó, hoặc bạn có thể nói chuyện để làm rõ lý do, nhưng đầu tiên, bạn phải nhận ra họ ghét bạn, từ đằng sau câu nói: “Mình rất vui được làm việc cùng bạn!”

Hãy học cách phát hiện, và trân trọng, sự thật.

#camnangdilam #yeudancongso

 

Việc đi làm sẽ trở nên dễ chịu biết bao nếu mọi người dành thời gian tập trung vào làm tốt công việc của mình hơn là đi soi mói hoặc ghen tị với công việc của người khác. Nhưng mọi chuyện lại khó có thể nào được như vậy…

#camnangdilam #yeudancongso

 

[Thường Chó Sói sẽ viết hoa chữ Sếp trong các bài chia sẻ, nhưng hôm nay viết thường cho tương xứng với thứ tự]

Có người nói rằng, khi bạn mới bắt đầu đi làm, thì sếp trực tiếp của bạn rất quan trọng. Mặc dù hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, Chó Sói nhận thấy có một số người (đặc biệt là các bạn trẻ) thường tự suy ra rằng, mình nên “trung thành” nhất với cấp trên trực tiếp (tức “yêu” sếp đầu tiên). Điều này không đúng.

Cho dù bạn mới đi làm, hay bạn đã đi làm lâu năm rồi (thường thì, người đi làm lâu năm sẽ nhận định đúng hơn), bạn nên biết thứ-tự-yêu sau đây mới chính xác:

Yêu công việc, yêu công ty, rồi mới yêu sếp.

Phải yêu công việc đầu tiên, vì công việc sẽ không bao giờ phản-bội và ngừng yêu bạn, một khi bạn đã bắt đầu yêu công việc. Những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bạn có được, sẽ theo bạn suốt cuộc đời. Chẳng ai dám nói rằng, mình sẽ chỉ làm ở một hoặc hai công ty mà thôi.

Phải yêu công ty thứ hai, là bởi vì khi có mâu thuẫn giữa sếp bạn và công ty, thì bạn phải hành động dựa trên lợi ích của công ty, chứ không phải của sếp bạn. Nên nhớ, công ty mới là người trả lương cho cả hai, và có thể phản-bội cả hai.

Yêu sếp cuối cùng, bởi vì cho dù bạn và sếp đã làm việc được bao lâu, bạn và sếp có quan hệ tốt đến như thế nào, bạn sẽ không bao giờ biết được mức độ tuổi-thọ của mối quan hệ. Như Chó Sói đã từng chia sẻ, quan hệ giữa người với người là một sợi dây cực kỳ mỏng.

[Cho dù bạn có ở bên cạnh người đó bao lâu, cho dù bạn đã từng cùng người ta trải qua những chuyện sóng gió tê tái ghê gớm đến thế nào, thì bạn không, và sẽ không bao giờ, biết được mức-độ-mỏng-thực-sự của sợi dây đó.]

Tại sao lại cần thứ-tự-yêu?

Thứ-tự-yêu quan trọng, là bởi vì bạn cần xác định lượng thời gian dành cho những điều bạn yêu, cũng như thứ tự ưu tiên khi có mâu thuẫn xảy ra. Đối với dân công sở, hãy dành nhiều thời gian phát triển bản thân trong công việc, học hỏi và nắm quy trình, điểm mạnh yếu của công ty, hơn là chỉ chăm chăm làm hài lòng sếp bạn. Yêu sếp không có gì không tốt, nhưng suốt ngày chạy việc vặt cho sếp, hoặc bất chấp làm theo sếp mà bỏ mặc công việc và công ty là không đúng (trừ một số vị trí hỗ trợ cá nhân).

Chúc bạn yêu tốt!:

#camnangdilam #yeudancongso

Trở lại với sự đụng-chạm, chúng ta hãy cùng điểm thêm các hạng mục của 82% những nhà phỏng vấn tuyển dụng thiếu năng lực:

  1. Có định kiến:

Nếu bạn cho rằng Chó Sói đang nói đến những việc như “người Miền Bắc thế này”, “người Miền Tây thế nọ” thì không phải, bởi thể-loại tuyển dụng đó là quá tệ rồi. Chó Sói muốn nói đến trường hợp sau đây:

Bạn nghĩ gì nếu có ứng viên trả lời bạn rằng: “Mình chưa bao giờ gặp thất bại trong cuộc sống cũng như trong công việc.”?

Nếu bạn nghĩ rằng: “Chà, ứng viên thật tự tin” hoặc bạn nghĩ rằng: “Ôi, ứng viên tự cao quá!” thì xin chúc mừng, bạn vừa vào top 82% những người tuyển dụng có định kiến mà Chó Sói tính đề cập.

Tức là sao?

Phản xạ vội vàng kết luận câu nói của ứng viên theo hướng suy nghĩ của mình, bất chấp kết luận của bạn đúng hay sai, chính là cái mà Chó Sói gọi là những người phỏng vấn định kiến. Phản xạ chính xác phải là: “Tại sao ứng viên lại nghĩ như vậy nhỉ?”

Việc này đồng nghĩa, những nhà phỏng vấn chuyên nghiệp quan tâm tới việc “tại sao” ứng viên đưa ra câu trả lời, hỏi thêm về thế giới quan của họ, trước khi có bất kỳ kết luận nào. Bạn có kết luận trước khi hỏi, cho dù bạn có hỏi thêm sau đó, thì cũng đã muộn rồi!

  1. Không giỏi về ngôn ngữ cơ thể:

Dù biết mình thuộc một trong số ít những người nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ cơ thể, Chó Sói vẫn ngạc nhiên về mức độ kém hiểu biết của những người đang làm phỏng vấn tuyển dụng, đặc biệt trong các tập đoàn, công ty lớn. Như một quản lý cấp cao của tập đoàn xây dựng mà Chó Sói từng gặp: “Ủa, anh tưởng ngôn ngữ cơ thể chỉ dành cho diễn viên thôi chứ!”.

Ngôn ngữ cơ thể (chính xác là giao tiếp phi ngôn từ) mới là căn cứ xác định xem ai đó có đang nói sự thật hay không, và sự thật mới là thứ chúng ta cần trong các vòng phỏng vấn tuyển dụng. Để bắt đầu, bạn hãy thử trả lời câu hỏi dễ ẹc sau đây:

  • Các ứng viên không trung thực thường có xu hướng tránh nhìn vào mắt nhà tuyển dụng khi giao tiếp? Đúng hay sai? Tại sao? [Khúc tại sao mới quan trọng nha!]
  1. Không giỏi phân tích dữ liệu và tâm lý:

Đây chính là điểm phân biệt của nhà phỏng vấn tuyển dụng chuyên nghiệp với những người thiếu năng lực. Hãy xem xét tình huống sau:

  • Bạn coi trọng khía cạnh nào hơn, việc đúng-sai hay mối quan hệ trong công việc?

Ứng viên trả lời:

  • Dạ, như chị đã biết trong CV, phòng ban của em là kế toán, nên tất nhiên việc đúng sai quan trọng hơn mối quan hệ trong công việc. Tất nhiên, mối quan hệ cũng quan trọng. Nhưng đối với một người làm kế toán, việc đúng sai là ưu tiên hàng đầu. Các anh chị kế toán em từng gặp cũng đều tâm niệm như vậy. Nên em nghĩ rằng việc đúng- sai trong công việc quan trọng hơn.

Bạn rút ra kết luận gì?

Nào, đừng vội đọc tiếp, hãy suy nghĩ.

Để xem bạn có [hay đã] thuộc top 82% mà Chó Sói vừa nói hay không. Nó cũng đơn giản thôi.

Rồi, nếu bạn thấy câu trả lời của ứng viên không có vấn đề. Chúc mừng, bạn đã vượt qua thử thách, có 82% người trả lời giống như bạn.

Nếu bạn thấy câu trả lời của ứng viên có vấn đề, hãy cho Chó Sói biết tại sao?

Nếu bạn trả lời, tại vì bạn có cảm giác như vậy. Chúc mừng, bạn đã vượt qua thử thách, có 82% người tham gia trả lời giống như bạn.

Nên bạn biết đấy, đó là lý do nhiều doanh nghiệp không phát triển được. Vì họ đã để những người thiếu năng lực đi làm chuyện phỏng vấn, hoặc vì bạn đã để cho mình rơi vào top 82% này.

Bài viết dài quá đi!

Nếu xét trên góc độ thành bại của doanh nghiệp, thì vấn đề nguồn nhân lực là vấn đề then chốt.

Và bài viết bên dưới mang tính động chạm sâu sắc [cảnh báo].

Khi nói về vấn đề nguồn nhân lực, tức nói về vấn đề “ai làm việc gì”. Nghĩa là, tuyển người phù hợp cho các vị trí trong doanh nghiệp.

Một điều Chó Sói nhận ra, khi làm việc với các doanh nghiệp, cũng như khi phỏng vấn tuyển dụng, đó là: 82% những người ngồi ở vị trí phỏng vấn đều thiếu những nhận thức và kỹ năng quan trọng để tuyển người phù hợp. Tức là, doanh nghiệp sai lầm trong việc để người phù hợp làm phỏng vấn tuyển dụng ngay từ đầu.

Nếu bạn đang bị đụng chạm. Hãy dừng đọc.

Nếu bạn tiếp tục, bạn đương nhiên muốn hỏi đó là những nhận thức và kỹ năng gì.

Có rất nhiều người tuyển dụng giỏi trong việc tạo nguồn, và tạo quan hệ với ứng viên. Nhưng tệ trong phỏng vấn tuyển dụng, tức tệ trong việc “nhìn người”. Để là người tuyển dụng chuyên nghiệp, bên cạnh đạo đức nghề nghiệp, bạn cần xem mình có thường xuyên mắc (hoặc quá yếu) một trong 04 điều sau đây hay không:

  1. Không có giá trị cốt lõi khi phỏng vấn:

“Ứng viên có khả năng giao tiếp khéo léo, khả năng xử lý tình huống tốt, yêu thích công việc chăm sóc khách hàng. Ứng viên cũng là người khá tham vọng, tỷ mỷ, tự tin, có yêu cầu cao trong công việc. Điểm yếu của ứng viên là đôi lúc hơi tự cao.”

Nếu đây là một bản báo cáo đọc-cho-vui bạn hay gửi cho ai-đó sau khi phỏng vấn xong, nó không phải là vấn đề. Nhưng nếu bạn cho rằng bạn thật sự nhìn ra được từng này điểm qua 1 vòng phỏng vấn, bạn quá ảo tưởng sức mạnh. Một buổi phỏng vấn chỉ cho phép bạn nhìn thấy từ 1- 2 điểm trong những điều bạn vừa viết, có khi còn không đủ để kết luận. Nội chuyện “yêu thích công việc chăm sóc khách hàng”, bạn có khi cần từ 2- 3 vòng phỏng vấn để xác thực chuyện đó.

Ấy là nếu bạn thực sự có kỹ năng tốt.

Cho nên, người phỏng vấn chuyên nghiệp chỉ có thể xác định từ 1-2 mục khi phỏng vấn. Hãy nhớ, ứng viên giao tiếp tốt với bạn không có nghĩa là họ cũng giao tiếp tốt với khách hàng (đặc biệt khi khách hàng đang nóng giận). Cũng chính vì vậy, bạn cần chọn điều bạn mong muốn nhất khi tuyển vị trí đó. Đối với Chó Sói, mục quan trọng nhất luôn là “Liệu ứng viên có thực sự thích công việc họ đang ứng tuyển?”. Nếu bạn tự cho rằng bạn có thể làm chuyện này một cách đơn giản, nhắc lại, bạn đang ảo tưởng quá mức rồi. Nhưng bạn đừng lo, có 82% người phỏng vấn cũng suy nghĩ giống như bạn.

Bạn vẫn cho rằng mình có khả năng nhìn thấy nhiều điều hơn, từ một buổi phỏng vấn?

Hãy thử qua vài điều được đề cập trong các mục 2, 3, 4 của bài viết sau.

Nếu bạn đã từng đi làm, bạn sẽ nghe được câu chuyện như thế này: Ứng viên phàn nàn nhà tuyển dụng bắt ứng viên chờ đợi, rồi phỏng vấn xong không có phản hồi gì, thái độ hết sức trịch thượng. Nhà tuyển dụng thì phàn nàn ứng viên thiếu chuyên nghiệp, có khi bỏ ngang buổi phỏng vấn không nói một lời, thậm chí đồng ý offer rồi lại không nhận việc, đến ngày đi làm thì không liên lạc được. Trong câu chuyện đó, ai cũng có phần đúng về mình.

Thế nhưng, sự thật thì như thế nào?

Đối với Chó Sói, sự thật nó như thế này:

Tuy nhà tuyển dụng không phải là mẹ thiên hạ, nhưng có tới 70% nhà tuyển dụng trên thị trường mang suy nghĩ này, và 80% trong số 70% này đến từ những công ty lớn. Chó Sói hay gọi đây là câu lạc bộ 7080.

Mọi người hay nhầm lẫn rằng các nhà tuyển dụng thuộc công ty lớn sẽ phản hồi nhanh chóng cho ứng viên, do họ chuyên nghiệp hơn. Thật ra, phản hồi nhanh không liên quan tới chuyên nghiệp, nó liên quan tới việc nhà tuyển dụng có tâm hay không. Câu lạc bộ 7080 đương nhiên không có tâm, càng lớn lại càng dễ quan liêu hơn, vì ứng viên xếp-hàng để được vào công ty họ mà.

Nhưng khổ một nỗi, là các ứng viên lại chỉ thích khoác lên mình bộ đồng phục của công ty lớn. Họ lờ đi các công ty nhỏ, thậm chí bỏ buổi phỏng vấn không nói lời nào, để chờ đợi đầu quân vào các công ty lớn. Họ phải chịu đựng thái độ trịch thượng, quan liêu từ câu lạc bộ 7080, rồi tự bần thần, sao công ty lớn lại làm ăn thiếu chuyên nghiệp như vậy?!

Trong khi đó, các công ty nhỏ mới là lực lượng tuyển dụng có tâm hơn nhiều: họ phản hồi nhanh hơn, thậm chí khi có ứng viên bỏ ngang phỏng vấn, họ còn gọi lại hỏi tình hình, rồi cho thêm một cơ hội.

Với nguồn ứng viên hữu hạn, những nhà tuyển dụng từ các công ty nhỏ phải càng có tâm hơn, bất chấp thái độ của ứng viên, để hy vọng kéo được người về, giúp họ hoàn thành công việc. Nhưng họ luôn ghi nhớ những lần bất chấp ấy. Thế là, khi công ty họ lớn mạnh hơn, phát triển hơn, họ bắt đầu bớt có tâm lại, và nhiều người, một cách tự nhiên, gia nhập câu lạc bộ 7080. Họ không muốn phải khổ sở vì ứng viên nữa.

Cái vòng luẩn quẩn này kết thúc khi nào?

Đối với Chó Sói, đây là câu chuyện không bao giờ có hồi kết. Nó giống như chuyện mẹ chồng- nàng dâu. Bạn không thể làm gì mẹ chồng bạn, hoặc bạn không thể trông mong gì ở con dâu bạn. Bạn chỉ có thể xác định mình muốn thành kiểu mẹ chồng gì, hoặc kiểu con dâu nào.

Tất nhiên, cho dù bạn có là mẹ chồng tốt nhất thế giới, thì nếu bạn vớ phải con dâu quá tồi, câu chuyện cũng không bao giờ kết thúc có hậu. Tương tự theo chiều ngược lại.

Nếu không kết thúc được, có cách nào giảm bớt câu chuyện này không?

Có chứ, khi nền giáo dục và văn hóa của đất nước này tiến bộ (tức ý thức mọi người đều nâng cao). Nó sẽ xảy ra chứ (hy vọng vậy), nhưng còn khá xa vời.

Vậy bạn có thể làm gì?

Nhắc lại, bạn chỉ có thể xác định mình muốn thành kiểu mẹ chồng gì, hoặc kiểu con dâu nào. Vậy thôi.

Quay trở lại, đối với vấn đề số (2), Chó Sói sẽ cho bạn một ví dụ:

Bạn vào làm trong một cửa hàng quần áo mới được 3 tháng, nhưng đã nhớ được giá và mã của rất nhiều mặt hàng. Trong một lần tình cờ, bạn phát hiện ra quản lý cửa hàng (tức Sếp của bạn), làm đã được 5 năm, bán sai giá một món đồ cơ bản. Bạn ngạc nhiên. Những ngày sau, bạn phát hiện Sếp bạn tiếp tục nhớ sai giá và mã của vài món cơ bản khác.

Bạn rút ra kết luận gì?

Như rất nhiều người (đặc biệt là những bạn trẻ), bạn nhận thấy: Sếp bạn thật cùi-bắp, làm 5 năm rồi mà còn không được-như-bạn!

Kết luận của bạn đúng hay sai?

Trước khi bàn về việc nó đúng hay sai, hãy áp dụng cái gọi là: Đặt nhiều câu hỏi để nhìn nhận toàn cảnh vấn đề.

  • Những ngày bán sai giá, tâm trạng của Sếp bạn như thế nào? Sếp bạn có đang buồn, hay căng thẳng gì không? Bạn biết đấy, khi tâm trạng không tốt, ai cũng mắc sai lầm, dù cơ bản tới đâu.
  • Nếu tâm trạng Sếp bạn ổn định, đây là điểm yếu của Sếp bạn. Vậy tại sao Sếp bạn lại làm được tới 5 năm. Đâu là điểm mạnh của Sếp bạn để được giữ lại làm?
  • Nếu bạn vẫn không nhìn ra (dù điều này thường không đúng), tại sao một người không có điểm mạnh nào mà chỉ có điểm yếu lại được làm quản lý cửa hàng? Điều này chứng tỏ lãnh đạo (người chủ) công ty bạn có vấn đề.
  • Nếu người lãnh đạo công ty có vấn đề, vậy quy mô công ty bạn như thế nào? Tồn tại bao lâu rồi? Nếu quy mô lớn hoặc đã tồn tại lâu, vì sao có thể tồn tại lâu như vậy? (Hoặc quy mô lớn như vậy?)

Sau khi tìm ra được câu trả lời, bạn hãy tiếp tục hỏi các câu sau:

  • Mình cần làm gì để có thể giỏi giống như họ?

Hay:

  • Mình cần làm gì để tránh sai lầm giống như họ?

Hoặc:

  • Tại sao mình giỏi như vậy nhưng lại chỉ có thể làm cho công ty có nhiều vấn đề vậy?

Như bạn có thể nhận ra, kết luận bây giờ của bạn chắc chắn đúng và toàn diện hơn kết luận ban đầu. Cho dù nó vẫn ra đúng một kết quả.

Cuối cùng, để kết thúc, cũng để tránh nhầm lẫn, dưới đây là ba lưu ý nhỏ từ Chó Sói:

  • Cái tôi lớn và tự tin không liên quan đến nhau.
  • Bạn có thể không cần áp dụng cách của người khác để thành công, nếu bạn không thoải mái với nó. Nhưng bạn cần hiểu cách thức đó, kèm theo phân tích ưu nhược điểm, cũng như cách thức và ưu nhược điểm mà bạn đang chọn.
  • Trong trường hợp bạn khó đảm bảo sự khách quan, hãy tham khảo thêm thông tin từ người khác.