Author

Chó Sói

Browsing

Cố gắng hết sức là một khái niệm khá mơ hồ, nhưng nói chung hãy làm những việc để bản thân mình không phải hối hận. Bạn có thể thất bại, và hãy mạnh dạn thất bại, nhưng đừng để mình phải hối tiếc.

Đối với cố gắng, cũng không nên theo kiểu tất-cả-một-lần. Cố gắng, cũng giống như hạnh phúc, là một loại hành trình. Mỗi ngày một ít, mỗi lúc một ít, mỗi người một ít, thực hành điều đó trong suốt cả cuộc đời bạn.

Chỉ có một số ít những người đặc biệt mới tự có nhu cầu thay đổi bản thân để tốt hơn, còn lại, đa phần mọi người đều thay đổi vì một mục đích nào đó khác ngoài bản thân họ.

Tức là, phần lớn mọi người không thay đổi bởi vì họ muốn, mà bởi vì họ buộc phải thay đổi để đạt được mục đích.

Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra. Rằng những ai sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu lại chính là những người sẽ không bao giờ có được tình yêu trọn vẹn.

Bởi vì, sự trọn vẹn bắt đầu từ việc bạn phải biết trân trọng bản thân. Chẳng có ai thực sự yêu những người không biết chăm sóc bản thân mình trước.

Công ty Chó Sói có một team làm truyền thông, nổi tiếng cả văn phòng. Nổi tiếng không phải bởi vì team đó làm truyền thông, mà bởi vì lượng nhân viên tuyển mới và nghỉ việc, đi ra đi vào giống như cái chợ. Người cũ chưa kịp ngồi nóng ghế đã nghỉ, người mới chưa kịp ngồi xuống ghế cũng… nghỉ luôn. Tỷ lệ tun-ô-vờ đứng đầu cả văn phòng.

Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu như người quản lý ở phòng này, không những liên tục lên chức đều đặn, mà còn lên chức rất cao.

Ấy là tại vì sao?

Phải nói ngay rằng, vị quản lý này có chuyên môn rất giỏi. Hoặc chí ít là Chó Sói thấy chị ấy giỏi. Về chuyên môn.

Vấn đề là, chị ấy toàn được thăng chức ở ngạch quản lý. Mà ai cũng biết, quản lý thì phải giỏi kỹ năng quản lý. Nếu giỏi chuyên môn, thì chỉ nên thăng chức ở ngạch chuyên môn thôi.

Nhưng chị ấy vẫn ào ào lên ngạch quản lý, bởi một kỹ năng tuyệt vời khác, ấy là chị ấy rất giỏi tán dương người đứng đầu ở công ty.

Chị ấy giỏi tán dương đến mức, bất chấp việc team của chị tan đàn xẻ nghé, vất va vất vưởng, bị mọi người trong văn phòng lên án về thái độ làm việc, nhân viên thì bao nhiêu năm làm việc đều không khá khẩm gì hơn, thậm chí còn muôn lần đi nói xấu sếp với các phòng ban khác, chị ấy vẫn được người đứng đầu công ty đàng hoàng ghi nhận là “một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất tập đoàn”.

Việc này nói lên điều gì?

Chó Sói rút ra được hai điều quan trọng:

– Thứ nhất, có những người làm kinh doanh rất giỏi, đến mức họ lên được tới chức chủ tịch tập đoàn. Nhưng họ lại không phải là nhà lãnh đạo giỏi. Bởi vì, họ không phân biệt được ranh giới giữa sự thiên vị cá nhân và công việc.

Hoặc tệ hơn, họ phân biệt được, nhưng vì họ có quyền hạn, nên họ bất chấp tất cả điều tiếng để đưa những người họ thích lên vị trí họ thích.

– Từ chuyện thứ nhất, dẫn tới chuyện thứ hai, đó là, khi bạn bất chấp làm mọi thứ thăng chức cho một ai đó chỉ vì bạn có quyền, bạn sẽ khiến cho những người còn lại làm hai chuyện sau:

Một là họ sẽ nghỉ việc, vì họ không chịu được sự bất công. Những người nghỉ việc này, thường là những quản lý giỏi.

Hai là họ sẽ đi luyện “kỹ năng tán dương”, thay vì kỹ năng quản lý, và bạn sẽ có một thế hệ quản lý rất-xuất-sắc.

Vậy thì sao?

Chẳng sao cả bạn ạ, bởi vì có rất nhiều người đi làm chỉ vì tiền. Nên Chó Sói hy vọng, là công ty sẽ tiếp tục kiếm ra được thật nhiều tiền. Bởi vì khi bạn không phải là nhà lãnh đạo giỏi, thì người ta sẽ cần rất nhiều tiền để tiếp tục tán dương tài-năng-lãnh-đạo của bạn.

Thế bạn sẽ hỏi, vậy rốt cuộc Chó Sói thuộc nhóm nào?

Chó Sói chẳng biết nữa bạn ạ, có khi Chó Sói thuộc nhóm kỹ-thuật-tán-dương không chừng?!:)))

Trước khi bước qua một nửa cuộc đời, để trưởng thành, dù là trong công việc hay cuộc sống, có một số trải nghiệm mà Chó Sói thiết nghĩ dân công sở nên biết:

1. Sống với đam mê: Dù chỉ một lần, hãy chọn công việc mà bạn thực sự thích. Dù bạn cho rằng bạn có tài năng hay không, bạn có tốt nghiệp đúng ngành hay không, bạn có kinh nghiệm gì hay không, hãy thử làm điều ấy một lần. Mặc kệ nhận xét của tất cả mọi người, hãy làm điều đó cho chính bản thân bạn.

Sau này, nếu thất bại, hãy yêu, và biết ơn, công việc bạn đang làm.

2. Bị phản bội: Nếu bạn chưa từng bị phản bội, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được cách tin một người theo đúng nghĩa. Nếu bạn cho rằng tất cả mọi người đều đáng tin, bạn sẽ sớm thất bại. Nếu bạn cho rằng tất cả mọi người đều bất tín, bạn cũng sẽ thất bại.

Sau khi bị phản bội, bạn sẽ bắt đầu tin vào hành động, hơn là lời nói. Bạn sẽ đầy nghi ngờ, trước khi tin một số ít người. Bạn hiểu được rằng, tin tưởng thật sự, đều bắt nguồn từ sự nghi ngờ trước nhất.

3. Làm “sếp” một ai đó: Tức là, chịu trách nhiệm cho công việc của một người khác. Câu chuyện không còn là việc mình có làm tốt hay không, mà là ai đó mình hướng dẫn, mình quản lý, mình huấn luyện, có đang làm tốt hay không.

Lúc đó, bạn sẽ nhận ra, câu chuyện chẳng còn là việc bạn đúng hay sai, bạn giỏi hay dở, chỉ là làm sao để ai đó tận tụy hết lòng với bạn.

4. Thất tình, hoặc bị-chia-tay: Nghe thật kỳ lạ, nhưng bạn nên thất tình ít nhất một lần trong đời. Hoặc bị-chia-tay. Bởi vì khi đó, bạn sẽ nhận ra: quan hệ là một thứ rất kỳ-lạ. Không phải bạn cứ tốt với một người hết lòng hết dạ, thì người ta sẽ có tình cảm, dù chỉ một chút, đối đãi lại với bạn. Cũng không cần bạn phải làm gì sai, thì quan hệ giữa hai người mới chấm dứt.

Lúc đó, bạn sẽ nhận ra, quan hệ giữa người với người là một sợi dây cực-kỳ mỏng. Cho dù bạn có ở bên cạnh người đó bao lâu, cho dù bạn đã từng cùng người ta trải qua những chuyện sóng gió tê tái ghê gớm đến thế nào, thì bạn không, và sẽ không bao giờ, biết được mức-độ-mỏng-thực-sự của sợi dây đó.

Tình yêu là chủ đề muôn thuở của mọi người. Việc đi làm, đặc biệt đối với dân công sở, cũng là chủ đề thú vị không kém. Trong một ngày rảnh rỗi, Chó Sói bỗng dưng đúc kết được 10 điểm tương đồng giữa tình yêu và việc đi làm của dân công sở, nên muốn chia sẻ đến mọi người.

  1. Độc thân cũng giống như thất nghiệp: Không ai hiểu rõ lý do vì sao mình tốt thế này mà lại không được chọn!
  2. Đi phỏng vấn cũng giống như tán tỉnh người mình thích: Vừa muốn cho họ biết ưu điểm của mình mà cũng đồng thời tìm kiếm ưu điểm của họ.
  3. Phỏng vấn thành công cũng giống như tỏ tình thành công: Hai bên bắt đầu cho nhau cơ hội tìm hiểu nhiều hơn.
  4. Giai đoạn thử việc cũng giống như giai đoạn bắt đầu quen nhau: Sẽ thấy thất vọng vì thực tế không được như kỳ vọng, tính cách mỗi người khác nhau dễ dẫn đến mâu thuẫn. Kết thúc giai đoạn này, bạn có hai lựa chọn: hoặc là chấp nhận thực tế phũ phàng và bắt đầu chú tâm cống hiến hơn, hoặc là đi tìm một mối quan hệ mới.
  5. Ngày ký hợp đồng làm việc cũng giống như ngày đăng ký kết hôn: Bút sa gà chết.
  6. Chuỗi ngày đi làm cũng giống như đời sống hôn nhân: Ai có quyền hơn, ai giữ tiền, ai phê duyệt… bên nào yếu thế hơn bên đó phải nhịn. Có người lúc nào cũng ký được đơn-ly-hôn. Có người cũng muốn bỏ lắm rồi nhưng vì đủ thứ lý do cơm-áo-gạo-tiền phải cắn răng ở lại.
  7. Những người muốn-bỏ-lắm-rồi-nhưng-phải-ở-lại, tất nhiên sẽ ngấm ngầm tìm kiếm cơ hội làm việc ở một chỗ khác. Sau đó, thì âm thầm đi phỏng vấn sau lưng công ty, rất sợ bị công ty đang làm phát hiện. Cái đó, cũng giống như trong tình yêu, gọi là ngoại tình.
  8. Ngoại tình xong rồi, có ba kiểu sẽ xảy ra: Một là bỏ ngay chỗ làm cũ đến với chỗ làm mới, trong tình yêu gọi là ly hôn. Hai là phát hiện chỗ làm mới không tốt bằng chỗ làm cũ, quyết định ở lại, từ đó tính tình thay đổi, ôn hòa khác thường. Ba là quyết liệt xin nghỉ, làm rùm beng đòi nghỉ ngay và luôn, xong mới phát hiện chỗ làm mới không bằng chỗ làm cũ. Về không được mà ở lại cũng không xong. Cái đó, gọi là đáng đời!
  9. Nhân viên tốt cũng giống như người yêu/người chồng tốt: Lúc nào cũng có đối thủ cạnh tranh sẵn sàng cướp đoạt, đem về làm của riêng. Dù làm người thứ hai, thứ ba hay thứ n gì cũng được, lăm le thủ đoạn dụ dỗ tới cùng.
  10. Nghỉ việc cũng giống như ly hôn: Cho dù hai bên đều đồng ý tự nguyện, không phàn nàn gì, thì thường đã ra đi rồi cũng sẽ không bao giờ muốn quay lại.

Điều gì tệ nhất cho một giải thưởng? Ấy là tất cả mọi người đều có giải, hoặc hầu hết mọi người đều có giải.

Sáng nay đọc báo, thấy FIFA quyết định mở rộng số đội tham dự World Cup, từ 32 thành 48 đội. Quyết định này, đương nhiên khiến cho FIFA có khả năng tăng thêm lợi nhuận từ giải đấu, do số lượng quốc gia tham dự tăng lên, người dân ở những nước đó sẽ bỏ thêm tiền vào.

Nó cũng dẫn đến một hệ lụy khác, đó là khiến cho trình độ giải đấu càng thêm chênh lệch. Nghĩa là, sẽ có những đội trình-độ-lót-đường tham gia với những đội trình-độ-đẳng-cấp.

Nghĩa là, trong tương lai, khi một quốc gia nhỏ-bé nào đó vào được World Cup, người ta sẽ không còn thấy tự hào như-thưở-ban-đầu, mà chỉ nghĩ là do đã được châm-chước, mua-bán mà vào tham-quan giải đấu.

Nghĩa là, bạn có thêm tiền, nhưng mất đi sự danh giá.

Bạn sẽ lựa chọn như thế nào?

Khoảng một năm rưỡi trở lại đây, công ty Chó Sói cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Điều đó bắt nguồn từ triết lý giữ-nhân-tài của một trong số những nhà lãnh-đạo cấp cao tại công ty.

Vị sếp này cho rằng, để một nhân tài có cảm giác mình được trọng dụng và đang phát triển, thì các trưởng bộ phận phải cân nhắc tạo ra một hệ thống mà “mỗi 6 tháng người ta sẽ lên một cấp bậc mới”.

Mỗi 6 tháng lên một cấp bậc mới, đối với cấp bậc dưới quản lý đã khó, đối với cấp bậc quản lý trở lên lại càng khó hơn. Vấn đề lại nằm ở chỗ, có những người rất giỏi chuyên môn, nhưng không giỏi quản lý, thế mà cứ tự-nhiên lên chức quản lý.

Và vì người đó không giỏi quản lý, nên lại có nhiều chức danh hài-hước xảy ra.

Ví dụ như người ta có quản trị viên tập sự, vài phòng ban đem về, tạo ra đủ thứ chức danh tập-sự, mà không hiểu chuyện gì liên quan.

Nên, có những chức danh hài hước ra đời, kiểu như giám-sát-cấp-cao-tập-sự, quản-lý-cấp-cao-tập-sự, rồi trưởng-bộ-phận-marketing-tập-sự.

Rồi những người tập-sự đó, dù chưa “tập” xong, 6 tháng sau, lại lên chức tập-sự-khác. Họ không phát triển gì thêm, không làm thêm việc gì, hoặc làm thêm việc còn chưa ra gì, thì lại được-lên-chức tiếp theo lộ-trình. Nó dẫn đến ở trong công ty Chó Sói, có cái gọi là “lạm phát chức danh”.

Lạm phát chức danh có ảnh hưởng đến hai nhóm đối tượng chính:

– Nhóm những người trưởng thành: Họ bắt đầu chán ngán với hệ thống chức danh, không-muốn lên chức. Lý do là vì lỡ họ bị đặt lên cái chức cao quá, sau này ra thị trường rất khó kiếm việc tương đương. Tưởng tượng ở đây bạn đang là chức giám-đốc-bán-hàng-tập-sự, giờ ra ứng tuyển vào chức phó phòng bán hàng, thì bạn phải giải thích ra làm sao cho cái sự xuống hẳn vài-ba-chục-cấp?

Cũng bởi vì, những người trưởng thành hiểu rõ rằng, giám-đốc-bán-hàng-tập-sự ở đây, thì đôi khi trình độ chỉ ngang phó phòng bán hàng ngoài thị trường.

Và thật ra, không phải ai cũng có can-đảm từ chối lên chức.

Nhưng vậy còn đỡ, vì so với nhóm thứ hai, mọi chuyện còn tệ hơn.

– Nhóm những người chưa trưởng thành: Họ bắt đầu ảo tưởng về năng lực thật sự của họ, và nghĩ rằng vì họ vẫn đang lên chức đều đều, nên trình độ quản lý của họ hẳn phải rất cao.

Vì trình độ quản lý của họ rất cao, nên nếu nhân viên của họ không phát triển được, thì lý do hẳn phải là những người đó quá tệ, hoặc không-phù-hợp.

Dẫn đến việc, bạn là giám-sát-cấp-cao-tập-sự ở đây, mà bạn cứ tưởng ở ngoài thị trường người ta cũng có cùng trình-độ-giám-sát giống như bạn.

Hoặc bạn tưởng, trình-độ-lãnh-đạo của bạn cũng cao như người khác vậy.

Ấy, gọi là ảo tưởng sức mạnh.

Thêm vào đó, triết lý giữ-nhân-tài còn được áp dụng biến thể, dẫn đến việc một vài phòng ban có doanh số, tháng này vừa đạt doanh số hết làm quản-lý-tập-sự, tháng sau rớt doanh số lại trở về “tập” như tháng trước.

Mọi chuyện loạn hết cả lên.

Bắt đầu, mọi người chẳng còn coi việc lên chức là một cái gì đáng-tự-hào lắm. Dẫn đến việc, cũng có những người quản lý rất giỏi, nhưng khi được đề bạt, lại cảm thấy phân vân mình đang đứng chung cấp với những trình-độ-nào?

Chó Sói nghĩ, rằng khi tạo ra hệ-thống-chức-danh-kỳ-quặc này, những lãnh đạo cấp cao của công ty cũng đã có sự cân nhắc.

Giống như FIFA đã quyết định lựa tiền thay vì sự danh giá của giải đấu World Cup. Chỉ là đôi khi, bạn quyết định trả giá, nhưng lại không ngờ cái giá mình phải trả đắt đến như vậy.

Bởi vì bây giờ, rất nhiều nhân tài thực sự đang lựa chọn rời bỏ công ty, vì không muốn đứng chung hàng ngũ với một-vài-nhân-tài-ảo-tưởng-khác.

May thay, phòng ban của Chó Sói từ ban đầu đã quyết định đứng ngoài cuộc chạy đua ấy.

Đứng ngoài cuộc đua ấy, nghĩa là phải trả lời câu hỏi của các bạn trong team, rằng “Trong khi phòng ban khác ai cũng lên chức, còn em không lên, vậy có phải trình độ em rất tệ không?”

“Và cho dù em biết trình độ chuyên môn của em rất tốt, chỉ trình độ quản lý cần phải cải thiện thôi, thì liệu mọi người xung quanh có nghĩ trình độ chuyên môn của em rất tệ không, vì những người trình độ quản lý tệ-hơn-em cũng vẫn lên chức được?”

Đầu năm, trong những cuộc cà phê tán phét vô-tổ-chức, một cậu em sinh viên khá thân của Chó Sói, năm nay 21 tuổi, bất ngờ hỏi Chó Sói về vấn đề “đi xa hay về nhà”. Cậu bảo, năm nay được nghỉ tết, đọc vài bài viết về “trải nghiệm du lịch” của một số tác giả, trẻ có già có, thấy hay nên tính đi. Nhưng chưa kịp đi, lại thấy bài viết của một số nhà văn nổi tiếng đâu đó, bảo rằng tết mà đi như vậy là “bỏ mặc người thân”. Phân vân quá, nên hôm nay tiện thể gặp Chó Sói, cậu hỏi lời khuyên.

Chó Sói bảo với cậu, rằng Chó Sói chả biết khuyên gì, nhưng đi du lịch trải nghiệm mà bảo là “bỏ mặc người thân” thì dở (hơi) quá. Cậu thấy vậy mừng rỡ, liền nói “thế em đi du lịch trải nghiệm là hợp lý đúng không anh?”. Chó Sói bảo, nếu chỉ đọc bài viết về du lịch trải nghiệm mà đã tính đi, vậy cũng dở (hơi) luôn.

Cái cậu bần thần, bảo Chó Sói thế nghĩa là sao. Chó Sói bảo, ra quyết định chỉ dựa theo lời-người-ta-nói, thì đều là dở-hơi. Chó Sói ấy à, Chó Sói theo trường phái ba-phải.

Ba-phải là thế nào?

Ba-phải nghĩa là, Chó Sói nghĩ vấn đề chẳng nằm ở chuyện “đi xa” hay “về nhà”, mà nằm ở cách thức ra quyết định của người đó. Tức là, “đi xa” hay “về nhà” gì cũng được, quan trọng là bạn-có-hối-hận khi ra quyết định như vậy không?

Chó Sói nghĩ, bất cứ người trưởng thành nào cũng hiểu, rằng để cân nhắc xem một quyết định tốt là như thế nào, có hai điểm chúng ta cần để ý: mục đích của quyết định, và những cái giá phải trả cho quyết định đó.

Cũng có nghĩa là, nếu em quyết định không “về nhà” mà “đi xa”, thì phải rõ rằng “đi xa” để làm gì. Chuyến đi có đem lại kiến thức gì mới không, kỹ năng gì mới không, lăn lê bò càng để làm gì? Tại sao “đi xa” lại quan trọng với cuộc sống của em như vậy? Tại sao lại đi lúc này, mà không phải một năm nữa, hai năm nữa? Nếu chỉ để về “nổ”, rằng “ta đây đã đi khắp nơi với 0-đồng trong túi, giỏi giang thế cơ”, thì có sẵn sàng trả những cái giá khác, như “đây có-thể là cái tết cuối cùng của mình với ba mình, mẹ mình, chị mình, em mình…” không? Lúc chuyện không-may đó xảy ra, thì tính làm gì?

“Về nhà” cũng vậy, thế về nhà để làm gì? Gia đình êm ấm không? Có dành thời gian cho ba mẹ anh chị em không? Tại sao “về nhà” lại có ý nghĩa với cuộc sống của mình như vậy? Nếu chỉ về nhà vì “phải ở cạnh gia đình ngày tết mới hiếu thảo, ba mẹ không sống hoài”, thì có sẵn sàng trả những cái giá khác, như “đây có-thể là cơ hội đi trải nghiệm cuối cùng trước khi tốt nghiệp đời sinh viên, hoặc trải nghiệm cuối cùng của cả cuộc đời mình không?”, vì hiển nhiên, tuổi-thọ của ba mẹ cũng không đến nỗi ngắn như vậy, có khi tuổi-thọ của mình còn ngắn hơn. Nếu giờ ba mẹ còn khỏe mà chưa đi, thế những năm sau càng không thể đi được còn gì. Nếu năm nay “về nhà” rồi cả đời không đi được nữa, thì tính làm gì?

Chó Sói nghĩ rằng, người trưởng thành nào cũng hiểu, rằng mình có cuộc đời của mình, và ba mẹ có cuộc đời của ba mẹ. Có khi hai cuộc đời đó giao nhau, có khi hai cuộc đời đó tách thành hai lối. Như nhà Chó Sói này, có năm Chó Sói về, thì ba mẹ Chó Sói lại đi du lịch, thăm bạn bè tứ phương, không cho Chó Sói theo, vì đó là “cuộc vui của những người già”. Có năm, Chó Sói về được vài ngày, rồi cũng lại vác thân đi du lịch, không-cho ba mẹ theo, vì đó là “cuộc vui của những người trẻ”. Bản thân mình, hay ba mẹ mình, cũng phải sống hạnh phúc, theo cách riêng của mỗi người.

Kết lại, Chó Sói xin kể cho bạn, cũng như cho cậu em sinh viên của Chó Sói nghe, về điển hình của một câu chuyện “đi xa” hay “về nhà”:

Chó Sói có một người cậu, tuy gọi là cậu nhưng do sinh sau đẻ muộn, chỉ lớn hơn Chó Sói dăm bảy tuổi. Cậu làm kinh doanh riêng, hè năm đó tình cờ quen được một đối tác người Pháp, người ta ngẫu hứng mời qua Pháp một chuyến bàn chuyện hợp tác. Cậu hăm hở chuẩn bị đi, thì nghe dì Chó Sói (tức chị của Cậu), bảo rằng bà ngoại yếu lắm, có khi không qua nổi hè này. Cậu phân vân, tính tới tính lui, cái lúc gặp Chó Sói, cũng hỏi thêm ý kiến. Chó Sói chỉ hỏi “thế lỡ lúc cậu đi rồi bà ngoại qua đời, cậu có hối hận không?”. Cậu Chó Sói không nói gì, năm đó cậu không đi, bỏ qua cơ hội kinh doanh không biết khi nào có lại được, với người Pháp.

Năm đó, bà ngoại không mất.

Hè năm sau, chắc do có duyên, cậu lại gặp ông đối tác người Pháp đó. Tuy không còn để tâm chuyện kinh doanh, nhưng ông người Pháp vẫn mời cậu qua đó chơi, coi như đi Châu Âu cho biết một lần. Cậu lại chuẩn bị đi, tiện thể điện cho dì, thì vẫn nghe dì Chó Sói báo lại, rằng bà ngoại yếu lắm, đương nhiên già thêm một tuổi, thì còn yếu hơn cả năm ngoái. Cậu tính tới tính lui, rồi cậu quyết định lên đường.

Ngày chở cậu ra sân bay, Chó Sói chỉ nói “Cậu đã mang đủ tiền chưa, để lỡ bà ngoại có chuyện thì cậu bay về?” Cậu cười, bảo “Cũng có khi bay về không kịp, nhưng tiền thì mang đủ rồi.”

Rồi hè năm đó, bà ngoại Chó Sói…

Đến lúc Chó Sói viết bài này, là đã 5 năm trôi qua rồi…

Nhưng thật may, là bà ngoại Chó Sói vẫn chưa mất, dù bà rất rất yếu.

Thế nên, vấn đề không phải là “đi xa” hay “về nhà” bạn ạ. Quyết định nào cũng được. Quan trọng là, bạn có biết mục đích của quyết định là gì không, và mình phải trả giá như thế nào không?

Nhưng ngay cả bạn có lỡ ra quyết định đột ngột, không đắn đo kỹ, và chuyện không may xảy ra. Thì thật sự, bạn cũng đừng tự dằn vặt mình như một nữ nhà văn nào đó, ra quyết định sai năm 20 tuổi mà đến tận bây giờ vẫn còn “giá như”. Bạn ạ, trong các bài học về cuộc sống, có cả bài học “hãy tha thứ cho chính mình”. Bởi cho dù chuyện không may xảy ra, thì chẳng có ba mẹ đúng-nghĩa nào lại đi trách cứ con mình cả. Giống như một trích đoạn mà Chó Sói từng xem trong bộ phim “A Monster’s Call” gần đây: Người mẹ sau khoảng thời gian dài trị bệnh ung thư và nói dối con rằng mình đang tiến triển tốt, đã thừa nhận sự thật trước mặt con mình rằng cô sẽ qua đời. Đứa trẻ rất tức giận, và không chịu nói chuyện với cô nữa, dù thời gian sống của cô chỉ tính bằng giây. Cô nắm tay con, và bảo với đứa trẻ, đại ý rằng “Mười năm, hai mươi năm nữa, khi con lớn lên, và nhớ lại khoảnh khắc này, mẹ muốn con biết, rằng mẹ không trách cứ gì con cả. Mẹ biết rằng con rất yêu mẹ, cho dù bây giờ con đang giận, không nói với mẹ một lời nào…”