Category

Quyển 2

Category

Bạn muốn tránh khủng hoảng?

Đơn giản thôi, hãy dành thời gian đầu tư vào chính mình. Để bắt đầu, hãy dành thời gian tìm hiểu đáp án của hai câu hỏi “cuộc đời” sau đây:

  1. Bạn có điểm mạnh tự nhiên nào, phù hợp làm công việc gì, và bạn yêu thích công việc như thế nào?
  2. Đâu là các mục tiêu cuộc sống của bạn?

Đối với câu hỏi số 1, gợi ý là các bài kiểm tra, hoặc khóa học về tâm lý, hành vi, phân loại tính cách… [dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia thì sẽ tốt hơn, và phải tìm đúng chuyên gia, vì trên thị trường hiện tại, thượng vàng hạ cám đều có đủ]. Bạn nên [thật ra là bắt buộc phải] làm nhiều kiểu bài kiểm tra, sau đó loại bỏ các điểm mâu thuẫn, và chỉ giữ lại những điểm đồng nhất. Điều này để tránh việc bạn chỉ làm và tin vào mỗi một thứ, như sinh trắc học vân tay, hay cung hoàng đạo…và đó là những thứ có tỷ lệ đúng khá thấp, nếu xét riêng biệt.

Đối với câu hỏi số 2, gợi ý là tập trung vào những thứ bạn thực sự cần, chứ không phải là những thứ bạn [hay ba mẹ, họ hàng, bạn bè… của bạn] muốn, và tránh bị ảnh hưởng bởi những thứ trung gian. Ví dụ: tiền là vật trung gian [tất nhiên bạn không thể ăn tiền], đồ ăn mới là thứ bạn cần. Gợi ý lớn hơn, bạn có thể tìm được ở chương đặc biệt: “Sự thật về tất cả” mà Chó Sói từng viết.

Bạn vẫn không định làm gì sau khi đã đọc xong?

Chó Sói chúc bạn: Good luck! Nhân 1.000.000.000 lần!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Tại sao mọi người lại [dễ] gặp khủng hoảng?

Như đã đề cập trong tính “thời điểm”, bạn [và những người xung quanh] dễ gặp khủng hoảng đa phần bởi vì:

  1. Bạn không biết mình có điểm mạnh tự nhiên nào, phù hợp làm công việc gì, và bạn yêu thích công việc như thế nào.
  2. Bạn không xác định được các mục tiêu cuộc sống.

Hãy hình dung các tình huống thường gặp:

  • Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn vì sao lại ứng tuyển vào một công việc? Tại sao bạn lại chọn công việc trái với ngành bạn đang hoặc đã học? Tại sao bạn lại quyết định chọn một công việc sau khi đã làm qua những công việc khác sau một khoảng thời gian xác định [ví dụ bạn chọn làm nhân sự sau khi đã làm kế toán được 2 năm, hay bạn chọn làm marketing sau khi làm bán hàng được 3 năm chẳng hạn]?

Bạn không có câu trả lời rõ ràng, nên bạn quyết định trả lời xạo sự, hoặc qua loa, và bạn vẫn được chọn.

Chúc mừng bạn, vì 82% những nhà tuyển dụng trên thị trường, đã khiến cho những người như bạn dễ gặp khủng hoảng hơn.

Hãy hình dung một tình huống khác:

  • Khi ba mẹ hay họ hàng của bạn suốt ngày quan tâm là bạn lương bao nhiêu? Đã mua nhà chưa? Lập gia đình chưa? Đẻ chưa? Có đi du lịch nước ngoài chưa?…

Bạn không có câu trả lời rõ ràng, hoặc không muốn trả lời, và bạn quyết định tập trung làm bất kỳ việc gì có thể tạo thu nhập đủ để mua nhà, mua xe, cưới hỏi, hay đi du lịch nước ngoài…cho mọi người không hỏi nữa.

Chúc mừng bạn, vì bạn đã để cho 82% những người xung quanh hoạch định cuộc sống giùm cho bạn.

Đừng hiểu lầm ý Chó Sói. Dù rằng có kha khá những người chỉ-nhiều-chuyện, thì vẫn có những người thực sự quan tâm tới bạn, như ba mẹ của bạn, thể hiện tình yêu thương bằng việc hoạch định cuộc sống giùm cho bạn.

Đặc biệt khi bạn là những người con “thiếu ý chí, lười biếng” [hạn chế năng lực], hay còn “bé bỏng, ngây thơ” [hạn chế kỹ năng xã hội] trong mắt phụ huynh.

Cho nên, hãy hiểu rằng, “những quả trứng vàng”, dù rất được cưng chiều, vẫn sẽ gặp khủng hoảng. Do sự yêu thương không đúng cách của phụ huynh!

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Lỗi thành thật thứ hai, thì trái ngược lại. Nó đến từ những người có năng lực [hoặc tự nghĩ mình có năng lực, tức thừa tự tin, bất chấp suy nghĩ đó đến từ đâu]: “Mình rất khác mọi người!”

Tức là, ai đó có thể khủng hoảng, chứ mình thì không. Mình có năng lực như vầy! [Hoặc các kiểu tương tự: Mình thông minh như vầy, có kinh nghiệm như vầy, giàu như vầy, nhiều bạn bè như vầy…]

Đừng hiểu lầm, đúng là có những người rất khác mọi người. Vấn đề ở đây, là bạn có hiểu điểm khác biệt nào, tạo ra những người dễ gặp khủng hoảng, và những người không?

Tức là, đáp án cho câu hỏi số 1 [và 3].

Tại sao mọi người lại gặp khủng hoảng?

Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về thời điểm mà mọi người gặp khủng hoảng. Dù có chia ra làm nhiều thứ như tên gọi: “khủng hoảng tuổi 25”, “khủng hoảng tuổi 35”, hay “khủng hoảng tuổi trung niên”… thực chất, khủng hoảng xảy ra khi mọi người phát hiện ra hai việc sau đây, tùy vào hoàn cảnh và trải nghiệm của từng người:

  1. Bạn phát hiện ra bạn đang làm công việc bạn không yêu thích.
  2. Bạn phát hiện ra công việc bạn yêu thích không cung cấp đủ nguồn lực cho các mục tiêu cuộc sống của bạn.

Nếu bạn vẫn chưa hiểu, hãy suy nghĩ thêm. Nếu bạn đã hiểu rồi, thì bạn nhanh chóng nhận ra: tuổi càng cao, như trung niên, thì khủng hoảng lại càng đáng sợ.

Nó có nghĩa là bạn, sau một thời gian dài chịu đựng, mới phát hiện ra mình không còn có thể chịu đựng nổi, một công việc nào đó bạn đang làm [tức đã ráng yêu công việc hết mức có thể nhưng vô vọng].

Hoặc là bạn, sau một thời gian dài chiến đấu vật lộn trầy trật, mới phát hiện ra mình không tạo ra được một mức thu nhập, hay thành tích, hay bất kỳ kết quả nào khả quan [tức đã cố gắng hết khả năng có thể nhưng vô vọng].

Nếu bạn có chút “hạt”, tức nếu bạn “giỏi” một chút, thì giờ, bạn đương nhiên đã có đáp án, cho câu hỏi số 1 [và 3].

[Còn tiếp]

#camnangdilam #yeudancongso #kinhnghiemdilam

Nếu bạn đã từng nghe, và chắc chắn bạn sẽ được nghe, mọi người hay nói về một giai đoạn khủng hoảng: Khủng hoảng tuổi 25, khủng hoảng tuổi 35, khủng hoảng tuổi trung niên, và những thứ tương tự như vậy, khi đi làm.

Tại sao mọi người lại gặp khủng hoảng?

Nó có đáng sợ không? [Nghe thật trào phúng nếu ai hỏi, vì chữ khủng hoảng nên đủ để diễn tả!]

Có ai không bị khủng hoảng gì không? Có cách nào để phòng tránh không?

Nếu bạn chưa từng đặt ra những câu hỏi đó, mặc dù bạn đã từng nghe qua những thuật-ngữ này, thì xin chúc mừng: Bạn gần như chắc chắn sẽ đón một đợt khủng hoảng, theo đúng sự đáng sợ của nó.

Ý là đáp án của câu hỏi số 2.

Nhưng bất chấp chữ “khủng hoảng” vốn dĩ hoành-tráng như vậy, nhiều người sau khi nghe xong chỉ tặc lưỡi cho qua. Trong quá trình giảng dạy về kỹ năng ra quyết định, Chó Sói thường hay nhắc đến 2 loại lỗi “thành thật” trong 3 câu hỏi về cảm xúc, vốn dễ làm người ta ra quyết định sai: Loại thứ nhất, đó là “mình rất giống mọi người”.

Tức là, nếu mọi người dễ gặp khủng hoảng, thì mình cũng “chắc chắn” sẽ gặp khủng hoảng. Có làm gì cũng vậy. Nên thôi “đợi khủng hoảng tới rồi tính!”.

Đó là những người chọn luôn đáp án cho câu hỏi số 3: Ai cũng vậy, không có cách phòng chống gì đâu. Good luck!

Và đúng rồi, Chó Sói chúc bạn: Good luck! Nhân 1.000.000 lần [Vì thực tế cho thấy để vượt qua khủng hoảng thành công mà không chuẩn bị gì thì nó cũng kiểu như bạn trúng số vậy đó!] Loại lỗi thành thật thứ nhất, thường bắt gặp ở những người lười, kiểu dòng-đời-xô-đẩy, hoặc năng lực trung bình, và thiếu tự tin.

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Sự trưởng thành không phụ thuộc nhiều vào tuổi tác…

Tất nhiên, mỗi một năm trôi qua, con người ta lại học thêm được nhiều điều mới. Không ai có thể chối bỏ những kinh nghiệm mà thời gian đã mang lại, nhưng cũng có một sự thật dễ thấy, đó là không phải người lớn tuổi nào, cũng nhận ra được những điều cốt lõi của cuộc sống. Lập lại cùng một sai lầm, dưới những vỏ bọc khác nhau…

Và tệ hơn, là không học được gì từ những trải nghiệm. Nên năm tháng qua đi, họ chỉ già thêm, chứ không khôn ngoan hơn…

Và không hiểu được rằng, càng già đi, thì cái giá phải trả cho những lần không chịu học hỏi, lại càng đắt đỏ hơn rất nhiều.

#camnangchosoi #dancongso #kinhnghiemdilam

Nếu bạn đang đi làm [công], cách tốt nhất để sống-sót chính là ở tiêu đề bài viết: Nghĩ như người chủ, và làm như nhân viên.

Nghĩ như người chủ, là xem xét dựa trên trục giá trị-lợi ích. Quan trọng không phải là bạn làm nhiều hay ít, mà là bạn mang lại bao nhiêu giá trị dựa trên những điều bạn làm. Đừng bao giờ trở thành người “chăm chỉ”.

Ý Chó Sói là, đừng biến “chăm chỉ” trở thành ưu-điểm duy nhất của bạn. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra, rằng ưu-điểm nguy hiểm này tổn hại đến bạn, và cả người chủ doanh nghiệp nhiều như thế nào [1].

Việc cần làm, chính là vế thứ hai thôi: Làm như nhân viên.

Làm như nhân viên, nghĩa là làm tốn ít thời gian nhất có thể, mà vẫn hoàn thành KPI, hoặc bất kỳ thứ gì tương tự dùng để đánh giá năng lực ở công ty bạn [tốt nhất, nên vượt chỉ tiêu từ 10-20%].

Nếu công ty bạn không có KPI [hoặc KPI không rõ ràng], thì bạn phải tự đề ra KPI [hợp lý] [2]và đưa cho cấp trên phê duyệt.

Hãy làm ít nhất có thể, và mang lại nhiều lợi ích nhất có thể. Nếu bạn mang lại nhiều lợi ích mà lại tốn quá ít thời gian, bạn trở nên “rảnh rỗi”. Trừ trường hợp người chủ doanh nghiệp của bạn tư duy có vấn đề, nếu không, bạn sẽ nhanh chóng được giao thêm nhiệm vụ.

[Nhắc lại, nếu người chủ doanh nghiệp cho bạn nghỉ chỉ vì bạn quá “rảnh”, trong khi bạn vẫn hoàn thành KPI, thì bạn nên “cao chạy xa bay”. Đừng làm việc chung dưới trướng những người không biết phân biệt gì như vậy!]

Làm cách nào để đạt KPI mà chỉ tốn ít thời gian? Làm cách nào để bạn “siêu rảnh”?

Việc này là tổng hòa của nhiều điều từ các chương mà Chó Sói đã viết. Để bắt đầu, bạn hãy tập làm việc chuyên nghiệp trước. [Làm việc thế nào là chuyên nghiệp đã được đề cập trong “Cẩm Nang Đi Làm của Chó Sói” quyển 1].

Lưu ý, nhận thêm nhiệm vụ phải thông qua việc thương lượng thăng chức và/hoặc tăng lương. Đừng “cống hiến” thêm gì trước khi thương lượng xong [3].

Khi việc thương lượng kết thúc, hãy tiếp tục “nghĩ như người chủ, làm như nhân viên” cho nhiệm vụ mới.

Bạn đang là chủ doanh nghiệp?

Chó Sói sẽ quay trở lại với bạn ở một bài viết khác!

———–

[1] Nếu “chăm chỉ” là ưu điểm duy nhất của bạn, thì rõ ràng để phát huy ưu điểm, người chủ doanh nghiệp phải gia tăng thời gian làm việc của bạn lên càng nhiều càng tốt.

[2] Đề ra được KPI hợp lý liên quan tới việc hiểu về “common sense”, được đề cập ở chương  98.

[3] Tham khảo thêm về “nghệ thuật thương lượng”, được đề cập ở các chương 95, 96.

#camnangdilam #yeudancongso #kinhnghiemdilam

 

 

Phần lớn các bạn đi làm, chắc đã từng được nghe qua về “bài ca bóc lột”!

“Bài ca bóc lột”, nghĩa là những người khuyên các bạn: “Này, em hãy cống hiến đi, cống hiến hết mình. Hãy để những người chủ bóc lột em. Bóc trần trụi. Cuộc đời rất công bằng. Em để người ta bóc lột, rồi thì em vẫn sẽ nhận được những phần xứng đáng cho mình. Hãy cống hiến không ngừng nghỉ.”

Đầu tiên, bạn có đồng ý không?

Nếu bạn đang không làm chủ, thì thường bạn sẽ không đồng ý. Bạn cho rằng người chủ có suy nghĩ và mục đích của họ, còn người đi làm cũng có suy nghĩ và mục đích của người đi làm.

Chó Sói chia buồn với bạn! Vì bạn đã có phần đúng.

Nhưng nếu bạn tiếp tục “đúng”, như bạn nghĩ ở trên, thì chuyện xảy ra, là bạn rất khó được tăng lương, hoặc thăng chức.

Bạn biết vì sao rồi đúng không? [Đây là câu hỏi tu từ, bởi nếu bạn không biết, thì thật tình hơi “dị”. Nhưng không sao, bạn hãy đọc tới cuối bài].

Còn bạn nào đang đi làm, mà vẫn đồng ý với ý kiến trên, thì, Chó Sói thấy bạn thật “lợi hại”. Ý là, bạn hơi “bất bình thường”.

Và Chó Sói chia buồn với bạn, hơn trường hợp ở trên. Bởi vì “bài ca bóc lột” có phần đúng của nó, nhưng nếu bạn tin vào đó, thì bạn thật quá ngây thơ.

Và bạn càng dễ “trắng tay”, nếu bạn không chọn đúng được công việc yêu thích, theo mục đích cuộc sống của bạn.

Bởi vì, “bài ca bóc lột” chỉ đúng, nếu bạn đang làm với một người chủ cũng biết-ăn-ở.

Nhưng, không phải tất cả người chủ đều biết-ăn-ở. Tỷ lệ này chắc chắn không cao, đặc biệt xét theo số lượng chủ doanh nghiệp mà Chó Sói từng gặp.

Đừng hiểu lầm ý Chó Sói.

Đa phần những người chủ Chó Sói gặp, họ không phải là “ác quỷ”. Nhưng họ là người bình thường. Nghĩa là họ quan tâm tới trục giá trị-lợi ích, chứ không phải trục “cống hiến”. Họ không “hy sinh” cho nhân viên.

Tới đây, chắc bạn đã hiểu về tiêu đề?

(Còn tiếp)

Nghe tên chương có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra dễ hiểu lắm. Lực lượng mở rộng, Chó Sói muốn nói về lực lượng quản lý cấp trung.

Tức là, khi một công ty bắt đầu muốn mở rộng quy mô, thì chất lượng của sự mở rộng phụ thuộc vào chất lượng quản lý và lãnh đạo của đội ngũ cấp trung ở công ty, chứ không phải đội ngũ cấp cao [thuần về lãnh đạo] hay cấp thấp [thuần về chuyên môn].

Khi một công ty mới được thành lập, sự tồn tại của nó phụ thuộc vào đội ngũ làm chuyên môn. Người đứng đầu công ty phải vững vàng về chuyên môn. Khách hàng chọn công ty giai đoạn này cũng là vì chuyên môn[1] (công ty chưa thể tạo dựng thương hiệu ngay lập tức).

Sau khi công ty bắt đầu có lượng khách hàng ổn định, số lượng nhân sự gia tăng, để đáp ứng được yêu cầu công việc, sẽ có hai chuyện xảy ra: Một là đội ngũ cấp cao thăng chức cho một số đối tượng có chuyên môn lên làm công việc quản lý [và lãnh đạo], vì họ không thể trực tiếp quản lý hết được. Đối với chuyên mục này, điều cần thiết là cẩn thận về nguyên lý Peter, đã được Chó Sói đề cập ở Chương 67.

Chuyện thứ hai, là thuê người bên ngoài về để quản lý đội ngũ chuyên môn (do đội ngũ hiện tại không thể hoặc chưa đủ để lên làm quản lý). Lúc này, vấn đề là ở khâu tuyển người.

Nên hiểu rằng, việc đưa sai người lên làm quản lý cấp trung sẽ khiến công ty không thể mở rộng quy mô được. Thực tế cần nhìn nhận, là quản lý cấp trung cũng là công việc khó hoàn thiện nhất.

Nếu bạn để ý, bạn sẽ nhìn ra, số lượng người bị kẹt ở vị trí cấp trung khá đông. Lý do chính, đa phần là do họ không phân biệt được công việc mình cần phải làm.

[Đoạn bên dưới chứa nội dung quảng cáo có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].

Tức là, không biết khi nào mình nên quản lý, quản lý như thế nào, và không biết khi nào mình nên lãnh đạo.

Trái với những lãnh đạo cấp cao, nhắc lại, chỉ thuần làm về lãnh đạo; và đội ngũ cấp thấp hơn, chỉ thuần làm về chuyên môn; vị trí cấp trung phải đảm bảo đủ chuyên môn để quản lý, hoàn thiện kỹ năng quản lý, đồng thời phải lựa chọn thời điểm lãnh đạo phù hợp, thì mới giúp đội ngũ của mình phát triển, để tiến lên vị trí lãnh đạo cao hơn.

Một số người thường bỏ cuộc trong giai đoạn này. Họ không còn mục tiêu phấn đấu lên vị trí cao hơn nữa, đặc biệt là trong các công ty với phúc lợi ổn định.

Số còn lại tự ra mở công ty riêng (lúc này, họ chính là lãnh đạo cấp cao).

Mặc dù nghe có vẻ hoành tráng, việc ra-riêng theo kiểu này vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Sớm hay muộn, công ty cũng phải mở rộng (hoặc lụi tàn), và những người ra-riêng vẫn sẽ phải đối mặt với bài học “cấp trung” mà họ chưa vượt qua được[2].

Làm sao để hoàn thành tốt đẹp bài học này?

Nếu để quảng cáo, thì bạn phải đi học lớp L&M của Chó Sói mới được. Nếu không phải quảng cáo, thì bạn phải đi học ở đâu có người giỏi như Chó Sói là được [tỷ lệ siêu hiếm nha].

Nhưng nếu bạn vẫn kiên quyết không đi học?

Không sao, luôn có một tỷ lệ những người chịu vùng-vẫy để vượt qua giai đoạn này. Họ va chạm thực tế, đọc thêm sách, tìm người cố vấn…và, có những người đã thành công.

Liệu bạn có thành công được như vậy không?

Chó Sói không biết, vì điều này phụ thuộc vào số lượng “hạt” bạn đang có. Số lượng “hạt” [từ Chó Sói xài, phiên bản độc quyền không được bảo hộ], nghĩa là phụ thuộc vào nền tảng tự nhiên để xem bạn có thể tự học mà không cần được người khác hướng dẫn hay không.

Bạn tự tin chứ?

Tỷ lệ cao nhất là 10%. Hoặc bạn “tẩu hỏa nhập ma”.

Chúc bạn may mắn!

[1] Khách hàng có thể chọn công ty vì uy tín cá nhân của người đứng đầu, nhưng đây là thương hiệu cá nhân, không phải thương hiệu công ty.

[2] Hãy hiểu rằng, nếu bạn không vượt qua được giai đoạn “cấp trung”, thì dù bạn có ra mở công ty, bạn cũng sẽ không tuyển được những quản lý cấp trung đủ điều kiện, vì bạn không biết “điều kiện” là gì!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Bởi đáp án, luôn là thứ có thể thay đổi. Một thứ có thể dùng để giải thích câu hỏi ngày hôm nay, có thể sẽ rất khác vào ngày mai.

Nên việc cần làm, thói quen cần làm, để bạn giỏi “common sense” hơn, là đặt ra nhiều câu hỏi “Tại sao” hơn!

Dễ vậy đó, mà sao ít người làm thế nhỉ?! (Cười)

[Đa phần trẻ con hành xử “đúng” hơn người-lớn, dù người-lớn không nhận ra, là bởi vì trẻ con thường đặt ra nhiều câu hỏi “Tại sao” hơn. Thói quen này dễ mất đi theo thời gian, dưới ảnh hưởng của 82% những bậc làm cha mẹ, hoặc làm Sếp!]

Chương này thật quá dài!

Tựu chung lại, nếu bạn muốn mình giỏi hơn về “common sense”, đây là một quy trình gợi ý đơn giản. Đối với bất kỳ hành động nào của mọi người, hãy đặt ra thứ tự câu hỏi sau:

  1. Mọi người đã biết gì, và đã nghĩ gì (trước) khi hành động?
  2. Nó có hợp pháp không? Hoặc có tuân theo những thỏa thuận chung nào không? (Đây, ai muốn lách luật thì nhào vào đây, để trả lời!)
  3. Nếu nó hợp pháp, tại sao người ta lại hành động như vậy? Vào lúc này? Với đối tượng đó? Và quan trọng hơn, nếu nó không hợp pháp [hoặc phá bỏ thỏa thuận chung], tại sao người ta vẫn hành động như vậy? Vào lúc này? Với đối tượng đó?

Như vậy, bạn sẽ nhận ra, “common sense”, tức căn cứ của sự hợp lý, là mối tương quan giữa hành động với lượng thông tin mà bạn có được từ những câu hỏi nói trên. Bạn càng có nhiều thông tin đúng thông qua các câu hỏi, bạn càng có được bức tranh hợp lý vì nó toàn cảnh, rõ ràng và dễ xử lý hơn.

Điều này quan trọng đến độ nào?

Khi bạn quen với quy trình này, bạn sẽ tự có cho mình những hành xử tương thích cho từng hành động của mọi người, đối với bạn. Bạn sẽ hiểu được rằng, có những điều cho dù bạn có ý tốt [hoặc bạn cho là tốt], thì cách thức tiếp cận và mức độ ảnh hưởng của bạn, đối với mọi người, là điều cần phải cân nhắc đầu tiên, tương ứng với đáp án cho từng câu hỏi “tại sao”.

Còn nếu bạn vẫn không muốn áp dụng?

Không sao, bẫy 1 và bẫy 2 luôn chờ đợi bạn! Chúc bạn may mắn!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Nếu bạn thấy đỡ hơn rồi, thì chỉ còn phần cuối nữa thôi. Phần cuối mới là tiền đề của triết-học, cũng là phần chính của sự rối rắm. Cụm từ “để sống một cách an toàn và hợp lý”.

Phần dễ hiểu nhất, và dễ thực hành nhất, là “sống một cách an toàn”. Đơn giản không thể thêm bớt, đó là “hãy tuân thủ pháp luật” [hoặc các thỏa thuận mà bạn đã đồng ý]. Và hãy nhớ, “lách luật”, cũng là một phần của việc “tuân thủ pháp luật”. Làm những gì không bị cấm, nghĩa là phải biết cái gì đang bị cấm. Khá an toàn!

Nhưng “sống một cách hợp lý”, rốt cuộc là cái gì?

Nếu nhìn từ gốc, thì “reasonable” xuất phát từ chữ “reason”, nghĩa là “lý do”. Hành động một cách hợp lý, suy cho cùng, là hành động có lý do, tức là nói về động cơ của hành động.

“Tại sao bạn lại làm điều đó?”

“Tại sao bạn lại làm điều đó vào lúc này?”

“Tại sao bạn lại làm điều đó với người đó, mà không phải với ai khác?”

“Tại sao?”

Sau này, khi khôn ngoan hơn, bạn sẽ nhận ra: Những người hợp lý nhất mà bạn nên biết, hoặc nên học, không phải là những người luôn đưa cho bạn đáp án.

Mà là những người biết cách dạy bạn đặt đúng câu hỏi.

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam