Category

Quyển 2

Category

Khi đi làm, đôi lúc chúng ta sẽ nhận được một yêu cầu công việc nào đó từ Sếp hoặc một yêu cầu hỗ trợ nào đó từ đồng nghiệp mà chúng ta không thể (hoặc rất không muốn) làm. Để từ chối, bạn cần thực hiện một cách khéo léo để tránh tối đa việc tổn hại các mối quan hệ (cho dù bạn chưa thực sự có ý định tạo dựng một mối quan hệ nào), và dưới đây là những gợi ý tốt:

  • Cách từ chối Sếp: Thay vì nói “không” với Sếp, việc nói “có” kèm theo các điều kiện hỗ trợ về nguồn lực là một lựa chọn khôn ngoan hơn [nguồn lực chính bao gồm thời gian, ngân sách và nhân lực]. Ví dụ: Câu “em không thể thực hiện dự án XYZ vì em đang phải làm công việc ABC…” nên được thay bằng “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu Sếp hỗ trợ giúp em tuyển thêm người phụ trách công việc ABC em đang làm” hoặc “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu mình có ngân sách để thuê ngoài công việc ABC” hoặc “Em có thể thực hiện dự án XYZ nếu mình tạm hoãn công việc ABC em đang làm, Sếp đồng ý chứ ạ?”

Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng nhận được sự đồng ý hỗ trợ về nguồn lực. Nhưng khi từ chối bằng yêu cầu nguồn lực, bạn cho Sếp thấy được rằng bạn rất mong muốn hoàn thành công việc được giao thêm, bạn chỉ bị giới hạn về nguồn lực thôi. Và khi không thể cung cấp thêm nguồn lực, Sếp sẽ tiến hành cân nhắc lại.

Mặc dù vậy, kết quả của việc cân nhắc lại vẫn có thể như cũ, ý là giao thêm việc cho bạn. Trong trường hợp này, bạn cũng không cần từ chối. Cái bạn cần làm, là thỏa thuận lại về phạm vi trách nhiệm của các công việc. Ví dụ: “Vì em vẫn đang làm công việc ABC mà lại nhận thêm dự án XYZ nên em xin được hạ mức độ trách nhiệm của dự án XYZ từ 70% xuống còn 40%” chẳng hạn.

  • Đối với đồng nghiệp: Rất may mắn, đồng nghiệp không phải là Sếp, ở thì hiện tại. Đối với đồng nghiệp, bạn chỉ cần từ chối với lý do chính đáng là đủ (nhắc lại, lý do chính đáng nghĩa là những lý do không liên quan tới việc bạn quá lười, hoặc quá bàng quan). “Em không thể giúp mình lúc này vì em đang phải phụ trách công việc ABC” là một câu trả lời phù hợp.

Hãy ghi nhớ, rằng bạn nên giúp đồng nghiệp mỗi khi có thể. Bên cạnh việc xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, nó còn cung cấp cho bạn cơ hội học hỏi thêm (tin Chó Sói đi, học hỏi thêm không bao giờ là thừa cả!). Chỉ cần lưu ý, việc học hỏi thêm này không được chiếm hơn 20% tổng nguồn lực bạn đang có [về thời gian, tiền bạc, hệ thống…], và không được mâu thuẫn với bất kỳ chính sách hay quy trình nào hiện hữu tại công ty. Hãy nhớ nhé, con số tối đa là 20%. Con số này giúp bạn tránh một số đồng nghiệp lạm dụng, đồng thời vẫn giữ được khả năng xoay sở, nếu nhiệm vụ chính của bạn gặp sự cố bất ngờ.

Chúng ta nên hiểu rằng, việc nói “không” chưa bao giờ là dễ dàng. Nó càng khó hơn khi bạn đang đi làm, đồng nghĩa với việc đây là một kỹ năng cần học, và có giá của nó. Chúc bạn may mắn!:)

#camnangdilam #dancongso

Nhiều người nghỉ việc ở tuổi trên 30, vì nhận ra họ đã làm một công việc họ không yêu thích, rồi gặp khủng hoảng nghề nghiệp khi tìm đường đến công việc họ yêu thích [hãy thử tưởng tượng bạn xin làm thực tập sinh ở tuổi 30].

Vậy nên, câu hỏi “khi nào bạn nên nghỉ việc” thật sự là một câu hỏi dễ, nếu bạn biết bạn đang cần điều gì cho bản thân mình. Ngược lại, nó có thể dẫn đến một chuỗi quyết định không chính xác.

Như có người làm bán hàng chỉ vì công việc đó dễ được tuyển, sau đó nghỉ việc vì bị Sếp chửi, rồi đi một vòng các công ty, mới nhận ra, à, đa phần các Sếp bán hàng đều chửi nhân viên, chỉ khác nhau ở mức độ thôi.

Nếu bạn không chịu được điều đó, đừng nên làm bán hàng ngay từ đầu. [Nhiều người mất nhiều năm để xác định đâu là công việc mình có thể làm được dưới áp lực].

Tất nhiên, như đã nói, việc bạn chọn một công việc bạn không yêu thích, chính là lý do để bạn có thể nghỉ việc bất kỳ lúc nào. Nó không liên quan mật thiết tới môi trường làm việc, hay Sếp bạn, hay lương thưởng phúc lợi…

Khi bạn không yêu thích điều gì đó, tất cả mọi thứ dính tới nó đều có thể trở thành ngòi-nổ [hãy xem lý do chia tay vì chúng ta không-hợp-nhau].

Bạn không biết bạn thích gì, và nhiều người tuyển dụng cũng không biết bạn thích gì, tạo nên một tổ-hợp tuyệt vời khi phỏng vấn. Chúc mừng bạn!

Nếu bạn quyết định chịu đựng một công việc bạn không yêu thích [hoặc bạn không biết mình có yêu thích nó không], bạn ít nhất phải xác định được lý do tại sao bạn cần chịu đựng nó. Ví dụ là tiền, thì bạn đang cần bao nhiêu tiền, tại sao lại cần chừng đó tiền, bạn sẽ kiếm ra chừng đó tiền trong bao nhiêu năm. Đó là thời điểm bạn biết bạn nên nghỉ việc.

Đó cũng là thời điểm mà những nhà tuyển dụng bạn biết cho-bạn-nghỉ-việc, nếu họ thực sự quan tâm tới động cơ làm việc của bạn. Nhưng để Chó Sói nói cho bạn nghe một tin vui, chỉ 3% nhà tuyển dụng có khả năng xác định động cơ tìm việc qua quá trình phỏng vấn thôi [Chó Sói đang cân nhắc, 3% liệu có quá nhiều không nhỉ?!]. Phần còn lại chỉ muốn [hoặc buộc phải] lấp đầy KPI của tuyển dụng, nên sẽ không quan tâm động cơ của bạn lắm đâu. Chúc mừng bạn!

Vậy rốt cuộc, đâu là thời điểm bạn nên nghỉ việc?

Từ những chia sẻ phía trên, bạn có thể dễ dàng nhận nha: Bạn nên [hay cần thiết] chấm dứt một công việc, khi:

Nó không còn đem lại ý nghĩa trong các mục tiêu cuộc sống của bạn hoặc khi:

Bạn đã hết thời gian [lý do] để chịu đựng công việc đang làm.

Thành thật mà nói, mọi người không nghỉ việc khi họ nên [hay cần thiết] phải nghỉ, mà lại nghỉ việc vì họ muốn nghỉ. Nếu bạn từng được học bài bản về cách ra quyết định, bạn sẽ biết ngay đó là sai lầm đầu tiên, hết sức cơ bản: không phân biệt được đâu là điều mình muốn và đâu mới là điều mình thực sự cần.

#camnangdilam #dancongso

Việc thứ hai cần làm, sau khi trao đổi thẳng thắn với cấp trên trực tiếp, đó là:

  • Có một khoảng thời gian hợp lý để bàn giao công việc cho đội ngũ: Ra đi êm đẹp tất nhiên bao gồm việc bàn giao lại những gì bạn đã làm cho công ty. Đặc biệt lưu ý đến những vấn đề mang tính pháp lý trong quá trình bàn giao như hồ sơ giấy tờ, máy móc thiết bị, tiền bạc…Việc bàn giao phải được lập thành văn bản có chữ ký của hai bên, và bạn nên giữ lại một bản sao hoặc chụp hình lại biên bản bàn giao để tránh những vấn đề phát sinh về sau.

Quan trọng hơn, hãy đảm bảo mình làm hết sức có thể để người thay thế bạn cũng hoàn thành tốt được công việc [tất nhiên, đó là nếu công ty đã tuyển được người thay thế trước khi bạn nghỉ việc], và đừng chia sẻ gì với họ về lý do bạn nghỉ việc.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra, như trong tiêu đề, chính là: Khi nào bạn nên nghỉ việc?

Khi nào ai đó nên nghỉ việc, thật sự là một câu hỏi vừa khó vừa dễ. Dễ ở chỗ, chỉ cần bạn trung thực với bản thân, và có mục tiêu rõ ràng về cuộc sống, bạn luôn biết khi nào một công việc không còn phù hợp với bạn. Khó ở chỗ, đa phần mọi người thường thiếu trung thực với bản thân, hoặc không có mục tiêu rõ ràng về cuộc sống của chính mình.

Thoạt nghe, điều này có vẻ kỳ-dị. Nhưng hãy đảo mắt một vòng chốn công sở của bạn, và bạn sẽ nhận ra, số người thật sự yêu thích công việc họ đang làm, vốn rất ít.

Số người tự đặt mục tiêu cho cuộc sống của mình, càng ít hơn. Mọi người hay thích phó mặc cho dòng-đời-xô-đẩy.

Đầu tiên, đây là hệ lụy của giáo dục. Nó dẫn đến việc rất nhiều người trưởng thành vẫn không biết mình yêu thích công việc gì, hoặc thậm chí đơn giản hơn, là có năng khiếu trong việc gì.

Tệ hơn, tiếp sau đó, nhiều người càng không dành thời gian để đặt câu hỏi về điều họ muốn làm trong cuộc sống. Nói cách khác, là họ muốn sống một cuộc đời như thế nào. Nên, họ chuyển trọng-trách đó cho ba mẹ của họ, người thân của họ, bạn bè của họ, Sếp của họ…

Ba mẹ em muốn một công việc ổn định, bạn bè em thích công việc nhiều tiền, người yêu em thích em làm quản lý, Sếp em muốn em học thêm…Tất cả, trở thành tiêu chí chọn công việc của rất nhiều người.

Họ cố gắng đi theo tiêu chí đó, cho đến một ngày, mà họ cảm giác công việc của mình như một cơn ác mộng. Rồi họ nghỉ việc.

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso

Chó Sói nhớ ngày Chó Sói rời khỏi một vị trí khá-bự ở tập đoàn, vì cảm thấy mình không muốn và không thể cống hiến gì hơn, trong khi lương bổng và phúc lợi đều tốt, nhiều người đã “trầm trồ”. Nhiều người thậm chí không tin vào việc “nghỉ làm vì không thể cống hiến”. Đối với họ, chỉ cần lương bổng và phúc lợi tương xứng, thì việc càng-không-phải-làm-nhiều càng là một chuyện rất đáng mừng, nên họ cho rằng đó không phải là lý do Chó Sói rời đi. Từ đây bắt đầu một thông tin, chắc Chó Sói nghỉ việc vì bất mãn gì đó với các lãnh đạo.

Đáng quan ngại hơn, là nhiều người bắt đầu tung ra một giả thuyết, rằng Chó Sói nghỉ việc là vì Sếp của Chó Sói. Rằng do Sếp của Chó Sói dậm chân tại chỗ, nên Chó Sói không thể thăng chức tiếp được nữa, vì vậy Chó Sói mới bất mãn rời đi.

Cho dù Chó Sói xưa giờ là người không hề quan tâm lắm đến cái gọi là chức vụ, thì tin đồn đó, thậm chí đến bây giờ, có thể vẫn còn tồn tại.

Nên, cái định nghĩa, nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, nghĩa là không để lại một tin đồn xấu nào về mình, là thứ cũng không tồn tại luôn.

Vậy, nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, rốt cuộc là như thế nào?

Nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, đối với Chó Sói, tức là nghỉ việc mà bạn không còn gì phải bận tâm khi rời đi. Để ai đó không phải bận tâm khi rời đi, đối với một công việc, có 02 điều bạn nhất định phải hoàn thành:

  • Trao đổi thẳng thắn với cấp trên trực tiếp của bạn về lý do nghỉ việc: Chó Sói nói trao đổi thẳng thắn, bởi vì đối với rất nhiều người, cấp trên trực tiếp của họ chính là lý do. Nếu bạn thấy Sếp mình chưa ổn về chuyên môn, hãy nói với họ. Nếu bạn thấy Sếp mình chưa giỏi về quản lý, hãy nói với họ. Nếu bạn ghét Sếp bạn vì bất kỳ lý do gì, hãy nói với họ, một cách đàng hoàng và thẳng thắn, trước khi rời đi. Bạn có thể nghe được câu lý giải, hoặc không. Bạn không cần phải tin câu lý giải, nếu bạn cảm thấy nó không đủ thành thật. Nhưng ít nhất, bạn nói được lý do của mình. Và cấp trên của bạn biết được lý do của bạn.

Nhiều người không làm chuyện này, vì họ sợ. Họ sợ cấp trên của họ sẽ nói xấu họ khi họ nhận công việc mới, hay chặn đường về công ty cũ một khi chỗ mới không suôn sẻ. Bạn ra quyết định dựa trên nỗi sợ, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể bước đi một cách thoải mái và bình thản.

Hãy nhìn rộng ra, nếu chỉ vì một câu nói của Sếp bạn mà chỗ nào đó không tuyển bạn, chỉ có hai khả năng: Một là chỗ đó quá hồ đồ khi không nghe câu chuyện từ phía bạn, liệu đây có phải là một chỗ làm xứng đáng? Hai là khả năng của bạn quá tệ nên không thể thuyết phục nhà tuyển dụng, vậy đây là lỗi do câu nói của Sếp bạn?

Bạn vẫn còn sợ hãi. Chẳng sao đâu, bạn có thể không làm. Chỉ là, đừng nghĩ tới chuyện êm-đẹp gì nữa. Chẳng có thứ gì êm đẹp xuất phát từ nỗi sợ. [Bạn cũng có thể hiểu được tại sao có rất nhiều người không thể ra đi một cách đàng hoàng].

Và xin lưu ý, chỉ có một người bạn cần phải trao đổi thẳng thắn về lý do thực sự bạn rời đi, đó là cấp trên trực tiếp của bạn thôi. Đồng nghiệp cùng phòng ban, Sếp của Sếp, phòng Nhân sự…đó là những chỗ bạn nên lựa chọn mà cung cấp thông tin cho phù hợp.

Nếu bạn không thể nói thật với Sếp trước mặt họ, thì cũng đừng nghĩ tới chuyện nói khác đi sau lưng họ làm gì.

Hãy chỉ rời bước nhanh-gọn-lẹ thôi.

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso

Thứ được gọi là nghỉ việc trong êm đẹp, thực tế không hề tồn tại.

Ý Chó Sói là thứ mà mọi người hay rao giảng “Khi bạn nộp đơn nghỉ, mọi người sẽ cảm thấy hối tiếc vì mất đi một đồng nghiệp như bạn.”

Tại sao nó lại không tồn tại?

Bởi vì, khi bạn nghỉ việc, không bao giờ có chuyện “mọi người đều cảm thấy hối tiếc!”

Bất kể bạn làm việc tốt đến độ nào [thậm chí bạn là người làm việc tốt nhất trong công ty của bạn], bất kể bạn nghĩ quan hệ của bạn với mọi người trong công ty tốt đến độ nào [thậm chí bạn là người được yêu thích nhất công ty], thì khi bạn nghỉ việc, đây là chuyện sẽ xảy ra:

Một số người sẽ cảm thấy hối tiếc.

Một số người sẽ cảm thấy bình thường.

Và một số người sẽ cảm thấy vui mừng.

Bạn hiểu rồi đúng không?

Nó không phụ thuộc vào việc bạn là ai, bạn như thế nào, hay đang nắm giữ vị trí quan trọng bậc nhất nào trong công ty. Kể cả việc bạn đang làm chủ công ty.

Bởi vì:

Thậm chí khi bạn là người làm việc rất tốt, sẽ có những người không thích sự tốt đó (ví dụ: người hay bị lấy ra để so sánh với bạn!)

Thậm chí khi bạn là người được yêu thích nhất, sẽ có những người được yêu thích nhì vui sướng khi bạn ra đi, vì giờ họ được lên hạng nhất!

Thế nên, nghì việc trong êm đẹp, là thứ không bao giờ tồn tại.

Thứ tồn tại, và thứ bạn nên đạt được, là nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể.

Nghỉ-việc-êm-đẹp-nhất-có-thể, theo định nghĩa của nhiều người, tức là nghỉ việc mà không để lại một tin đồn xấu nào về mình.

Để Chó Sói nói cho bạn biết tiếp một sự thật.

Việc “không để lại một tin đồn xấu nào về mình” khi nghỉ việc, thực tế cũng không tồn tại luôn…

[Còn tiếp]

#camnangdilam #dancongso

Yếu tố quan trọng nhất trong thương lượng, đó chính là “thông tin”.

Tất nhiên, thông tin không có nghĩa là mọi-thứ-trên-đời (mặc dù việc bạn biết càng nhiều thứ trên đời thì càng có lợi). “Thông tin” trong thương lượng, ý muốn chỉ đến bốn vấn đề bên dưới, làm nền tảng của mọi cuộc thương lượng.

  1. Thứ bạn có: Các bằng chứng cho thấy vì sao người ta nên đồng ý với đề xuất của bạn. Giả sử như bạn muốn tăng lương, bạn cần bằng chứng về chất lượng làm việc của mình: KPI, các danh hiệu trong công việc, những lời khen từ Sếp/Đồng nghiệp (bằng email), hay thứ tốt nhất [và cũng nguy hiểm nhất, nếu dùng không cẩn thận], offer từ một công ty khác, với mức lương cao hơn hẳn mức bạn muốn tăng lương… “Thứ bạn có” giúp bạn định hình một cách chính xác mức độ “giao kèo”, để đạt được kết quả tốt nhất (hãy hình dung bạn có offer với mức đề xuất gấp đôi mức lương hiện tại, thì việc tăng lương lên 50% sẽ trở nên khả thi hơn rất rất nhiều, dù đa phần mức tăng hàng năm của công ty bạn chỉ dao động từ 10% đến 20%).
  2. Thứ bạn muốn: Những điều bạn thực sự muốn đạt được. Giả sử bạn không có một offer nào với mức tăng gấp đôi, mà chỉ có offer với mức tăng 50%, bạn sẽ làm gì? Bạn vẫn muốn được tăng 50%, hay sẽ giảm xuống còn 40%, 30%? Hay bạn có thể chỉ cần tăng 25%, nhưng kèm theo việc thăng chức? Bạn cần xác định thứ bạn muốn [đặc biệt là “giá chót” của giao kèo] để biết nên quyết định như thế nào với đề xuất của bên còn lại.
  3. Thứ người khác có: Người khác ở đây, tức là bên còn lại của thương lượng. Giả sử bạn yêu cầu tăng lương, thì “người khác” ở đây sẽ là Sếp của bạn. Sếp bạn có đồng ý về mức độ hoàn thành KPI của bạn? Sếp bạn có bằng chứng nào cho thấy bạn không hoàn thành tốt công việc như bạn nghĩ? Sếp bạn có khả năng tăng lương cho bạn bao nhiêu phần trăm? Nếu bạn không đồng ý với mức tăng lương và đòi nghỉ việc, Sếp bạn có ai để thay thế, hay có phương án nào để thay thế không?

Xác định được “thứ người khác có”, và so sánh với “thứ bạn có”, sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra được mức độ giao kèo phù hợp cho cả hai, khiến bạn dễ dàng đạt mục đích hơn.

  1. Thứ người khác muốn: Những điều bên còn lại thực sự muốn đạt được. Sếp bạn quan tâm như thế nào tới ngân sách? Sếp bạn có muốn giữ bạn lại? Sếp bạn sẽ đạt được điều gì nếu tăng lương cho bạn? Sếp bạn có thể tăng lương cho bạn nhưng không muốn tăng chức cho bạn? Tương tự như việc xác định “thứ người khác có”, xác định đúng “thứ người khác muốn” cho phép bạn đưa ra quyết định tốt hơn với các đề xuất trong thương lượng.

Theo lẽ thường, đề xuất trong thương lượng nên dựa trên nền tảng win-win, nghĩa là đôi bên cùng có lợi. Nếu không thể cùng có lợi, ít nhất hãy hạn chế việc thua thiệt của bên còn lại [ít thua nhất có thể]. Tuy nhiên, do chúng ta gần như không thể lường trước được hết mọi thứ, nên nguyên tắc là hãy ẩn bớt thông tin về những “thứ bạn có” và những “thứ bạn muốn” [hoặc làm người khác hiểu sai về nó], đồng thời cố gắng xác định chính xác “thứ người khác có” và “thứ người khác muốn”, vì họ cũng sẽ làm giống như bạn.

#camnangdilam #dancongso

Trong rất nhiều kỹ năng cần rèn luyện, Chó Sói cho rằng thương lượng là một trong những kỹ năng hữu dụng nhất. Nhiều người cho rằng thương lượng chỉ cần cho những người bán hàng, nhưng thật ra, có vô vàn tình huống trong cuộc sống mà bạn cần dùng tới kỹ năng thương lượng. Hãy tưởng tượng bạn muốn được Sếp tăng lương, hoặc muốn được đồng nghiệp hỗ trợ hơn trong công việc, hay tạo ra giới hạn phù hợp trong việc giáo dục con cái…những cái này đã [hoặc đáng lẽ rất nên] dùng tới việc thương lượng.

D Trong các khóa đào tạo về phát hiện nói dối [mà nghệ thuật thương lượng cần sử dụng rất nhiều], Chó Sói thường nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tinh tế đối với các học viên, và rất nhiều bài thực hành được áp dụng chỉ để phát hiện ra đâu là những điều cốt lõi để thương lượng.

Để bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau trả lời câu hỏi sau:

Đâu là [thứ] quan trọng nhất để thương lượng thành công?

Đừng nôn nóng, hãy suy nghĩ kỹ hơn một chút. Dựa trên kinh nghiệm [công sở hoặc cuộc sống] của bạn, đâu là thứ quan trọng nhất để thương lượng thành công?

Bạn biết đấy, việc kéo ào ạt các dòng trong bài viết để tìm đáp án [đặc biệt từ trang của Chó Sói] không giúp ích gì cho việc học hỏi của bạn. Hãy tìm câu trả lời cho đáp án trên [đặc biệt nếu bạn rảnh, thì comment trong phần bình luận], và chúng ta sẽ quay trở lại để đàm đạo trong bài viết sau.

#camnangdilam #dancongso

Trẻ ở đây, ý Chó Sói là bạn mới vừa lên chức. Không phải bạn bao nhiêu tuổi, mà là thời điểm bạn bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ quản lý.

Tất nhiên, tuổi đời có một số lợi thế nhất định. Trên cương vị quản lý, bạn bắt đầu xa rời dần công việc chuyên môn, để đảm nhận trọng trách với đội ngũ, với con người nhiều hơn. Do đó, tuổi đời sẽ giúp sức ít nhiều cho bạn trong việc đối nhân xử thế.

Chó Sói trở thành người đứng đầu toàn quốc của một bộ phận khi tuổi đời còn trẻ (có thể là một trong những quản lý trẻ tuổi nhất ở một chỗ bự-bự vài ngàn người), và nhận ra, trong số các bạn đang có tiềm năng phát triển cho các vị trí quan trọng (quản lý cấp trung trở lên), những sai lầm dưới đây dễ khiến cho hành trình tiếp tục thăng tiến của các bạn gặp trở ngại, khi bắt đầu trở thành cấp trên của một người khác.

  1. Đổ lỗi cho nhân viên:

Khi bạn bắt đầu làm cấp trên của một người, cho dù bạn có đang làm đúng hay không, thì thành quả của nhân viên đó cũng là của bạn. Không có gì để biện hộ. Khi có sự việc không tốt xảy ra, thì câu: “Đó là lỗi của bạn Mèo trong team em, không phải của em. Em đã nhắc bạn rồi!” là một trong những câu biện hộ tệ hại nhất mà bạn có thể nói, đặc biệt là đối với người ở ngoài đội ngũ của bạn.

  1. Cho rằng cách làm của bạn là đúng nhất:

Thường thì, xuất phát điểm của việc thăng chức là do bạn giỏi chuyên môn. Công ty hy vọng bạn có thể truyền thụ kinh nghiệm cho cấp dưới của bạn, khi bạn làm quản lý. Mặc dù vậy, hãy nhớ rằng quá trình truyền thụ kinh nghiệm có nhiều điểm khác với việc tự bản thân bạn làm. Do nền tảng, cách xử lý, và trải nghiệm của mỗi người rất khác nhau, việc truyền thụ kinh nghiệm là để nhân viên của bạn có thể hoàn thành công việc tốt nhất theo cách của họ, chứ không phải theo cách của bạn.

Dĩ nhiên, cách của bạn có thể đúng hơn (và thường thì nó đúng hơn). Nhưng, cũng còn nhiều cách đúng khác nữa. Hãy đảm bảo nhân viên hoàn thành kết quả mong muốn, theo cách mà họ cảm thấy thoải mái và tin tưởng nhất.

Và trong một chừng mực nào đó, hãy để nhân viên của bạn được phép sai. Bạn có thể không biết lý do vì sao bạn thành công, nhưng bạn thường rất rõ lý do vì sao bạn thất bại. Thất bại giúp nhân viên của bạn học hỏi nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, không chỉ về kỹ năng, mà còn về thái độ làm việc.

  1. Quá sợ hãi để phân quyền:

Bạn đã bao giờ nghe về thuật ngữ “micromanagement” chưa? Nó dùng để chỉ những người quản lý bị ám ảnh trong việc theo dõi và kiểm soát những nhân viên bên dưới, vì lo ngại họ sẽ không hoàn thành công việc theo ý mình. Mục 3 và mục 2 thường đi kèm với nhau, khiến cho nhiều quản lý trẻ vật lộn với công việc, và lao đầu vào làm chuyên môn để hỗ-trợ [làm thay] cho cấp dưới, thay vì phân quyền để tập trung vào điều hành.

Hậu quả là, họ trở nên quá bận rộn, vì vừa phải làm việc của mình, vừa phải làm việc của nhân viên. Do quá sợ hãi để phân quyền, họ không có thời gian phát triển đội ngũ, đặc biệt là người kế nhiệm mình, để có thể lên vị trí cao hơn. Dậm chân tại chỗ hàng tháng, thậm chí là hàng năm trời.

Làm thế nào để khắc phục những sai lầm này?

Ngoại trừ mục số 1, vốn khá dễ để thay đổi, mục số 2 và số 3 cần cả một nghệ thuật để tiến hành, đặc biệt khi bạn yếu về tư duy quản lý. Do không thể gói gọn trong bài viết này, Chó Sói sẽ chia sẻ cho bạn vào một dịp khác.

Nhưng như phần lớn những sự việc khác trên đời này, bạn luôn có thể học hỏi qua việc quan sát người đi trước (như Sếp bạn, đồng nghiệp của bạn…). Đặc biệt, hãy chọn cho mình một người hướng dẫn (mentor) về quản lý. Khi đắn đo không biết hành xử như thế nào là hợp lý, hãy hỏi mentor của bạn trước khi tiến hành. Bạn có thể tránh được nhiều sai lầm bằng cách này.

#camnangdilam #dancongso

Nhớ lại vài ngày trước, khi Chó Sói [dù viết bài giải trí thôi], nói về những phát ngôn sai-sai của một ông chủ tập đoàn, không biết bao nhiêu người đã nhảy vào phản đối, bằng một luận điểm: “Kiếm được nhiều tiền hơn người ta chưa mà nói!”

Chó Sói trả lời với các bạn đó, rằng Chó Sói chẳng có lý do gì phải kiếm tiền nhiều hơn ai-đó mới được nói về những điều Chó Sói nghĩ là đúng. Nhưng bên cạnh đó, Chó Sói còn chỉ ra [với các bạn đang mắc những hiệu ứng tâm lý nói trên], rằng các bạn nên nhớ, đây là phiên tòa ly hôn. Bất kỳ ai có mối quan hệ hạnh phúc hơn và không phải ly dị như ông chủ tập đoàn đều đã “chuyên gia” hơn ông ta về mặt quan hệ, và thừa [tư cách] để nói về quan hệ.

Nhưng nhắc lại, họ cũng chẳng phải làm điều đó. Người độc thân vẫn có thể nói về cách gìn giữ quan hệ, dưới góc nhìn của họ, và nó đúng! (Ví dụ, họ đã trải qua nhiều sai lầm về quan hệ nên giờ ở trạng thái độc thân, và họ chia sẻ về việc đó!)

Thế nên, kết luận ai đó sai [hoặc đúng] trước khi tìm hiểu về thế giới quan của họ, và áp đặt thế giới quan của mình vào họ, để kết luận, vốn không giúp ích gì cho việc học hỏi của bạn. Nó là rào cản mà rất nhiều người đang mắc phải, khiến họ chậm chạp đi và ít mở mang đầu óc hơn.

Đừng hỏi ai đó “có làm Sếp bao giờ chưa mà nói” khi họ chia sẻ về kinh nghiệm quản lý con người của mình.

Đừng hỏi ai đó “kiếm được bao nhiêu tiền mà nói” khi họ chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư của mình.

Đừng hỏi ai đó “có con chưa mà nói” khi họ chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục trẻ nhỏ.

Tất nhiên, bạn có quyền không nghe ngay từ đầu, để làm những việc khác mà bạn cho là quan trọng hơn, thay vì ngồi lại với họ. Nhưng nếu đã có dịp ngồi lại, thì hãy hỏi họ nhiều hơn về lý do tại sao, để tự đưa ra kết luận cho mình!

Và hãy nhớ, “nói” chỉ là một chuyện thôi. Tác phong, thái độ, ngôn ngữ cơ thể, mấy thứ đó còn đáng giá ngàn lần hơn nội dung lời nói. [Thêm vào đó, nếu bạn đủ giỏi, bạn sẽ biết ngay trải nghiệm của ai đó đến mức độ nào, mà không cần hỏi những câu vô duyên như trên!]

Nhưng cũng bởi vì xã hội hiện tại [giáo dục khá tệ], nên Chó Sói không bao giờ nói cho ai đó nghe về bất kỳ điều gì, nếu họ không tìm đến Chó Sói để hỏi. Thậm chí cho dù họ có tìm đến, Chó Sói cũng không chắc sẽ nói cho họ nghe.

Hãy tưởng tượng một sự thật:

Nếu nhiều người siêu giỏi [như Chó Sói chẳng hạn, thật không khiêm tốn gì cả!], lựa chọn làm như vậy, vì họ không muốn phải mở đầu câu chuyện, bằng việc nói về những thành-tựu-của-đời-mình. Vậy, những câu hỏi kiểu như “có làm chuyện đó chưa mà nói” sẽ giúp ích gì cho bạn, khi vô tình gặp gỡ một ai?

Bạn sẽ học được từ bao nhiêu người, nếu lúc nào cũng cần phải làm rõ về thành-tựu-của-đời-họ, so với đời bạn?

#camnangdilam #dancongso

Có cả ngàn, vạn người, mà bạn gặp mỗi ngày, có nhiều điều tuyệt vời khác, để bạn học tập. Nó chỉ chưa chắc hữu dụng để bạn kiếm tiền [một cách trực tiếp] thôi, chứ cực kỳ đáng học tập.

Mà trên hết, để học tập, có một điều bạn nên làm. Làm mỗi ngày, với mỗi người mà bạn gặp, để có thể giỏi lên thật nhanh:

“Đừng phán xét góc nhìn của người khác. Hãy lắng nghe lý do họ nói, và tự nghiệm để áp dụng cho mình!”.

Đối với Chó Sói, bạn không cần thiết phải biết nấu ăn, thì mới biết nhận xét một món ăn ngon hay dở. Bạn không cần thiết phải học thanh nhạc, mới nhận ra một bài hát hay hay không.

Tất nhiên, bạn biết về chuyên môn thì rất tốt để nhận xét. Và bạn nên có chuyên môn, để nhận xét được thấu đáo. [Lưu ý, có một số lĩnh vực đặc thù không nên nhận xét chuyên môn gì, ví dụ như câu nói: Bạn không cần phải là bác sĩ, mới biết người ta mắc bệnh gì, là một câu hết sức tầm bậy!]

Nhưng phần của người nói, không liên quan tới người nghe. Bác bán vé số hay ăn bún cùng Chó Sói, có thể có ngàn điều sai, và chỉ vài chục điều đúng, về tư duy cuộc sống. Nhưng hễ bạn có thể bình-tâm nhận ra được điều gì đúng, điều gì sai [chứ không phải mọi điều đều sai], thì bạn đã giỏi hơn lên. Hoặc bạn không bịt hết tai lại, chỉ vì người ta là người bán vé số, dù bạn băn khoăn không biết người ta nói vậy có đúng không. Bạn đi hỏi thêm nhiều người nữa, và chiêm nghiệm nó lại cho mình, đó cũng là một cách học.

Mặc dù vậy, sự-học đôi khi thật gian nan với nhiều người, vì họ còn dễ bị mắc một hiệu ứng học hỏi khác nữa, được gọi là “hiệu ứng Halo”. “Hiệu ứng Halo” cho rằng, nếu bạn thấy ai đó giỏi một vấn đề, thì bạn cho rằng họ cũng giỏi mọi vấn đề khác.

Và người giỏi mọi vấn đề khác, trong mắt nhiều người, có-lẽ lại là những người giỏi kiếm tiền.

Thật là một vòng quay kỳ-dị!

(Còn tiếp)

#camnangdilam #dancongso