Category

Quyển 2

Category

Chó Sói nói thật với bạn, Chó Sói chưa bao giờ cho rằng cô bán bún đầu hẻm nhà Chó Sói có tư duy tiền bạc, hay cuộc sống, thua kém bất kỳ một ông chủ tập đoàn nào.

Nếu bạn đang nghĩ rằng Chó Sói thật sai lầm, thì bạn mới là người nên đọc hết bài viết này. Nhưng, thường thì bạn sẽ không đọc nữa. Bạn cho rằng Chó Sói tư duy thật có vấn đề.

Tội nghiệp cho bạn!

Ý Chó Sói là tiếc cho bạn, vì bạn đã mất đi thật nhiều cơ hội học hỏi và phát triển bản thân.

Để Chó Sói cho bạn một ví dụ:

Cô bán bún đầu hẻm nhà Chó Sói, có thể vì xuất thân gia đình có nhiều khó khăn, mà không thể làm chủ tịch tập đoàn. Nhưng, điều đó chẳng nói lên gì về tư duy tiền bạc của cô.

Ngược lại, ông chủ tập đoàn nào đó mà bạn đang mến mộ, và đang không tiếc lời nói rằng họ tự lập, thật ra có thể đều thừa hưởng từ ba mẹ mình. Họ không vật lộn với tiền từ nhỏ, nên tư duy tiền bạc có thể tệ gấp ngàn lần cô bán bún đầu hẻm nhà Chó Sói kia.

Nhưng có rất nhiều người, trước khi lắng nghe và học hỏi, hay mắc một hiệu ứng tâm lý, được gọi là “hiệu ứng chuyên gia”. “Hiệu ứng chuyên gia” nghĩa là, cho đến khi bạn thừa nhận ai đó giỏi hơn mình, bạn mới bắt đầu để ý tới lời người ta nói.

Và nhiều người bây giờ, trong cuộc sống thường nhật, tệ hơn, định nghĩa chữ “giỏi” gói gọn trong: khả năng kiếm tiền.

Đừng hiểu lầm ý Chó Sói. Chó Sói chưa bao giờ phải hỏi mình câu: “Tiền nhiều để làm gì?”. Chó Sói biết rằng, khả năng kiếm tiền là một trong những thứ tuyệt vời.

Nhưng để Chó Sói nhắc lại, nếu bạn đang đọc một cách qua-loa.

Nó chỉ là “một trong những khả năng tuyệt vời”.

[Còn tiếp…]

#camnangdilam #dancongso

Văn hóa giả dối xuất hiện khi những người lãnh đạo doanh nghiệp cố gắng khoác lên mình những giá trị tươi đẹp mà họ không có (dù có thể rất muốn thực hiện), ví dụ như văn hóa công ty đề cao sự “chuyên nghiệp” nhưng lãnh đạo suốt ngày thay đổi kế hoạch vào phút chót mà không có một lý do, cũng không có lời xin lỗi nào. Khi đó, văn hóa giả dối tồn tại song song với văn hóa thật của công ty, khiến cho nhân viên của tổ chức bối rối vì rơi vào “bẫy” của lãnh đạo: làm theo lời nói thì không được vì biết nó không có thật, không làm theo lời nói cũng không được vì đó là chủ trương của công ty.

Nếu chấp nhận ở lâu, nhân viên sẽ ngày càng không quan tâm xem lãnh đạo nói gì. Khoảng cách giữa lời nói và hành động càng xa, sự giả dối càng giết chết lòng trung thành của họ. Rồi hãy xem cảnh nhân viên gật đầu với mọi lời nói từ bên trên, tán dương lãnh đạo hết cỡ, nhưng bên dưới thì không có động tĩnh gì. Thuật ngữ “lead by example” ra đời chính là để nói về cái khó của việc làm lãnh đạo, nếu bạn không làm gương thì bạn không gây được ảnh hưởng gì hết!

Nhưng dù rất tệ trong việc làm gương, một số lãnh đạo lại rất giỏi trong việc kiếm tiền, và dùng tiền để “nuôi” văn hóa giả dối cho mình (tức để người khác tung hô những giá trị mà mình không có!). Chó Sói gặp qua nhiều lãnh đạo, có người kỹ năng tốt, có người không, nhưng có những người làm Chó Sói cảm thấy rợn-rợn. Mỗi lần rợn-rợn như vậy, đều nhận ra là do họ tự “nuôi” sự giả dối mà không chút ngượng ngùng.

Chị T., lãnh đạo kiêm Giám-Đốc-Hạnh-Phúc của công ty A. (chuyên mua-bán giải thưởng “Nơi làm việc hoành-tráng nhất năm”), là một người khiến Chó Sói rợn-rợn như vậy. Chị này thường xuyên làm những đoạn clip lời hay ý đẹp về lãnh đạo, kiểu lãnh đạo phải bao dung thế này, phải tốt thế kia (tất nhiên, với một bầu-trời ngôn ngữ cơ thể có vấn đề), để rồi Chó Sói tình cờ được tận mắt chứng kiến chị ấy đổ lỗi cho nhân viên ngay trước mặt khách hàng, dù đó rõ ràng là lỗi của chị.

Thà rằng đừng nói! (Nếu chị có đọc bài này, làm ơn thay người để làm mấy clip truyền cảm hứng nha, vì chắc chắn sẽ có người bớt giả hơn chị!:))

Vì thế, lãnh đạo cần hiểu, văn hóa công ty chính là văn hóa của bản thân mình. Không phải lời hay ý đẹp, là những gì bạn thật sự nghĩ và làm. Nếu bạn yêu tiền, hãy nói văn hóa công ty là yêu tiền. Nếu bạn cố gắng bớt yêu tiền, dù bạn yêu tiền, thì cũng đừng nên nói “công ty không yêu tiền”. Bớt không có nghĩa là không! Cố gắng hoặc muốn không có nghĩa là bạn có!

Đừng dùng tiền “nuôi” văn hóa giả. Sự thật, dù lúc đầu có vẻ kỳ dị, luôn được lòng hơn. Đó chẳng phải lý do ông bà có câu: “Mất lòng trước được lòng sau” à!:)

Và cuối cùng, nếu bạn thực sự rất rất muốn một giá trị nào đó, bạn đang cố gắng hoàn thiện từng ngày, để đấu tranh chống lại tính cách tự nhiên của bạn, hay bất kỳ lý do nào tương tự, hãy tuyên bố sự thật đó: Tôi không có giá trị đó, nhưng tôi muốn có, và tôi đang cố gắng. Hãy giúp tôi!

Hãy thành thật, để người khác giúp bạn bớt giả dối!

Nếu phải đánh giá dựa trên góc độ quản lý cũng như hiệu quả kinh doanh, thì việc nhìn người, dùng người và giữ người là thử thách lớn nhất tại các doanh nghiệp. Để giúp sức cho việc vượt qua thử thách, các doanh nghiệp thường bố trí các vòng phỏng vấn nhằm tăng cường khả năng nhận biết về con người. Dưới đây là 3 loại phỏng vấn đang hiện hữu:

  1. Phỏng vấn tuyển dụng: (Interview): Cơ bản và lâu đời nhất, được dùng để đánh giá khả năng phù hợp của ứng viên đối với công việc. Dù là chỗ 1 vòng hay 5 vòng, thì tỷ lệ nhận biết về con người của loại hình này cực kỳ thấp (đặc biệt tại Việt Nam), do trình độ và kỹ năng của người phỏng vấn đa phần khá tệ, cũng như việc ứng viên đang ở trong một môi trường khác với môi trường thực tế làm việc.
  2. Phỏng vấn nghỉ việc (Exit Interview): Khá phổ biến hiện nay, được dùng để nhận định lý do nhân viên rời khỏi công việc họ đang làm, giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại trong hệ thống. Tuy nghe hay ho, nhưng tính hữu dụng của loại hình này cũng rất thấp. Bởi vì rất ít nhân viên chia sẻ sự thật về việc vì sao họ rời đi (ví dụ cực kỳ phổ biến: nhân viên rời đi do quản lý trực tiếp của họ quá tệ, nhưng họ thường lấy lý do “có việc gia đình”, “du học”, “thay đổi định hướng cá nhân”, để tránh bị điều tiếng ở chỗ công ty cũ, rằng họ “cay cú với Sếp”, có khi ảnh hưởng tới việc công ty mới).
  3. Phỏng vấn giữ người (Stay Interview): Có vẻ khá mới với một số công ty, được dùng để khẳng định lại ưu thế của công ty trong mắt các nhân viên đang làm việc. Đối với Chó Sói, đây mới là loại hình phỏng vấn có tính hữu dụng cao nhất, vì nhân viên cung cấp thông tin khi thực tế công việc của họ còn đủ tốt đẹp, và nhà quản lý được nghe về khuyết điểm trong trạng thái còn có thể giữ được người tài.

Nhưng nói gì thì nói, tính hữu dụng lớn nhất của các loại hình phỏng vấn đều tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng của những người làm công tác Nhân sự, cộng với sự hợp tác của các quản lý trực tiếp (sao cho nhân viên có thể lên tiếng về những tồn tại yếu kém ở doanh nghiệp mà không sợ bị vùi-hoa-dập-liễu). Vấn đề là phần lớn những người làm quản lý đều tự tin về trình độ nhận-định-con-người của mình, trong khi thực tế thì ngược lại, và khi có vấn đề xảy ra, họ thường tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và hệ thống của doanh nghiệp thay vì tập trung vào trách nhiệm của bản thân mình.

Lẽ tất nhiên, đổ lỗi cho hoàn cảnh chứ không đổ lỗi cho bản thân cũng là một kiểu tâm lý rất con người, nên quan trọng là doanh nghiệp cần nhận ra ai có thể điều chỉnh tốt nhất những tâm lý hết sức con người này, để đưa họ lên các vị trí cao hơn trong công tác Nhân sự, từ đó tạo ra một hệ thống tốt.

Mặc dù vậy, bạn biết đấy, có đầy CEO rất tự tin về khả năng dùng người của mình, nhưng trên thực tế lại không biết gì về trình độ của bản thân!:))

Trừ những ngày trái-gió-trở-trời, đây là 3 lý do quan trọng khiến dân công sở không có động lực làm việc và phát triển:

#1: Không được làm công việc yêu thích:

Có rất nhiều bạn, ngay từ lúc học trong trường đại học đã không chọn được đúng ngành nghề mình yêu thích (hoặc ghê hơn là không biết mình thích gì). Đến khi phát hiện được đam mê, lại vì bằng cấp ngành học mà khó khăn hơn khi xin việc. Có người không xin được công việc yêu thích, cắn răng chịu đựng làm vài năm để có cơ hội chuyển nghề. Đến khi muốn chuyển nghề, lại bị mấy năm kinh nghiệm đó đè chết, không đi đâu được (vì có rất nhiều nhà tuyển dụng không quan tâm bạn thích gì, chỉ quan tâm bạn có kinh nghiệm gì!). Từ đó trở đi làm việc qua ngày đoạn tháng. Rệu rã!

#2: Đồng nghiệp thiếu hợp tác:

Lại có những bạn, bản thân mới đầu rất nhiệt huyết với công việc, xui thay vô phải môi trường đầy chính trị, mạnh ai nấy làm, né trách nhiệm, một hồi cũng bị đồng-hóa y chang. Bởi vì mình giúp người, không ai giúp mình, mình có trách nhiệm, nhưng không ai nhận trách nhiệm, thì đến cuối chỉ có hai lựa chọn: hoặc là kiệt sức đến khủng hoảng, hoặc cũng giống y chang mọi người, không thèm nhiệt huyết gì nữa. Rệu rã!

#3: Quan hệ không tốt với Sếp trực tiếp:

Cái này thì miễn bàn!

Nói chung dù vì #1, #2 hay #3, Chó Sói khuyên bạn nên tìm một cơ hội khác. Công việc đã chiếm đến 1/3 thời gian cuộc sống của bạn, hãy khiến nó xứng đáng với bạn hơn.

Ai cũng có lý do để trì hoãn, dù là sự lười biếng, tính kinh tế, hay việc gia đình. Chỉ mong bạn nhớ rằng chẳng ai ép uổng, và ai cũng phải vượt qua thử thách để sống cuộc sống như ý mình.

#camnangdilam #dancongso

Khi Chó Sói nói về trưởng thành, Chó Sói không bao giờ có ý chỉ về tuổi tác. Có những người 70 tuổi vẫn còn bồng bột, có những người mới 13 tuổi đã thấu hiểu cuộc sống. Tuy nhiên, một cách bình thường nhất, sau năm 18 tuổi, đến thời điểm bạn nhận ra những điều bên dưới, thì tư duy của bạn đã thay đổi, và trưởng thành hơn.

  1. Bạn nhận ra rằng ưu tiên chăm sóc bản thân trước mọi người (kể cả gia đình bạn), không có gì là ích kỷ.
  2. Bạn nhận ra rằng bạn không thể cho cái mà bạn không có, nên “hy sinh bản thân” (dù cho bất kỳ ai) là một điều rất vô ích.
  3. Bạn biết rằng bạn luôn có quyền lựa chọn, ít nhất là 02, cho mọi tình huống.
  4. Bạn biết rằng nếu có việc gì đó liên quan đến bạn mà không đạt được kết quả như mong muốn, thì ít nhất 50% là lỗi của bạn.
  5. Bạn bắt đầu bớt yêu cầu mọi người phải hiểu mình, và cố gắng hiểu người khác hơn.
  6. Bạn biết rằng cho dù có làm gì đi nữa, bạn sẽ không bao giờ đáp ứng được hết kỳ vọng của mọi người về bạn.
  7. Bạn nhận ra rằng có nhiều thứ quan trọng hơn tiền, nhưng tiền vẫn luôn có chỗ đứng của nó.
  8. Bạn nhận ra rằng quan hệ luôn đến từ hai phía, nên chỉ có bạn cố gắng là không đủ.
  9. Bạn bắt đầu tập trung đầu tư vào một số mối quan hệ nhất định, và bỏ qua những mối quan hệ còn lại.
  10. Bạn tập trung vào cuộc sống của mình, và dừng so sánh, cũng như can thiệp, vào cuộc sống của người khác (trừ trường hợp họ yêu cầu).

Rồi đến cuối cùng, sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra: rằng cuộc sống khá đơn giản, chỉ có con người cố gắng phức tạp nó mà thôi.

Nhưng nếu bạn không đồng ý với bất kỳ điều nào kể trên, cũng không phải vấn đề. Bạn cứ đọc lại rồi từ từ sẽ hiểu!:)

#camnangdilam #dancongso

[Thuộc về số đông, đương nhiên luôn có những trường hợp đặc biệt!]

  1. Sinh viên mới ra trường:

Câu nói dối kinh điển: “Em muốn học hỏi kinh nghiệm và cống hiến cho công ty.”

Sự thật là: Em chỉ muốn tiền thôi!

  1. Những người đi làm được 2-3 năm:

Câu nói dối kinh điển: “Em nghỉ việc vì môi trường hiện tại không giúp em phát triển hơn.”

Sự thật là: Em không được thăng chức!

  1. Những người đi làm lâu năm:

Câu nói dối kinh điển: “Mình bây giờ chỉ cần một công việc ổn định, môi trường làm việc thân thiện.”

Sự thật là: Lương bổng không chưa đủ, phúc lợi công ty cũng phải tốt nữa!

  1. Nhân viên:

Câu nói dối kinh điển: “Em sẽ cố gắng phát triển bản thân hơn mỗi ngày.”

Sự thật là: Đi làm về em chỉ muốn ngủ thôi!

  1. Quản lý:

Câu nói dối kinh điển: “Anh sẽ…”

Sự thật là: Anh chỉ hứa thôi!

  1. Quản lý cấp cao:

Câu nói dối kinh điển: “Công ty chúng ta luôn coi trọng nhân viên, xem nhân viên là ưu tiên số một.”

Sự thật là: Bạn cũng tự biết hen!:)))

  1. Người tuyển dụng:

Top 3 câu nói dối kinh điển: Tham khảo chương 49, 50, 51.

Sự thật cũng tham khảo chương 49, 50, 51.

  1. Ứng viên:

Câu nói dối kinh điển: “Khuyết điểm của em là…”

Sự thật: Em sẽ giấu mọi thứ ảnh hưởng tới khả năng nhận việc!

  1. Những công ty lớn:

Câu nói dối kinh điển: “Môi trường làm việc ở đây rất thân thiện, cởi mở.”

Sự thật là: Công ty càng lớn càng nhiều chính trị công sở!

Đối với Chó Sói, không có bài học nào từ cuộc sống quan trọng hơn bài học về sự cân bằng. Bất kể tính cách và trải nghiệm của bạn như thế nào, bất kể bạn yêu hoặc ghét điều gì, bất kể bạn tham gia vào bao nhiêu mối quan hệ, hãy mặc kệ mọi người để sống theo cách mà bạn muốn. Chỉ cần lưu ý một điều, đừng bao giờ làm quá!

Ví như:

Tự tin quá thì thành tự cao, mà thiếu tự tin quá thì thành tự ti. Vừa đủ là được.

Thẳng thắn quá thì mất lòng, thiếu thẳng thắn quá thì thảo mai. Vừa đủ là được.

Tin người quá thì dễ bị lợi dụng, thiếu tin người quá thì cô độc. Vừa đủ là được.

Yêu nhiều quá thì độc đoán, yêu ít quá thì thờ ơ. Vừa đủ là được.

Chơi với nhiều người quá thì thành bè, chơi với ít người quá thì thiếu bạn. Vừa đủ là được.

Làm việc nhiều quá thì kiệt sức, làm việc ít quá thì cơ cực. Vừa đủ là được.

Thế nào là vừa đủ?

Đây là lý do rất nhiều người làm quá, vì họ không biết khi nào thì vừa đủ cho mình. Vì họ chưa bao giờ hoạch định đúng nghĩa cho cuộc sống của bản thân.

Chó Sói cũng không thể đưa cho bạn đáp án chính xác, vì Chó Sói không phải là bạn. Chó Sói chỉ có thể cho bạn gợi ý, cũng là 02 câu hỏi quan trọng: Rằng đối với mọi mục tiêu trong cuộc đời bạn, bạn có đưa ra giới hạn nào không?

Và, vì sao giới hạn này có ý nghĩa với bạn?

Đừng “muốn mình trở nên giàu có”, hãy “tiết kiệm được 01 tỷ trong vòng 10 năm”. Tại sao lại là 01 tỷ, tại sao lại là 10 năm? 10 tỷ được không? 20 năm được không? Tại sao?

Nếu là 01 tỷ trong vòng 10 năm, nghĩa là 100 triệu 01 năm, nghĩa là tiết kiệm 8,33 triệu một tháng. Tiết kiệm ít hơn là bị thiếu, tiết kiệm nhiều hơn là bị dư. Nghĩa là có tháng cần ăn chơi ít lại, nhưng có tháng cần tận hưởng nhiều hơn. Thế, nghĩa là đủ.

Đừng “được mọi người yêu mến”, hãy “có 03 người bạn thân suốt đời”.

Đừng “cố gắng làm việc”, hãy “lên chức trưởng phòng trong 5 năm tới”.

Đừng “yêu hết mình”, hãy “cùng nhau xây dựng một ngôi nhà 02 tầng, 04 phòng ngủ, 02 đứa con, mỗi năm đi du lịch nước ngoài một lần.”

#camnangdilam #yeudancongso

Khi bạn mới đi làm, bạn muốn Sếp bạn phải vừa giỏi về quản lý, vừa giỏi về chuyên môn.

Làm được 2-3 năm, bạn hy vọng Sếp bạn chỉ cần giỏi về chuyên môn, không giỏi về quản lý cũng được.

Đi làm được tầm 5 năm, bạn nhận thấy Sếp bạn không cần giỏi về chuyên môn, giỏi về quản lý thôi là quá đủ.

Đi làm được tầm 8-10 năm, bạn không cần Sếp giỏi chuyên môn, cũng không cần Sếp giỏi quản lý, chỉ cần Sếp hỗ trợ cho công việc của bạn.

Đi làm trên 10 năm, bạn không cần gì ở Sếp cả, chỉ cần Sếp để yên cho bạn làm việc là được.

Đến khi ở yên thân thôi mà cũng không được, bạn đứng ra thành lập doanh nghiệp (hoặc làm tự do)

Nhân viên của bạn mong đợi gì ở bạn?!:)))

#camnangdilam #yeudancongso

Đối với Chó Sói, khi đi làm, điều cần nhất là sự thật.

Tất nhiên, trong đời sống hàng ngày cũng vậy. Mặc dù, vì những lý do xã giao tế nhị nào đó, bạn có thể, và thường, bỏ qua cho mọi người khi bắt gặp những lời nói dối vô hại.

Nhưng, Chó Sói luôn cần biết sự thật khi đi làm.

Nếu ai đó trong công ty nói rằng họ thích Chó Sói, Chó Sói cần biết điều này có đúng hay không. Trong công sở, mọi người luôn nói thích bạn, nhưng sau lưng thì đâm chọt không ghê miệng.

Nếu Sếp nói tương lai sẽ thăng chức hoặc tăng lương cho Chó Sói, Chó Sói muốn biết độ tự tin trong kế hoạch đó của Sếp. Rất nhiều người quản lý hay lấy lương bổng và chức vụ làm mồi nhử, nhưng rất lâu sau nhân viên mới nhận ra sự vô vọng trong hành trình này.

Nếu nhân viên của Chó Sói nói họ đi trễ vì kẹt xe, Chó Sói muốn biết sự thật trong lời nói của họ. Nhân viên có thể lừa bạn từ chuyện nhỏ, thì không thể nào nhờ vả được trong chuyện lớn.

Thế nên, trong suốt hành trình đi làm của mình, Chó Sói luôn tập trung chuyên môn học về sự thật: từ phân tích tâm lý, ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu…cho đến áp dụng các thủ thuật tương tác.

Đến ngày hôm nay, khi đi làm, mở rộng ra tới đối tác, khách hàng, trở thành chuyên gia (chắc siêu hiếm ở Việt Nam, có chứng nhận hẳn hoi) về phát hiện nói dối [đúng rồi á bạn, khúc này là PR cho bản thân].

Thế nên, Chó Sói khuyên bạn hãy học nhiều hơn về phát hiện nói dối. Khi bạn biết sự thật, bạn sẽ dễ dàng đưa ra được những quyết định đúng đắn. Bạn cũng dễ dàng thiết lập các phương án phòng ngự, hoặc tự bảo vệ mình, khi có những manh mối lừa dối đầu tiên.

Nhiều người không dám nhìn thẳng vào sự thật, vì nó mất (và đau) lòng. Nhưng rồi sau này bạn sẽ nhận ra, bỏ qua sự thật đem lại hậu quả ghê gớm hơn nhiều.

Có rất nhiều cách để đối phó với một ai đó khi bạn nhận ra họ ghét mình. Bạn có thể bỏ mặc chuyện đó, hoặc bạn có thể nói chuyện để làm rõ lý do, nhưng đầu tiên, bạn phải nhận ra họ ghét bạn, từ đằng sau câu nói: “Mình rất vui được làm việc cùng bạn!”

Hãy học cách phát hiện, và trân trọng, sự thật.

#camnangdilam #yeudancongso

 

Việc đi làm sẽ trở nên dễ chịu biết bao nếu mọi người dành thời gian tập trung vào làm tốt công việc của mình hơn là đi soi mói hoặc ghen tị với công việc của người khác. Nhưng mọi chuyện lại khó có thể nào được như vậy…

#camnangdilam #yeudancongso