Category

Quyển 2

Category

[Thường Chó Sói sẽ viết hoa chữ Sếp trong các bài chia sẻ, nhưng hôm nay viết thường cho tương xứng với thứ tự]

Có người nói rằng, khi bạn mới bắt đầu đi làm, thì sếp trực tiếp của bạn rất quan trọng. Mặc dù hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, Chó Sói nhận thấy có một số người (đặc biệt là các bạn trẻ) thường tự suy ra rằng, mình nên “trung thành” nhất với cấp trên trực tiếp (tức “yêu” sếp đầu tiên). Điều này không đúng.

Cho dù bạn mới đi làm, hay bạn đã đi làm lâu năm rồi (thường thì, người đi làm lâu năm sẽ nhận định đúng hơn), bạn nên biết thứ-tự-yêu sau đây mới chính xác:

Yêu công việc, yêu công ty, rồi mới yêu sếp.

Phải yêu công việc đầu tiên, vì công việc sẽ không bao giờ phản-bội và ngừng yêu bạn, một khi bạn đã bắt đầu yêu công việc. Những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bạn có được, sẽ theo bạn suốt cuộc đời. Chẳng ai dám nói rằng, mình sẽ chỉ làm ở một hoặc hai công ty mà thôi.

Phải yêu công ty thứ hai, là bởi vì khi có mâu thuẫn giữa sếp bạn và công ty, thì bạn phải hành động dựa trên lợi ích của công ty, chứ không phải của sếp bạn. Nên nhớ, công ty mới là người trả lương cho cả hai, và có thể phản-bội cả hai.

Yêu sếp cuối cùng, bởi vì cho dù bạn và sếp đã làm việc được bao lâu, bạn và sếp có quan hệ tốt đến như thế nào, bạn sẽ không bao giờ biết được mức độ tuổi-thọ của mối quan hệ. Như Chó Sói đã từng chia sẻ, quan hệ giữa người với người là một sợi dây cực kỳ mỏng.

[Cho dù bạn có ở bên cạnh người đó bao lâu, cho dù bạn đã từng cùng người ta trải qua những chuyện sóng gió tê tái ghê gớm đến thế nào, thì bạn không, và sẽ không bao giờ, biết được mức-độ-mỏng-thực-sự của sợi dây đó.]

Tại sao lại cần thứ-tự-yêu?

Thứ-tự-yêu quan trọng, là bởi vì bạn cần xác định lượng thời gian dành cho những điều bạn yêu, cũng như thứ tự ưu tiên khi có mâu thuẫn xảy ra. Đối với dân công sở, hãy dành nhiều thời gian phát triển bản thân trong công việc, học hỏi và nắm quy trình, điểm mạnh yếu của công ty, hơn là chỉ chăm chăm làm hài lòng sếp bạn. Yêu sếp không có gì không tốt, nhưng suốt ngày chạy việc vặt cho sếp, hoặc bất chấp làm theo sếp mà bỏ mặc công việc và công ty là không đúng (trừ một số vị trí hỗ trợ cá nhân).

Chúc bạn yêu tốt!:

#camnangdilam #yeudancongso

Trở lại với sự đụng-chạm, chúng ta hãy cùng điểm thêm các hạng mục của 82% những nhà phỏng vấn tuyển dụng thiếu năng lực:

  1. Có định kiến:

Nếu bạn cho rằng Chó Sói đang nói đến những việc như “người Miền Bắc thế này”, “người Miền Tây thế nọ” thì không phải, bởi thể-loại tuyển dụng đó là quá tệ rồi. Chó Sói muốn nói đến trường hợp sau đây:

Bạn nghĩ gì nếu có ứng viên trả lời bạn rằng: “Mình chưa bao giờ gặp thất bại trong cuộc sống cũng như trong công việc.”?

Nếu bạn nghĩ rằng: “Chà, ứng viên thật tự tin” hoặc bạn nghĩ rằng: “Ôi, ứng viên tự cao quá!” thì xin chúc mừng, bạn vừa vào top 82% những người tuyển dụng có định kiến mà Chó Sói tính đề cập.

Tức là sao?

Phản xạ vội vàng kết luận câu nói của ứng viên theo hướng suy nghĩ của mình, bất chấp kết luận của bạn đúng hay sai, chính là cái mà Chó Sói gọi là những người phỏng vấn định kiến. Phản xạ chính xác phải là: “Tại sao ứng viên lại nghĩ như vậy nhỉ?”

Việc này đồng nghĩa, những nhà phỏng vấn chuyên nghiệp quan tâm tới việc “tại sao” ứng viên đưa ra câu trả lời, hỏi thêm về thế giới quan của họ, trước khi có bất kỳ kết luận nào. Bạn có kết luận trước khi hỏi, cho dù bạn có hỏi thêm sau đó, thì cũng đã muộn rồi!

  1. Không giỏi về ngôn ngữ cơ thể:

Dù biết mình thuộc một trong số ít những người nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ cơ thể, Chó Sói vẫn ngạc nhiên về mức độ kém hiểu biết của những người đang làm phỏng vấn tuyển dụng, đặc biệt trong các tập đoàn, công ty lớn. Như một quản lý cấp cao của tập đoàn xây dựng mà Chó Sói từng gặp: “Ủa, anh tưởng ngôn ngữ cơ thể chỉ dành cho diễn viên thôi chứ!”.

Ngôn ngữ cơ thể (chính xác là giao tiếp phi ngôn từ) mới là căn cứ xác định xem ai đó có đang nói sự thật hay không, và sự thật mới là thứ chúng ta cần trong các vòng phỏng vấn tuyển dụng. Để bắt đầu, bạn hãy thử trả lời câu hỏi dễ ẹc sau đây:

  • Các ứng viên không trung thực thường có xu hướng tránh nhìn vào mắt nhà tuyển dụng khi giao tiếp? Đúng hay sai? Tại sao? [Khúc tại sao mới quan trọng nha!]
  1. Không giỏi phân tích dữ liệu và tâm lý:

Đây chính là điểm phân biệt của nhà phỏng vấn tuyển dụng chuyên nghiệp với những người thiếu năng lực. Hãy xem xét tình huống sau:

  • Bạn coi trọng khía cạnh nào hơn, việc đúng-sai hay mối quan hệ trong công việc?

Ứng viên trả lời:

  • Dạ, như chị đã biết trong CV, phòng ban của em là kế toán, nên tất nhiên việc đúng sai quan trọng hơn mối quan hệ trong công việc. Tất nhiên, mối quan hệ cũng quan trọng. Nhưng đối với một người làm kế toán, việc đúng sai là ưu tiên hàng đầu. Các anh chị kế toán em từng gặp cũng đều tâm niệm như vậy. Nên em nghĩ rằng việc đúng- sai trong công việc quan trọng hơn.

Bạn rút ra kết luận gì?

Nào, đừng vội đọc tiếp, hãy suy nghĩ.

Để xem bạn có [hay đã] thuộc top 82% mà Chó Sói vừa nói hay không. Nó cũng đơn giản thôi.

Rồi, nếu bạn thấy câu trả lời của ứng viên không có vấn đề. Chúc mừng, bạn đã vượt qua thử thách, có 82% người trả lời giống như bạn.

Nếu bạn thấy câu trả lời của ứng viên có vấn đề, hãy cho Chó Sói biết tại sao?

Nếu bạn trả lời, tại vì bạn có cảm giác như vậy. Chúc mừng, bạn đã vượt qua thử thách, có 82% người tham gia trả lời giống như bạn.

Nên bạn biết đấy, đó là lý do nhiều doanh nghiệp không phát triển được. Vì họ đã để những người thiếu năng lực đi làm chuyện phỏng vấn, hoặc vì bạn đã để cho mình rơi vào top 82% này.

Bài viết dài quá đi!

Nếu xét trên góc độ thành bại của doanh nghiệp, thì vấn đề nguồn nhân lực là vấn đề then chốt.

Và bài viết bên dưới mang tính động chạm sâu sắc [cảnh báo].

Khi nói về vấn đề nguồn nhân lực, tức nói về vấn đề “ai làm việc gì”. Nghĩa là, tuyển người phù hợp cho các vị trí trong doanh nghiệp.

Một điều Chó Sói nhận ra, khi làm việc với các doanh nghiệp, cũng như khi phỏng vấn tuyển dụng, đó là: 82% những người ngồi ở vị trí phỏng vấn đều thiếu những nhận thức và kỹ năng quan trọng để tuyển người phù hợp. Tức là, doanh nghiệp sai lầm trong việc để người phù hợp làm phỏng vấn tuyển dụng ngay từ đầu.

Nếu bạn đang bị đụng chạm. Hãy dừng đọc.

Nếu bạn tiếp tục, bạn đương nhiên muốn hỏi đó là những nhận thức và kỹ năng gì.

Có rất nhiều người tuyển dụng giỏi trong việc tạo nguồn, và tạo quan hệ với ứng viên. Nhưng tệ trong phỏng vấn tuyển dụng, tức tệ trong việc “nhìn người”. Để là người tuyển dụng chuyên nghiệp, bên cạnh đạo đức nghề nghiệp, bạn cần xem mình có thường xuyên mắc (hoặc quá yếu) một trong 04 điều sau đây hay không:

  1. Không có giá trị cốt lõi khi phỏng vấn:

“Ứng viên có khả năng giao tiếp khéo léo, khả năng xử lý tình huống tốt, yêu thích công việc chăm sóc khách hàng. Ứng viên cũng là người khá tham vọng, tỷ mỷ, tự tin, có yêu cầu cao trong công việc. Điểm yếu của ứng viên là đôi lúc hơi tự cao.”

Nếu đây là một bản báo cáo đọc-cho-vui bạn hay gửi cho ai-đó sau khi phỏng vấn xong, nó không phải là vấn đề. Nhưng nếu bạn cho rằng bạn thật sự nhìn ra được từng này điểm qua 1 vòng phỏng vấn, bạn quá ảo tưởng sức mạnh. Một buổi phỏng vấn chỉ cho phép bạn nhìn thấy từ 1- 2 điểm trong những điều bạn vừa viết, có khi còn không đủ để kết luận. Nội chuyện “yêu thích công việc chăm sóc khách hàng”, bạn có khi cần từ 2- 3 vòng phỏng vấn để xác thực chuyện đó.

Ấy là nếu bạn thực sự có kỹ năng tốt.

Cho nên, người phỏng vấn chuyên nghiệp chỉ có thể xác định từ 1-2 mục khi phỏng vấn. Hãy nhớ, ứng viên giao tiếp tốt với bạn không có nghĩa là họ cũng giao tiếp tốt với khách hàng (đặc biệt khi khách hàng đang nóng giận). Cũng chính vì vậy, bạn cần chọn điều bạn mong muốn nhất khi tuyển vị trí đó. Đối với Chó Sói, mục quan trọng nhất luôn là “Liệu ứng viên có thực sự thích công việc họ đang ứng tuyển?”. Nếu bạn tự cho rằng bạn có thể làm chuyện này một cách đơn giản, nhắc lại, bạn đang ảo tưởng quá mức rồi. Nhưng bạn đừng lo, có 82% người phỏng vấn cũng suy nghĩ giống như bạn.

Bạn vẫn cho rằng mình có khả năng nhìn thấy nhiều điều hơn, từ một buổi phỏng vấn?

Hãy thử qua vài điều được đề cập trong các mục 2, 3, 4 của bài viết sau.

Nếu bạn đã từng đi làm, bạn sẽ nghe được câu chuyện như thế này: Ứng viên phàn nàn nhà tuyển dụng bắt ứng viên chờ đợi, rồi phỏng vấn xong không có phản hồi gì, thái độ hết sức trịch thượng. Nhà tuyển dụng thì phàn nàn ứng viên thiếu chuyên nghiệp, có khi bỏ ngang buổi phỏng vấn không nói một lời, thậm chí đồng ý offer rồi lại không nhận việc, đến ngày đi làm thì không liên lạc được. Trong câu chuyện đó, ai cũng có phần đúng về mình.

Thế nhưng, sự thật thì như thế nào?

Đối với Chó Sói, sự thật nó như thế này:

Tuy nhà tuyển dụng không phải là mẹ thiên hạ, nhưng có tới 70% nhà tuyển dụng trên thị trường mang suy nghĩ này, và 80% trong số 70% này đến từ những công ty lớn. Chó Sói hay gọi đây là câu lạc bộ 7080.

Mọi người hay nhầm lẫn rằng các nhà tuyển dụng thuộc công ty lớn sẽ phản hồi nhanh chóng cho ứng viên, do họ chuyên nghiệp hơn. Thật ra, phản hồi nhanh không liên quan tới chuyên nghiệp, nó liên quan tới việc nhà tuyển dụng có tâm hay không. Câu lạc bộ 7080 đương nhiên không có tâm, càng lớn lại càng dễ quan liêu hơn, vì ứng viên xếp-hàng để được vào công ty họ mà.

Nhưng khổ một nỗi, là các ứng viên lại chỉ thích khoác lên mình bộ đồng phục của công ty lớn. Họ lờ đi các công ty nhỏ, thậm chí bỏ buổi phỏng vấn không nói lời nào, để chờ đợi đầu quân vào các công ty lớn. Họ phải chịu đựng thái độ trịch thượng, quan liêu từ câu lạc bộ 7080, rồi tự bần thần, sao công ty lớn lại làm ăn thiếu chuyên nghiệp như vậy?!

Trong khi đó, các công ty nhỏ mới là lực lượng tuyển dụng có tâm hơn nhiều: họ phản hồi nhanh hơn, thậm chí khi có ứng viên bỏ ngang phỏng vấn, họ còn gọi lại hỏi tình hình, rồi cho thêm một cơ hội.

Với nguồn ứng viên hữu hạn, những nhà tuyển dụng từ các công ty nhỏ phải càng có tâm hơn, bất chấp thái độ của ứng viên, để hy vọng kéo được người về, giúp họ hoàn thành công việc. Nhưng họ luôn ghi nhớ những lần bất chấp ấy. Thế là, khi công ty họ lớn mạnh hơn, phát triển hơn, họ bắt đầu bớt có tâm lại, và nhiều người, một cách tự nhiên, gia nhập câu lạc bộ 7080. Họ không muốn phải khổ sở vì ứng viên nữa.

Cái vòng luẩn quẩn này kết thúc khi nào?

Đối với Chó Sói, đây là câu chuyện không bao giờ có hồi kết. Nó giống như chuyện mẹ chồng- nàng dâu. Bạn không thể làm gì mẹ chồng bạn, hoặc bạn không thể trông mong gì ở con dâu bạn. Bạn chỉ có thể xác định mình muốn thành kiểu mẹ chồng gì, hoặc kiểu con dâu nào.

Tất nhiên, cho dù bạn có là mẹ chồng tốt nhất thế giới, thì nếu bạn vớ phải con dâu quá tồi, câu chuyện cũng không bao giờ kết thúc có hậu. Tương tự theo chiều ngược lại.

Nếu không kết thúc được, có cách nào giảm bớt câu chuyện này không?

Có chứ, khi nền giáo dục và văn hóa của đất nước này tiến bộ (tức ý thức mọi người đều nâng cao). Nó sẽ xảy ra chứ (hy vọng vậy), nhưng còn khá xa vời.

Vậy bạn có thể làm gì?

Nhắc lại, bạn chỉ có thể xác định mình muốn thành kiểu mẹ chồng gì, hoặc kiểu con dâu nào. Vậy thôi.

Quay trở lại, đối với vấn đề số (2), Chó Sói sẽ cho bạn một ví dụ:

Bạn vào làm trong một cửa hàng quần áo mới được 3 tháng, nhưng đã nhớ được giá và mã của rất nhiều mặt hàng. Trong một lần tình cờ, bạn phát hiện ra quản lý cửa hàng (tức Sếp của bạn), làm đã được 5 năm, bán sai giá một món đồ cơ bản. Bạn ngạc nhiên. Những ngày sau, bạn phát hiện Sếp bạn tiếp tục nhớ sai giá và mã của vài món cơ bản khác.

Bạn rút ra kết luận gì?

Như rất nhiều người (đặc biệt là những bạn trẻ), bạn nhận thấy: Sếp bạn thật cùi-bắp, làm 5 năm rồi mà còn không được-như-bạn!

Kết luận của bạn đúng hay sai?

Trước khi bàn về việc nó đúng hay sai, hãy áp dụng cái gọi là: Đặt nhiều câu hỏi để nhìn nhận toàn cảnh vấn đề.

  • Những ngày bán sai giá, tâm trạng của Sếp bạn như thế nào? Sếp bạn có đang buồn, hay căng thẳng gì không? Bạn biết đấy, khi tâm trạng không tốt, ai cũng mắc sai lầm, dù cơ bản tới đâu.
  • Nếu tâm trạng Sếp bạn ổn định, đây là điểm yếu của Sếp bạn. Vậy tại sao Sếp bạn lại làm được tới 5 năm. Đâu là điểm mạnh của Sếp bạn để được giữ lại làm?
  • Nếu bạn vẫn không nhìn ra (dù điều này thường không đúng), tại sao một người không có điểm mạnh nào mà chỉ có điểm yếu lại được làm quản lý cửa hàng? Điều này chứng tỏ lãnh đạo (người chủ) công ty bạn có vấn đề.
  • Nếu người lãnh đạo công ty có vấn đề, vậy quy mô công ty bạn như thế nào? Tồn tại bao lâu rồi? Nếu quy mô lớn hoặc đã tồn tại lâu, vì sao có thể tồn tại lâu như vậy? (Hoặc quy mô lớn như vậy?)

Sau khi tìm ra được câu trả lời, bạn hãy tiếp tục hỏi các câu sau:

  • Mình cần làm gì để có thể giỏi giống như họ?

Hay:

  • Mình cần làm gì để tránh sai lầm giống như họ?

Hoặc:

  • Tại sao mình giỏi như vậy nhưng lại chỉ có thể làm cho công ty có nhiều vấn đề vậy?

Như bạn có thể nhận ra, kết luận bây giờ của bạn chắc chắn đúng và toàn diện hơn kết luận ban đầu. Cho dù nó vẫn ra đúng một kết quả.

Cuối cùng, để kết thúc, cũng để tránh nhầm lẫn, dưới đây là ba lưu ý nhỏ từ Chó Sói:

  • Cái tôi lớn và tự tin không liên quan đến nhau.
  • Bạn có thể không cần áp dụng cách của người khác để thành công, nếu bạn không thoải mái với nó. Nhưng bạn cần hiểu cách thức đó, kèm theo phân tích ưu nhược điểm, cũng như cách thức và ưu nhược điểm mà bạn đang chọn.
  • Trong trường hợp bạn khó đảm bảo sự khách quan, hãy tham khảo thêm thông tin từ người khác.

Trong quá trình đào tạo, giảng dạy và tư vấn, Chó Sói hay nhận được một câu hỏi, khi thì đến từ các cấp quản lý, khi thì đến từ các bạn nhân viên, đó là: Làm cách nào để bản thân (hoặc ai đó) phát triển hơn?

Tất nhiên, có vô vàn phương thức để bạn tiến bộ hơn mỗi ngày, cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Nhưng trước khi bắt đầu, đối với Chó Sói, bạn cần điều chỉnh hai thứ quan trọng sau đây:

  1. Dừng nghĩ mình thông minh và giỏi giang hơn người khác: Thu nhỏ cái tôi của bạn.
  2. Dừng kết luận vội vàng: Đặt nhiều câu hỏi để nhìn nhận toàn cảnh vấn đề.

Tại sao hai điều chỉnh này lại quan trọng đến vậy?

Bởi vì, cả hai ảnh hưởng đến tốc độ của sự học hỏi.

Đối với số (1), bạn có thể đã từng nghe Albert Einstein nói: Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Cái tôi càng lớn, hiểu biết càng ít. Và ngược lại. Thế nên, thu nhỏ cái tôi lại cho phép bạn học hỏi nhiều hơn từ mọi người, đặc biệt là những người mà bạn cho rằng bạn giỏi hơn họ.

Thành thật mà nói, ai đó càng giỏi thì càng dễ mắc bẫy cái tôi hơn những người khác. Khi bạn có thành tích xuất sắc, bạn hơn-mọi-người, bạn sẽ sớm thỏa mãn cái tôi mà quên đi nhiệm vụ tiến bộ của mình.

Quan trọng, bạn sẽ rất khó thấy sự-giỏi-giang của những người khác, vì bạn tự đặt mình lên cao hơn họ. Do đó, bạn bỏ qua cơ hội học hỏi từ mọi người, mà chỉ chăm chăm học từ những người mà bạn cho rằng họ giỏi hơn bạn. Đó là sai lầm chết người!

Cho dù trong 99% thời gian sáng kiến của bạn là tốt nhất, hãy nhớ 1% đến từ những người khác vẫn sẽ luôn cứu bạn tránh được nhiều sai lầm!:)

Còn đối với số (2)?

Chó Sói sẽ quay trở lại trong bài viết sau.

  1. Có những người không ở vị trí lãnh đạo, nhưng lúc nào cũng làm nhiệm vụ lãnh đạo. Và có những người nắm giữ cương vị lãnh đạo, nhưng thực chất không hề lãnh đạo gì hết.
  2. Hãy đối xử tốt với mọi người lúc bạn đi lên, bởi vì bạn sẽ gặp lại họ khi bạn đi xuống.
  3. Tất cả những gì bạn cần, đó chính là thời gian. Và tất cả những gì bạn có, cũng chỉ là thời gian.

Đoạn thứ nhất:

“Vào chỗ mới đã được một tuần vậy mà chẳng ai chủ động nói chuyện gì với mình. Mạnh ai nấy làm việc. Chán…”

#1: Những ngày đầu ở chỗ làm mới.

Đoạn thứ hai:

“Đã cố hết sức và thử mọi cách mà công việc vẫn dậm chân tại chỗ. Không khách hàng, không doanh số. Nản…”

#2: Những ngày bất lực trong công việc.

Đoạn thứ ba:

“Giữa cuộc họp mà thằng-chả chửi mình không tiếc lời. Sau này còn ai coi mình ra gì nữa. Hay là…”

#3: Lần đầu bị Sếp chửi. Hoặc lần tệ nhất.

Đoạn thứ tư:

“Hôm qua vừa chia tay người yêu, chẳng ngủ được. Sáng dậy, tới trễ vài phút mà bị cằn nhằn. Làm như không có chỗ nào tuyển người…”

#4: Những ngày công tư lẫn lộn.

 Đoạn thứ năm:

“Con nhỏ đó vô làm sau mình thì được lên chức. Mình làm ở cái chỗ này đã 3 năm, cống hiến không biết bao nhiêu, vậy mà…”

#5: Những ngày bất mãn.

Đoạn thứ sáu:

“Công ty không còn như xưa nữa rồi. Chính trị quá. Ước gì trở lại như những ngày đầu ấm cúng…”

#6: Lạc lõng giữa giai đoạn phát triển.

Đoạn thứ bảy:

“Chị ấy đi rồi. Bạn ấy cũng đi rồi. Mình còn ở lại…”

#7: Đội ngũ rời đi.

Đoạn thứ tám:

“Đã mấy năm rồi mà chẳng được tăng lương. Thưởng cũng không thấy. Nhìn công ty người ta mà phát thèm…”

#8: Hoài nghi về phúc lợi.

Đoạn thứ chín:

“Hai năm rồi, công việc vẫn vậy, vị trí vẫn vậy. Không có gì để học thêm, không có gì để làm thêm. Hay là…”

#9: Dậm chân tại chỗ.

 Dấu “#” là để chỉ những thời điểm được gọi là T.O.D (Thread of Discontent): thời điểm nhạy cảm nhất mà ai đó dự định rời khỏi một công việc. Bạn có thể dùng nó theo hai cách: Tránh để giữ người hoặc tác động thêm để rời đi.

Chúc bạn sáng suốt!:)

Để ứng phó hợp lý với tin đồn công sở, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lý do tại sao nó lại có tầm ảnh hưởng kỳ-lạ đến mọi người.

Trong tâm lý học, có một hiệu ứng tâm lý được gọi là Hiệu ứng Sleeper. Hiệu ứng Sleeper nói rằng cho dù thông tin đến từ một nguồn không đáng tin cậy, nhưng nếu người ta nhớ về nó, thì sau đó nó sẽ tự động trở nên đáng tin cậy, vì theo thời gian mọi người quên mất nguồn gốc ban đầu.

Tức là, bạn làm gì không quan trọng. Quan trọng là nếu người ta nhớ gì [dù tầm bậy hết sức] về bạn, thì sau đó nó sẽ tự trở thành sự thật (trong mắt mọi người).

Tại sao người ta lại dễ nhớ một tin đồn công sở?

Bởi vì, tin đồn công sở dựa vào hai thứ sau đây để tồn tại: Những điều bạn làm, và những điều bạn có khả năng làm.

Để Chó Sói lấy ví dụ cho bạn:

Bạn kỷ luật một nhân viên, và cho người ta nghỉ việc, dù người đó là lao động chính trong gia đình. Tin đồn xuất hiện, rằng bạn thật lạnh lùng, tàn nhẫn. Đây là tin đồn dựa vào điều bạn làm.

Bạn thăng chức. Như bạn Nhím, người ta đồn rằng bạn ấy-ấy với Sếp. Đây là tin đồn dựa vào điều bạn có khả năng làm. (Thật sự, đây cũng là một cách để thăng chức, dù trên thực tế, rất ít người thực hiện được).

Cho nên, để đối phó với tin đồn công sở, bạn cần làm đúng hai việc, cho những điều bạn làm, và những điều bạn có thể làm.

  1. Đối với những điều bạn làm: Hãy dự đoán những tin đồn có thể xảy ra, và chủ động tạo tin đồn đi kèm với nó, theo tính cách, sở thích và giá trị của bạn.

 

Nghĩa là sao?

Nếu bạn hay phải kỷ luật nhân viên, chắc chắn tin đồn lạnh lùng, tàn nhẫn, vô cảm… dễ xuất hiện. Để cân bằng với nó, hãy chọn một số thứ mà bạn thích, và trộn nó vào chung với tin đồn.

Bạn vẫn chưa hiểu. Không sao, để Chó Sói lấy ví dụ cho bạn. Giả dụ như bạn thích nickname công chúa, và bạn đam mê với công việc.

Lần tới, khi kỷ luật nhân viên, bạn hãy tiến hành đoạn đối thoại như sau:

“Chắc bạn đã từng nghe nói, rằng chị rất lạnh lùng tàn nhẫn. Cái đó còn chưa đủ. Mọi người (?!) hay gọi chị là Công chúa băng giá. Bạn biết vì sao mọi người lại tặng chị biệt danh này không? Đó là bởi vì chị không chỉ lạnh lùng, vô cảm, mà chị còn giàu. Nên chị đi làm không phải vì tiền, và kỷ luật em cũng không giúp chị kiếm thêm tiền đâu. Chị chỉ làm vì chị đam mê công việc thôi. Phải, chị không quan tâm đến việc em phải nuôi con nhỏ. Vì sao? Vì nếu em biết rõ trách nhiệm của mình, thì em nên làm việc cho tốt, chứ không phải đợi tới lúc này mới nêu ra hoàn cảnh của em.”

Chắc chắn, trong một lần nào đó, một ai đó từng bị kỷ luật, sẽ ra trao đổi với đồng nghiệp, rằng: “Thứ người gì đâu mà ác độc, vô cảm. Bả [hoặc danh xưng khác] tự nhận mình là Công-chúa-băng-giá. Rằng bả đi làm chỉ vì đam mê công việc, không phải vì tiền. Nghĩ sao vậy?!”

Đấy, đây là những thứ sẽ được nhắc về bạn: Ác độc. Vô cảm. Công chúa. Đam mê. Nghĩ sao vậy!

Đến một ngày đẹp trời, bạn có thể tận dụng tin đồn để đem lại lợi ích cho mình. Lấy ví dụ lần thăng chức kế tiếp:

“Chắc Sếp đã nghe nói, rằng em rất lạnh lùng, vô cảm với mọi người. Điều này thiệt khó nói, vì mỗi người một góc nhìn. Nhưng chắc chắn Sếp đã nghe, rằng em rất đam mê với công việc, ai-cũng-nói-vậy. Thế nên…”

  1. Đối với những điều bạn có khả năng làm: Thay vì tìm cách ngăn chặn (mà như Chó Sói đã nói, điều này không thể thực hiện được), hãy tạo ra phiên bản giải trí của bạn. Hãy tự giải trí với tin đồn về mình, mỗi khi có thể.

Nghĩa là sao?

Nếu bạn rơi vào trường hợp của bạn Nhím:

Đồng nghiệp [có thể mỉa mai hoặc không]: Chúc mừng Nhím nha. Còn trẻ mà đã được thăng chức lên trưởng nhóm. Đúng là tuổi trẻ tài cao!

Nhím: Cảm ơn chị. Em có nghe vài người nói rằng em ấy-ấy với Sếp mới được lên chức cơ. Thật ra, đó cũng là một cách. Tại em đẹp mà. Nhưng chắc mấy người đó quên, rằng em không chỉ đẹp, mà còn giỏi nữa. Nên lúc này chưa cần dùng cách đó làm gì.

Tựu chung lại, nếu bạn am hiểu, thì nghĩa là hãy chủ động tạo hiệu ứng Sleeper kèm với tin đồn, trước cả khi thực sự có tin đồn. Hoặc bạn không chắc bao giờ có, thì làm luôn bây giờ đi.

Như vậy, tin đồn sẽ được cân bằng, theo cách kiểm soát của bạn.

Nghĩ sao vậy!

Tưởng tượng vào một ngày đẹp trời, bạn đang hớn hở bước vào văn phòng thì tình cờ nghe được vài giọng nói quen thuộc:

  • Con nhỏ Nhím đó hả? Nó nịnh Sếp thôi rồi.
  • Chứ còn gì, nếu không sao tự nhiên nó được thăng chức lên làm trưởng nhóm. Có khi, nó với Sếp ấy-ấy gì rồi cũng nên.

Bình thường, biết đâu bạn đã nhảy vào tham gia cuộc trò chuyện (rất hào hứng chăng?). Nhưng hôm nay thì khác. Hôm nay, bạn không có tâm trạng.

Tại sao?

Bởi vì, bạn chính là “con Nhím” đó.

Câu hỏi đặt ra là, bạn nên làm gì?

Nếu bạn đã từng nghe lời khuyên, rằng, mặc kệ đi, mình cây-ngay-không-sợ-chết-đứng, thì để Chó Sói nói nhỏ với bạn (hoặc nói bự lên cũng được): Đó là một lời khuyên vớ vẩn.

Tại sao nó lại vớ vẩn?

Nó vớ vẩn ở chỗ, nếu bạn từng có kinh nghiệm đi làm, bạn sẽ nhận ra, trong công sở, tin đồn thực sự ảnh hưởng tới năng lực của bạn (trong mắt mọi người).

Đương nhiên, tin đồn không phải là tất cả. Đến mức cao nhất, tin đồn chỉ có thể ảnh hưởng tới bạn độ 23% mà thôi. Nhưng, 23% thật sự là một con số lớn đấy!

Và tưởng tượng thêm rằng có khoảng vài trăm (hoặc vài ngàn) người tin con số 23% ấy?

Nó chắc chắn không đem lại kết cục tốt đẹp gì cho bạn!

Rồi có một chuyên-gia xuất hiện, nói với bạn rằng: Em không được để xảy ra tin đồn, nó sẽ ảnh hưởng tới năng lực của em. Hãy tìm mọi cách tránh tin đồn.

Để Chó Sói nói nhỏ với bạn (hoặc nói lớn lên cũng được): Đó lại là một lời khuyên vớ vẩn khác.

Tại sao?

Tại vì nếu bạn từng đi làm, chỗ càng bự càng dễ nhận ra, bạn sẽ không có cách nào tránh được tin đồn về mình.

Cho dù bạn không làm gì, thực sự không làm gì. Hoặc bạn nghĩ bạn không làm gì.

Thì vẫn sẽ có tin đồn về bạn.

Do đó, tìm mọi cách tránh tin đồn là một việc tổn hao công sức. Và chắc chắn không thực hiện được. Nhắc lại, bạn có làm cách gì cũng sẽ có tin đồn về bạn.

Vậy phải làm sao?

Chó Sói sẽ chia sẻ tiếp với bạn trong bài viết sau, nhé!:)