Khi bạn nghỉ việc, trừ trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển hẳn sang một lĩnh vực hoàn toàn khác, thì chỉ có hai khả năng. Một là bạn làm công ty thất vọng, hai là công ty làm bạn thất vọng. Dù vì khả năng nào hoặc lý do gì, nghỉ việc chưa bao giờ là một cảm giác dễ chịu. Nó có thể không tệ, phải, nhưng chưa, và sẽ không bao giờ, khiến cho bạn cảm thấy dễ chịu.
Thật khó khi làm việc với một người Sếp mà bạn thông minh hơn họ, còn họ lại biết rõ điều đó. Cũng thật khó khi làm Sếp của một nhân viên mà bạn thông minh hơn họ, nhưng họ lại không biết điều đó.
Chó Sói đã có lần đề cập về lý do tại sao phỏng vấn là chuyện hên xui, vì có quá nhiều người phỏng vấn có kỹ năng rất tệ.
Dưới đây là một vài ví dụ:
Câu chuyện số 1:
Phỏng vấn viên (PV): Công ty mình trả lương rất linh hoạt. Bạn có thể cho biết về mức lương mong muốn của bạn không?
Ứng viên (UV): Mức lương mình đề xuất là XXXX USD
PV: Xem nào, mức lương bạn mong muốn vượt quá khung lương tại công ty.
UV: Vậy anh có thể cho mình biết mức cao nhất trong khung lương của bên mình không ạ.
PV: Mình đã nói là mức lương bên mình rất linh hoạt (?!!)
Câu chuyện số 2:
PV: Mình nhận ra là anh chỉ có kinh nghiệm bán hàng trong ngành dịch vụ, chứ không làm cho ngành sản phẩm.
UV: Mặc dù sản phẩm hữu hình và sản phẩm dịch vụ có một số điểm khác biệt, nhưng mình nghĩ về mấu chốt thì kỹ năng bán hàng yêu cầu là như nhau.
PV: Mình không đồng ý với anh. Những người bán sản phẩm phải hiểu rõ nhiều thông tin về sản phẩm hơn người kinh doanh dịch vụ (?!!)
Câu chuyện số 3:
PV: Cảm ơn bạn đã đến tham gia buổi phỏng vấn. Bên mình sẽ liên hệ lại với bạn qua email hoặc điện thoại để thông báo về kết quả phỏng vấn trong vòng một tuần.
UV: Cảm ơn anh chị rất nhiều.
15 ngày sau…
UV: Không email. Không điện thoại.
Còn các anh chị em công sở thì sao, ai đã từng được gặp vài người phỏng vấn tương tự?
Khi ai đó ở văn phòng cứ thắc-mắc vì sao các bạn sales kiếm được nhiều tiền như vậy, còn các bạn sales hoài băn-khoăn vì sao ở văn phòng công việc lại nhàn hạ như vậy?
Xin hãy nhớ rằng: Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng. Phần lớn những người không thừa nhận điều này là bởi vì cuộc sống thường không công bằng theo cách mà họ muốn.
Vậy nên, khi bạn ở văn phòng mà chẳng may thiếu tiền, hãy nhớ tới những ngày trời mưa ngập lụt hay trời nắng chang chang. Bạn bình chân trong điều hòa máy lạnh. Khô ráo. Mát mẻ.
Vậy nên, khi cuối tháng bị dí doanh số muốn tụt quần, muốn chửi sếp, hãy nhớ tới kỳ lương kế tiếp, tới căn nhà, hoặc chiếc xe sang trọng bạn đang có. Nhiều người ở văn phòng đang cháy túi vào cuối tháng.
Đừng hoài, “cỏ đồi kia xanh hơn”!:)
“Gửi W.,
Bạn biết không, hôm nay tôi tình cờ nghe được một tin, rằng bạn sắp phải đóng cửa và di dời sang một địa điểm mới.
Dù nhìn dưới bất kỳ góc độ nào, đối với tôi, khoảng thời gian ở cùng với bạn là một khoảng thời gian tươi đẹp. Tôi học được nhiều điều, tôi trưởng thành, và tôi thích mọi người ở đó (tất nhiên, là trừ anh SK và chị HP, bạn cũng biết rồi). Những ngày xưa cũ, khi văn phòng còn nhỏ và ấm cúng!
Và chắc bạn cũng biết, sau khi nghỉ việc, tôi có ghé lại văn phòng, để thăm đội ngũ cũ, và bạn. Nhưng trong một lần tình cờ, được nghe người ta hỏi: “Sao nghỉ rồi mà cứ vô đây vậy?” [dù thật ra chỉ để hoàn thành vài thủ tục liên quan tới sổ bảo hiểm do có sai sót dữ liệu], tôi lại thôi. Vào lúc đó, tôi chợt nhận ra, cho dù bạn và tôi đã từng có mối quan hệ tốt đẹp như thế nào, thì khi tôi nghỉ, mọi thứ đều đã chấm dứt. Nó đẹp đấy, và tốt đấy, nhưng là quá khứ rồi.
Là quá khứ rồi, vậy mà hôm nay nghe tin, tôi lại muốn viết lá thư này, cho bạn. Bởi vì tôi biết, không ghé là một chuyện, không-thể-ghé lại là một chuyện khác, và nó gây cảm giác kỳ lạ hơn nhiều. Cho dù thế nào, tôi cũng trân trọng khoảng thời gian ở cùng với bạn. Và tôi chúc bạn, ở một nơi mới, sẽ tiếp tục phát triển, hoành tráng hơn ngày xưa.
Viết cho W. của tôi,
Chỗ gửi xe, bây giờ có lẽ sẽ rất xa, bạn nhỉ?!”
Tình cờ gặp lại người bạn cũ, trong biết bao câu chuyện về cuộc sống tự dưng lại chú ý đến một câu nói đơn giản: “Dừng lại một bước…”, và Chó Sói tự nhiên nhớ tới biết bao điều liên quan…
Nếu muốn tranh luận, hãy dừng lại một bước. Dừng lại một bước, để cố gắng lắng nghe xem người đối diện đang nói gì. Chúng ta chỉ có một cái miệng, nhưng lại có hai cái tai.
Nếu muốn nhận xét về người khác, hãy dừng lại một bước. Dừng lại một bước, để xem mình biết được bao nhiêu, và thấy được những gì. Chúng ta chỉ có thể đánh giá hành vi, chứ không có quyền đánh giá bản chất.
Nếu muốn khuyên bảo người khác, hãy dừng lại một bước. Dừng lại một bước, để xem mình đang ở đâu, và có tư cách gì. Chúng ta không phải không yêu quý và quan tâm đến người khác, nhưng người khác không phải lúc nào cũng cần một lời khuyên.
Nếu muốn tìm được tình yêu, hãy dừng lại một bước. Dừng lại một bước, để xem mình có đang bị chi phối bởi cảm giác chiếm hữu hay không. Có một cách nhanh chóng để giết chết tình yêu, đó là hãy nắm lấy nó thật chặt.
Nếu cảm thấy bị xúc phạm, hãy dừng lại một bước. Dừng lại một bước, để xem chúng ta có nên đáp trả hay không. Nếu có gì đáng sợ hơn sự thù địch, đối với người khác, đó chính là cảm giác họ không hề tồn tại, trong mắt chúng ta.
Nếu muốn thành công, hãy dừng lại một bước. Dừng lại một bước, để nghỉ ngơi. Chúng ta thường chạy quá nhanh trong một thời gian quá dài, đến nỗi không biết mình chạy để làm gì.
Và cuối cùng, nếu muốn hạnh phúc, hãy dừng lại một bước. Dừng lại một bước, để xem rốt cuộc hạnh phúc nên được định nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Để rồi từng giây từng phút trôi qua, hãy tận hưởng nó.
Gửi đến những người bạn của Chó Sói,
Đôi lúc, hãy dừng lại một bước!:)
Trong quyển sách về nghệ thuật QBQ, John G. Miller từng chia sẻ: Trong một trận đấu, có 3 người mà chúng ta phải đánh bại. Một là đối thủ của chúng ta, hai là bản thân chúng ta, và ba là trọng tài. Đêm hôm nay, đội tuyển Việt Nam đã minh chứng cho câu nói ấy!:)
Trưởng thành là khi bạn nhận ra rằng những thứ bạn cho là tầm thường như tiền thì lại trở nên quan trọng hơn, còn những thứ bạn cho là quan trọng như ước mơ thì lại trở nên tầm thường hơn, và bạn vẫn muốn tiếp tục làm những thứ tầm-thường nhưng nhận ra nó không hề dễ dàng như bạn tưởng.
Trong công sở, đừng thấy hai người nói chuyện vui vẻ với nhau thì có nghĩa họ là bạn bè, cũng đừng thấy hai người phản bác nhau thì có nghĩa họ là kẻ thù. Trong công sở, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ vị trí thực sự của mình trong mối quan hệ với mọi người.
Thậm chí kể cả khi họ có từng là bạn bè hoặc kẻ thù, thì tất cả những điều đó đều có thể thay đổi chỉ sau một đêm.
Năm hết tết đến, xung quanh Chó Sói đã thấy một số anh chị em công sở bắt đầu làm chương trình từ thiện. Đi kèm với lòng cảm kích, Chó Sói cũng xin chia sẻ 03 điều thẳng-thắn dành tặng mọi người:
- Khi làm từ thiện, phải hiểu mình làm vì bản thân muốn làm trước, sau đó mới tới việc giúp đỡ người khác. Nghĩa là mình làm vì mình, sau đó mới tới mình làm vì người.
- Cũng chính vì điều 01, nên khi làm từ thiện, đừng hy vọng mọi người sẽ thấy thích thú hoặc biết ơn giống như mình nghĩ. Mình có thể thấy mình đang giúp đỡ, đang làm việc tốt, nhưng không chắc người khác cũng sẽ thấy như vậy.
- Cũng chính vì điều 02, nên khi thấy ai đó chẳng những không bày tỏ sự đồng cảm mà còn công kích, phản đối mình, đừng cay cú, thất vọng hay bài xích. Hãy nhớ điều 01, để biết rằng mình có thể dừng lại bất kỳ lúc nào.
Và nếu bạn đã vượt qua được những tình huống này, bạn mới thực sự là người nên đi làm từ thiện.