Vấn đề của những người-trẻ là nghĩ người-già không biết gì cả, vì họ đã lỗi thời.
Tất nhiên, có nhiều thứ đã thay đổi. Đặc biệt khi nói về công nghệ. Người-già trong tổ chức vốn kém hiểu biết và khó bắt kịp về “lõi” của công nghệ, khiến cho việc hình dung phải áp dụng công nghệ vào vận hành như thế nào, đến mức độ nào là khá khó khăn. Họ thường xuyên có xu hướng trì hoãn việc triển khai hay chuyển giao công nghệ, vì không dự đoán được rõ ràng rủi ro đằng sau. Việc này khiến người-trẻ trong tổ chức cảm thấy khó chịu.
Đặc biệt khi họ phải thuyết phục hay trình bày ý tưởng cải tiến với người-già. Người-già thường lấy nhiều lý do, đặc biệt là kinh nghiệm của mình, để phản bác ý tưởng của người-trẻ. Họ không muốn mạo hiểm như người trẻ dù có thể hình dung ra lợi ích của việc cải tiến. Người-già luôn chọn tính ổn định như thường lệ, khiến người-trẻ nghĩ họ rất ngoan cố và không biết cập nhật gì cả. Thật lỗi thời! Nhiều người-trẻ rời tổ chức để thực hiện ý tưởng của chính mình.
Người-già có thực sự lỗi thời?!
Đa phần là phải. Nhưng cái người-trẻ hay quên, rằng tuy kiến thức của người-già ít được cập nhật hơn, họ lại có xu hướng sâu sắc hơn về tư duy toàn cảnh so với người-trẻ. Nên khi làm việc với người-già trong tổ chức, ngoài sự nhiệt huyết với ý tưởng, người-trẻ còn cần chứng minh về khả năng dự đoán toàn cảnh, tức mức độ liên quan của ý tưởng tới toàn bộ việc vận hành hơn là triển khai cục bộ (ví dụ: giải quyết vấn đề cắt giảm nhân sự hợp lý khi áp dụng hệ thống tự động, hơn là chỉ biết cắt giảm chi phí nhân công). Việc này giúp người-già cảm thấy an toàn hơn, từ đó mức độ ủng hộ cải tiến cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Chưa kể, người-già đôi khi hay hướng dẫn theo cách mà người-trẻ khó hình dung được, vì người-trẻ có xu hướng nhìn-gần hơn là nhìn-xa. Việc này khiến cho nhiều người-trẻ không kịp hiểu được bài học người-già muốn truyền tải, do cách tiếp cận vấn đề và “mục đích cuối cùng” của hai bên khác nhau.
Vậy còn [bài học của] người-già?
Vấn đề của những người-già là nghĩ rằng mình đã biết tất cả.
Lý do người-già thường chọn yếu tố an toàn dù ít lợi ích hơn, so với mạo hiểm dù đạt được nhiều lợi ích hơn, đa phần là vì trải nghiệm trong cuộc sống thăng trầm đã từng xảy ra trước đó của họ. Người-già nhận ra rằng tuy cuộc sống luôn thay đổi, thì có nhiều thứ vẫn không hề thay đổi, đó là “lõi” của cuộc sống. Họ đặc biệt coi trọng quan hệ sau những chuyện thăng trầm. Họ nhận ra họ không cần quá nhiều thứ, hay nhất định phải rất thành công hoặc nổi tiếng mới được. Họ chỉ cần vừa đủ thôi, nên trong tương quan so sánh lợi hại, họ chọn “ít hại” hơn là “nhiều lợi”. Đặc biệt khi ý tưởng đả động tới vấn đề “con người”. Người-già tránh mất lòng người, và thường chủ trương bỏ phiếu lấy ý kiến số đông, để gia tăng tính ổn định.
Điều này có đúng không?
[Còn tiếp]
#camnangdilam #camnangchosoi #kinhnghiemdilam