Category

Quyển 1

Category

Cái mà những người trẻ thua kém những người trưởng thành, trong mọi thời đại, thường không nằm ở kiến thức, trí tuệ, đam mê, hay kỹ năng…mà nằm ở sự kiên nhẫn.

Kiên nhẫn nghĩa là khả năng kiềm chế cái tôi đang muốn bộc phát, đang muốn bùng nổ. Kiên nhẫn nghĩa là chuyển biến cảm xúc, phẳng lặng như mặt nước hồ.

Kiên nhẫn nghĩa là biết rõ mục đích của mình, và những việc cần làm để đạt được mục đích. Không lung lay, không lan man, không uất ức, không muộn phiền.

Chó Sói được một người bạn gửi link bộ phim truyền hình về kinh doanh, sau khi xem xong thì tâm đắc với hai suy nghĩ dưới đây, nên xin phép chia sẻ đến mọi người. Tất nhiên, không có điều gì là đúng tuyệt đối, nhưng Chó Sói tin nó đáng áp dụng cho phần lớn chuyện trong công sở hiện tại và sau này:

– Trưởng thành thì không có chuyện thích hay không thích làm, chỉ có chuyện nên hay không nên làm.

– Mâu thuẫn một cách kỳ lạ, nhưng đa phần mọi người lớn lên sẽ trở thành chính kiểu người mà khi trẻ mình rất ghét. Chính vì vậy, kiên trì sống là chính mình cũng là một nỗ lực rất đáng khen rồi.

Nhiều người hay nói: mình phải làm chuyện này, mình phải làm chuyện kia, như kiểu “mình chẳng có lựa chọn nào khác”. “Em phải làm vậy vì cha mẹ”, “tôi phải hành động như vậy vì con cái”, “mình phải nói như vậy vì sếp bắt buộc”…

Xin thưa với các bạn, rằng bất kỳ lúc nào, chúng ta cũng đã có sẵn hai lựa chọn: làm hoặc không làm.

Cho dù người ta có dí súng vào đầu bạn, thì bạn vẫn có quyền lựa chọn làm hoặc không làm. Điều khiến bạn lựa chọn, là bạn nên hy sinh cái gì thôi. Cho nên trong lúc bạn lựa chọn nên hy sinh cái gì vì chính bạn, thì từ phải không bao giờ còn tồn tại nữa. Hãy bớt nói phải!

Đừng nhầm lẫn giữa sĩ diện và tự trọng. Sĩ diện nghĩa là quan tâm tới hình ảnh của mình trong mắt mọi người, tự trọng nghĩa là quan tâm tới giá trị của bản thân.

Người sĩ diện làm vì muốn mọi người nghĩ tốt về mình. Người tự trọng làm vì muốn giữ giá trị do họ tự nhận ra.

Đương nhiên chúng ta không thể sống mà không hề quan tâm đến mọi người xung quanh, nhưng người tự trọng có một màng lọc giá trị từ bên trong, còn người sĩ diện thì chỉ có hình ảnh ở bên ngoài. Người có sĩ diện cao thường có tự trọng thấp, và ngược lại. Vấn đề là, những người sĩ diện lại rất hay nghĩ rằng mình có tự trọng cao.

Đợt trước, Chó Sói đã có bài viết về cách xây dựng mối quan hệ với cấp trên, và một trong những điều kiện quan trọng được nêu, đó là: “Nếu bạn chưa làm gì khiến Sếp khó chịu, căm ghét bạn…”. Đợt này, chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề quan hệ với cấp trên, và vấn đề nổi cộm hôm nay, đó là: Làm gì khi Sếp ghét bạn?

Thật ra, nếu bạn có cảm giác rằng Sếp ghét bạn, và nếu cảm giác của bạn là đúng, thì xin chúc mừng: Việc giữ bạn ở lại làm việc, chứng tỏ Sếp chưa kiếm được ai “ưu tú” hơn bạn.

Tuy nhiên, dù có chút đáng-mừng, thì khả năng xuất hiện nhân vật ưu tú ấy là rất khả thi. Cho nên, trong khoảng thời gian còn lại, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục ở lại công ty, đây là một số hướng dẫn cho bạn:

  1. Đừng ghét ngược lại sếp: Bạn biết đấy, một bên ghét là đã đủ phức tạp tình hình rồi.
  2. Đặt một cuộc hẹn đối thoại: Hãy mở đầu một cách thẳng thắn, theo kiểu: “Dù không biết mình có có đang nghĩ đúng không, nhưng em có cảm giác Sếp không thích em, nên em muốn gặp Sếp để hỏi chuyện. Không biết em đã làm gì khiến Sếp cảm thấy không thoải mái ạ?”

Sau câu hỏi này, có hai việc sẽ xảy ra:

Một là, Sếp sẽ chối, theo kiểu: “Không hề, anh không có ác cảm gì với em cả. Chỉ là hiểu lầm thôi!”. Lúc này, bạn hãy nói cụ thể những tình huống khiến bạn có cảm giác sếp khó chịu với bạn, và nhờ Sếp giải thích rõ thêm về những tình huống đó, vì sếp đã nói là “hiểu lầm” còn gì. Sau khi hết hiểu-lầm, nếu bạn cảm thấy có thể tin tưởng được câu trả lời của Sếp, hãy coi đây như một buổi hướng dẫn/tư vấn nghề nghiệp, và áp dụng “3 cách xây dựng quan hệ với cấp trên” để cải thiện tình hình.

Khoảng 80% trường hợp, Sếp sẽ chối như trên, cho dù Sếp có thật sự ghét bạn hay không. Nhưng không sao, nếu bạn không ghét ngược lại Sếp, thì chỉ cần bạn đủ mặt-dày để tiếp tục xây dựng mối quan hệ với Sếp, không có vấn đề gì xảy ra.

Hai là, Sếp không chối, mà thừa nhận luôn: “Anh không ưa nổi em, nhưng em đang được giữ lại vì chất lượng công việc”. Lúc này, xin chúc mừng bạn. Nếu Sếp nào nói với bạn như vầy, đây là những người Sếp trung thực và cứng rắn. Họ không sợ bạn nghỉ việc, nhưng cũng đủ thông minh để không đuổi việc bạn một cách không cần thiết, chỉ vì người ta ghét bạn. Lúc này, Chó Sói nghĩ bạn càng nên ở lại. Tương tự như ở trên, bạn hãy hỏi Sếp lý do Sếp không ưa nổi bạn, và thử xem bạn có thể cải thiện điều gì.

  1. Tất nhiên, có những điều không thể cải thiện: Ví dụ như bạn có ngoại hình giống người yêu cũ từng bỏ Sếp chẳng hạn, thì Sếp có thể ghét bạn bất chấp nỗ lực hàn gắn. Tuy nhiên, hãy tranh thủ hàn gắn. Suy cho cùng, sau khi bạn đã nỗ lực hết sức rồi, thì việc Sếp có ghét bạn hay không sẽ không còn ý nghĩa nữa. Chỉ cần đối thoại rõ ràng, thì bạn có thể lựa chọn ra đi bất kỳ lúc nào, và không có gì để uất ức, hoặc nuối tiếc.

Nhưng Chó Sói biết, có một cách dễ hơn và được nhiều nhân viên áp dụng hơn, đó là nếu Sếp ghét ta thì ta sẽ tụ tập đồng nghiệp nói xấu Sếp, thêu dệt thêm nhiều câu chuyện không đúng, hoặc mấy nhận xét bất chấp, kiểu như: “Do bả ế chồng nên ghét mình, vì mình có chồng đẹp trai(!)” chẳng hạn. Chó Sói không thể ép bạn làm gì, nhưng Chó Sói biết, rằng cách dễ này chưa bao giờ là cách tốt nhất cả.

Cách tốt nhất, luôn cần một chút can đảm. Can đảm như việc nói chuyện với Sếp một cách rõ ràng. Chó Sói hy vọng bạn làm theo cách khó, bởi vì nếu bạn làm được, thì cho dù Sếp có ghét bạn, Sếp cũng sẽ đồng thời phải tôn trọng bạn, tôn trọng sự dám khác biệt.

Trong công sở, việc tạo mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên, thường gọi là sếp, rất quan trọng. Đó có thể là sự hỗ trợ về chuyên môn, cân nhắc việc thăng tiến, lương bổng, phúc lợi, hay đơn giản chỉ là một sự thân thiện cá nhân dễ chịu. Nếu bạn chưa làm gì khiến sếp khó chịu, căm ghét bạn, dưới đây là 3 cách đơn giản để tạo một mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với cấp trên:

  1. Trao đổi/ Hỗ trợ về những sở thích chung:

Bất kỳ ai cũng có sở thích cá nhân, sếp bạn chắc chắn không phải là ngoại lệ. Nhiếp ảnh, thời trang, thể thao, làm từ thiện…hãy để ý tìm ra sở thích cá nhân của sếp. Bạn có thể quan sát lắng nghe bằng chính tai mắt mình, hoặc hỏi han thêm từ đồng nghiệp đáng tin cậy (nhắc lại là đồng nghiệp đáng-tin-cậy). Bạn không nhất thiết phải đi cùng sếp làm từ thiện cho trẻ em nhiễm HIV, nếu bạn không muốn. Bạn có thể dễ dàng hỗ trợ sở thích bằng cách giới thiệu cho sếp các trung tâm, hoặc đội nhóm chuyên về từ thiện, để sếp có thể tự đi, hoặc kết hợp với họ.

  1. Tặng quà ngẫu nhiên (giá trị vừa phải):

Đây chắc chắn không phải là những món quà gói ghém kỹ lưỡng, vì sếp tốt sẽ không nhận. Sếp không tốt sẽ nhận, nhưng bạn mang tiếng đi hối-lộ. Một cách dễ chịu hơn, là những món ngẫu nhiên bạn mua cho bạn, và tiện-thể mua cho sếp. Ví dụ như bạn thích uống The Coffee House nên tiện thể mua cho sếp một ly cà phê, bạn đi Spa nên tiện thể tặng sếp vài chiếc mặt nạ, bạn đi nhà sách nên tiện thể tặng sếp một cuốn về lãnh đạo. Nói chung, những món quà nhỏ như chiếc bánh, ly nước, cây bút đẹp…dễ dàng và dễ chịu để đi vào lòng người hơn là những món quà giá trị, đặc biệt nếu sếp của bạn là một sếp tốt. Và tin Chó Sói đi, theo tâm lý học về nguyên tắc đáp trả của con người, sếp cũng sẽ tìm dịp ngẫu nhiên nào đó tặng lại bạn vài thứ nho nhỏ, và mối quan hệ tiến triển như thế đấy!:D

  1. Nhờ sếp hướng dẫn, tư vấn cho bạn:

Có một cách đơn giản để tạo mối quan hệ, đó là nhờ cấp trên hướng dẫn, tư vấn cho mình. Công việc cũng được, mà cuộc sống cá nhân cũng được. Đối với công việc, đó phải là một thứ gì đó hơi-quá-sức bạn mà vừa-tầm-sức-sếp (ví dụ như huấn luyện nhân viên, vì sếp đã có kinh nghiệm hơn bạn rồi, hoặc một khách hàng nào đó mới hơn các khách hàng thường gặp). Đối với cuộc sống cá nhân, đó nên là những quyết định tương đối quan trọng chứ không phải những việc lặt vặt (sếp thiệt không muốn biết cuối tuần này bạn có định đi mua sắm hay không đâu?!)

Chiến lược tốt nhất là mở đầu bằng cách 3, sau đó cám ơn sếp đã hướng dẫn bằng cách tặng quà ở mục 2, sau đó trò chuyện nhiều thêm với sếp để tiến hành cách 1.

Cái cuối cùng, để cho các cách thức trên được trọn vẹn, bạn cần ít nhất một chút thành phần bí mật. Đó chính là sự quan tâm chân thành. Không có mối quan hệ thật sự nào lại thiếu đi sự quan tâm chân thành, dù chỉ một chút, dân công sở hãy luôn nhớ điều này nhé!:)

Trưởng thành là một quá trình đòi hỏi khá nhiều sự tổn thương, hoặc khó chịu, đôi khi là vì cái tôi cá nhân của bạn bị công kích, hay đơn giản bởi vì người ta chưa hiểu rõ được khả năng của bạn. Trưởng thành cũng là một quá trình khá cô độc, bởi vì người ta có thể ở bên cạnh bạn, có thể ủng hộ bạn, nhưng không ai hiểu rõ bạn đang thực sự trải qua việc gì, đang phải đối diện với những vấn đề nào, đang mong muốn điều gì, hay đang đáp ứng những kỳ vọng nào. Cũng chính vì vậy, trưởng thành là một cuộc hành trình dài không có điểm dừng, và bạn không được phép dừng. Hãy dùng tất cả ý chí, niềm tin, nỗ lực, sự bền bỉ, tất cả khả năng và nghị lực của bạn, để trưởng thành hơn.

Bản chất của một quyết định tốt không nằm ở kết quả của quyết định, mà ở cách thứccảm nhận của bạn đối với việc trả giá.

Thế nên, nếu bạn không biết bạn đang phải trả giá vì điều gì, mọi quyết định của bạn đều vô nghĩa. Tất cả quyết định vô nghĩa đều không phải là quyết định tốt, bất chấp việc kết quả của nó có thể tốt.

Mà bạn biết đấy, cuộc đời của bạn lại hình thành từ những quyết định. Vậy, bạn có đang sống một cuộc đời có ý nghĩa không?!

Khi bạn càng lên chức vụ cao, thì phản hồi tiêu cực về bạn càng ít lại. Nhưng hãy cẩn thận. Đó không hẳn bởi vì tài năng quản lý và lãnh đạo của bạn đã tăng lên, mà có khi là do số lượng người can đảm gửi phản hồi tiêu cực về bạn đang giảm xuống nhanh chóng, vì họ lo sợ chất-lượng-sự-trù-dập của bạn ở chức vụ mới.

Hãy kiếm cho mình một gián-quan có lý lẽ, và tưởng thưởng cho họ thật nhiều mỗi lần họ đưa ra quan điểm nào đó trái ngược với bạn. Sau này, bạn sẽ nhận ra, rằng kiếm một gián-quan có tiêu chuẩn như vậy trong công sở thật vô cùng khó!