Category

Quyển 1

Category

Dạo này, công ty Chó Sói đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự, khi những nhà lãnh đạo chủ chốt rời đi. Không bàn luận những nhà lãnh đạo chủ chốt đang rời đi vì lý do gì, đây là 3 hệ lụy xảy ra đối với các công ty đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân sự:

Hệ lụy 1: Những người yêu thích những nhà lãnh đạo chủ chốt sớm muộn cũng sẽ rời đi.

Hệ lụy 2: Những người không tin tưởng vào công ty xưa giờ sẽ âm thầm tìm đường ngoại-tình với một công ty khác vì thấy biến động.

Hệ lụy 3: Những người tin tưởng vào công ty và quyết định ở lại cũng sẽ cảm thấy khá hoang mang.

Thực tế cho thấy, bất kỳ công ty nào trong quá trình phát triển cũng phải trải qua ít nhất một lần khủng hoảng nhân sự. Có công ty vượt qua và thành công hơn, có công ty lụi bại dần và biến mất khỏi thị trường, có công ty thì sống dở chết dở. Nếu công ty/ phòng ban của bạn đang rơi vào tình trạng này, thì dưới đây là việc bạn nên làm cho đội ngũ của bạn, đặc biệt khi bạn đang nắm giữ cương vị quản lý hay lãnh đạo:

– Đối với hệ lụy 1: Không có vấn đề gì, và nếu có thì bạn cũng không làm được gì. Đây là vấn đề yêu thích cá nhân.

– Đối với hệ lụy 2: Đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại kết quả quá trình làm quản lý và lãnh đạo của bạn. Nếu công ty rơi vào khủng hoảng và nhân viên của bạn rời đi ngay, hoặc họ tranh thủ tìm kiếm cơ hội mới mà không cho bạn biết bất kỳ điều gì, việc này thể hiện rằng trước giờ bạn không đạt được bất kỳ sự tin tưởng hay yêu quý nào từ nhân viên của bạn trên cương vị nhà quản lý và lãnh đạo. Hãy học tập và thay đổi lại cách thức quản lý và lãnh đạo của mình, đồng thời chuẩn bị tuyển người mới cho đội ngũ. Với những người mới, hãy làm tốt hơn.

Đặc biệt đối với những người mà bạn không biết rõ họ có đang ngoại-tình hay không, hãy gặp mặt họ và trao đổi. Hãy thành thật thừa nhận rằng bạn đang gặp vấn đề về quản lý và lãnh đạo, nhờ họ ở lại giúp sức đồng thời cho bạn thêm thời gian để thay đổi. Một số người tốt sẽ ở lại, một số người còn lại vẫn sẽ ngoại-tình.

Đừng trách những người ngoại-tình, bởi vì họ không có lỗi gì cả. Bởi vì bất kỳ ai cũng sẽ ưu tiên cho bản thân mình hơn khi gặp tình huống khó khăn. Bởi vì, để một người tin tưởng cùng bạn ở lại đối diện với khó khăn, nó cần nhiều thứ hơn những gì bạn đã làm cho đến hiện tại. Nên, hãy chỉ để ý tới tỷ lệ ngoại-tình. Đơn giản, 5% ngoại-tình, tương ứng với khả năng lãnh đạo tốt đến 95% của bạn. Ngược lại, 90% ngoại tình, tương ứng với 10% khả năng lãnh đạo ít ỏi của bạn.

– Đối với hệ lụy 3: Hãy cám ơn vì họ đã ở lại, dù chưa hẳn họ ở lại vì cá nhân bạn. Đồng thời, hãy thành thật về tình trạng công ty đối với họ, và cùng nhau ngồi lại đưa ra hướng giải quyết. Thành thật luôn là mấu chốt cho mọi sự thay đổi. Đừng để tin đồn đi trước bạn.

Đừng bắt mọi người phải đoán trong đầu bạn đang nghĩ gì. Cho dù người ta đoán đúng hay sai, thì khi một sự việc không mong muốn nào đó xảy ra do người ta phải đoán ý của bạn, đây là lỗi của bạn.

Thậm chí khi bạn có nói ra trong đầu bạn đang nghĩ gì, thì chưa chắc mọi người đã dám-tin-bạn. Bạn biết đấy, đôi lúc chúng ta còn không hiểu nổi bản thân mình nữa mà.

[Bài viết đợt này không liên quan hoàn toàn tới dân công sở, bạn nào thích thì đọc nhé]

Lâu lâu lên mạng, lướt face, thấy nhiều người trẻ (ở đây Chó Sói không chỉ nói về tuổi tác), share hết link này đến link kia, nào là ký tên phản đối dự án này, nào là lên tiếng phản đối điều luật kia, nào là chống đất-nước-nào-đó nọ, vân vân và mây mây. Thấy các bạn share hùng hổ, lên tiếng hùng hồn, nói mình vì-non-sông-Việt-Nam, yêu nước như thế, Chó Sói mừng không kể xiết. Nhưng mừng chẳng được bao lâu.

Có bạn trẻ lên tiếng phản đối dự án nhiệt điện nọ, đùng đùng nói hãy làm phong điện, năng lượng mặt trời. Chó Sói bảo bạn “em đùa đấy à, em có đọc gì về phong điện và năng lượng mặt trời chưa vậy?”. Bởi vì nếu em ấy đọc, thì sẽ biết vì sao đất nước này chưa (không) xài phong điện và năng lượng mặt trời được. Nhưng em ấy chẳng thèm đọc.

Có bạn trẻ lên tiếng phàn nàn về các bản án oan, đùng đùng nói quan tòa này nên xuống chức, quan tòa kia nên xin lỗi. Chó Sói hỏi em “thế chúng ta có bao nhiêu cấp xét xử vậy em?”. Bởi vì nếu em biết, em sẽ hiểu vì sao mức độ sự việc lại trầm trọng như vậy. Nhưng em ấy chẳng thèm đọc.

Có bạn trẻ lên tiếng tẩy chay Trung Quốc, đùng đùng nói căm thù đất nước đó tận xương tủy, vì đầu độc dân tộc nước nhà. Chó Sói hỏi em “Thế vì sao hàng độc hại đó lại xuất hiện ở đất nước này được?”. Bởi nếu em chịu đặt câu hỏi, thì em sẽ hiểu ngay rằng, Hải Quan là người Việt, thương lái nhập hàng độc hại của Trung Quốc về cũng là người Việt, nông dân xài chất tăng trưởng này nọ cũng là người Việt. Nhưng em ấy chẳng chịu hỏi.

Có nhiều bạn trẻ đòi tái cơ cấu bộ máy nhà nước, đùng đùng lên tiếng yêu cầu nhà nước hãy bố trí cơ cấu tiến bộ như Anh, như Mỹ, như Sing. Chó Sói hỏi em “tuyệt vời, thế em có biết tam quyền phân lập là gì không?”. Bởi vì nếu em biết, thì em mới biết cơ cấu cần điều chỉnh như thế nào là phù hợp. Nhưng em không biết.

Vậy, các bạn trẻ ấy đang làm gì?

Đừng hiểu lầm ý Chó Sói, các bạn trẻ ấy có quyền phản đối dự án nhiệt điện, có quyền bàn về cơ cấu, luật pháp, chính trị, có quyền ghét Trung Quốc. Nhưng, trước khi ra quyết định ấy, thì các em cần phải hỏi, cần phải đọc, cần phải biết, nó rốt cuộc là cái gì. Nhưng không. Đa phần các bạn ấy không đọc, mà chỉ share một cái link, rồi xem như mình đã hoàn-thành-nghĩa-vụ-làm-đất-nước-tốt-lên-rồi, vì mình đã lên-tiếng-cho-những-sự-bất-công-rồi. Đây, Chó Sói gọi là yêu-nước-bằng-phím.

Yêu-nước-bằng-phím, nghĩa là không cần đọc, không cần hỏi, không cần kiểm chứng, không cần biết kiến thức gì, chỉ việc đăng status, share link, comment chửi bới.

Có bạn share video, thậm chí còn không mở nó ra để xem. Chỉ bình luận. Rồi đả kích. Rồi châm biếm.

Các bạn ấy, thậm chí cũng không quan tâm gì tới giải pháp, không chịu kiếm thêm bất kỳ một đáp án nào.

Thế nên, chửi bới người khác, đổ lỗi cho giáo dục, công kích chính phủ… thì làm được. Làm trên mạng, hùng hồn và nhanh lắm.

Nhưng lại không làm được một hành động thực tế nào ra hồn, dù chỉ là đọc thêm một chút kiến thức mỗi ngày.

Nên, phố đi bộ về đêm, rác vẫn ngập tràn. Người xả là những bạn trẻ ấy.

Nên, lề đường dẹp đi, vẫn leo lề khi tắc đường. Người leo là những bạn trẻ ấy.

Nên, share link này nọ đi, rồi vẫn không biết chuyện thực tế là gì. Người không biết mà cứ tưởng mình biết, chính là những bạn trẻ ấy.

Nên, Chó Sói viết, để hy vọng, chúng ta bớt đi những hành động yêu-nước-bằng-phím. Hãy làm gì đó, thiết thực hơn, mỗi ngày.

 

Sẽ rất bình thường nếu bạn không được yêu thích nơi công sở, cho dù bạn không làm gì đắc-tội với mọi người. Đối với quan hệ nơi công sở, không làm gì hết cũng đã là một cái tội!

Nhưng hãy cực kỳ cảnh giác nếu bạn nghe ai đó nói rằng bạn được mọi người yêu thích một cách tự nhiên. Nếu bạn không hề chú tâm xây dựng một mối quan hệ nào nơi công sở mà mọi người vẫn yêu quý bạn, chỉ có hai khả năng: một là họ nói dối, hai là họ rất yêu-quý họ hàng nào đó trong công ty của bạn.

Thật tuyệt khi bạn có thể kiếm được một người bạn thân từ đồng nghiệp, nhưng sẽ là thảm họa nếu bạn đã hoặc đang tuyển dụng bạn thân của mình vô làm chung, đặc biệt là làm cấp dưới của mình.

Sai lầm này, thường thấy nhất là ở những người bắt đầu khởi nghiệp, rủ bạn thân vô làm ăn chung. Lợi nhuận đâu chưa thấy, mà chỉ thấy mất luôn một bạn thân.

Tiếp sau là những quản lý trẻ, mong muốn giúp đỡ bạn bè tìm kiếm một việc làm, trong lúc kiếm không ra, thì tuyển bạn vào làm chung với mình. Kết quả đâu chưa thấy, chỉ thấy mất luôn một bạn thân.

Thậm chí là bạn thân của mình có đang làm rất tốt, thì xung quanh cũng chẳng ai khen. Người ta chỉ điều tiếng là bạn-đang-chống-lưng-cho-người-quen mà thôi.

Nhưng tệ nhất chính là khi bạn thân mình làm quá tệ, và mình phải cho người đó nghỉ việc. Bi kịch hay thảm họa xảy ra khi người đó, vì một số lý do, không muốn nghỉ việc luôn.

Bạn có đang mắc phải tình huống này?

Nếu chưa, thì xin chúc mừng bạn. Đọc xong bài viết này, Chó Sói thành thật khuyên bạn nên tránh luôn việc tuyển dụng bạn thân.

Nếu rồi, thì xin chia buồn với bạn. Để chống đỡ thiệt hại, sau đây là 7 bước để cho bạn thân của mình nghỉ việc.

Bước 1: Dừng làm bạn thân.

Cho dù bạn có xài lý do gì, thì vẫn không tránh được hậu quả xấu này. Vậy nên, ngay từ đầu, hãy chấp nhận. Hãy kỷ luật dựa trên cương vị cấp trên và cấp dưới.

Có thể bắt đầu bằng thông báo: “Hôm nay, là buổi xử lý kỷ luật. Tao (hoặc danh xưng nào hai bạn thường xài trong mối quan hệ đó) không dùng tư cách bạn bè để trao đổi với mày (danh xưng tương ứng), mà sẽ dùng cương vị quản lý và nhân viên.”

Bước 2: Dừng làm bạn bè.

Tệ hơn bước 1, bạn phải chuẩn bị tinh thần mất luôn mối quan hệ bạn bè.

Bước 3: Nói rõ ràng và cụ thể những lý do dẫn đến việc người đó phải rời công ty.

Đừng thảo mai, đừng dài dòng, đừng sợ mất lòng gì cả, hãy chỉ nói sự thật, và sự thật mà thôi.

Bước 4: Góp ý để người đó làm tốt hơn ở một công ty khác.

Nếu bạn chưa từng góp ý với bạn thân của bạn trước khi cho người đó nghỉ, đây là lỗi của bạn. Còn nếu bạn đã từng làm mà người ta vẫn không sửa đổi, thì đây vẫn là lỗi của bạn. Do bạn đã tuyển người sai ngay từ đầu. Vì vậy, hãy nhận lỗi từ mình và góp ý một cách chân thành nhất.

Bước 5: Chuẩn bị cho họ một công việc khác.

Trừ trường hợp không thể, hãy chuẩn bị giới thiệu cho họ một công việc phù hợp hơn.

Bước 6: Chuẩn bị đối phó với dư-luận.

Tình huống xấu nhất là sau khi cho bạn thân nghỉ việc, người đó sẽ tìm cách nói xấu bạn với nhiều-người-có-liên-quan. Nếu có một vài người nghi ngờ bạn, cái này bình thường. Chúng ta đều sẽ nghi ngờ một người nào đó khi có thêm thông tin, đặc biệt xuất phát từ nguồn tin có vẻ đáng-tin-cậy. Nhưng nếu tất cả đều tin lời bạn thân của bạn, thì bạn nên xem lại cách ăn ở của mình.

Bước 7: Kiểm điểm bản thân. Rồi tha thứ cho mình.

Dù chuyện gì xảy ra, nhắc lại, đó vẫn là lỗi của bạn ngay từ đầu, vì đã đặt bản thân mình, và bạn thân của mình, vào một tình huống quá bất lợi. Hãy kiểm điểm bản thân.

Nhưng sau khi kiểm điểm xong, thì hãy tha thứ cho mình. Nếu người bạn đó không quay trở lại tiếp nối mối quan hệ, hãy bước tiếp và đừng nhìn lại. Lúc này, đó không phải là lỗi của bạn. Đừng dằn vặt mình vì đã đánh mất một người bạn thân. Nhắc lại, đến lúc này, đó không còn là lỗi của bạn.

Mọi người thất bại, đa phần vì họ không lường trước được những hậu quả sẽ xảy ra dựa trên hành vi của bản thân.

Không phải là chúng ta không nhìn thấy một vài hậu quả có thể xảy ra, mà chủ yếu là chúng ta thường không hình dung đúng, hoặc bỏ qua, hoặc thậm chí không biết, cái gì được gọi là tình huống tệ nhất.

Cái tệ nhất của tình huống tệ nhất, xuất phát từ chính suy nghĩ mình-sẽ-không-bao-giờ-gặp-chuyện-này-đâu.

Cố gắng hết sức là một khái niệm khá mơ hồ, nhưng nói chung hãy làm những việc để bản thân mình không phải hối hận. Bạn có thể thất bại, và hãy mạnh dạn thất bại, nhưng đừng để mình phải hối tiếc.

Đối với cố gắng, cũng không nên theo kiểu tất-cả-một-lần. Cố gắng, cũng giống như hạnh phúc, là một loại hành trình. Mỗi ngày một ít, mỗi lúc một ít, mỗi người một ít, thực hành điều đó trong suốt cả cuộc đời bạn.

Chỉ có một số ít những người đặc biệt mới tự có nhu cầu thay đổi bản thân để tốt hơn, còn lại, đa phần mọi người đều thay đổi vì một mục đích nào đó khác ngoài bản thân họ.

Tức là, phần lớn mọi người không thay đổi bởi vì họ muốn, mà bởi vì họ buộc phải thay đổi để đạt được mục đích.

Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra. Rằng những ai sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu lại chính là những người sẽ không bao giờ có được tình yêu trọn vẹn.

Bởi vì, sự trọn vẹn bắt đầu từ việc bạn phải biết trân trọng bản thân. Chẳng có ai thực sự yêu những người không biết chăm sóc bản thân mình trước.