Đợt trước, Chó Sói từng viết ở chương 57, rằng trong một trận đấu, có 3 người mà chúng ta cần phải đánh bại: bản thân chúng ta, đối thủ của chúng ta, và cả trọng tài. Đánh bại bản thân, tức vượt qua những nỗi sợ hoặc giới hạn của bản thân để giành chiến thắng, cái này dễ hiểu.

Đánh bại đối thủ, tức tìm cách khắc chế điểm mạnh và tận dụng điểm yếu của người khác [đương nhiên ở một chừng mực nhất định], để giành chiến thắng, cái này cũng dễ hiểu.

Vậy còn đánh bại trọng tài?

Trọng tài, theo lẽ thường, là người “cầm cân nảy mực”, tức họ xuất hiện để đảm bảo tính công bằng của trận đấu. Tại sao thay vì tin tưởng trọng tài, thì chúng ta lại cần phải đánh bại cả họ?

Bởi vì đơn giản, không phải trọng tài nào cũng không thiên vị, cũng đủ công bằng.

Trọng tài, như bất kỳ một người bình thường nào khác, cũng có động cơ, lợi ích, sở thích riêng. Đôi lúc, giống như nhiều người trong chúng ta không thể “đánh bại bản thân” để đảm bảo mình làm đúng chức trách, rất nhiều trọng tài cũng như vậy.

Hoặc thậm chí cho dù họ có làm đúng chức trách, thì trọng tài cũng không thể hoàn toàn bỏ qua những điều yêu ghét cá nhân, vốn chính là bản chất của họ.

Nên, hãy hình dung tình huống, rằng bạn đang có 5 điểm, vừa đủ để đậu, trên thang 10. Cứ cho là một người ít thiên vị nhất, thì họ cũng sẽ có 1 điểm, hay 0.5 điểm, là yêu ghét cá nhân. Nếu họ thích bạn, bạn sẽ được 5.5 điểm, đảm bảo đậu. Nhưng nếu họ ghét bạn, thì bạn chỉ còn 4.5 điểm, bạn sẽ rớt. Kết quả rất khác nhau.

Vậy nên, năng lực của bạn phải luôn đủ, để thắng được cả bản chất của trọng tài, làm cho kết quả ít bị thay đổi nhất. Nếu bạn 9 điểm, thì dù trọng tài thích hay ghét bạn, họ cũng không thể làm cho bạn rớt được. Khoảng cách đó là quá xa cho yêu ghét cá nhân. Dù trọng tài có cố tình thiên vị, thì cũng chính vì động cơ và lợi ích của việc làm trọng tài, họ sẽ không thể “lộ thiên” dẹp bỏ khoảng cách đó được.

Chỉ khi nào xui lắm, tức trọng tài quyết định thiên vị “công khai”, sau lần đó sẽ không còn được làm trọng tài nữa, thì kết quả mới ra kiểu “đổi trắng thay đen”. Tuy nhiên, kết quả kiểu này thường lại bị những trọng tài khác, vốn vẫn muốn làm trọng tài [như hội đồng trọng tài chẳng hạn], kiến nghị huỷ bỏ, hoặc điều chỉnh. Nên, đó là sự bảo vệ cho vị trí tốt nhất của bạn.

Hãy đảm bảo, rằng năng lực của bạn luôn đủ, để đánh bại cả trọng tài. Trọng tài không chỉ có trong những trận đấu thể thao, mà nên hiểu rộng ra, là những “trọng tài” trong cuộc sống. Ở gia đình, trọng tài có thể là ba mẹ. Ở trường lớp, trọng tài có thể là thầy cô. Ở công sở, trọng tài thường chính là Sếp bạn. Nếu bạn vào một cuộc đua, đã xác định được đối thủ, thì cần xác định luôn cả trọng tài. Hãy đảm bảo năng lực đủ chiến thắng, ngay cả khi trọng tài sống đúng với bản chất của họ.

Còn nếu không được, thì hãy đảm bảo quan hệ của bạn với trọng tài đủ tốt, vậy thôi!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Author

Write A Comment