Bạn nghĩ người nhiều tuổi hơn là người-già, người ít tuổi hơn là người-trẻ?

Nếu vậy thì đơn giản quá rồi!

Nhưng tiếc thay, như Chó Sói đã từng viết ở chương 110, việc già đi theo thời gian không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tự động khôn ngoan hơn, hay tư duy sâu sắc hơn.

Nên, nhiều bạn trẻ trở thành người-già từ khi mới hai mấy tuổi. Ngược lại, có rất nhiều người đã bảy mấy tuổi, nhưng mức độ mạo hiểm vẫn thoải mái và vẫn còn đương nhiệm là người-trẻ, chưa thấy dấu hiệu trở thành người-già.

Bạn nghĩ tình huống nào tốt hơn?

Mặc dù tình huống người già vẫn “trẻ” trông có vẻ tốt hơn một chút, thực chất, việc người già “trẻ”, hay người trẻ “già”, đều là thứ nên được điều chỉnh lại. Đối với các lựa chọn trong cuộc sống, điều quan trọng nhất, như đã nói ở phần trước, chính là xác định được “điểm cân bằng”.  Điểm cân bằng, nghĩa là chúng ta phải cân nhắc lựa chọn xem mình nên trở thành người-trẻ, hay là người-già, trong từng tình huống cụ thể, chứ đừng bó buộc phải thể hiện ra bên ngoài mình kiên-quyết trẻ, hay kiên-quyết già.

Ví dụ cụ thể, như trong lúc học tập, dùng ngoại ngữ trong công sở chẳng hạn, bạn nên giữ tư duy người-trẻ, dù bạn bao nhiêu tuổi. Sẵn sàng trải nghiệm để học thêm, không ngần ngại mất mặt hay sợ “sai”, không cần đợi lưu loát mới “dám” nói, đó là chiến lược đúng đắn nhất.

Ngược lại, khi ký hợp đồng với đối tác mới chẳng hạn, phải giữ vững tư duy người-già. Xem xét kĩ lưỡng hợp đồng, chế độ với ngân hàng, trả lãi, thu nhập…Không chỉ tin theo lời nhân viên đối tác, hay đổ xô đặt mua hàng giá rẻ, phải đi tìm hiểu cụ thể về chứng nhận sở hữu, địa điểm kinh doanh, uy tín doanh nghiệp…từ các nguồn chính thống như các sở ban ngành, nhà cung cấp, tới cô bán nước mía đầu hẻm, hay cô bán tạp hoá xung quanh. Chậm rãi và kiên nhẫn, đặc biệt luôn nhớ xem mục đích của việc hợp tác là gì, cần gì nhất ở việc hợp tác, thậm chí có nhất thiết phải hợp tác không, mới là điều hợp lý nhất.

Điều gì làm căn cứ để lựa chọn hợp lý?

Cụm từ này về bản chất đã bao gồm hai phần, đó là “lựa chọn” và “hợp lý”.

Với “lựa chọn”, điều cần thiết nhất là học về kỹ năng ra quyết định, bao gồm việc cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, đã từng được nhắc đến trong rất nhiều chương liên quan trước đây.

Với “hợp lý”, như Chó Sói đã viết từ rất lâu cũng như đề cập ở bài trước, các bạn có thể tìm đọc chương 98: “Common sense và hai cái bẫy của sự hợp lý” để tìm hiểu thêm và áp dụng cho các tình huống sau này nhé.

#kinhnghiemdilam

Author

Write A Comment