Từ lúc bạn đặt chân vào vòng phỏng vấn, cho tới ngày bạn rời khỏi công ty, đây là top những kỹ năng mà rất nhiều người Sếp hay yêu cầu nhân viên phải có. Vấn đề là nếu chẳng may bạn bị đánh giá yếu và cần họ hướng dẫn cụ thể, thì phần lớn lại chỉ có thể nói rất chung, hoặc tệ hơn là không biết phải nói với bạn như thế nào cho đúng.
1. Kỹ năng giao tiếp: Dù có khá nhiều “truyền thuyết” về vấn đề này, thậm chí đôi lúc rất sai (ví dụ người hướng ngoại thì có kĩ năng giao tiếp tốt hơn người hướng nội), cốt lõi của việc giao tiếp nằm ở chuyện hiểu biết nhu cầu và động cơ của người đối diện. Phần lớn nhà quản lý rất yếu kém trong chuyện này, nhiều người còn không xác định được động cơ đi làm của nhân viên (ví dụ: “Em muốn gia tăng thu nhập” nhưng thực chất lại chỉ muốn thăng chức, hay ngược lại “em rất muốn học hỏi kinh nghiệm” nhưng kì thực lại chỉ đi kiếm tiền). Nên, làm sao họ có thể hướng dẫn cho nhân viên hiểu được nhu cầu thực sự của mọi người.
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề: Điều gì làm nên điểm khác biệt của những người giải quyết vấn đề giỏi, trong tương quan so sánh với những người còn lại? Nếu bạn đang làm Sếp, mà không thể trả lời câu hỏi này, thì đương nhiên bạn đã hiểu được ý của tiêu đề. Nếu bạn đang làm nhân viên, [thường] còn mù tịt hơn, bạn có nguy cơ sẽ bị đánh giá thấp. Đáp án của câu hỏi là gì?
Kỹ năng giải quyết vấn đề liên quan đến một thứ “cao cấp”, mà bạn chỉ có thể học được một cách đầy-cay-đắng sau khi “banh xác” với những sai lầm của bản thân, đặc biệt nếu bạn không có “hạt”(*). Cũng chính vì vậy, mà phần lớn người Sếp trong công sở sẽ khó hướng dẫn được nhân viên trước khi có chuyện xảy ra. Họ thường chỉ có một tràng dài “dâng sớ” sau khi sai lầm của nhân viên đã xuất hiện. Nếu bạn muốn có đáp án, gợi ý là hãy nghĩ về việc đánh cờ, trừ những thể loại như cờ cá ngựa!
3. Kĩ năng kiểm soát cảm xúc: Cảm xúc là một thứ phức tạp. Để kiểm soát cảm xúc, chúng ta cần phải xác định được nguồn gốc, loại hình và xu hướng của cảm xúc. Có những loại cảm xúc “tiêu cực” không cần điều chỉnh, có những loại cảm xúc “tích cực” không cần phát huy, có những loại cảm xúc trung lập hoặc rất “con người”, chỉ cần được định hướng để có cách thức thoả mãn đúng đắn, chứ không nên coi đó là “tiêu cực” [ví dụ: ghen tị]. Mặc dù vậy, phần lớn người Sếp còn không biết phân biệt “loại” nào là “loại” nào, chứ chưa bàn tới chuyện định hình được nguồn gốc, hay xu hướng liệu nó có phải chỉ mang tính nhất thời, hay đã ngấm ngầm nằm ở đó từ rất lâu rồi.
Vậy nên, trong phần lớn trường hợp, các kĩ năng quan trọng nói trên chỉ dễ dàng nhận ra khi ai đó thực hiện không tốt, chứ kêu hướng dẫn hoặc điều chỉnh cải thiện thì đa phần người Sếp sẽ bối rối, tương đối bất lực. Họ thường chỉ nói chung chung “em phải coi lại, em phải suy nghĩ kĩ, em phải cố gắng lên…”; chứ cố gắng như thế nào, bắt đầu thay đổi hành vi ra sao, “mindset” nào cần điều chỉnh, thì họ “quên” nói. Nên chủ yếu nhân viên phải tự “bơi”. Ai “bơi” được thì là Sếp huấn luyện tốt, ai “chìm xuống” thì là do ngoan cố ngại thay đổi, cái tôi lớn, hoặc bất kỳ lý do nào tương tự.
Chúc mọi người “bơi” giỏi cùng Sếp nha!
———-
(*): Thuật ngữ thuộc phiên bản độc quyền không được bảo hộ của Chó Sói, ý chỉ nền tảng tự nhiên tốt.
#camnangchosoi #kinhnghiemdilam