Đa phần các bạn đi làm, chắc chắn đã từng nhận được một nhiệm vụ “mơ hồ”, kiểu không rõ chính xác phải làm gì, từ Sếp. Đặc biệt càng mơ hồ với các bạn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm chuyên môn, hay những người mới vào công ty.

Ví dụ: “Em liên hệ đại lý để lấy thông tin báo giá cần thiết”.

Bạn thường hay làm gì?

Khi nhận một nhiệm vụ không có thông tin đầy đủ, việc này đưa các bạn vào trạng thái “mò đường trong tối”. Vấn đề rất nhiều người gặp phải, và cần tránh khi đi làm, là “không có ý định kiếm chỗ sáng để đi”. Thay vì ngay lập tức đặt câu hỏi cho Sếp về hướng đi đúng, các bạn thường đâm đầu làm không cần hỏi, do sợ hỏi nhiều Sếp sẽ thấy mình rất phiền. Hoặc sợ Sếp đánh giá mình “tư duy yếu” không biết cách tự làm việc.

Kết quả như thế nào?

Nếu bạn biết cách đặt câu hỏi cho Sếp mỗi khi mơ hồ về nhiệm vụ, nó tốt hơn nhiều so với việc bạn tự mò mẫm. Tự mò mà không hỏi thì bạn phải “rất” đúng, và việc đánh giá kết quả cuối cùng cũng sẽ khắt khe hơn so với những người “biết” hỏi [vì không ai tự đi phản đối hướng dẫn của chính mình, nhưng sẽ bắt bẻ từng ly những người “phong cách riêng”]. Quan trọng hơn, khi nhận được hướng dẫn và thấy nó có trời ơi đất hỡi đến đâu, từ từ khoan thất vọng. Đôi khi Sếp bạn cũng đang mơ hồ và mắc lỗi tương tự với cấp trên, nên hãy cùng ngồi lại để làm rõ kì vọng của cả hai.

Thêm vào đó, bạn cần hiểu rằng khi bạn “đi riêng”, tức không muốn làm rõ kì vọng hay tiêu chuẩn của Sếp, bạn nên (phải) ở tầm năng lực rất cao. Không chỉ bởi vì ý bạn đúng, mà vì bạn còn phải tránh được các loại sơ hở quan điểm, khi “nộp” kết quả cho Sếp, tức bạn cần “cực kỳ hợp lý” (bao gồm đưa ra luận điểm và chuẩn bị bằng chứng chứng minh). Chỉ với một sơ hở nhỏ, hoặc nếu bạn không bắt bẻ được quan điểm của Sếp một cách rõ ràng, thì bạn sẽ phải chấp nhận làm theo ý Sếp thôi. Trong công sở chính là như vậy!

Đặc biệt khi bạn không có tư cách phát ngôn, nhưng thấy quan điểm hoặc cách làm của Sếp quá “sai” hoặc “cùi bắp” nên công kích cá nhân Sếp, nó chắc chắn sẽ chỉ đem lại thiệt hại lớn hơn cho các bạn [cho dù ý của bạn có đúng hơn]. Hãy hình dung bạn thấy ai đó trong team làm việc rất nhiều nhưng được tăng lương quá ít, và bạn nghe được chia sẻ rằng người đó sẽ nghỉ việc, bạn muốn chia sẻ với Sếp để giữ họ lại vì họ có cống hiến cho team. Hãy cẩn thận khi mở đầu cả về tư cách lẫn nội dung, và nếu Sếp nói “anh chả thấy bạn làm gì nhiều” thì nhiệm vụ của bạn là đặt câu hỏi làm rõ tại sao Sếp nghĩ vậy, chứ không phải lặp lại nội dung “đúng sự thật” của bạn, để có thể nhìn được “sự thật” của Sếp ở đằng sau!

Tất nhiên, có khi Sếp cũng chẳng có hướng dẫn nào tốt. Nhưng chuyện bạn làm vẫn là phải hỏi trước. Đặc biệt hỏi về tiêu chuẩn hoặc kết quả mà Sếp kì vọng. Như trong ví dụ đầu tiên, những câu quan trọng cần hỏi phải là:

– Em liên hệ bằng phương thức nào thì tốt nhất vậy anh/chị ơi? Email hay điện thoại hay nhắn tin thì phù hợp với họ hơn? (Tất nhiên thứ tự cần biết trong đầu là gọi điện thoại, sau đó có thể nhắn tin hoặc không, chắc chắn vẫn chốt bằng email).

– “Thông tin cần thiết” trong báo giá ngoài số lượng tương ứng với giá tiền và chiết khấu, mình cần hỏi thêm gì không anh/chị?

– Khi nào em cần nộp kết quả về cho anh/chị ạ? (Nếu Sếp nói “càng sớm càng tốt” hoặc “tuỳ em” thì nên tự đưa ra một “deadline” phù hợp nhất cho mình ngay lúc đó, ví dụ: “Dạ trước 11h sáng ngày mai em sẽ cập nhật kết quả liền ạ”).

Đừng mò đường trong tối, đừng sợ Sếp đánh giá mình thấp. Cứ cho là Sếp có đánh giá mình thấp một chút vào ban đầu (thay vì nếu là Chó Sói, Chó Sói sẽ đánh giá cao những người biết hỏi và làm đúng ngay từ đầu), thì khi bạn nộp kết quả đúng theo kì vọng hoặc hướng dẫn, mọi thứ sẽ “sáng sủa” hơn ngay (tăng “điểm” hơn mà tránh được rủi ro).

Nhược bằng bạn chọn “phong cách riêng”, cứ đọc lại đoạn bên trên sẽ hiểu. “Điểm” thường chỉ bằng hoặc cao hơn một chút khi nộp, nhưng rủi ro kèm theo là rất cao. Cho dù bạn có ghét Sếp đến độ nào, thì vẫn không nên chọn một cách thức rủi ro như vậy.

#kinhnghiemdilam

Author

Write A Comment