2. Đối với bên mua:

– Bỏ ý nghĩ mua bảo hiểm để “sinh lời”: Bản chất bảo hiểm, nhắc lại, là để phòng ngừa rủi ro. Không có rủi ro là rất tốt. Đừng mua bảo hiểm cháy nhà rồi khi nhà không cháy thì tiếc, hết sức kì-dị.

Các kiểu thường thấy là:

“Chị mà bỏ 20 triệu một năm vô chứng khoán thì giờ phải có 40 triệu…”

“Chị rút tiền ra sao lỗ vậy em? Biết vậy chị gửi ngân hàng giờ còn nguyên…”

“Vậy là tới năm 65 tuổi chị sẽ có 10 tỷ phải không em?”

Tại sao?

Dù mục đích “sinh lời” không hẳn là sai khi mua một sản phẩm hay dịch vụ nào đó, thì “sinh lời” phải dựa trên công dụng chính của sản phẩm, như mua ghế là để ngồi, không phải để đứng lên thay bóng đèn. Bảo hiểm là mua “để huề”, không bao giờ cá nhân người mua bảo hiểm lại “lời” hơn công ty bảo hiểm được. Càng không thể lời hơn bất kì ngành nghề nào khác theo thời gian, rút sớm trong những năm đầu hoặc rút trễ trong những năm cuối đời (theo sản phẩm nếu không tiếp tục đóng phí) thì tiền còn rất ít, vì công ty bảo hiểm vẫn phải chi trả tiền cho bộ máy hoạt động của họ, chứ không phải kí vài tờ giấy là xong. Do nhiều tư vấn viên “nhân văn” quá nên nhiều người tưởng công ty bảo hiểm như chỗ làm từ thiện! Không phải nha, đó là công ty tài chính bình thường nhé!

– Không cần quan tâm so sánh các công ty bảo hiểm (công ty bảo hiểm nào mở ra được đều “có tiền”, nếu sập có công ty bảo hiểm khác mua lại), mà tập trung vô từng sản phẩm một, tuỳ theo mục đích:

Mua phòng bệnh thì hỏi về danh sách bệnh, số tiền viện phí nội ngoại trú, có kèm thẻ khám sức khoẻ không, chi tiền trước hay sau. Mua cho con học đại học thì phải biết đóng bao nhiêu năm, lỡ có chuyện con được bao nhiêu tiền/tháng, tiền đó ai giữ, chi trả cho con ra sao? Mua “sinh lời” thì đọc lại mục 1, rồi coi con số phụ lục về số tiền theo “lãi suất đảm bảo”, thường cỡ 2%, đừng coi số “dự kiến”, tưởng chắc chắn được chừng đó thiệt.

– “Bút sa gà xối mỡ”, bớt kiểu tin tư vấn viên mà không đọc hợp đồng:

Không đọc hợp đồng rồi kêu người ta “lừa” mình, thích đóng vai nạn nhân là một sự lố bịch. Đọc thì không cần đọc kĩ những điều khoản bự, mà đọc về những chỗ nguy hiểm sau: “điều khoản loại trừ”, tức khi nào không được trả; các chỗ đánh dấu (*), các dòng chú thích và các phụ lục. Đọc kĩ số tiền tối thiểu (nhắc lại 2 lần, là số theo lãi suất đảm bảo), được nhận (rút khi huỷ hợp đồng) từng năm trong bảng minh hoạ. Các sản phẩm nhân thọ phòng bệnh đa phần không trả cho ung thư giai đoạn 1 và 2, không trả cho hoá trị và xạ trị, muốn “bao” luôn thì phải trả thêm tiền. Nhớ hỏi giá tư vấn viên.

Nên lựa tư vấn viên như thế nào?

Nhiều người mua bảo hiểm do người thân, bạn bè bán. Cái này có mặt trái nguy hiểm. Sản phẩm do “Dì Tư”, “Cô Bảy” bán nhiều khi không hợp với nhu cầu, mà đòi hỏi thêm hay siết chặt các điều kiện thì mất lòng. Chưa kể buồn buồn “Dì Tư” úm luôn cái đồng hồ được tặng vì “hết hàng”, mà mình ngại không đòi “Dì Tư” được. Nên chọn “bạn của bạn” là tốt nhất, không phải người hoàn toàn xa lạ nhưng cũng không thân thiết gì, để mình tha hồ hỏi và siết điều kiện bảo hiểm.

Ai tư vấn mà nói “đây là sản phẩm mới, bên em chịu lỗ để kiếm khách hàng” cũng đừng có tin. Cứ tham khảo thêm vài ba tư vấn viên nữa về cùng một sản phẩm, rồi quyết định mua cũng chưa muộn. Giống như vô bệnh viện, người ta kêu “ung thư” cái đừng nhào liền vô trị. Đi thêm 2-3 bệnh viện nữa khám, nghe phác đồ của từng bên rồi hãy chọn lựa. Mua phòng rủi ro chứ không phải đi cướp cô hồn, đừng có nhanh tay lẹ mắt quá!

Còn mua bảo hiểm nhưng không biết mình đang ưu tiên mục đích gì?

Thôi, cứ làm “nạn nhân” vài lần đi cũng được. Dù sao công ty bảo hiểm cũng chẳng dễ dãi gì cho cam!

#camnangchosoi

Author

Write A Comment