“Văn hoá ăn nhậu” tồn tại khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt là xã hội Á Đông, vốn coi trọng “tính cộng đồng”. Gần như mọi người, ít nhất một lần trong đời, cũng đã từng đối diện với “văn hoá ăn nhậu”, tức yêu cầu bạn phải giao tiếp bằng bia rượu trên bàn nhậu. Nếu bạn hoạt động trong các lĩnh vực như giải trí, xây dựng, đối ngoại, bán hàng, hoặc làm việc tại các Agency, hay chuyên môn “chính trị”, bạn sẽ thấy khá nhiều tình huống mà việc “ăn nhậu” liên quan mật thiết tới thành công nghề nghiệp của một số người.

Dù thực tiễn phổ biến như thế nào, nếu bạn chỉ có thể “ăn nhậu” để “thành công” [ví dụ: để kí được hợp đồng], thì thực chất, bạn đang khá yếu kém trong hai vấn đề sau đây:

1.  Vị thế:

Vị thế càng thấp, thì bạn càng khó từ chối yêu cầu “ăn nhậu” từ phía đối diện. Vị thế thấp thường do ảnh hưởng từ nền tảng, bao gồm gia cảnh, học vấn, kiến thức, kinh nghiệm, và quan trọng nhất, là mục đích và giá trị sống. Những người càng thiếu mục đích và giá trị sống thì càng dễ chạy theo “văn hoá ăn nhậu”, để chứng tỏ với mọi người xung quanh về sự “thành công” và “giá trị” của mình, đặc biệt hay được định vị bằng thu nhập. Kiếm tiền không có gì sai, nhưng chỉ biết kiếm tiền qua “ăn nhậu” thì có vô số hệ lụy, chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của mình.

2. Năng lực:

Đây là một từ khá mơ hồ. Trong bối cảnh “văn hoá ăn nhậu”, nó có nghĩa là khả năng phân tích và dự đoán động cơ, lợi ích, nhu cầu, hành vi của người khác, từ đó thương lượng hiệu quả hơn (*). Nhiều người không giỏi trong việc nhìn nhận con người, vượt qua được các rào cản thông tin, nên cần nhờ đến “ăn nhậu”. Trên bàn nhậu, và thường khi đã nhậu say, tình-anh-em, tình-chiến-hữu mới xuất hiện, để cho những người có năng lực nhìn nhận yếu kém được chia sẻ thêm về thông tin [ví dụ: Anh nói chú nghe, từng đó hoa hồng không đủ cho anh đâu, chú phải thêm 5% nữa anh mới kí!].

Điều này càng đúng với những người có năng lực làm việc yếu kém nói chung. Theo lẽ thường, những người làm việc giỏi đương nhiên dễ từ chối “ăn nhậu” hơn, vì họ dễ “trả giá” cho việc quan hệ bị mất đi nếu thiếu “ăn nhậu”. Khi bị ép “ăn nhậu”, thì mức độ sẵn sàng từ chối của họ cao hơn, vì họ thường dễ tìm kiếm một công việc hay một cơ hội khác. Đối với những người làm việc yếu kém, đương nhiên họ khó từ chối “ăn nhậu” hơn, vì họ phải đi lên bằng quan hệ, lấy quan hệ bù cho khả năng làm việc.

Đọc đến đây, chắc nhiều người nhạy-cảm sẽ “đùng đùng” phản đối?!:)

Đừng hiểu lầm ý Chó Sói, không có gì sai khi bạn đi lên bằng quan hệ [thông qua “văn hoá ăn nhậu”]. “Ăn nhậu” được cũng là một loại năng lực. Vấn đề là, nó chỉ là một loại năng lực “hạng thấp”, không có gì để tự hào, càng không phải là thứ dùng để khuyến khích, hay ép buộc người khác phải làm theo giống như mình.

Đặc biệt, nếu bạn còn trẻ, thì Chó Sói hiểu bạn khó từ chối việc “ăn nhậu” [thuật ngữ “trẻ tuổi”, như Chó Sói luôn nhắc, ý chỉ trình độ nhận thức và trải nghiệm, không phải tuổi tác!]. Nhưng nếu bạn đã có bao nhiêu năm “tuổi đời”, “tuổi nghề”, mà vẫn phải “sống” bằng việc “ăn nhậu”, thì nó có nghĩa rằng trải qua hết thảy thời gian, vị thế và năng lực của bạn vẫn không có gì khá khẩm hơn, nếu không muốn nói là tệ đi, thụt lùi đi, vì bao nhiêu năm qua vẫn chỉ xài được một loại năng lực “hạng thấp”, không mở mang thêm được gì.

Chính vì vậy, nếu có ai đó “dạy” cho bạn “cách ăn nhậu”, điều này cũng bình thường. Để đối phó với cuộc sống, bạn cần nhiều “giải pháp”. Năng lực và vị thế càng yếu, trình độ và nhận thức càng kém, mục đích và giá trị sống càng mơ hồ, bạn càng khó “đối phó” với “văn hoá ăn nhậu”. Học thêm một năng lực, dù “hạng thấp”, cũng đỡ hơn không có giải pháp gì. Nhưng nếu người-hướng-dẫn bạn lại tự hào vì họ có “năng lực ăn nhậu”, thì bạn nên tránh xa người đó ra. Vị thế và năng lực thật sự, đó là theo thời gian, bạn ngày càng ít phải “ăn nhậu” hơn, tránh được các hệ lụy xảy ra do những tình huống “ép uổng” trong cuộc sống.

(*): Tham khảo thêm tại chương 90 về nghệ thuật thương lượng.

#camnangdilam #kinhnghiemdilam

Author

Write A Comment