Khi bạn giỏi chuyên môn hơn Sếp [hãy đảm bảo bạn có căn cứ chắc chắn cho nhận định này], có hai cách ứng xử phù hợp nhất sau đây:

Cách 1 [được khuyến khích]: Trở thành cánh tay đắc lực cho Sếp.

Chính vì Sếp không giỏi chuyên môn, nên bạn cần trở thành người tư vấn đáng tin cậy cho Sếp trong lĩnh vực này. Bạn phải giải thích cặn kẽ, thậm chí khi Sếp không yêu cầu, để Sếp hiểu rằng bạn ở lại trong tổ chức là để đồng hành cùng Sếp, hỗ trợ cho Sếp, để Sếp yên tâm rằng lĩnh vực chuyên môn này đang có người xử lý rất tốt, và người đó chính là bạn. Bất kỳ quyết định nào của bạn cũng cần được Sếp thông qua, dù Sếp có hiểu điều bạn đang nói hay không, hay hiểu đến mức độ nào, thì Sếp cũng cần đồng thuận với hướng giải quyết vấn đề của bạn. Quan trọng hơn là, đối với những người không có chuyên môn, bạn phải học cách trình bày sao cho bất kỳ người nào cũng có thể hiểu tương đối tính hợp lý của giải pháp bạn đang đưa ra, đặc biệt khi người đó chính là Sếp trực tiếp của bạn.

Cách 2 [cần cân nhắc kĩ lưỡng]: Rời đi tới một nơi khác.

Cách này chỉ nên dùng khi bạn đang trong giai đoạn cần được học hỏi nhiều về chuyên môn, và bạn không thể tự học được. Hoặc trong trường hợp mà bạn đã cố gắng nhưng không thể trở thành cánh tay đắc lực của Sếp, mà thường xuyên bị Sếp “cướp công” hoặc không ghi nhận sự đóng góp của bạn trong tổ chức.

Thay vì tìm cách “qua mặt” Sếp, thì lựa chọn rời đi một cách chuyên nghiệp là lựa chọn hợp lý hơn [tham khảo chương 91: Nghỉ việc trong êm đẹp, và khi nào bạn nên nghỉ việc]. Nếu bạn thật sự giỏi chuyên môn hơn Sếp như tiêu đề, thì việc kiếm một chỗ làm khác phải là chuyện khá đơn giản. Còn nếu bạn đang “đam mê” lương bổng và phúc lợi tại công ty, mà không chịu đi nơi khác, bất chấp việc bạn không thể học hỏi thêm được gì hoặc Sếp không ghi nhận sự đóng góp của bạn, thì càng không nên “qua mặt” Sếp. Cứ cố gắng trở thành cánh tay đắc lực cho Sếp, còn được hay không thì tuỳ, nhưng ít nhất Sếp cũng sẽ nhìn thấy thái độ đó của bạn mà không cho bạn “lên đường” ngay. Hãy nhớ, lương bổng và phúc lợi hiện có của bạn nằm trong tay Sếp.

Cho dù về bản chất vẫn là công ty trả lương cho bạn, thì Sếp trực tiếp luôn có thể tác động rất nhiều tới những lợi ích bạn đang [hoặc sẽ] có.

 

Author

Write A Comment