Không một ai có thể chắc mình luôn luôn đúng, nhưng cũng không một ai cần phải hiểu biết hết mọi điều trên thế giới thì mới được lên tiếng. Mỗi người đều chỉ cần một căn cứ nhất định, nên chuyện khác biệt dựa trên những căn cứ là bình thường. Trong vô vàn trường hợp, các căn cứ đó đều “đúng” như nhau, dựa trên từng góc nhìn và trải nghiệm khác nhau.
Ai cũng có căn cứ của mình, hiểu căn cứ của mọi người rồi xem có thể dung hoà được không, có thể hướng dẫn được không, có thể đi chung đường được không, mới thể hiện trình độ tư duy của bạn. Nó thường đến từ việc đặt câu hỏi trước, chứ chẳng bao giờ đến từ kết luận đã có sẵn trong đầu của mình.
Những người càng thấu hiểu thế giới của mình, thì lại càng dễ dàng quan tâm và dịu dàng với thế giới của người khác. Những người càng khó chịu với thế giới của người khác, thật ra lại là những người rất nông cạn trong thế giới trải nghiệm của chính mình. Cố gắng phát ngôn như kiểu mình đã hiểu hết, đúng hết về thế giới xung quanh, cố gắng bắt mọi người có chung một căn cứ như mình, đây là việc làm hết sức thiển cận. Đặc biệt, càng cố gắng chứng tỏ căn cứ của mình là đúng nhất, thì lại càng dễ gặp khủng hoảng, vì căn cứ của bạn sẽ luôn [có thể] thay đổi theo thời gian.
Đừng cố gắng trở thành người biết tuốt, dù biết nhiều thứ thì rất tốt. Cũng chẳng cần phải đợi mình trở thành người đúng-nhất thế giới thì mới mở miệng. Cái bạn cần, luôn cần, là chấp nhận được sự phong phú và khác biệt của người khác, cũng như không ngừng mở rộng và hoàn thiện hơn thế giới của chính mình.
#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong