Hôm nọ, Chó Sói có hẹn đi ăn cùng một vài người bạn (trong đó có bạn Gấu Mỹ), ở một quán ăn khá có tiếng tại Sài Gòn. Đang ăn uống nửa chừng, thì bỗng dưng xuất hiện một vài người bạn của bạn Gấu Mỹ. Bạn Gấu Mỹ tiện thể mời ăn chung.
Chuyện không có gì đáng nói, cho đến khi tính tiền.
Như thường lệ, Chó Sói đề xuất chia tiền ra, mỗi người trả một phần. Nhưng một người bạn của bạn Gấu Mỹ không đồng ý. Bạn lấy thẻ tín dụng ra đưa cho nhân viên phục vụ, rồi nói để bạn trả tiền, coi như làm quen.
Chó Sói không chịu. Chó Sói bảo rằng Chó Sói không thân với bạn, không có lý do gì xài tiền của bạn.
Bạn bảo Chó Sói đừng lo, vì tiền này không phải của bạn. Bạn sẽ lấy hóa đơn đem về cho công ty tính tiền, coi như là chi phí tiếp khách. Bạn bảo bạn làm chức khá lớn tại công ty, mấy cái này bạn có thể thu xếp được.
Một số người trong bàn tiệc thể hiện sự ngưỡng mộ vì việc làm trên của bạn ấy.
Còn bạn, người đang đọc, thì sao?
Hay câu hỏi quan trọng hơn, bạn có từng làm, hoặc có từng biết ai, cũng đã hành động như vậy chưa?
Và, hành động trên, có được chấp nhận hay không?
Nếu bạn đã và đang đi làm, bạn sẽ nhận ra, tình huống trên xuất hiện rất nhiều. Nó còn nhiều thể hiện khác nữa. Hãy suy nghĩ về điều này. Đồng thời nhẩm đếm trung thực thêm một vài trường hợp bên dưới, nếu bạn đã từng làm:
Như việc bạn lấy giấy và máy in công ty để in tài liệu cá nhân cho bạn.
Hay các bạn làm tuyển dụng lấy phần trăm hoa hồng từ những nhà cung cấp dịch vụ đăng tuyển (như Vietnam-gì-đó, Career-gì-đó…) để lựa chọn dịch vụ của họ.
Thậm chí như rất nhiều nhà quản lý lấy bảo hiểm bệnh nha chu để chi trả cho việc làm trắng răng.
Rồi, bạn còn thấy hành động trên có thể chấp nhận được không? Như bạn sẽ nhận ra, bạn bắt đầu vận dụng thuật ngữ tâm lý mà Chó Sói đã đề cập ở đầu chương, “Cấp số giả dối” để giải-thích cho hành động của bạn.
Bạn giải thích như thế nào? Và vì sao bạn lại giải thích như vậy? Chúng ta sẽ bàn rõ hơn về điều này ở Phần sau.
——————
(*): Cấp số giả dối là một thuật ngữ tâm lý được Dan Ariely đề cập trong tác phẩm “Bản chất của dối trá”.