Để ứng phó hợp lý với tin đồn công sở, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lý do tại sao nó lại có tầm ảnh hưởng kỳ-lạ đến mọi người.
Trong tâm lý học, có một hiệu ứng tâm lý được gọi là Hiệu ứng Sleeper. Hiệu ứng Sleeper nói rằng cho dù thông tin đến từ một nguồn không đáng tin cậy, nhưng nếu người ta nhớ về nó, thì sau đó nó sẽ tự động trở nên đáng tin cậy, vì theo thời gian mọi người quên mất nguồn gốc ban đầu.
Tức là, bạn làm gì không quan trọng. Quan trọng là nếu người ta nhớ gì [dù tầm bậy hết sức] về bạn, thì sau đó nó sẽ tự trở thành sự thật (trong mắt mọi người).
Tại sao người ta lại dễ nhớ một tin đồn công sở?
Bởi vì, tin đồn công sở dựa vào hai thứ sau đây để tồn tại: Những điều bạn làm, và những điều bạn có khả năng làm.
Để Chó Sói lấy ví dụ cho bạn:
Bạn kỷ luật một nhân viên, và cho người ta nghỉ việc, dù người đó là lao động chính trong gia đình. Tin đồn xuất hiện, rằng bạn thật lạnh lùng, tàn nhẫn. Đây là tin đồn dựa vào điều bạn làm.
Bạn thăng chức. Như bạn Nhím, người ta đồn rằng bạn ấy-ấy với Sếp. Đây là tin đồn dựa vào điều bạn có khả năng làm. (Thật sự, đây cũng là một cách để thăng chức, dù trên thực tế, rất ít người thực hiện được).
Cho nên, để đối phó với tin đồn công sở, bạn cần làm đúng hai việc, cho những điều bạn làm, và những điều bạn có thể làm.
- Đối với những điều bạn làm: Hãy dự đoán những tin đồn có thể xảy ra, và chủ động tạo tin đồn đi kèm với nó, theo tính cách, sở thích và giá trị của bạn.
Nghĩa là sao?
Nếu bạn hay phải kỷ luật nhân viên, chắc chắn tin đồn lạnh lùng, tàn nhẫn, vô cảm… dễ xuất hiện. Để cân bằng với nó, hãy chọn một số thứ mà bạn thích, và trộn nó vào chung với tin đồn.
Bạn vẫn chưa hiểu. Không sao, để Chó Sói lấy ví dụ cho bạn. Giả dụ như bạn thích nickname công chúa, và bạn đam mê với công việc.
Lần tới, khi kỷ luật nhân viên, bạn hãy tiến hành đoạn đối thoại như sau:
“Chắc bạn đã từng nghe nói, rằng chị rất lạnh lùng tàn nhẫn. Cái đó còn chưa đủ. Mọi người (?!) hay gọi chị là Công chúa băng giá. Bạn biết vì sao mọi người lại tặng chị biệt danh này không? Đó là bởi vì chị không chỉ lạnh lùng, vô cảm, mà chị còn giàu. Nên chị đi làm không phải vì tiền, và kỷ luật em cũng không giúp chị kiếm thêm tiền đâu. Chị chỉ làm vì chị đam mê công việc thôi. Phải, chị không quan tâm đến việc em phải nuôi con nhỏ. Vì sao? Vì nếu em biết rõ trách nhiệm của mình, thì em nên làm việc cho tốt, chứ không phải đợi tới lúc này mới nêu ra hoàn cảnh của em.”
Chắc chắn, trong một lần nào đó, một ai đó từng bị kỷ luật, sẽ ra trao đổi với đồng nghiệp, rằng: “Thứ người gì đâu mà ác độc, vô cảm. Bả [hoặc danh xưng khác] tự nhận mình là Công-chúa-băng-giá. Rằng bả đi làm chỉ vì đam mê công việc, không phải vì tiền. Nghĩ sao vậy?!”
Đấy, đây là những thứ sẽ được nhắc về bạn: Ác độc. Vô cảm. Công chúa. Đam mê. Nghĩ sao vậy!
Đến một ngày đẹp trời, bạn có thể tận dụng tin đồn để đem lại lợi ích cho mình. Lấy ví dụ lần thăng chức kế tiếp:
“Chắc Sếp đã nghe nói, rằng em rất lạnh lùng, vô cảm với mọi người. Điều này thiệt khó nói, vì mỗi người một góc nhìn. Nhưng chắc chắn Sếp đã nghe, rằng em rất đam mê với công việc, ai-cũng-nói-vậy. Thế nên…”
- Đối với những điều bạn có khả năng làm: Thay vì tìm cách ngăn chặn (mà như Chó Sói đã nói, điều này không thể thực hiện được), hãy tạo ra phiên bản giải trí của bạn. Hãy tự giải trí với tin đồn về mình, mỗi khi có thể.
Nghĩa là sao?
Nếu bạn rơi vào trường hợp của bạn Nhím:
Đồng nghiệp [có thể mỉa mai hoặc không]: Chúc mừng Nhím nha. Còn trẻ mà đã được thăng chức lên trưởng nhóm. Đúng là tuổi trẻ tài cao!
Nhím: Cảm ơn chị. Em có nghe vài người nói rằng em ấy-ấy với Sếp mới được lên chức cơ. Thật ra, đó cũng là một cách. Tại em đẹp mà. Nhưng chắc mấy người đó quên, rằng em không chỉ đẹp, mà còn giỏi nữa. Nên lúc này chưa cần dùng cách đó làm gì.
Tựu chung lại, nếu bạn am hiểu, thì nghĩa là hãy chủ động tạo hiệu ứng Sleeper kèm với tin đồn, trước cả khi thực sự có tin đồn. Hoặc bạn không chắc bao giờ có, thì làm luôn bây giờ đi.
Như vậy, tin đồn sẽ được cân bằng, theo cách kiểm soát của bạn.
Nghĩ sao vậy!