Văn hóa giả dối xuất hiện khi những người lãnh đạo doanh nghiệp cố gắng khoác lên mình những giá trị tươi đẹp mà họ không có (dù có thể rất muốn thực hiện), ví dụ như văn hóa công ty đề cao sự “chuyên nghiệp” nhưng lãnh đạo suốt ngày thay đổi kế hoạch vào phút chót mà không có một lý do, cũng không có lời xin lỗi nào. Khi đó, văn hóa giả dối tồn tại song song với văn hóa thật của công ty, khiến cho nhân viên của tổ chức bối rối vì rơi vào “bẫy” của lãnh đạo: làm theo lời nói thì không được vì biết nó không có thật, không làm theo lời nói cũng không được vì đó là chủ trương của công ty.
Nếu chấp nhận ở lâu, nhân viên sẽ ngày càng không quan tâm xem lãnh đạo nói gì. Khoảng cách giữa lời nói và hành động càng xa, sự giả dối càng giết chết lòng trung thành của họ. Rồi hãy xem cảnh nhân viên gật đầu với mọi lời nói từ bên trên, tán dương lãnh đạo hết cỡ, nhưng bên dưới thì không có động tĩnh gì. Thuật ngữ “lead by example” ra đời chính là để nói về cái khó của việc làm lãnh đạo, nếu bạn không làm gương thì bạn không gây được ảnh hưởng gì hết!
Nhưng dù rất tệ trong việc làm gương, một số lãnh đạo lại rất giỏi trong việc kiếm tiền, và dùng tiền để “nuôi” văn hóa giả dối cho mình (tức để người khác tung hô những giá trị mà mình không có!). Chó Sói gặp qua nhiều lãnh đạo, có người kỹ năng tốt, có người không, nhưng có những người làm Chó Sói cảm thấy rợn-rợn. Mỗi lần rợn-rợn như vậy, đều nhận ra là do họ tự “nuôi” sự giả dối mà không chút ngượng ngùng.
Chị T., lãnh đạo kiêm Giám-Đốc-Hạnh-Phúc của công ty A. (chuyên mua-bán giải thưởng “Nơi làm việc hoành-tráng nhất năm”), là một người khiến Chó Sói rợn-rợn như vậy. Chị này thường xuyên làm những đoạn clip lời hay ý đẹp về lãnh đạo, kiểu lãnh đạo phải bao dung thế này, phải tốt thế kia (tất nhiên, với một bầu-trời ngôn ngữ cơ thể có vấn đề), để rồi Chó Sói tình cờ được tận mắt chứng kiến chị ấy đổ lỗi cho nhân viên ngay trước mặt khách hàng, dù đó rõ ràng là lỗi của chị.
Thà rằng đừng nói! (Nếu chị có đọc bài này, làm ơn thay người để làm mấy clip truyền cảm hứng nha, vì chắc chắn sẽ có người bớt giả hơn chị!:))
Vì thế, lãnh đạo cần hiểu, văn hóa công ty chính là văn hóa của bản thân mình. Không phải lời hay ý đẹp, là những gì bạn thật sự nghĩ và làm. Nếu bạn yêu tiền, hãy nói văn hóa công ty là yêu tiền. Nếu bạn cố gắng bớt yêu tiền, dù bạn yêu tiền, thì cũng đừng nên nói “công ty không yêu tiền”. Bớt không có nghĩa là không! Cố gắng hoặc muốn không có nghĩa là bạn có!
Đừng dùng tiền “nuôi” văn hóa giả. Sự thật, dù lúc đầu có vẻ kỳ dị, luôn được lòng hơn. Đó chẳng phải lý do ông bà có câu: “Mất lòng trước được lòng sau” à!:)
Và cuối cùng, nếu bạn thực sự rất rất muốn một giá trị nào đó, bạn đang cố gắng hoàn thiện từng ngày, để đấu tranh chống lại tính cách tự nhiên của bạn, hay bất kỳ lý do nào tương tự, hãy tuyên bố sự thật đó: Tôi không có giá trị đó, nhưng tôi muốn có, và tôi đang cố gắng. Hãy giúp tôi!
Hãy thành thật, để người khác giúp bạn bớt giả dối!