Nhớ lại vài ngày trước, khi Chó Sói [dù viết bài giải trí thôi], nói về những phát ngôn sai-sai của một ông chủ tập đoàn, không biết bao nhiêu người đã nhảy vào phản đối, bằng một luận điểm: “Kiếm được nhiều tiền hơn người ta chưa mà nói!”

Chó Sói trả lời với các bạn đó, rằng Chó Sói chẳng có lý do gì phải kiếm tiền nhiều hơn ai-đó mới được nói về những điều Chó Sói nghĩ là đúng. Nhưng bên cạnh đó, Chó Sói còn chỉ ra [với các bạn đang mắc những hiệu ứng tâm lý nói trên], rằng các bạn nên nhớ, đây là phiên tòa ly hôn. Bất kỳ ai có mối quan hệ hạnh phúc hơn và không phải ly dị như ông chủ tập đoàn đều đã “chuyên gia” hơn ông ta về mặt quan hệ, và thừa [tư cách] để nói về quan hệ.

Nhưng nhắc lại, họ cũng chẳng phải làm điều đó. Người độc thân vẫn có thể nói về cách gìn giữ quan hệ, dưới góc nhìn của họ, và nó đúng! (Ví dụ, họ đã trải qua nhiều sai lầm về quan hệ nên giờ ở trạng thái độc thân, và họ chia sẻ về việc đó!)

Thế nên, kết luận ai đó sai [hoặc đúng] trước khi tìm hiểu về thế giới quan của họ, và áp đặt thế giới quan của mình vào họ, để kết luận, vốn không giúp ích gì cho việc học hỏi của bạn. Nó là rào cản mà rất nhiều người đang mắc phải, khiến họ chậm chạp đi và ít mở mang đầu óc hơn.

Đừng hỏi ai đó “có làm Sếp bao giờ chưa mà nói” khi họ chia sẻ về kinh nghiệm quản lý con người của mình.

Đừng hỏi ai đó “kiếm được bao nhiêu tiền mà nói” khi họ chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư của mình.

Đừng hỏi ai đó “có con chưa mà nói” khi họ chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục trẻ nhỏ.

Tất nhiên, bạn có quyền không nghe ngay từ đầu, để làm những việc khác mà bạn cho là quan trọng hơn, thay vì ngồi lại với họ. Nhưng nếu đã có dịp ngồi lại, thì hãy hỏi họ nhiều hơn về lý do tại sao, để tự đưa ra kết luận cho mình!

Và hãy nhớ, “nói” chỉ là một chuyện thôi. Tác phong, thái độ, ngôn ngữ cơ thể, mấy thứ đó còn đáng giá ngàn lần hơn nội dung lời nói. [Thêm vào đó, nếu bạn đủ giỏi, bạn sẽ biết ngay trải nghiệm của ai đó đến mức độ nào, mà không cần hỏi những câu vô duyên như trên!]

Nhưng cũng bởi vì xã hội hiện tại [giáo dục khá tệ], nên Chó Sói không bao giờ nói cho ai đó nghe về bất kỳ điều gì, nếu họ không tìm đến Chó Sói để hỏi. Thậm chí cho dù họ có tìm đến, Chó Sói cũng không chắc sẽ nói cho họ nghe.

Hãy tưởng tượng một sự thật:

Nếu nhiều người siêu giỏi [như Chó Sói chẳng hạn, thật không khiêm tốn gì cả!], lựa chọn làm như vậy, vì họ không muốn phải mở đầu câu chuyện, bằng việc nói về những thành-tựu-của-đời-mình. Vậy, những câu hỏi kiểu như “có làm chuyện đó chưa mà nói” sẽ giúp ích gì cho bạn, khi vô tình gặp gỡ một ai?

Bạn sẽ học được từ bao nhiêu người, nếu lúc nào cũng cần phải làm rõ về thành-tựu-của-đời-họ, so với đời bạn?

#camnangdilam #dancongso

Author

Write A Comment