Những ngày này, nếu mở mắt ra, bạn có thể sẽ nghe tin ai đó vừa mất việc, hoặc nghỉ không lương. Cũng có khi, người đó là chính bạn. Công ty giúp bạn sống “an toàn” những ngày trước, giờ đây không còn nữa.
Bạn phải làm gì bây giờ?
Tất nhiên, việc đầu tiên là kiểm tra tài khoản của bạn. Bạn có thể sống sót thêm bao nhiêu tháng nữa?
Đến lúc này, bạn sẽ nhận ra. À, hóa ra tiết kiệm là một việc bạn nên làm. Có thể là sớm hơn, với nhiều người. Có những người đang rất vất vả để sống thêm một hai tháng nữa.
Nhưng, cũng đến khi đụng vào số tiền tiết kiệm “xương máu”, bạn mới nhận ra. À, nó ít ỏi hơn bạn tưởng, dù bạn rất cố gắng tiết kiệm. Giả sử bạn có thể tồn tại thêm 02 tháng, lúc này bạn chắc chắn nghĩ đến chuyện bắt đầu làm (tạm) một công việc khác.
Bạn nhận ra, à, hóa ra một nguồn thu nhập, thường là không đủ. Với những gia đình chỉ có chồng/vợ đang đi làm, nó sẽ còn tệ hơn. Hai, hay bốn người, chỉ có một nguồn thu nhập, là không bao giờ đủ. Không phải chuyện một nguồn có đủ lớn để “nuôi dưỡng” 4 người hay không, mà vấn đề đơn giản là nó chỉ có một nguồn thôi. Một nguồn thu nhập, không bao giờ đủ an toàn, dù chỉ cho một người.
Rồi giả sử bạn đang không có tiết kiệm, hoặc có nhưng không đủ trả, cho một số khoản nợ nào đó, ví dụ như tiền thẻ tín dụng, tiền vay ngân hàng trả góp nhà, xe hay tiền vay tiêu dùng cá nhân…, khi bạn bị ngắt đi nguồn thu nhập chính. Lúc này, bạn hoang mang tột độ. Thứ nợ mà bạn tưởng chừng luôn có thể trả, lúc này đang vuột khỏi tầm tay của bạn.
Bạn nhận ra, đáng lẽ mình nên chi tiêu hợp lý hơn.
Rồi ngày trả nợ càng đến gần, chắc chắn, bạn sẽ bắt đầu làm một chuyện, đó là huy động tiền từ những nguồn xung quanh, để trả nợ.
Là ba mẹ bạn, hay anh chị em, hay bạn thân, hay bạn bè…? Lúc này, bạn lại chợt nhận ra…
Hoặc là bạn tưởng một số người có điều kiện hơn bạn, nhưng thật ra họ cũng không hề “an toàn”, giống như bạn.
Hoặc là bạn nhận ra một số mối quan hệ không được như bạn nghĩ, bạn có những người bạn “thân ai nấy lo”.
Lúc này, bạn thất vọng, hay tức giận, hoặc cả hai. Điều đó không quan trọng. Nhưng, nó nhắc bạn về một thực tế cuộc sống.
À, cái mà bạn nghĩ, cái mà bạn tưởng, không phải là sự thật. Bạn biết rằng, mình nên quan sát nhiều hơn, và để ý nhiều hơn.
Bạn cũng nên lọc lại một số mối quan hệ.
Và, đi qua tất cả những điều trên. Nếu bạn có thể vượt qua giai đoạn này, bạn sẽ nhận ra. À, bạn đang làm gì đúng. Bạn đang mở rộng nguồn thu nhập, tối ưu hóa đầu tư, hay đơn giản, là chọn đúng người để “chơi” cùng…
Rồi bạn nhận ra một thứ quan trọng hơn nữa.
Tất cả những gì bạn xem là ổn định, là “an toàn”, đều có thể mất đi, chỉ trong một ngày. “An toàn” là một trạng thái tĩnh, không kéo dài lâu, và bạn thường ảo tưởng về sự-lâu của nó.
Cái bạn nên làm, để luôn “an toàn”, là thích nghi với sự thay đổi. Là dự trù những sự thay đổi. Là chuẩn bị những kiến thức mới, kỹ năng mới, quan hệ mới [hoặc làm mới quan hệ]…để luôn có thể “làm gì đó” khi chuyện-xấu xảy ra.
Nhắc lại, chữ “an toàn” đó, rất ngắn!
#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam