Hôm bữa, Chó Sói bắt Uber đi uống cà phê. Tình cờ nghe anh tài xế- hiện đang làm việc cho giám đốc một công ty tư nhân- than phiền:

“Đi làm ở công ty mệt mỏi lắm em. Anh chỉ có mặt ở đó thôi mà đã nghe đủ thứ chuyện. Nhân sự không ưa kế toán, kế toán không ưa bán hàng, bán hàng không ưa CS (dịch vụ khách hàng), CS không ưa lẫn nhau…”

“Công ty lớn nó thường vậy đó anh ơi!”

“Lớn đâu mà lớn em, công ty anh có mười mấy người à!!!”

Đi làm, mọi người thường hay chia sẻ một câu nói, rằng “hãy xem công sở như là gia đình thứ hai của bạn”. Đối với Chó Sói, đây thiệt là một câu nói kỳ-dị. Tất nhiên, Chó Sói không nói rằng công sở là một nơi đáng sợ. Nhưng, công sở không, và sẽ không bao giờ, trở thành gia đình thứ hai của bạn theo đúng nghĩa được, bởi vì:

1- CHỨC DANH- QUYỀN LỰC VÀ LỢI ÍCH:

Ở nhà, đương nhiên chúng ta có tôn ti trật tự không thể thay đổi, anh chị của bạn sẽ mãi là anh chị của bạn, cho dù là mười hay hai chục năm sau. Nhưng ở công sở, chuyện không xảy ra như vậy. Người hôm nay là đồng nghiệp của bạn, ngày mai có thể trở thành sếp của bạn. Người hôm qua còn là sếp của bạn, ngày mai có thể trở thành đồng cấp với bạn. Chính vì chức danh mà bạn có luôn có thể thay đổi, nên đương nhiên quan hệ của bạn với mọi người sẽ thay đổi. Khi bạn lên chức (hay đồng nghiệp của bạn trở thành sếp của bạn), thì lợi ích sẽ bắt đầu thay đổi, quyền lực sẽ khác nhau, dẫn đến mối quan hệ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thêm vào đó, trong gia đình, cho dù anh Hai bạn không-chịu-làm anh Hai nữa, thì cũng không ai nhảy vào thay thế được. Nhưng ở công sở, khi một vị giám đốc rời đi, thì có tận bốn phó giám đốc sẵn sàng nhảy vào. Có tận bốn ứng cử viên, nên làm gì có chuyện không xảy ra đủ thứ sự cố vì tranh giành quyền lực. Không có gia đình nào hoạt động theo kiểu như vầy được!

Và từ lý do số 1, sẽ nảy sinh lý do số 2.

2- TIN ĐỒN CÔNG SỞ:

Ở nhà, mọi người hay nói thẳng với nhau. Cho dù chúng ta có không thích nghe lời thẳng thắn, thì người nhà cũng không bỏ nhau vì ai đó thẳng thắn. Nhưng ở công sở, thẳng thắn đôi khi khiến bạn mất việc, mất chức, mất quan hệ, nên người ta không nói thẳng.

Mà khi người ta không nói thẳng, thì người ta sẽ nói sau lưng. Nhiều người tụm vào nói sau lưng, thì nhiều tin đồn sẽ xuất hiện, có cái chẳng đúng xíu nào.

Nhưng cho dù tin đồn không đúng xíu nào, nó vẫn sẽ lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bởi vì khi người ta kể chuyện, người ta phải thêm mắm dặm muối, cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Không ai kể một câu chuyện như vầy:

“Sếp tui khó tính, nên chắc trong chuyện tình cảm cũng khó tính.”

Mà nó phải được chuyển thể giống như vầy:

“Sếp tui á hả, bả khó chịu lắm nha. Mà bả không chỉ khó chịu trong công việc không đâu, bả còn không thích nhân viên yêu đương trong công sở. Chắc do hồi xưa bả yêu ai đó trong công ty rồi bị đá nên mới hận-tình như vậy!!!”

Và ngày hôm sau, sếp nữ đó sẽ có nick-name mới: LÝ MẠC SẦU (*).

3- BẠN KHÔNG THỂ CHỌN GIA ĐÌNH, NHƯNG LUÔN CÓ THỂ CHỌN CÔNG TY

Nói cho cùng, đây chính là lý do quan trọng nhất. Bạn có thể không thích gia đình của bạn, nhưng bạn không thể chọn lựa khác đi được. Công việc thì không giống vậy, bạn luôn có thể lựa chọn bỏ công việc hiện tại, và tìm đến một chỗ khác.

Hoặc đơn giản, bạn bỏ gia-đình-thứ-hai để tự mở gia-đình cho chính bạn.

Nhưng đương nhiên, gia-đình-thứ-hai vẫn có thể coi là một kiểu nói bóng-gió, về nơi mà bạn phải dành nhiều thời gian trong cuộc đời của bạn ở đó. Bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh, rằng đừng hy vọng sếp của bạn, hay đồng nghiệp của bạn, có thể thật sự xem bạn như một người-trong-gia-đình. Trong quan hệ công sở, thì cho dù sếp của bạn có dễ chịu thế nào, họ vẫn là sếp của bạn. Họ không thể trở thành chị-Hai của bạn. Cũng như vậy, đồng nghiệp của bạn không thể trở thành em-út của bạn (đôi lúc, Chó Sói nghĩ rằng bạn-bè đúng nghĩa là rất hiếm rồi), họ sẽ luôn là đồng nghiệp của bạn.

Vì thế, hãy xây dựng quan hệ tốt nhất có thể nơi công sở, nhưng đừng kỳ vọng gì ở mọi người.

———–

(*): Một nhân vật trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.

Author

Write A Comment