Ngày còn đi học, Chó Sói có một người chị, thân lắm, tính chị cũng hiền lành. Chị đi làm được 3 năm thì chuyển công ty. Công ty mới đông người, một phòng ban cũng gần bằng công ty chị ngày xưa, lương thưởng tốt.
Ấy vậy mà, ngày nào đi làm về cũng thấy chị khóc.
Chó Sói hỏi, chị bảo ở công ty có chị đồng nghiệp dữ lắm (ta tạm gọi là chị Cọp). Chị bảo chị Cọp rất hay la với đổ lỗi cho chị, hay viện cớ người cũ lấp liếm chuyện này chuyện kia. Chó Sói bảo công việc là công việc chứ chị, trách nhiệm rõ thế có gì mà đổ. Chị bảo tại chị mới vô nên chị Cọp hay nhờ chị làm chuyện này chuyện kia, bảo là muốn đào tạo cho chị mau giỏi?!
Cái Chó Sói mới hỏi tiếp:
– Thế người mới nào vô chị ấy cũng làm thế hả chị?
– Không, chỉ có chị thôi. Có bé nhân viên nhỏ hơn chị hai tuổi cũng mới vô làm, nhưng chị ấy không thế.
– Chị có biết vì sao không?
– Chị không rõ lắm, nhưng bé ấy nó “cứng” hơn chị. Mỗi lần chị ấy nhờ, nó đều bảo: “Chị cho em cái email là chị nhờ em làm và sẽ chịu trách nhiệm, như vậy em mới làm được.”
– Thế chị cũng nói như vậy đi.
– Thôi, làm thế mất hòa khí lắm…
Đi làm nơi công sở, bạn sẽ gặp không ít người giống chị Cọp. Ai hiền thì ép, ai dữ thì né ra. Trong công sở, ấy gọi là áp dụng chiêu thức số 4: “MỀM NẮN RẮN BUÔNG”.
Thật ra, so với những chiêu thức khác, thì chiêu này cũng có thể áp dụng một cách tích cực, có chọn lọc để xử lý một số tình huống. Tuy nhiên, nhìn chung, đây cũng là một chiêu thức mang tính “lợi dụng” tình thế, giống chiêu thức số 1 “THƯỢNG ĐỘI HẠ ĐẠP”.
Vậy nên, trong công sở, bạn đừng tỏ ra dễ bị bắt nạt quá. Cũng không cần giữ hòa khí quá mức cần thiết. Tất nhiên, Chó Sói không nói bạn đi gây lộn khắp nơi, không hỗ trợ gì mọi người. Nhưng, làm gì cũng phải có quyền và trách nhiệm rõ ràng. Nếu thấy không ổn, thì phải lên tiếng từ chối.
Từ chối người khác, trong công sở là thứ cần phải tập luyện. Tập nói chuyện. Điềm tĩnh mà cứng rắn. Đặc biệt dành cho những người mới.
Nhớ nhé, “rắn” thì người ta mới “buông”!