Đầu năm, trong những cuộc cà phê tán phét vô-tổ-chức, một cậu em sinh viên khá thân của Chó Sói, năm nay 21 tuổi, bất ngờ hỏi Chó Sói về vấn đề “đi xa hay về nhà”. Cậu bảo, năm nay được nghỉ tết, đọc vài bài viết về “trải nghiệm du lịch” của một số tác giả, trẻ có già có, thấy hay nên tính đi. Nhưng chưa kịp đi, lại thấy bài viết của một số nhà văn nổi tiếng đâu đó, bảo rằng tết mà đi như vậy là “bỏ mặc người thân”. Phân vân quá, nên hôm nay tiện thể gặp Chó Sói, cậu hỏi lời khuyên.

Chó Sói bảo với cậu, rằng Chó Sói chả biết khuyên gì, nhưng đi du lịch trải nghiệm mà bảo là “bỏ mặc người thân” thì dở (hơi) quá. Cậu thấy vậy mừng rỡ, liền nói “thế em đi du lịch trải nghiệm là hợp lý đúng không anh?”. Chó Sói bảo, nếu chỉ đọc bài viết về du lịch trải nghiệm mà đã tính đi, vậy cũng dở (hơi) luôn.

Cái cậu bần thần, bảo Chó Sói thế nghĩa là sao. Chó Sói bảo, ra quyết định chỉ dựa theo lời-người-ta-nói, thì đều là dở-hơi. Chó Sói ấy à, Chó Sói theo trường phái ba-phải.

Ba-phải là thế nào?

Ba-phải nghĩa là, Chó Sói nghĩ vấn đề chẳng nằm ở chuyện “đi xa” hay “về nhà”, mà nằm ở cách thức ra quyết định của người đó. Tức là, “đi xa” hay “về nhà” gì cũng được, quan trọng là bạn-có-hối-hận khi ra quyết định như vậy không?

Chó Sói nghĩ, bất cứ người trưởng thành nào cũng hiểu, rằng để cân nhắc xem một quyết định tốt là như thế nào, có hai điểm chúng ta cần để ý: mục đích của quyết định, và những cái giá phải trả cho quyết định đó.

Cũng có nghĩa là, nếu em quyết định không “về nhà” mà “đi xa”, thì phải rõ rằng “đi xa” để làm gì. Chuyến đi có đem lại kiến thức gì mới không, kỹ năng gì mới không, lăn lê bò càng để làm gì? Tại sao “đi xa” lại quan trọng với cuộc sống của em như vậy? Tại sao lại đi lúc này, mà không phải một năm nữa, hai năm nữa? Nếu chỉ để về “nổ”, rằng “ta đây đã đi khắp nơi với 0-đồng trong túi, giỏi giang thế cơ”, thì có sẵn sàng trả những cái giá khác, như “đây có-thể là cái tết cuối cùng của mình với ba mình, mẹ mình, chị mình, em mình…” không? Lúc chuyện không-may đó xảy ra, thì tính làm gì?

“Về nhà” cũng vậy, thế về nhà để làm gì? Gia đình êm ấm không? Có dành thời gian cho ba mẹ anh chị em không? Tại sao “về nhà” lại có ý nghĩa với cuộc sống của mình như vậy? Nếu chỉ về nhà vì “phải ở cạnh gia đình ngày tết mới hiếu thảo, ba mẹ không sống hoài”, thì có sẵn sàng trả những cái giá khác, như “đây có-thể là cơ hội đi trải nghiệm cuối cùng trước khi tốt nghiệp đời sinh viên, hoặc trải nghiệm cuối cùng của cả cuộc đời mình không?”, vì hiển nhiên, tuổi-thọ của ba mẹ cũng không đến nỗi ngắn như vậy, có khi tuổi-thọ của mình còn ngắn hơn. Nếu giờ ba mẹ còn khỏe mà chưa đi, thế những năm sau càng không thể đi được còn gì. Nếu năm nay “về nhà” rồi cả đời không đi được nữa, thì tính làm gì?

Chó Sói nghĩ rằng, người trưởng thành nào cũng hiểu, rằng mình có cuộc đời của mình, và ba mẹ có cuộc đời của ba mẹ. Có khi hai cuộc đời đó giao nhau, có khi hai cuộc đời đó tách thành hai lối. Như nhà Chó Sói này, có năm Chó Sói về, thì ba mẹ Chó Sói lại đi du lịch, thăm bạn bè tứ phương, không cho Chó Sói theo, vì đó là “cuộc vui của những người già”. Có năm, Chó Sói về được vài ngày, rồi cũng lại vác thân đi du lịch, không-cho ba mẹ theo, vì đó là “cuộc vui của những người trẻ”. Bản thân mình, hay ba mẹ mình, cũng phải sống hạnh phúc, theo cách riêng của mỗi người.

Kết lại, Chó Sói xin kể cho bạn, cũng như cho cậu em sinh viên của Chó Sói nghe, về điển hình của một câu chuyện “đi xa” hay “về nhà”:

Chó Sói có một người cậu, tuy gọi là cậu nhưng do sinh sau đẻ muộn, chỉ lớn hơn Chó Sói dăm bảy tuổi. Cậu làm kinh doanh riêng, hè năm đó tình cờ quen được một đối tác người Pháp, người ta ngẫu hứng mời qua Pháp một chuyến bàn chuyện hợp tác. Cậu hăm hở chuẩn bị đi, thì nghe dì Chó Sói (tức chị của Cậu), bảo rằng bà ngoại yếu lắm, có khi không qua nổi hè này. Cậu phân vân, tính tới tính lui, cái lúc gặp Chó Sói, cũng hỏi thêm ý kiến. Chó Sói chỉ hỏi “thế lỡ lúc cậu đi rồi bà ngoại qua đời, cậu có hối hận không?”. Cậu Chó Sói không nói gì, năm đó cậu không đi, bỏ qua cơ hội kinh doanh không biết khi nào có lại được, với người Pháp.

Năm đó, bà ngoại không mất.

Hè năm sau, chắc do có duyên, cậu lại gặp ông đối tác người Pháp đó. Tuy không còn để tâm chuyện kinh doanh, nhưng ông người Pháp vẫn mời cậu qua đó chơi, coi như đi Châu Âu cho biết một lần. Cậu lại chuẩn bị đi, tiện thể điện cho dì, thì vẫn nghe dì Chó Sói báo lại, rằng bà ngoại yếu lắm, đương nhiên già thêm một tuổi, thì còn yếu hơn cả năm ngoái. Cậu tính tới tính lui, rồi cậu quyết định lên đường.

Ngày chở cậu ra sân bay, Chó Sói chỉ nói “Cậu đã mang đủ tiền chưa, để lỡ bà ngoại có chuyện thì cậu bay về?” Cậu cười, bảo “Cũng có khi bay về không kịp, nhưng tiền thì mang đủ rồi.”

Rồi hè năm đó, bà ngoại Chó Sói…

Đến lúc Chó Sói viết bài này, là đã 5 năm trôi qua rồi…

Nhưng thật may, là bà ngoại Chó Sói vẫn chưa mất, dù bà rất rất yếu.

Thế nên, vấn đề không phải là “đi xa” hay “về nhà” bạn ạ. Quyết định nào cũng được. Quan trọng là, bạn có biết mục đích của quyết định là gì không, và mình phải trả giá như thế nào không?

Nhưng ngay cả bạn có lỡ ra quyết định đột ngột, không đắn đo kỹ, và chuyện không may xảy ra. Thì thật sự, bạn cũng đừng tự dằn vặt mình như một nữ nhà văn nào đó, ra quyết định sai năm 20 tuổi mà đến tận bây giờ vẫn còn “giá như”. Bạn ạ, trong các bài học về cuộc sống, có cả bài học “hãy tha thứ cho chính mình”. Bởi cho dù chuyện không may xảy ra, thì chẳng có ba mẹ đúng-nghĩa nào lại đi trách cứ con mình cả. Giống như một trích đoạn mà Chó Sói từng xem trong bộ phim “A Monster’s Call” gần đây: Người mẹ sau khoảng thời gian dài trị bệnh ung thư và nói dối con rằng mình đang tiến triển tốt, đã thừa nhận sự thật trước mặt con mình rằng cô sẽ qua đời. Đứa trẻ rất tức giận, và không chịu nói chuyện với cô nữa, dù thời gian sống của cô chỉ tính bằng giây. Cô nắm tay con, và bảo với đứa trẻ, đại ý rằng “Mười năm, hai mươi năm nữa, khi con lớn lên, và nhớ lại khoảnh khắc này, mẹ muốn con biết, rằng mẹ không trách cứ gì con cả. Mẹ biết rằng con rất yêu mẹ, cho dù bây giờ con đang giận, không nói với mẹ một lời nào…”

Author

Write A Comment