Nghe có vẻ cực đoan, khi bạn vô tình đọc phải tiêu đề. Nhưng, ý Chó Sói chính xác là như vậy. Hãy nghi ngờ mọi người, đặc biệt khi họ ở gần bên bạn.
Tại sao lại phải nghi ngờ người khác?
Khi một ai đó bỗng dưng thay đổi, khi một ai đó tốt với bạn, khi một ai đó làm một hành động nào đó, tại sao chúng ta nên để tâm? Tại sao chúng ta nên nghi ngờ: “Tự nhiên người đó lại tốt với mình?”, “Sao lại hành động như vậy?”, “Động cơ của người đó là gì?”
Đó là bởi vì chỉ có nghi ngờ, bởi vì chỉ có thực sự soi xét, bởi vì chỉ có can đảm nhìn thẳng vào người khác, chúng ta mới có thể hiểu họ hơn. Từ chối nghi ngờ người khác không phải là hành động đáng quý, kiểu như “hãy tin tưởng tất cả mọi người”, nó là biểu hiện của sự thờ ơ.
Chúng ta không thể giúp ai đó, nếu không thực sự hiểu nhu cầu của họ. Chúng ta cũng không thể bảo vệ ai đó, khi không thực sự hiểu động cơ của họ. Nên, chúng ta phải nghi ngờ. Nghi ngờ để quan sát, nghi ngờ để hỏi han, và nghi ngờ để phân tích. Như Chó Sói đã từng nói ở chương 105, nếu không làm những việc này, thì vốn dĩ bạn không hề muốn nhìn thấu lòng người.
Không muốn nhìn thấu người khác, đặc biệt là những người thân cận với bạn, chính là điểm đáng sợ của việc thờ ơ. Những người không nghi ngờ người khác, thoạt nhìn có vẻ dễ chịu, thật ra sau cùng sẽ chỉ nói được những lời sáo rỗng, những hành động bâng quơ, những lời khuyên vô bổ. Nghi rồi mới tin, tin rồi tiếp tục thử thách lòng tin, đó mới là quá trình làm bền chặt mối quan hệ thực sự.
Bạn không muốn làm?
Không sao, cứ tiếp tục thờ ơ. Nếu có một ngày ai đó bên cạnh bạn làm chuyện gì đó mà bạn không thể hiểu nổi, hoặc trở tay không kịp, hãy nhớ Chó Sói đã từng nói về việc này rồi.
Bạn tự hỏi khi nào thì tin một người cho “đủ”?
Khi họ vẫn còn nguyên động cơ và nhu cầu, thì hành vi của họ sẽ không [hoặc rất khó] thay đổi. Hãy tin người tương ứng với sự hiểu biết về nhu cầu và động cơ của họ. Khi động cơ và nhu cầu của họ thay đổi, hãy cập nhật lại cách thức “tin người” của bản thân.
Nghĩa là, nếu mối quan hệ thực sự có ý nghĩa với bạn, bạn phải [thường xuyên] gặp gỡ người đó để cập nhật thông tin. Câu nói “chúng mình tuy không gặp nhau mười năm nhưng vẫn thân nhau như ngày xưa”, là một câu nói vớ vẩn.
Không ở bên cạnh người khác lúc họ [có khả năng] thay đổi, thì đã không còn thân. Chữ “thân” đó chính là kiểu lời nói sáo rỗng, bởi vì cả hai thực ra chỉ ngồi ôn lại chuyện xưa. Chuyện xưa thì vui đấy, nhưng chuyện nay thì sao?
Nếu họ đã thay đổi động cơ và nhu cầu, nhưng bạn thì không biết, và không còn cập nhật, đó là kiểu “thân” của bạn à?
Và bạn nghĩ một vài buổi trò chuyện là bù đắp được cho lượng thông tin [về động cơ và nhu cầu của họ] trong mười năm?
Bạn, đúng rồi, là bạn đấy, thoạt nhìn có vẻ dễ chịu, thật ra sau cùng sẽ chỉ nói được những lời sáo rỗng, những hành động bâng quơ, những lời khuyên vô bổ.
Hãy thay đổi, và nghi ngờ mọi người nhiều hơn, nếu bạn thực sự muốn có những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa hơn. “Tin” người không phải là “tin tất cả”, mà là tin những điều liên quan mật thiết tới nhu cầu và động cơ của người khác. Nếu họ không có nhu cầu và động cơ gì liên quan, thì đừng “tin”. Hãy cứ nghe và nghiệm, nhưng đừng vội “tin” ai.
#camnangdilam #yeudancongs0 #kinhnghiemdilam