Về cơ bản, những phương pháp phân loại nói trên là phổ biến nhất, Chó Sói đã có trải nghiệm và nhiều hiểu biết liên quan. Phần cuối Chó Sói không dùng để đề cập thêm phương pháp (tất nhiên là còn nhiều phương pháp phân loại trên đời), mà dùng để cảnh báo những người đang áp dụng các phương pháp này.

Các phương pháp càng ít chính xác thì càng đơn giản dễ nhớ, có thể áp dụng để “giải trí”, tìm chủ đề thú vị chung trong công sở nhưng đừng tin tưởng mù-quáng (kiểu làm Sếp mà kết luận em cung hoàng đạo này đa sầu đa cảm không phù hợp làm trưởng nhóm đâu, hay em là số 3 nên chỉ phù hợp làm ở vị trí này thôi thì, Chó Sói bỏ qua).

Các phương pháp càng chính xác thì lại càng phức tạp, mức độ cá nhân hoá liên quan rất nhiều tới khả năng nhận định bản thân của người thực hiện hoặc người hướng dẫn. Hiểu rõ bản thân thì có người tốt người không, “chuyên gia” hay các kiểu danh xưng tương tự để đi giảng dạy hay hướng dẫn thì cũng đủ “thượng vàng hạ cám”, nên lại càng nguy hiểm. Chính vì độ phức tạp của chúng, mọi người thường có xu hướng tin tưởng kết quả cuối cùng (đặc biệt khi được ủng hộ bởi các “chuyên gia”). Và giống như DISC hay MBTI, họ sẽ tốn vô vàn thời gian để đi con đường nửa đúng nửa sai trước khi có thể tìm thấy chính xác nền tảng tự nhiên trong tính cách của mình [Chó Sói dùng từ “có thể” nhé, tức có nhiều người nhận định sai lầm tới cuối đời].

Làm cách nào để có kết quả phân loại tính cách đúng và tốt nhất có thể?

Nếu chịu khó chắt lọc và không tôn sùng bất kỳ một thể loại nào, bạn có cơ hội tìm thấy kết quả đúng nhất là những “từ khoá” được lặp đi lặp lại trong tất cả các phương pháp phân loại. Đây là cách tốt nhất nếu không có người hướng dẫn đủ giỏi.

Bạn muốn tìm người hướng dẫn đủ giỏi?

Cái này tùy duyên nên hên xui. Thường thì bạn sẽ xui. Vì người hướng dẫn đủ giỏi phải là người có hiểu biết rộng và sâu về các phương pháp phân loại khác nhau, nó giống như bạn đi làm mà gặp Sếp vừa có tâm vừa có tầm vậy đó. Hiếm như trúng xổ số nha (chưa kể nhiều khi gặp được cũng đâu biết có giỏi không, vì bạn rất khó nhận định chính xác khả năng của họ), nên cách đầu tiên dễ hơn, xác suất “trúng” cao hơn.

Còn nếu bạn cuồng-tín, hoặc là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, ví dụ đang kiếm được thu nhập, từ bất kỳ một phương pháp “phân loại tính cách” nào?

Không sao cả bạn ạ! Niềm tin luôn là một phạm trù quan trọng trong việc ra quyết định, và việc bạn “chọn” quyết định tin tưởng bất kì một điều gì, như việc tin tính cách của bạn hình thành do nhóm máu của bạn, cũng không có vấn đề gì cả. Ai rồi cũng sẽ phải trả giá tương ứng cho việc lựa chọn, dù đúng hay sai, của mình thôi.

Nhưng cảnh báo quan trọng dành cho các bạn, đặc biệt là các bạn kiểu “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, khi phát hiện ai đó có niềm tin hay nhận định khác mình về các phương pháp phân loại; hoặc nếu người hướng dẫn của bạn (hiện có hoặc sẽ có) là người có “quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, bạn nên để ý về cách hành xử hoặc nhận xét của họ, như câu chuyện bên dưới:

Có bạn độc giả gửi cho Chó Sói một nhận xét, từ một người trên mạng xã hội của họ, rằng bài viết này của Chó Sói rất phiến diện, và Chó Sói không đủ hiểu biết về từng phương pháp (như hình). Bạn hỏi Chó Sói có ý kiến gì không? Chó Sói nói thật ra khúc “thanh niên” Chó Sói rất thích, vì mấy bạn trẻ tầm 26-32 tuổi hay thích kêu người khác vậy để chứng tỏ mình có kinh nghiệm hơn, nhưng Chó Sói thấy ai kêu mình trẻ đều đúng hết!:)) Khúc “ngày nay có kiến thức mới nên đọc báo” của bạn ấy thì cũng hợp lý, nhưng khúc sau thì “nguy hiểm” hơn.

Tại sao lại nguy hiểm?

Chó Sói bảo đây là bài viết tổng hợp, Chó Sói chỉ đưa ra kết luận, không viết nhiều. Bạn đó làm sao biết Chó Sói có bao nhiêu hiểu biết hoặc kiến thức về từng phương pháp?! Bạn đó cũng không hỏi Chó Sói vì sao Chó Sói kết luận cho từng phương pháp như vậy, thì nhận xét bằng điều gì?

Nên Chó Sói trả lời độc giả, rằng những người kết luận nhanh như vậy chỉ có hai kiểu: Kiểu thứ nhất là “cuồng tín”.

Đừng hiểu lầm ý Chó Sói, cuồng tín trong trường hợp này không xài theo kiểu tiêu cực, mà ý chỉ lựa chọn thuần dựa trên niềm tin, không cần căn cứ gì. Như kiểu thờ phụng của các tôn giáo vậy. Chó Sói chẳng có ý kiến gì.

Kiểu thứ hai, là kiểu “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, ví dụ đang kiếm thu nhập từ một trong các phương pháp đó chẳng hạn. Chó Sói nói nếu họ kết luận “bức xúc” như vậy, thì họ chắc phải thuộc nhóm các phương pháp có tỷ lệ chính xác được Chó Sói kết luận là thấp thì mới nhận xét “hồ đồ” về Chó Sói vậy thôi. Chó Sói nói bạn độc giả vào xem thử “background” của người viết coi như thế nào.

Thì đúng như dự đoán (Chó Sói đúng nhiều đến mức Chó Sói rất mệt luôn), bạn đó đang là “chuyên gia tâm lý, chuyên gia giải mã bản đồ thần số học Pytago”!

Dù có khi bạn trẻ xài từ “phiến diện” vội quá nên quên mất trong tình huống này nó mang ý nghĩa gì với bạn khi phát ngôn, thì Chó Sói rất hiểu và thông cảm nha (cười)!

Nhưng Chó Sói bảo với bạn độc giả, rằng nếu đó là người hướng dẫn bạn, thì bạn nên cân nhắc lại.

Tại sao?

Tất nhiên chuyện mình kiếm lợi từ một phương pháp, hoặc mình chọn “cuồng” một phương pháp mà mình rất tin tưởng nó, vốn không phải là chuyện gì to tát và cũng chẳng có gì sai. Nhưng cách mình hành xử với những người có niềm tin khác mình (trong đó có khách hàng hay học viên của mình) là rất quan trọng. Hãy hình dung Chó Sói như một người học viên đến lớp, và Chó Sói cho rằng phương pháp của người dạy không chính xác, thì chuyện những người hướng dẫn giỏi làm, là tìm hiểu lý do vì sao học viên của mình lại đưa ra kết luận, có những khả năng lớn nào dẫn đến kết luận, phân tích điểm được và chưa được (theo quan điểm của mình) ở kết luận, giống như Chó Sói làm ở trên (đúng rồi, Chó Sói giỏi vậy luôn á, thật không khiêm tốn gì cả), chứ không phải nói học viên của mình là “đồ phiến diện, thiếu hiểu biết”, chỉ vì họ kết luận khác bạn. Những người “cực đoan” như vậy rất khó là người giỏi, vì trong đầu họ chỉ có một thứ của họ là đúng nhất, những thứ còn lại toàn điều sai. Càng thiếu tư cách để làm người hướng dẫn hay giảng dạy, vì mấu chốt của hai việc này là làm sao để mọi người hành động tốt nhất dựa trên niềm tin của họ, chứ không phải niềm tin của bạn.

Các bạn đã hiểu rồi, phải không?!

Cho dù niềm tin của các bạn về một phương pháp phân loại tính cách, hay mở rộng ra là bất kì điều gì, “bất diệt” đến độ nào, nó không bao giờ đồng nghĩa rằng những người suy nghĩ khác bạn, hoặc không tin điều mà bạn tin là những người “kém hiểu biết hơn”. Trước khi kết luận điều gì đều cần hỏi, có những thứ tuyệt đối phải hỏi (như đã đề cập ở loạt chương 75, 88 và 111), các bạn lưu ý nhé.

Cuối cùng, một số phương pháp có tên trong bài không chỉ được dùng để phân loại tính cách, mà nhiều người còn xài chúng để dự đoán “vận mệnh” và “tương lai”, cho người khác hoặc cho bản thân. Như đã nói, dù việc tin tưởng là chuyện riêng của mỗi người, Chó Sói vẫn khuyến khích các bạn tin rằng mức độ cao nhất của các loại dự đoán này đều không quá 50%. “Người tính không bằng trời tính” nhưng “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Niềm tin nên được dùng để bạn tìm được điểm cân bằng và các giới hạn của bản thân, chứ không nên dùng với ý định “ám ảnh số phận” hay “mặc kệ đời”, đặc biệt không dùng để “xoay chuyển càn khôn”, “can thiệp thô bạo” vào cuộc đời của người khác, các bạn nhé!

#camnangdilam #dancongso #kinhnghiemdilam

Author

Write A Comment