Đi làm không vì lương, không phải là đi làm không cần lương.
Đây là hai chuyện rất khác nhau.
Đi làm không vì lương, đứng trên góc độ của người đi làm lẫn người quản trị nhân sự, nghĩa là tìm ra động cơ ẩn đằng sau việc tạo ra thu nhập của mọi người.
Khi bạn trưởng thành, tiền (lương) có ý nghĩa nhất định. Nó là vật trung gian quan trọng. Nhưng cũng vì bạn trưởng thành, nên bạn hiểu: Bản chất của tiền là vật trung gian.
Việc theo đuổi vật trung gian là một mục đích rất tệ.
Nên, đi làm không vì lương, đối với người đi làm, nghĩa là bản thân cần nắm rõ mục đích của việc sử dụng vật trung gian. Đi làm vì yêu thích công việc, đi làm vì học hỏi kinh nghiệm, đi làm vì tạo mối quan hệ…đó là những thứ nên được tập trung hơn là việc chỉ tạo ra thu nhập cao. Đôi lúc, thậm chí việc “hy sinh” thu nhập cao mới đổi lại được những cơ hội mới, để tạo ra giá trị cao hơn nữa [Đây cũng là lý do vì sao chúng ta lại “cần” lương].
Về phía người quản trị nhân sự, nên hiểu việc tăng thêm thu nhập [và phúc lợi], dù nhiều đến mức độ nào, cũng chỉ giúp cho nhân viên không rời khỏi công việc, chứ không giúp họ cống hiến hơn. Nghĩa là dù trả lương gấp đôi, thì người ta thường vẫn chỉ làm chừng đó. Muốn ai đó cống hiến hơn so với thu nhập họ nhận được, cần tuyển người đi làm với các động cơ khác, hoặc công việc cung cấp được những lợi ích khác, ngoài tiền như: công việc có ý nghĩa, cảm giác đạt được thành tựu, cơ hội phát triển bản thân…
Nên, khi lương đã đủ thoả mãn nhu cầu chi tiêu đơn giản [tất nhiên, nhu cầu chi tiêu “đơn giản” có khác biệt tuỳ từng đối tượng], thì việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa. Hãy chú ý, để chủ động tạo ra những mục tiêu khác biệt hơn.
Và thường thì, khi bạn có những mục tiêu khác biệt hơn, bạn lại “deal” lương thành công hơn. Lý do là ở vị thế thương lượng đã thay đổi. Nếu bạn chưa hiểu điều này, hãy đọc thêm về nghệ thuật thương lương, đã được nêu tại chương 90, quyển 2.
#camnangdilam #kinhnghiemdilam