Author

Chó Sói

Browsing

Hồi xưa, Chó Sói vẫn thích dịch vụ của Thế Giới Di Động. Cửa hàng “sang” hơn, và chuẩn mực cao hơn.

Cái TopZone mới thì thôi.

Trưng bày Apple trong một cái shop với thẩm mỹ “ghê” như vậy, xài từ ngữ “ghê” như vậy. Còn đâu chuẩn mực “đơn giản mà sang trọng”.

Không mua nha. Sẽ không bước vô cái Topzone “gớm” như vậy đâu nha. Tập đoàn gì ngày càng thụt lùi vậy trời!

Apple không biết có hối hận với thương vụ hợp tác này không, chứ Chó Sói thì thấy hối hận cái thiết kế cửa hàng quá rồi đó. Khỏi vô nói “biết đâu lúc hoàn thiện sẽ khác” nha các fan cuồng. Cái chữ Topzone màu sắc “gớm” quá thể đó bên ngoài thì khỏi cần khúc trong nha. Khỏi nha!

Lại còn “đã đẻ!”. Như bị dở hơi. Là dạo này mình thấy mình chưa đủ “dở hơi” hay gì?! Hay dạo này muốn chuyển qua “truyền thông bẩn”, nổi bằng “tai tiếng”.

Vậy coi như đã thành công để “bẩn” hết cả thương hiệu rồi đó. Chúc mừng tập đoàn!

Nguồn hình: Vietnam Finance

 

Trong công sở, đừng thấy hai người nói chuyện vui vẻ với nhau thì có nghĩa họ là bạn bè, cũng đừng thấy hai người phản bác nhau thì có nghĩa họ là kẻ thù. Trong công sở, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ vị trí thực sự của mình trong mối quan hệ với mọi người.

Thậm chí kể cả khi họ có từng là bạn bè hoặc kẻ thù, thì tất cả những điều đó đều có thể thay đổi chỉ sau một đêm.

Năm hết tết đến, xung quanh Chó Sói đã thấy một số anh chị em công sở bắt đầu làm chương trình từ thiện. Đi kèm với lòng cảm kích, Chó Sói cũng xin chia sẻ 03 điều thẳng-thắn dành tặng mọi người:

  1. Khi làm từ thiện, phải hiểu mình làm vì bản thân muốn làm trước, sau đó mới tới việc giúp đỡ người khác. Nghĩa là mình làm vì mình, sau đó mới tới mình làm vì người.
  2. Cũng chính vì điều 01, nên khi làm từ thiện, đừng hy vọng mọi người sẽ thấy thích thú hoặc biết ơn giống như mình nghĩ. Mình có thể thấy mình đang giúp đỡ, đang làm việc tốt, nhưng không chắc người khác cũng sẽ thấy như vậy.
  3. Cũng chính vì điều 02, nên khi thấy ai đó chẳng những không bày tỏ sự đồng cảm mà còn công kích, phản đối mình, đừng cay cú, thất vọng hay bài xích. Hãy nhớ điều 01, để biết rằng mình có thể dừng lại bất kỳ lúc nào.

Và nếu bạn đã vượt qua được những tình huống này, bạn mới thực sự là người nên đi làm từ thiện.

Chó Sói không phải chuyên gia về cà phê, nhưng được biết thông thường Cold-brew sẽ dùng cà phê Arabica. Cà phê này của bạn Reddot Coffee xài Robusta, từ vườn rừng sinh thái tự nhiên, có vị dịu dàng hơn.

Chó Sói không uống nhiều cà phê, cũng không thích uống cà phê đắng vị khét-lẹt đường phố, nên đây là lựa chọn dành cho các bạn công sở muốn đổi vị cà phê thông thường. Cold-brew này được pha chế thủ công, bạn chủ làm được cỡ hai mẻ 24 chai như hình một ngày là hết công suất.

Cái quan trọng nhất cho khuyến nghị là do Chó Sói thích cái bình, nhìn xinh xẻo sang xịn theo xì-tai của Chó Sói. Chứ nói cà phê này có ngon hay dở so với các loại bình thường không thì không rành, tại ít uống cà phê [như đã nói ở khúc trên].

Bạn nào muốn đặt có thể gọi điện theo số như trong hình trên chai. Bạn nào không thích uống vị nguyên bản có thể mix chung với DaLat Milk hoặc thêm đường và một lát chanh.

Cái chai vẫn hết sức xinh xẻo nha!:D

Sau khi giãn cách tại TPHCM kết thúc, Chó Sói đã liên hệ để hoàn thành việc in ấn cho quyển 2. Nếu không có gì thay đổi, sách sẽ được in xong trong tuần này và bắt đầu gửi đi vào tuần sau.
Ngoại trừ các bạn đã đăng ký từ trước và sẽ được gửi sách liên tục để hoàn thành đơn sớm nhất có thể, những bạn đăng ký các đợt sau (với thông tin sẽ được cập nhật sau khi Chó Sói nhận bàn giao đủ số lượng cùng đơn vị in ấn), bên Chó Sói sẽ chỉ gửi sách định kỳ vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần, tức là:
– Những bạn đăng ký từ ngày thứ ba tới trước ngày thứ sáu sẽ gửi chung vào ngày thứ sáu hàng tuần.
– Những bạn đăng ký từ ngày thứ sáu tới trước ngày thứ ba sẽ gửi chung vào thứ ba của tuần tiếp theo.
Do chi phí vận chuyển thay đổi sau giãn cách, giá các gói dịch vụ sẽ được cập nhật lại khi đăng ký. Các bạn lưu ý thông tin về các gói dịch vụ nếu cần nhé.
Có thể có một vài combo cả quyển 1 và 2 cho những bạn nào cần (Chó Sói vẫn chưa lên kiểm số lượng quyển 1 còn lại sau khi thương lượng nhượng sách từ một số bạn/đơn vị từng mua nhiều trước đó, do hơi lười, nhưng chắc cao lắm được vài chục quyển thôi). Sẽ có thông báo sau khi kiểm đếm thực tế nhé!:D
Cảm ơn các bạn vẫn đang chờ đợi và ủng hộ Chó Sói. Với những bạn không còn đủ kiên nhẫn, như Chó Sói đã nói, các bạn luôn có thể inbox cho trang để được hoàn tiền lại và huỷ đơn cho mình nha.
Đây chỉ là bài cập nhật. Khi nào đặt sách lại Chó Sói sẽ có đường dẫn để mọi người đăng ký nhé. Để tránh Facebook lại bị gì, Chó Sói sẽ tiến hành việc đặt sách thông qua website trước khi đăng lên trang. Các bạn nào muốn đăng ký sớm hãy kiểm tra thông tin trên web trước nhé!:D
From Chó Sói with love,

Hôm trước, có bạn độc giả hỏi Chó Sói làm cách nào để biết giá trị sống của sếp-tương-lai nếu mình chỉ có một buổi phỏng vấn. Câu trả lời là: không có cách nào hết. Giá trị sống chắc chắn không thể hiện chỉ qua một buổi phỏng vấn, đó là lý do thông thường bạn hay có hai tháng thử việc để tìm hiểu điều này.

Khoan khoan, đừng vội thất vọng. Tuy một buổi phỏng vấn không thể giúp bạn tìm hiểu hết giá trị sống của sếp-tương-lai, nó vẫn có vai trò đặc biệt trong việc xác định bạn có nên làm việc cho người sếp đó hay không. Bởi vì, nếu bạn nắm vững một vài kỹ năng giao tiếp cơ bản, bạn sẽ xác định được câu trả lời cho hai câu hỏi quan trọng sau đây về sếp-tương-lai của bạn:

– Một là, người sếp đó có am hiểu về văn hóa công ty hay không?

– Và hai là, người sếp đó có thật sự yêu thích cái văn hóa công ty mà họ đang làm hay không?

Làm cách nào bạn có thể biết được những câu trả lời đó?

Đương nhiên, kỹ năng cơ bản được đề cập chính là hỏi và quan sát.

Trong cấu trúc của các buổi phỏng vấn, phần ứng viên đặt câu hỏi lúc nào cũng có. Điều đáng tiếc là, nhiều bạn không tận dụng khoảng thời gian này, bởi đây mới chính là lúc quan trọng để xác định bạn-có-nên-làm-việc-cho-người-đó-hay-không?

Bạn hãy đặt câu hỏi này:

– Anh/chị có thể nói ngắn gọn về văn hóa công ty mình giúp em?

Và đây là các tình huống xảy ra:

– Nếu bạn nhận câu trả lời giống như vầy: “Em biết không, công ty anh là một chốn tổ hợp về văn hóa. Có rất nhiều người khác nhau làm việc ở đây, họ cũng đến từ các nước khác nhau, nên để miêu tả về văn hóa công ty thì rất khó. Mỗi người đều có một bản sắc riêng…abc…” thì đây chính là điển hình của những người sếp tránh né nói về văn hóa công ty. Một khi ai đó tránh nói về văn hóa công ty, thì chỉ có hai kiểu: Một là không thể xác định nổi văn hóa công ty, hai là biết rõ văn hóa công ty và không thể tự hào nổi về nó. Trường hợp nào bạn cũng nên cân nhắc khi vào làm!

(Nếu bạn nghĩ chỉ có công ty nhỏ mới trả lời như vậy thì đừng, bởi vì Chó Sói từng có dịp phỏng vấn với một chị giám đốc nhân sự bự bự của một tập đoàn đầu tư siêu bự mua nổi cả cái đại học Hồng Bàng, nhưng không thể trả lời rõ ràng nổi về văn hóa công ty. Và Chó Sói đương nhiên không làm việc với chị này, càng có ấn tượng khá tệ về tập đoàn này nói chung!)

– Nếu bạn nhận được câu trả lời như sau: “Văn hóa ở đây là sự đam mê”, “Văn hóa ở đây là tính linh hoạt”, “Văn hóa ở đây là sự uy tín”…thì chúc mừng bạn, bạn đã có câu trả lời. Nhưng vấn đề lại không nằm ở câu trả lời. Đối với văn hóa, thì câu trả lời nào cũng chấp nhận được. Vấn đề là, người sếp-tương-lai của bạn có thích thú với văn hóa đó hay không. Hãy quan sát thật kỹ biểu hiện phi ngôn từ của họ (ví dụ: nụ cười thật quan sát ở đuôi mắt, nếu chỉ có gò má và miệng chuyển động thì đó là nụ cười giả…), đi kèm với những lời họ nói, từ đó xác định mức độ yêu thích của họ đối với văn hóa công ty hiện tại. Bạn biết đó, nếu bạn làm việc với người đang chán ghét công ty, thì bạn cũng hiểu số phận tương lai của bạn rồi!

Tất nhiên, bạn vẫn có thể bất chấp làm việc với những người sếp như trên, vì lý do hoặc mục đích cá nhân nào đó khác của bạn. Nhưng cũng chính vì vậy, mà Chó Sói mới nhắc bạn về câu hỏi lương bổng ở chương trước. Môi trường tệ, thì chỉ có tiền lương mới giúp bạn chống chọi qua ngày thôi!

Để Chó Sói kể cho các bạn nghe một câu chuyện:

Có một công ty A. trên thị trường, hàng năm mở một khảo sát bình chọn về top 100 nơi làm việc hoành-tráng nhất Việt Nam. Các bạn làm tuyển dụng trong những công ty thuộc top này luôn lấy cái vụ “nơi làm việc hoành-tráng” đó ra để PR cho thương hiệu, khiến đôi lúc các ứng viên mất cảnh giác, vì họ không biết các sự thật đằng sau trò 100 nơi làm việc hoành-tráng nhất. Đó là:

– Để một công ty tham gia khảo sát, họ phải trả cho công ty A. khoảng 9000 USD (bây giờ có tăng giá không thì Chó Sói không biết). Thế có nghĩa là, cho dù một công ty nào đó có ngàn-điều-tốt, thì nếu họ không trả tiền, họ cũng sẽ không lọt vô được cuộc bình chọn.

– Chưa hết, công ty A. còn hài-hước đến độ, nếu một công ty nào đó muốn được thiết kế một khảo sát riêng có lợi hơn cho mình trong việc bình chọn so với các công ty khác, họ chỉ việc trả thêm tiền cho công ty A. (khoảng 3000 USD).

Nói ngắn gọn, theo cách Chó Sói nhìn, cái top 100 nơi làm việc hoành-tráng nhất đó, chỉ là chỗ để mua giải. Tất nhiên, chuyện này không có gì lạ trên thị trường. Công ty A. thu về tiền, các doanh nghiệp dư tiền thì mua giải về PR cho bản thân.

Nên?

Nên, nếu bạn là ứng viên, đừng tin vào cái top 100 nơi làm việc vớ vẩn đó. Bạn phải tự xác định đâu là nơi làm việc tốt nhất cho bạn, bằng cách trả lời 02 câu hỏi lớn sau:

– Nơi đó có trả lương xứng đáng với công sức của bạn không?

Lưu ý, rằng bạn phải chọn công ty trả lương bằng hoặc thấp hơn một chút so với công sức của bạn. Công ty nào trả lương cao hơn đóng góp của bạn là gián tiếp hại chết bạn.

– Sếp trực tiếp của bạn có các giá trị sống phù hợp với bạn không?

Lưu ý đến người nào sẽ làm quản lý trực tiếp của bạn. Đây luôn là nguồn gốc chính của cái được gọi là “nơi làm việc tốt nhất” hoặc “tệ nhất”.