Category

Cẩm Nang Chó Sói

Category

Chó Sói hiểu rằng, trưởng thành nghe có vẻ hay ho, vì không còn ai dạy bạn phải làm gì, và bạn có thể làm ngược lại tất cả những điều bạn được dạy trước đó mà không còn ai ngăn cản. Nhưng, nó cũng có nghĩa rằng không còn ai trả giá thay cho bạn nữa.

Bạn, dù ở lứa tuổi nào, sẽ nhận ra, trưởng thành không phải là câu chuyện bạn bao nhiêu tuổi, mà là góc nhìn cũng như trải nghiệm về cuộc sống của bạn sâu sắc đến độ nào. Người trẻ mắc lỗi, người trung niên mắc lỗi, và người già cũng mắc lỗi. Trưởng thành là sự nhìn nhận và thấu hiểu, về bản thân cũng như về cuộc sống xung quanh, với trái tim và khối óc rộng mở.

#camnangdilam #kinhnghiemdilam

Tất nhiên, trong mọi trường hợp, việc kiểm tra chính tả kĩ càng luôn đáng được khuyến khích.

Đặc biệt, là trong trường hợp mà tình huống hoặc vấn đề đang trình bày có yêu cầu cao về độ nghiêm túc.

Tuy nhiên, chính tả chưa, và sẽ không bao giờ, là nền tảng chính xác để đánh giá trình độ của một người, nhất là về mặt tư duy, và độ rộng mở của tư duy.

Bản chất của chính tả, tức việc viết đúng từ ngữ, dấu câu, là để phục vụ cho quá trình giao tiếp hiệu quả hơn. Nó giúp người ta hiểu đúng ý bạn, và bạn hiểu đúng ý của người ta. Nó giúp chúng ta tránh nhầm lẫn, đặc biệt là trong một số tình huống mà từ vựng vẫn có thể hiểu được trong câu, nhưng lại sai ý người trình bày, ví dụ như: “Chúng ta khát nước” và “chúng ta khác nước”.

Điển hình bên dưới, là của những người bị “lậm” chính tả, dùng vài ba từ ngữ để đánh giá trình độ của một con người. Đây là kiểu đánh giá thiển cận, và trong phần lớn trường hợp, nó thể hiện tư duy “thượng đẳng” của người đang đánh giá, theo kiểu “tôi viết đúng chính tả hơn thì trình độ của tôi cao hơn”. Rõ là vớ va vớ vẩn!

“Mọi chuyện đều vô nghĩa khi bạn sai chính tả”, nó nên là câu đùa giỡn của các bạn trẻ trong những tình huống vô thưởng vô phạt. Còn khi muốn tìm hiểu thêm về ai đó, muốn đào sâu luận điểm nào đó, muốn đánh giá trình độ của người nào đó, chính tả là cấu thành rất “phụ”. Bởi lý do của việc viết sai chính tả thì khá nhiều, và trong phần lớn trường hợp, nó chẳng liên quan gì nhiều tới trình độ của người viết.

Khi bạn có thể hiểu đúng được ý của người ta, thì sai chút chính tả không phải là lý do để bạn cho rằng mình “giỏi giang” hơn, mình “có giáo dục hơn”. Đặc biệt, là phải nhớ rằng, trình độ giáo dục [kiểu như học hàm, học vị] cũng chẳng ảnh hưởng nhiều tới trình độ tư duy. Viết đúng chính tả, mà tư duy hẹp hòi, thiển cận phán xét, chỉ muốn mau chóng “dìm” người khác xuống, thì thiệt tệ. Và Chó Sói đã gặp khá nhiều giáo sư, tiến sĩ…nhưng trình độ tư duy, đặc biệt là độ rộng mở của tư duy, độ “logic” của tư duy, thì còn thua cô bán bún đầu hẻm nhà Chó Sói. Cô có viết sai chính tả vài món, nhưng Chó Sói vẫn thích cô hơn hẳn những người như Tiến-sĩ-Tiêu, hay cô bé trong hình.

Bạn có thể giúp ai đó sửa lỗi chính tả, và nên giúp họ để họ giao tiếp hiệu quả hơn, nhưng đừng lầm tưởng về trình độ tư duy của chính mình.

#camnangdilam #kinhnghiemdilam

Không bàn tới chuyện bạn có niềm tin sắt-đá về nhân tướng học, theo kiểu “người có lông mày như thế này thì rất…”, theo thời gian, bạn sẽ mau chóng nhận ra:

Để kết luận ai đó có phải là người tốt hay không thường khá dễ dàng, vì đa phần mọi người xung quanh bạn không phải là người tốt như vậy, dù phần lớn mọi người thường “tưởng” mình là người như vậy. Người tốt, như Chó Sói từng nói, luôn phải trả giá khá nhiều, theo một cách riêng, với rất nhiều chuẩn mực giới hạn về giá trị mà người khác khó có thể làm theo được.

Mặc dù vậy, hãy cẩn thận khi bạn nhìn nhận ai đó là người xấu. Cũng bởi vì, đa phần mọi người không phải là người xấu như vậy. Họ thường có một số hành vi xấu, tất nhiên, nhưng họ cũng có những hành vi tốt. Đa phần, mọi người xung quanh bạn là người bình thường. Họ không tốt, cũng chẳng xấu. Thứ biến họ thành “người xấu”, trong mắt bạn, chủ yếu chỉ bởi vì họ “không hợp” với bạn, chứ bản thân họ không “xấu” như vậy đâu.  Họ vốn là người bình thường, với nhiều quan điểm về chuẩn mực hành vi, mục đích, cũng như giá trị và niềm tin riêng, đôi khi rất riêng, rất khác, so với bạn, mà thôi.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Bên dưới, là một loại kiến thức nguy hiểm.

Kết luận được đưa ra cũng nguy hiểm theo: “Cứ dân tộc, tập thể nào càng gần với khung nam tính thì càng phát triển mạnh. Đơn giản vậy thôi!”

Là đơn giản dữ chưa?!:))

Nếu bạn vẫn không thấy được điều gì sai trái từ hai bức hình, thì bạn chính là đối tượng nên đọc bài viết này. Đặc biệt, là các bạn nam trẻ tuổi. Bởi, bạn có thể đang không hiểu được bản chất cuộc sống, tức cách vận hành của sự cân bằng.

Đây là các câu hỏi mà bạn hiển-nhiên (*) phải đặt ra trước khi tin vào các thể-loại kiến thức như thế này:

  1. “Phát triển mạnh” được định nghĩa như thế nào? Nó có thực sự tốt không? Có thể cho ví dụ để bạn dễ hình dung, nó có nghĩa là câu hỏi: Nước Mỹ “phát triển hơn” thì có “thành công và hạnh phúc hơn” đất nước Bhutan hay không?
  2. Vì sao các kiến thức kia lại được định vào tên gọi “khung nam tính” [và “khung nữ tính”]? Lấy ví dụ, tại sao “quan tâm đến sự hoà hợp của nhóm hơn tài năng của từng cá nhân” lại là “khung nữ tính”?
  3. Một bên (chủ yếu) là nói về ưu điểm của “khung nam tính”, phía còn lại là khuyết điểm của “khung nữ tính”? Vậy, khuyết điểm của “khung nam tính” đâu, và ưu điểm của “khung nữ tính” đâu? Chẳng có thứ gì tệ mà lại tồn tại lâu đến mức thành “khung” được cả. Viết như vậy là có ý gì?

Hiển nhiên, ý của nó là để ủng hộ học-thuyết-khung-nam-tính đó, khiến cho bạn dễ hình dung “nam tính” ưu việt hơn “nữ tính”. Cái nguy hiểm của các thể loại học-thuyết-thượng-đẳng này, không phải ở chỗ nó hoàn toàn sai, mà là ở chỗ nó cố tình lồng nhiều cái sai vào trong một số cái đúng, khiến những người bình thường khó nhận biết được các điểm sai trái của học thuyết, vô tình rời xa bản chất vốn có của cuộc sống, để ủng hộ và lan rộng sự sai trái này ra, đặc biệt là để ru-ngủ hay cực-đoan-hoá những người trẻ tuổi.

Hãy nhớ rằng, cái gì có ưu điểm thì cũng có khuyết điểm. Cái gì tồn tại được qua năm tháng nghĩa là nó vẫn ổn, chứ nếu không nó đã biến mất từ lâu. Đừng cố gắng “đánh lận con đen”, lồng những thứ sai trái vào những thứ đúng đắn, để ủng hộ cho sự cực-đoan của mình. Kiến thức chỉ đơn giản và dễ áp dụng, khi chúng ta tìm được về bản chất của nó. Giống như âm và dương. Định sai âm dương từ đầu, hay cho rằng chỉ dương là tốt, âm thì không, vốn dĩ là những kẻ hết sức ngốc-nghếch.

Hy vọng các bạn trẻ không dễ tin, và cố gắng ngừng lan truyền những điều ngốc-nghếch. Học tìm về bản chất của từng kiến thức, từng vấn đề, để biết phân định đúng sai, theo từng tình huống và thời điểm, tốt hơn.

—————

(*): “Để bạn giỏi hơn” đã được đề cập tại chương 75, Cẩm Nang Đi Làm của Chó Sói, Quyển 2.

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemcuocsong

Chó Sói hiểu rằng, năm nay là một năm hết sức khó khăn.

Dù đương nhiên, mức độ tác động là rất khác nhau. Có những người xung quanh Chó Sói đã vỡ nợ, có những người vẫn đang lo chạy cơm từng bữa, có những người bỗng dưng thất nghiệp, bắt đầu vay nợ thêm. Có những người vẫn trải qua những ngày bình thường, không thay đổi gì. Và tất nhiên, có những người vẫn đang giàu lên, vẫn định kỳ đi du lịch bốn phương đây đó.

Nền kinh tế khó khăn làm thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nó cho thấy sự tác động mạnh mẽ đến hiện tại, và cả tương lai, của rất nhiều người trong chúng ta.

Và Chó Sói biết, nhiều người trong chúng ta, hiện đang hết sức mệt mỏi.

Nhiều người đang quay cuồng với những khoản nợ, vì thất nghiệp, công việc kinh doanh đình trệ, quan hệ đổ vỡ…

Nhiều người, đã nghĩ về những điều hết sức tiêu cực.

Tất nhiên, Chó Sói sẽ không nói rằng Chó Sói hiểu về tính cách, về lối sống, hay về tình cảnh của các bạn. Chó Sói không cản những suy nghĩ tiêu cực, vì nó là một phần của việc dự đoán tương lai. Chó Sói chỉ nhắn với các bạn, rằng tương lai có thể tiêu cực đi, thì cũng có thể tích cực hơn. Đó, là lý do nó được gọi là “tương lai”.

Bất kể bạn nghĩ gì, hay trong tình cảnh nào, đừng vội bỏ cuộc. Tiến lên thêm 0,1%, nghe có vẻ chẳng có tác dụng gì đáng kể, nhưng nếu bạn đi qua được 10 ngày. Bạn có 1%. 1% tuy rất ít, nhưng là phía của ánh sáng.

Bạn đi thêm được 100 ngày. Tệ nhất bạn đã có thêm 10%. 10% là con số tuy còn ít, nhưng đủ để hy vọng. [Nói tệ nhất, vì cấp số của cuộc sống có thể gia tăng đáng kể hơn rất nhiều, sau khi phối hợp nhiều yếu tố khác nhau].

Hãy hình dung bạn đi thêm được 100 ngày nữa.

Cái Chó Sói quan ngại, là một số người không tìm ra lý do để đi thêm. Một lần nữa, Chó Sói sẽ không nói rằng Chó Sói hiểu về tính cách, về lối sống, hay về tình cảnh của các bạn, để kết luận rõ ràng rằng tại sao bạn nên [hoặc không nên] nghĩ vậy.

Nhưng nên hay không nên cũng chẳng quan trọng đến vậy, vì sự thật rõ ràng, là nếu bạn cố gắng sống thêm một ngày, thì bạn có thêm một cơ hội ở ngày mai. Bạn cố gắng thêm nhiều ngày, thì bạn có thêm nhiều ngày mai, tức rất nhiều cơ hội.

Đừng vội bỏ cuộc. Đừng vội dừng chân. Mệt có thể nghỉ. Nhưng đừng dừng bước. Không phải Chó Sói muốn động viên phi lý gì các bạn, mà Chó Sói đủ trưởng thành để hiểu, nếu bạn còn cố gắng, thì cuộc sống sẽ luôn bù đắp đủ cho các bạn. Không phải bù đắp theo kiểu các bạn muốn, mà là bù đắp để bạn luôn có thể đi tiếp, tiến về phía trước.

Bước thêm 100 bước, chậm thôi, nhưng cứ bước đi.

Gửi đến các độc giả của Chó Sói,

Cho một năm đầy khó khăn và biến động,

Nếu bạn hiểu chữ “bước” trong bài này, hãy tiếp tục tiến lên. Bán thêm một cái bánh, chạy thêm một cuốc xe, viết thêm một bài viết, làm thêm một ngày công…Bạn sẽ không phải thất vọng đâu, khi tới mỗi mốc 100 bước đi.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong #camnangdilam

[Đoạn bên dưới chứa nội dung có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].

[Lưu ý cho các bạn trẻ: Chó Sói đang nói các bậc phụ huynh đừng dùng từ “hy sinh” cho lựa chọn của mình, còn con cái thích thấy đó là “hy sinh” thì cứ thấy nha các bé!]

Hãy hình dung, Chó Sói chỉ cho bạn một ví dụ thôi. Bạn nên biết, là với mọi mối quan hệ, thì câu chuyện không bao giờ chỉ dừng ở 1 ví dụ. Cách bạn hành xử ngày hôm nay, sẽ là hệ quả của rất nhiều tình huống xuất hiện về sau. Bạn có thể không cực đoan, nhưng khi những người còn lại trong mối quan hệ nhất quyết làm như vậy, thì bạn sẽ lựa chọn như thế nào?

Nếu Chó Sói viết đến đây, mà bạn vẫn còn ý nghĩ có thể dung-hoà mọi chuyện nữa, thì bạn không chỉ ngây-thơ, mà thế giới xung quanh của bạn cũng thật tốt. Chó Sói chúc mừng bạn, nhưng Chó Sói nghĩ bạn sẽ phải thay đổi để trưởng thành sớm thôi!:)

Trưởng thành trong những tình huống như thế này, là làm gì?

Trưởng thành nghĩa là luôn biết mình cần lựa chọn như thế nào, trên bờ vực cực đoan của mọi tình huống, ngay cả khi không ai ủng hộ bản thân. Dù tất nhiên ít ai [ngốc nghếch đến độ] chủ đích đẩy tình huống về phía cực đoan, thì khi nó xảy ra, người trưởng thành đều biết họ phải trả giá những gì để lựa chọn.

Làm sao biết cái giá phải trả là gì trong các tình huống cực đoan?

Cái quan trọng nhất của người trưởng thành, là họ ngừng “hy sinh” bản thân. Không người trưởng thành [đúng nghĩa] nào lấy chữ “hy sinh” [đặc biệt là hy sinh cho “người khác”] để làm lý do cho sự lựa chọn của mình. Họ luôn chọn giữ lấy giá trị sống của bản thân.

Tức là, nếu bạn chưa có [hệ] giá trị sống, hiểu và vận hành nó thuần thục trong các tình huống, thì bạn vẫn chưa phải là người trưởng thành đúng nghĩa. Giá trị sống đến từ bên trong bạn, hình thành dựa vào niềm tin của bạn về cách thế giới vận hành [ví dụ: luật nhân quả], chứ không phải từ tình huống hay giá trị của những người bên ngoài [cho dù là người-bên-ngoài thân thiết nhất với bạn, ví dụ như gia đình].

Thành thật mà nói, số lượng người có giá trị sống, hiểu và vận hành nó thuần thục, dưới trải nghiệm của Chó Sói, là rất ít. Thế nên, đa phần mọi người thường lựa chọn rất “loạn”, thiếu nhất quán, và quan trọng nhất, là rất hay hối hận. Bởi vì họ không đi được đến tận cùng lý do cho sự lựa chọn của mình, đặc biệt khi có tình huống cực đoan xảy ra.

Nên, có giá trị sống, thì bạn mới có thể đưa ra lựa chọn chống lại cả “thế giới”, nơi mà không ai ủng hộ mình. “Thế giới” tất nhiên không phải là tất cả mọi người, nhưng lại chính là những người [từng] thân thiết và yêu thương bạn nhất.

Giống lúc bạn từ bỏ một công việc lương bổng ổn định với phúc lợi tốt để khởi nghiệp và thế-giới của bạn [ví dụ: vợ/chồng hay ba/mẹ…] phản đối đến cùng.

Hay lúc bạn từ bỏ một đối tượng hoành tráng, giàu có để kết hôn với một người ít điều kiện hơn vạn lần và thế-giới của bạn [ví dụ như: ba/mẹ, ông/bà…] lấy sự sống chết của mình ra để đe doạ.

Hoặc lúc bạn định kết thân với một người mà bạn thân của bạn rất ghét và ra “tối hậu thư” rằng nếu bạn chơi với người đó thì họ sẽ “block” bạn.

Đừng đùa giỡn, hãy nghĩ về kết thúc thật sự cực đoan của nó, để lựa chọn mà không có hối tiếc. Bạn sẽ hiểu rằng, chỉ có giá trị sống, mới giúp bạn đi đến cùng của lựa chọn mà thôi. Bởi vì, giá trị sống chính là tất cả của bạn. Những thứ còn lại chỉ là vật trung gian, cho tới khi bạn kết thúc hành trình [sống và tồn tại] của mình.

(Hết)

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

[Đoạn bên dưới chứa nội dung có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].

[Đặc biệt dành cho các bạn trẻ từng nghe lời xúi-bậy về việc “dung hoà” từ một người-dạy-tên T-nào-đó đang mở một trường-đào-tạo-tên P-nào-đó lên trên một kênh-V-nào-đó.]

Mẹ Chó Sói là người phụ nữ lớn tuổi thuộc thế hệ xưa. Đối với mẹ Chó Sói, thì việc tổ chức các đám tiệc (như cưới hỏi, giỗ chạp…) là rất quan trọng, phải làm lớn, phải mời mọi người liên quan, mới đúng “đạo”. Chó Sói, dù đã trải qua hơn nửa đời người, lại thuộc thế hệ khác. Chó Sói có quan điểm khá đối lập, rằng cuộc sống chỉ cần vài người quan trọng thôi, và những thứ như cưới hỏi, giỗ chạp…chỉ nên dành cho những người trong gia đình, và vài người thân cận nhất thôi, là được.

Chúng ta hãy hình dung, rằng nếu có một đám cưới xảy ra, thì mẹ Chó Sói sẽ tạo danh sách khách mời cỡ 1000 người, trong khi Chó Sói chỉ có khoảng 30 người, chẳng hạn. Ví dụ cụ thể và thiết thực hơn, là khi đám giỗ ba của Chó Sói, mẹ Chó Sói đòi mời rất nhiều họ hàng, bạn bè, thân hay không thân gì cũng như nhau, tới tham gia. Trong khi Chó Sói thì không định làm vậy.

Nếu bạn nghĩ: “Thì thôi, Chó Sói cứ để mẹ Chó Sói làm đi, có gì đâu”, thì đúng rồi, bạn nghĩ tạm ổn. Nhưng vấn đề là, nếu mẹ Chó Sói bắt buộc Chó Sói phải tham gia “tiếp khách” hết với những người đó, ngồi chuyện trò cùng với những người đó, thì sao?

Và nếu Chó Sói từ chối, thì “mẹ sẽ từ mày, vì mày không biết sống tình nghĩa, không có đạo lý” chẳng hạn?

Bạn định làm gì, bạn dung hoà thế nào? Và nếu bạn nghĩ, “thôi, đây là những thứ một năm mới tổ chức một lần, nhịn là được” thì để Chó Sói nói cho bạn nghe, mẹ Chó Sói rất hay tổ chức và tham gia những thứ như vậy. Rồi, giờ bạn tính làm gì?

Và nếu bạn không làm, và mẹ bạn có-thể sẽ đi kể với vài-người-thân-thuộc, nhưng sau đó lan ra rất nhanh, rằng bạn là người lạnh lùng, không có tình nghĩa, không có đạo lý lắm?

Bạn sẽ hành xử thế nào?

Nếu bạn vẫn còn ý nghĩ có thể dung-hoà trong những vấn đề như thế này, thì bạn cũng thật ngây-thơ. Tất nhiên, có thể mẹ bạn chỉ “dọa” từ bạn thôi, không “từ” bạn thật. Nhưng vấn đề là nếu mẹ bạn làm thật, thì bạn có thay đổi cách ứng xử không?

Và nếu bạn thay đổi cách ứng xử, rồi từ đó về sau, bạn sẽ phải sống tiếp như vậy, bạn có “hy sinh” bản thân không? Và bạn có thấy hạnh phúc không?

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

[Đoạn bên dưới chứa nội dung có thể gây tranh cãi. Trẻ em dưới 28 tuổi, phụ nữ chưa mang thai và những người nhạy cảm được khuyến cáo cẩn thận khi đọc].

[Nhân dịp trò chuyện với một số bạn-trẻ, nhưng dành cho mọi người lớn tuổi hơn…].

Nếu bạn nào đã từng theo dõi trang này và đọc được hơn một nửa số bài viết trên trang, các bạn sẽ nhận thấy một sự thật, rằng Chó Sói là một người rất khôn ngoan, cực kỳ biết ăn ở. Nhưng nếu bạn cho rằng cũng vì vậy, mà Chó Sói sẽ được nhiều người yêu thích, các mối quan hệ xã hội xung quanh đều rất tốt, thì sự thật không phải như vậy đâu. Phiên bản Chó Sói trong mắt mọi người đều rất khác biệt.

Hãy hình dung tình huống bạn đi hỏi dòng họ bên Nội của Chó Sói chẳng hạn.

Dòng họ bên Nội của Chó Sói rất thích nhậu nhẹt, thường tụ tập nhậu nhẹt mỗi khi có thể. Chó Sói không thích nhậu. Nhưng điều này không phải là vấn đề. Vấn đề là mỗi lần nhậu say, mọi người lại hay cãi lộn, khích bác nhau [thường dựa trên sự so sánh về cuộc sống của nhau], và khi dòng máu “Xô Viết Nghệ Tĩnh” nổi lên, đã có rất nhiều lần một số “chiến sĩ” cầm dao rượt đuổi những người còn lại, do mâu thuẫn lúc tranh cãi. Chó Sói cực kỳ dị ứng chuyện này.

Nên Chó Sói rất ít xuất hiện. Càng không tham gia những cuộc nhậu. Chuyện này đáng lẽ không có gì đáng nói. Nhưng không. Vấn đề là bởi chỉ có mình Chó Sói kiên quyết không tham gia, từ xưa tới giờ [tức không uống chung, chỉ ăn chung những dịp lễ, tết…], nên xuất phát từ đâu thì không biết [và chắc dựa trên vẻ ngoài và thông tin bên lề về cuộc sống của Chó Sói], mọi người bên Nội đồn rằng do Chó Sói giàu hơn nên “khinh” mọi người, không muốn ngồi nhậu chung. Và mọi người không chỉ kể cho những người đủ tuổi, mọi người còn truyền tin đồn xuống các thế hệ nhỏ hơn, như những đứa cháu non nớt của Chó Sói, khi có đứa trẻ nào hỏi về việc tại sao Chó Sói hay xuất hiện chóng-vánh tại dòng họ.

Nếu bạn là Chó Sói, bạn định làm gì? Bạn có ý định thanh minh?

Và nếu bạn thanh minh, bạn nghĩ kết quả có thay đổi không? Nếu Chó Sói nói rằng vì mọi người nhậu nhẹt bạo lực kỳ-dị như vậy, nên Chó Sói mới không tham gia, thì mọi người sẽ hết nhậu, sẽ nhận mình kỳ-dị mà hành xử khác đi? Hay mọi người vẫn sẽ truyền tai nhau về một tin-đồn giàu có và khinh người của Chó Sói?

Nếu bạn hỏi bất kỳ người nào, dù là đứa trẻ, hay những người lớn tuổi hơn, trong dòng họ bên Nội của Chó Sói, bạn nghĩ mọi người sẽ nói điều gì tốt về Chó Sói không?

Còn nếu không, vậy Chó Sói sẽ phải ngồi nhậu, và tham gia vào các cuộc tranh luận? Cứ cho là Chó Sói chỉ cần ngồi uống và không tham gia tranh luận, vậy Chó Sói sẽ phải làm chuyện đó trong bao nhiêu lần sau nữa [hay cho tới khi gan thận của Chó Sói có vấn đề, vì nhiều người trong dòng họ Nội đều đã phát bệnh rồi?], thì tin đồn này mới “lắng” xuống?

Quan trọng hơn, là Chó Sói, hay bạn, liệu có hạnh phúc hơn, khi tin đồn lắng xuống?

Tất nhiên, một số các bạn ở đây, sẽ ngay lập tức: “Thôi, dòng họ ấy mà, không cần quan tâm nhiều như vậy!”, Chó Sói sẽ cho bạn một ví dụ khác.

Đó là về mẹ của Chó Sói.

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Bạn thấy gì từ “drama” những ngày qua?

Nếu bạn đủ trưởng thành, bạn sẽ nhận ra, vốn dĩ drama đó chẳng nên bắt đầu. Trong một xã hội thật sự văn minh, nó sẽ không có chỗ đứng để tạo “sóng gió” như vậy.

Tại sao?

Có những lời nói vốn dĩ không đúng, nhưng cũng chẳng sai. Người nói đứng trên góc nhìn của họ, đứng trên tư tưởng [dù còn non nớt của họ] để phát ngôn, thì đó là ý kiến cá nhân. Họ không nói về một người cụ thể nào, thì mình cũng đừng tự nhạy cảm để biến mình thành người-họ-nói. Đó gọi là “có tật giật mình”. Khi bạn trưởng thành hơn, nếu người ta không chỉ đích danh của bạn, thì bạn sẽ chẳng có nhu cầu đính-chính gì với những ý kiến cá nhân chung chung mơ hồ. Bạn sẽ mặc kệ những điều tiếng như vậy.

Công kích người nổi tiếng chỉ vì một ý kiến cá nhân là một sự non nớt. Nhiều người lên tiếng chắc tưởng mình đang đấu-tranh cho công lý. Thật ra, chẳng có công lý nào ở đây cả. Đó chỉ có sự hả hê để “dìm” người khác xuống, bất chấp là bạn đang ghen tị, hay đang muốn chứng tỏ sự-nhạy-cảm của mình.

Tất nhiên, đó là cái giá của sự nổi tiếng. Người nổi tiếng thường đứng vững vì sự yêu thích hơn là vì sự đúng-sai, hay giỏi-giang của họ. Bất kể bạn giỏi đến độ nào, thì bạn vẫn nên có đủ sự yêu thích nhất định. Cái mà cô bé đó nên hiểu, chính là chuyện này.

Vậy còn cậu bé?

Cậu bé chính là ngụ ý của tiêu đề. Cậu bé [có thể] thật sự giỏi giang, và nên tự hào. Nhưng lòng tự hào hãy gắn với chính bản thân mình, rằng mình đã nỗ lực như thế nào, đã cố gắng như thế nào, đã chống chọi như thế nào, để thành công hơn mình của ngày hôm qua. Đó mới là điều cậu bé nên hiểu. Thành công vốn dĩ là thứ mơ hồ, thứ mình cho rằng đó là “thành công” cũng chưa chắc là thứ khiến người khác phải ngưỡng mộ, và việc đem lên bàn cân so sánh hai đối tượng, vốn dĩ khác biệt ngay từ đầu về nền tảng, tính cách, nguồn lực… để cho rằng ai “giỏi” hơn, ai “thành công” hơn, ai được quyền nói về “trà sữa” nhiều hơn…vốn dĩ luôn là một điều hết sức ngốc-nghếch và vô cùng thiển cận.

Nếu mình đã thành công như vậy, mà vẫn còn sân si như vậy, thì mình liệu có khác gì cô bé mà mình lên án không?

Còn một người-lớn bỗng dưng nhào vô thì thôi. Chán chả buồn nói.

Từ một trào lưu cũng đủ thú vị, nay đã biến thành một thứ hết sức độc hại. Từ chỗ nên tự hào về thành công của bản thân, nay lại là chỗ để sân si. Đó chính là điển hình của những xã hội còn thiếu văn minh.

Một bạn trẻ chạy xe ôm công nghệ, nếu cố gắng hoàn thành thêm một cuốc xe mỗi ngày, để đủ tiền đóng học phí, thì bạn cũng nên cảm thấy mình đã “thành công” hơn. Và nên tiếp tục cố gắng. Chứ không phải để thấy mình “đã chăm chỉ hơn những người chạy xe ôm công nghệ khác”. Nhắc lại, nếu không chỉ đích danh ai, thì lời nói, phát ngôn, hay ý kiến cá nhân nào cũng chỉ là chung chung, mang tính tham khảo. Nếu nó sai với mình, thì vốn dĩ chả cần phải nghĩ tới. Nếu nó đúng với mình, thì nên điều chỉnh thêm để thành công. Chẳng lúc nào, chẳng khi nào, lại cần lên “giật mồng”, công kích cá nhân người khác, đặc biệt là ở trên mạng.

Lòng tự hào lại hoá chỗ sân si, thì học hành bao nhiêu, giỏi giang bao nhiêu, thành công bao nhiêu, vốn dĩ có còn ý nghĩa gì nữa chăng?!

Khi nào, thì xã hội mình có thể dừng bớt những loại drama như thế này?

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam

Chó Sói hiểu rằng, ngày còn trẻ, đúng-sai đối với mọi người là rất quan trọng. Có nhiều thứ cần phải rạch ròi, và đa phần mọi người (đặc biệt là các bạn trẻ) sẵn sàng theo đuổi tới cùng những lựa chọn của bản thân, miễn là các bạn cho rằng mình đúng.

Có lẽ là do xã hội đã thay đổi, có lẽ là do cách thức và môi trường giáo dục khác nhau, có lẽ là do suy nghĩ, đặc biệt trong môi trường mạng, một số người thậm chí còn hành động và phát ngôn không có một chút giới hạn nào.

Đúng-sai thật sự quan trọng như vậy sao?

Nếu bạn định trả lời là “không”, nó không quan trọng như vậy, thì, thật sự hết sức nguy hiểm. Cho dù là lúc nào, thì đúng-sai vẫn luôn quan trọng. Nó là tiêu chuẩn nền tảng để hành xử.

Vấn đề ở đây, là làm sao bạn biết bạn đang “đúng”?

Phải rồi, đây mới là ý của tiêu đề.

Làm sao bạn biết bạn đang “đúng”?

Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, cái “đúng” của bạn thật ra chỉ là ở vấn đề các bạn đang nói, chứ tuyệt nhiên không nằm ở cách trình bày, hay lời nói, hay hành động được thể hiện.

Tức là, bạn chỉ đang đúng “nội dung”, chứ không đúng về mặt “cách thức”.

Thêm vào đó, đôi lúc “nội dung” chỉ đúng với bạn, chứ không đúng với những người xung quanh. [Ví dụ: bạn ghét những người đi làm vì tiền, nhưng có nhiều người thích những người này, như các Sếp Sales]. Lúc này, cái cần “đúng” hơn lại là “cách thức”. Nếu bạn nói “ai đi làm vì tiền là có vấn đề” thì, các bạn có thể đúng, nhưng cách biểu hiện “bất chấp” đó cũng sẽ khiến cho người ta quên đi “nội dung” các bạn đang trình bày [tức cá-nhân bạn ghét họ], mà chỉ chú trọng vào “cách thức” các bạn đang trình bày mà thôi [tức bạn đang lên án người khác một cách vô căn cứ].

Đặc biệt trong các mối quan hệ, hoặc trong các trường hợp mà lựa chọn chỉ đơn giản là đánh đổi cái này với cái kia [ví dụ như tăng lương thì tốt cho người lao động và sự hài lòng trong nội bộ nhưng không tốt cho lợi nhuận ngắn hạn của các cổ đông và nhà đầu tư], việc chứng minh ai đúng, ai sai không quan trọng bằng việc làm sao để cả hai phù hợp hơn với nhau. Bởi vì, rất nhiều trường hợp là cả hai cùng “đúng”. Nếu muốn thuyết phục người khác hành động theo ý mình, thì cần nhiều hơn cái đúng. Và tất nhiên, đôi lúc cũng chẳng cần đúng.

Biết rõ rằng mình không chỉ cần “nội dung” đúng, mà cần cả “cách thức” đúng, cho từng đối tượng tiếp xúc, vào thời điểm phù hợp nhất, mới gọi là trưởng thành.

Nghĩa là, “nội dung” đôi khi không quan trọng, “cách thức” còn quan trọng hơn nhiều. “Của cho không bằng cách cho”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”… chính là ý nói về việc lựa chọn cách thức và thời điểm tiếp cận phù hợp nhất trong nhiều trường hợp mới là quan trọng. Và nhiều người thất bại không phải vì họ “sai”, mà vì họ đã tiếp cận theo một cách thức hoặc thời điểm “không phù hợp”.

Cho nên mới ra kiểu, “em rất tốt nhưng anh rất tiếc!”

Cần phải nhắc lại, Chó Sói không nói trưởng thành nghĩa là từ bỏ điều mình cho là đúng. Con người không ai làm vậy.

Trưởng thành ở đây, chỉ đơn giản là học cách hiểu, cách nói, cách trình bày, cách ứng xử với những người nghĩ khác, và làm khác mình, sao cho cả hai có thể hoà hợp tốt nhất mà thôi (*).

——–

(*): Tất nhiên, có những lúc không thể “hoà hợp” được, vì sự cực đoan của một số người và một số tình huống. Tham khảo bài viết “Chống lại cả thế giới” để hình dung nền tảng của việc lựa chọn và ra quyết định đúng đắn nhất có thể nha các bạn ơi!

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam