Category

Cẩm Nang Chó Sói

Category

Khi bạn có thể là người duy nhất quan tâm đến phát triển bản thân, trong khi đội ngũ của bạn vẫn dậm chân tại chỗ…

Khi bạn có thể là người duy nhất kiên quyết giữ trung lập, trong khi mọi người đều tích cực phe phái chính trị công sở…

Khi bạn có thể là người duy nhất lên tiếng ngăn cản ý tưởng kỳ-dị của Sếp, trong khi tất cả mọi người đều hùa theo…

Khi bạn có thể là người duy nhất cống hiến vượt quá mức lương bổng được trả, trong khi những người còn lại thích “việc nhẹ lương cao”…

Khi bạn có thể là người duy nhất quan tâm đến đạo đức và văn hóa, trong khi những người còn lại chỉ quan tâm tới lợi ích…

Hãy nhớ…

Một giọt nước sạch không thể thay đổi được cả đại dương ô nhiễm. Nhưng cũng chính vì vậy, mà bản thân nó lại càng phải nhớ mình là một giọt nước sạch. Tương tự, bạn không cần thiết phải hành động để thay đổi thế giới, nhưng cũng đừng để thế giới từ từ khiến bạn biến chất.

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Chó Sói hay nghĩ, để được làm chủ bản thân, và sống theo ước muốn của mình, bạn thường phải chống lại cám dỗ của cuộc sống. Cuộc sống hay khiến ta đi lạc đường.

Có người lạc đường, bỏ qua nghề nghiệp mình đam mê, vì lúc đầu nó không kiếm được nhiều tiền.

Có người lạc đường, bỏ qua người mình yêu thương, vì “phải phát triển sự nghiệp”.

Có người lạc đường, bỏ qua cơ hội lập nghiệp, vì “phải làm công ty có tiếng tăm”.

Có người lạc đường, bỏ qua cơ hội sống là chính mình, vì “phải hoàn hảo trong mắt người khác”.

Bởi vì, đa số hay nghĩ rằng, để sống theo ý mình thì phải đảm bảo rất nhiều thứ. Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy.

Thứ bạn cần để tự do rất ít, thứ bạn muốn mới nhiều. Bạn hay chạy theo thứ bạn muốn, chứ không phải thứ bạn thật sự cần, nên mới dễ lạc đường.

Cuộc sống luôn đầy cám dỗ cho những thứ mà bạn muốn.

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Hôm qua, có người bạn rủ Chó Sói đi uống cà phê. Bạn bảo, cuộc sống mưu sinh của bạn dạo này rất vất vả. Bạn kể về nhiều thứ, nhiều sự vụ, những cái bạn mắt thấy tai nghe.

Bạn còn bảo thấy đời bất công, vì bạn bè học đại học cùng thời, đứa con ông này bà nọ, đứa làm chức này vụ kia, an nhàn sung sướng chẳng phải suy nghĩ gì. Đời là thế.

Chó Sói ngồi nghe, cũng gật gù đồng tình vài sự vụ. Nhưng, có cái Chó Sói chẳng đồng tình với bạn. Chó Sói bảo, đời này chẳng bất công như thế.

Bạn hỏi tại sao?

Chó Sói bảo với bạn như vầy:

Chó Sói tin rằng, mỗi người, dù sinh ra ở hoàn cảnh điều kiện nào, đều có một cuộc chiến lớn của riêng mình. Cuộc chiến đó có thể người ngoài không thấy, nhưng người trong cuộc thì sẽ rõ.

Ví như:

– Những người rất giàu hoặc rất nghèo, vất vả nhất chính là giữ cho bản thân mình có đạo đức. Khi bạn quá giàu, bạn sẽ dễ nuông chiều mọi ý muốn của bản thân. Khi bạn quá nghèo, bạn sẽ dễ bất chấp tất cả.

– Những người thuộc tầng lớp trung lưu, vất vả nhất chính là giữ cho bản thân mình không so sánh với người khác. Không ghen tỵ với những người giàu hơn, không xem thường những người nghèo hơn.

Hoặc như:

– Những người đàn ông, vất vả nhất chính là vừa thành công trong sự nghiệp, vừa giữ được sự chung thủy. Khi đàn ông thành công, anh ta có nhiều người đẹp sẵn sàng vây quanh mình.

– Những người phụ nữ, vất vả nhất chính là vừa lo chu toàn sự nghiệp, mà vừa phải chăm sóc gia đình. Không được quá phụ thuộc vào người chồng, nhưng cũng không được xem thường chồng của mình.

– Những người đồng tính, chuyển giới, song tính (LGBT), vất vả nhất chính là sống thật với xu hướng của bản thân. Không vì bất kỳ ai mà đánh mất hạnh phúc của chính mình, cũng không vì sống thật với mình mà bất chấp hết tất cả dư luận.

Hay là:

– Những đứa con sinh ra trong nhung lụa, vất vả nhất chính là vừa đáp ứng kỳ vọng của gia đình, vừa hoàn thành mơ ước của bản thân. Cha mẹ giỏi giang hay kỳ vọng vào con cái, đồng thời cũng hay kết liễu ước mơ của con cái.

– Những đứa con sinh ra trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, vất vả nhất chính là giữ cho mình không đánh mất niềm tin vào tình yêu…

Tất nhiên là còn nhiều, và nhiều nữa. Chó Sói nói với bạn, rằng nếu bạn thấy ai đó đang sung sướng hạnh phúc, thì bạn nên hiểu rằng:

Một là, người ta đang cố giấu bạn về sự đau khổ của bản thân, và bạn không giỏi nhìn thấy điều đó.

Hai là, người ta đã đấu tranh rất nhiều để đạt được sự viên mãn, và bạn, chỉ đơn giản là không biết người ta đã phải trải qua những gì.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Cần phân biệt giữa vui vẻ và hạnh phúc. Vui vẻ là một cảm xúc ngắn hạn [nhất thời], và bạn có thể làm cho ai đó tạm thời vui vẻ bằng cách [chấp nhận] một hành động khiến bạn không vui. Nhưng hạnh phúc thì khác. Hạnh phúc là một hành trình dài không có điểm dừng. Bạn không thể che giấu nó, dù với bất kỳ mục đích gì. Người không thấy được bạn hạnh phúc hay bất hạnh, thật ra là người không quan tâm tới bạn ngay từ đầu, chứ không liên quan gì tới việc bạn có giỏi che giấu hay không. Ai đó có thể bỏ qua một nụ cười vui vẻ của bạn, nhưng tuyệt đối không thể bỏ qua được những biểu hiện hạnh phúc [hay bất hạnh] của bạn, nếu người ta thật sự quan tâm tới bạn.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Thật tiếc, là bạn không thể khiến cho ai đó hạnh phúc, bằng cách chịu đựng đau khổ thay cho họ. Dù bạn nghĩ bạn đang hy sinh cao cả như thế nào, dù bạn cho rằng bạn đang hành xử đúng đắn tới đâu, thì rốt cuộc, bạn không thể cho người khác thứ mà bạn không có. Việc chịu đựng thay ai đó, cuối cùng sẽ chỉ dẫn tới đau khổ cho cả hai [hoặc nhiều người hơn]. Nếu muốn làm cho ai đó hạnh phúc, thì bản thân bạn phải là người hạnh phúc trước đã.

Đừng dùng những lý do tươi đẹp, để lấp liếm cho sự đau khổ của bản thân. Đừng lầm tưởng mình đang trở thành một biểu-tượng. Nếu không hướng tới hạnh phúc, thì bạn đang sống một cuộc đời thật sai lầm. Hết sức uổng phí cho tất cả.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Đối với một số người, thì cho dù họ “chạy đi” hay “chạy lại”, bạn vẫn nên (phải) đánh, hoặc ít nhất là đánh để họ không chạy về phía bạn. Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, bạn không thể cam đoan được rằng họ đã thực sự thay đổi, đã “trả giá” đầy đủ, hoặc đã học được trọn vẹn bài học mà họ cần học hay chưa.

Dù mọi người tỏ vẻ ăn năn hối lỗi, thì việc tha thứ cho ai đó một cách qua-loa, không kiểm chứng đầy đủ, chỉ làm tăng thêm cơ hội để người khác gây tổn thương cho bạn, thêm một lần nữa. Mà lần này, tới phiên bạn phải học bài học về sự tha thứ [dễ dãi] của mình, nhưng trong một trạng thái tồi-tệ [và bạn cảm giác mình ngu-ngốc] hơn.

Bạn, hay bất kì một ai, chỉ nên tha thứ cho người khác, hay cho chính mình, khi đã học được đầy đủ bài học, từ sai lầm, và trả giá đầy đủ, cho sai lầm. Để bước tiếp. Đừng biến mình, hay ai đó, thành “bia đỡ đạn”.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong #congsochuyennghiep

Tôn sư trọng đạo, đối với người thầy, đó không phải là điều hiển nhiên.

Dù mọi người có nói “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, thì thực ra, chữ “thầy” mang ý nghĩa lớn hơn việc chỉ dạy vài con chữ.

Hãy nhìn “tôn sư trọng đạo” ở góc độ đúng đắn hơn, để không bị “ảo tưởng” về ảnh hưởng của nghề nghiệp.

Muốn được tôn trọng, thì đầu tiên phải là “sư”, tức phải được người ta công nhận là “thầy”. Nó bao gồm sự hướng dẫn, dìu dắt, chia sẻ, và đặc biệt, đó là sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn cho sai lầm, kiên nhẫn chờ thay đổi. Kiên nhẫn chờ tới ngày ai đó tìm được đúng “đạo” của họ, mà đôi khi không phải là “đạo” của mình. Kiên nhẫn chấp nhận sự khác biệt. Những người vô dạy được 2-3 bữa, nói vài lời tươi-đẹp, giảng một vài chân lý, không được xem là “sư”. Người khác có kêu mình là “thầy” trong tình huống này, thì cũng chỉ là “thậm xưng” thôi, chứ người ta không thực sự có ý đó đâu.

Sự tôn trọng, là cái bạn phải “giành” được, chứ không tự nhiên mà có.

Nên, nó cũng không xảy ra với tất cả mọi người bạn từng dạy.

Đừng mặc định hễ cứ dạy ai thì hiển nhiên đạt được sự tôn trọng, nhắc lại, “tôn sư trọng đạo”, nó yêu cầu từ ban đầu rằng bạn phải là “sư”, với tất cả việc cần làm ở trên.

Ai đó có thể “thậm xưng”, nhưng bản thân nên tự hiểu rõ rằng với ai, thì mình mới thực sự được coi là người “thầy”.

Chữ “thầy” đó, vốn dĩ rất lớn. Với đầy trách nhiệm. Bạn được tôn trọng, bởi vì bạn phải chịu rất nhiều trách nhiệm.

Không một ai có thể chắc mình luôn luôn đúng, nhưng cũng không một ai cần phải hiểu biết hết mọi điều trên thế giới thì mới được lên tiếng. Mỗi người đều chỉ cần một căn cứ nhất định, nên chuyện khác biệt dựa trên những căn cứ là bình thường. Trong vô vàn trường hợp, các căn cứ đó đều “đúng” như nhau, dựa trên từng góc nhìn và trải nghiệm khác nhau.

Ai cũng có căn cứ của mình, hiểu căn cứ của mọi người rồi xem có thể dung hoà được không, có thể hướng dẫn được không, có thể đi chung đường được không, mới thể hiện trình độ tư duy của bạn. Nó thường đến từ việc đặt câu hỏi trước, chứ chẳng bao giờ đến từ kết luận đã có sẵn trong đầu của mình.

Những người càng thấu hiểu thế giới của mình, thì lại càng dễ dàng quan tâm và dịu dàng với thế giới của người khác. Những người càng khó chịu với thế giới của người khác, thật ra lại là những người rất nông cạn trong thế giới trải nghiệm của chính mình. Cố gắng phát ngôn như kiểu mình đã hiểu hết, đúng hết về thế giới xung quanh, cố gắng bắt mọi người có chung một căn cứ như mình, đây là việc làm hết sức thiển cận. Đặc biệt, càng cố gắng chứng tỏ căn cứ của mình là đúng nhất, thì lại càng dễ gặp khủng hoảng, vì căn cứ của bạn sẽ luôn [có thể] thay đổi theo thời gian.

Đừng cố gắng trở thành người biết tuốt, dù biết nhiều thứ thì rất tốt. Cũng chẳng cần phải đợi mình trở thành người đúng-nhất thế giới thì mới mở miệng. Cái bạn cần, luôn cần, là chấp nhận được sự phong phú và khác biệt của người khác, cũng như không ngừng mở rộng và hoàn thiện hơn thế giới của chính mình.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Những người hay gây phiền-não nhất trên trang với Chó Sói, đó thường là các bạn trẻ từ 28-32 tuổi.

Bởi vì, đối với người bình thường, đây là độ tuổi các bạn bắt đầu đạt được một số thành công nhất định. Vừa lên chức quản lý, mới mua nhà, đang tậu xe, ký hợp đồng lớn, lập gia đình, sinh con…các bạn cũng bắt đầu có kinh nghiệm nhất định, dù là về cuộc sống, hay là về ngành nghề các bạn đang làm việc.

Nên, các bạn tưởng rằng các bạn đã “nhìn thấu hồng trần”. Các bạn nghĩ các bạn đã biết hết bản chất cuộc sống, và cách làm đang đem lại thành công cho các bạn chính là cách làm đúng đắn nhất, nên làm nhất trong đời!

Thật không may, sự thật rốt cuộc lại khác.

Bởi vì, đó không phải là cách nghĩ của những người thật sự trưởng thành.

Khi bạn trưởng thành [hơn], bạn sẽ nhận ra, có rất nhiều cách đúng trên đời. Cách của bạn có thể đúng với bạn, nhưng không đúng với người khác. Bạn biết thế giới không chỉ có đúng-sai, nó còn có đúng-đúng. Bạn sẽ hiểu “hồng trần”, theo kiểu có rất nhiều “hồng trần” khác xung quanh bạn, và bạn luôn phải học hỏi từ đó.

Khi bạn trưởng thành [hơn], bạn sẽ nhận ra, kinh nghiệm của bạn có thể đúng hôm nay, vì nó đã đúng hơn mấy chục năm cuộc đời, nhưng có thể sai vào ngày mai. Thậm chí đã sai vào ngay hôm nay. Bạn sẽ không dán nhãn những kinh nghiệm sống của bạn, theo kiểu “nhà nước là vậy”, “dân kinh doanh là vậy”, “phụ huynh là vậy”, hay thậm chí “Gen Y, Gen Z… là vậy”, chỉ bởi vì bạn làm việc được với một số quan chức nhà nước, hay một số phụ huynh, hay một số nhân viên, hoặc một số đồng nghiệp. Bạn nhận ra, kinh nghiệm là thứ không phải lúc nào cũng hữu dụng. Nó có thể [đã từng] hữu dụng, nhưng cũng là thứ có thể giết-chết bạn, nếu bạn không thay đổi.

Thế nên, trưởng thành hơn, nghĩa là đầu óc luôn rộng mở, và ngày càng rộng mở hơn. Chó Sói hay nói với mọi người, theo thời gian, chỉ có hai dạng người-già: Dạng người càng già càng thông thái, càng mong muốn học hỏi nhiều hơn. Thường xuyên kiểm tra những điều mình đã biết, sâu sắc hơn nữa, và không ngừng học thêm cái mới.

Dạng người còn lại, là càng già càng “lầy”. Càng giỏi biện hộ, càng nhiều lý do. Càng thoái thác trách nhiệm cá nhân, trì trệ, và khi có vấn đề gì đó xảy ra, sẽ lấy tuổi tác ra để nói. Luôn cho rằng mình đã sống đủ, đã nhìn thấy hết, và cho rằng kinh nghiệm của mình là đúng nhất. Nếu không, thì cũng là do mình già rồi, nên thay đổi không còn kịp nữa. Luôn cho rằng tuổi tác chính là chỉ số cho sự khôn ngoan, mà không hiểu được rằng, có những người [tức chính họ], chỉ già đi, chứ không khôn ngoan lên chút nào.

Dạng một, mới là người trưởng thành. Như Chó Sói đã từng viết [tại chương 37 quyển 1], trưởng thành là một cuộc hành trình dài không có điểm dừng, và bạn không được phép dừng. Hãy dùng tất cả ý chí, niềm tin, nỗ lực, sự bền bỉ, tất cả khả năng và nghị lực của bạn, để trưởng thành hơn.

Còn lại, thì chỉ là chớm trưởng thành. Dùng chút ít phần kinh nghiệm có được từ thế giới nhỏ bé của mình, để định hình thế giới bao la rộng lớn ngoài kia phải sống theo ý mình, rốt cuộc chẳng học thêm được gì, mà chỉ già thêm mỗi năm. Sức khoẻ đã yếu, đầu óc tư duy còn tệ hơn.

Chó Sói hy vọng bạn không chỉ “chớm”, rồi dừng lại. Chó Sói hy vọng sẽ luôn gặp được phiên bản trưởng thành của các bạn!

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong #congsochuyennghiep

Mặc dù nói trước mặt thì tốt hơn và “sang” hơn là nói sau lưng, nhưng nói sau lưng không đồng nghĩa với “nói xấu”.

Nếu bạn lùn, thì người ta nói trước mặt bạn rằng bạn lùn hay nói sau lưng bạn rằng bạn lùn, nó đều là sự thật về bạn cả thôi, chứ đâu phải là nói xấu bạn.

Nói xấu phải là nói sai sự thật, còn nếu bạn nghe sự thật dù trước mặt hay sau lưng mà vẫn cảm thấy khó chịu, thì bạn nên làm gì đó với chính mình.

Không chấp nhận được sự thật về bản thân mình, đó đã thường là khởi nguồn của những quyết định sai lầm, mang đến nhiều đau khổ.

Đương nhiên hãy nhớ rằng, cùng một hành vi, thì mỗi người đều có thể chọn một góc nhìn khác nhau, và đó đều là sự thật. Ví dụ bạn đòi tiền người ta, thì việc bạn trở thành người “keo kiệt” hay “sòng phẳng” đều là sự thật. Hãy chấp nhận nhiều sự thật về hành vi của bản thân.

Đối với Chó Sói, nói sau lưng hay trước mặt đều được, miễn là cùng một sự thật. Tất nhiên, trước mặt khen “sòng phẳng” còn sau lưng nói “keo kiệt”, thì đó mới là lối sống kém sang “xấu xa” [xấu xa kiểu người bình thường thôi, cũng không có gì đặc biệt cho lắm để mình phải bận tâm].

Còn nói cùng một sự thật, dù lúc nào ở đâu, cũng đều là sự thật cả thôi. Đừng gán ghép cho người ta là người ta nói xấu bạn, khi người ta chỉ đơn giản là nói sự thật.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congsochuyennghiep