Category

Cẩm Nang Chó Sói

Category

Khi nói về “nhân vô thập toàn”, ý nói bất kì tính cách nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Hoặc thứ là điểm mạnh trong tình huống này thì lại là điểm yếu trong tình huống kia. Còn lựa chọn tầm-bậy lại là chuyện khác.

Lựa chọn tầm-bậy thì phải trả giá. Trả giá thì phải trả cho xong mới được ngước-đầu lên nhìn đời. Có những lựa chọn tệ hại thậm chí trả cả đời còn chưa xong, nên không có gì để thông cảm bằng luận điệu “nhân vô thập toàn” được phát ngôn hết sức bừa bãi!

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congsochuyennghiep

[Thật ra, đàn nào ngoại tình thì cũng giống nhau. Nhưng đàn ông thường hành xử “sang” hơn khi phát hiện phụ nữ ngoại tình, nên bài viết này dành tặng cho những người phụ nữ trước…]

Khi đàn ông ngoại tình, phụ nữ không cần dành thời gian để xem mình đã làm gì sai. Thậm chí dù bạn có làm ngàn điều sai, đó không phải là lý do để đàn ông ngoại tình. Ngoại tình, là một dạng lựa chọn. Nó chỉ thể hiện phẩm chất của đàn ông, chứ không thể hiện phẩm giá của phụ nữ. Nếu bạn là một người phụ nữ tệ hại, đàn ông chỉ cần chấm dứt quan hệ với bạn, chứ không cần phải ngoại tình.

Khi đàn ông ngoại tình, nếu bạn muốn gặp người phụ nữ kia, thì việc nên làm là cám ơn người ta, chứ không phải ghen tuông lồng lộn hay sỉ nhục họ. Bởi vì, họ đã giúp bạn tiết kiệm thời gian, để mau chóng nhận ra mình đang chung sống với loại đàn ông như thế nào.

Khi đàn ông ngoại tình, họ thường đưa ra muôn vàn lý do. Bất kể bạn nghe được điều gì, nó chỉ bao gồm một trong hai nhóm: Nhóm “tại bạn”, và nhóm “tại cô ta”. Nếu bạn muốn tha thứ cho đàn ông, hãy chọn người biết nói “lỗi tại anh tất cả”. Và hãy nhớ, đây là loại tha thứ chỉ nên xảy ra một lần!

Khi đàn ông ngoại tình, phụ nữ phải học cách yêu bản thân mình, gấp ngàn lần so với những ngày trước đó. Và phải chuẩn bị tinh thần để “chọn” tự do. Điều này đặc biệt khó khăn, đối với những phụ nữ chưa thể tự do tài chính, hoặc đang có con. Hãy nhớ rằng, tự do luôn có giá của nó. Và một cuộc hôn nhân tệ hại, thì luôn tổn hại đến trẻ nhỏ gấp hàng vạn lần, so với một cuộc ly dị.

Cuối cùng, khi đàn ông ngoại tình, nghĩa là họ vẫn cần đến người phụ nữ, dù vì mục đích gì. Nhưng nếu phụ nữ đã phát hiện ra, mà vẫn cảm thấy mình không thể sống thiếu kẻ đàn ông ngoại tình, đó là vì phụ nữ đã tự vứt bỏ chính bản thân mình. Đàn ông hay nghĩ “trên đời này thiếu gì phụ nữ”, nên đa phần họ sẵn sàng rời đi khi phát hiện phụ nữ ngoại tình, vì họ xem trọng bản thân mình hơn. Phụ nữ, khi đàn ông ngoại tình, cũng phải suy nghĩ như vậy.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congsochuyennghiep

Hãy cẩn thận khi can thiệp vào cuộc đời của người khác, bất chấp việc bạn tin rằng mình đang làm những điều tốt đẹp!

Nhưng đặc biệt khi bạn dự định dùng niềm tin của mình để gây tổn hại cho người khác, dù họ có biết sự hiện diện của bạn hay không, chắc chắn trong phần lớn thời gian đó không phải là “phúc phận” gì rồi!

Và nếu bạn đã tạo “nghiệp”, thì phải trả giá. Nghiệp khác với bài học. Phạm lỗi lần đầu thường là bài học cảnh tỉnh, nhưng sau đó vẫn quyết tâm không thay đổi gì mà không có căn cứ rõ ràng thì chỉ tạo “nghiệp” thêm cho mình.

Chó Sói hay xài từ “nghiệp” theo cả hai nghĩa. Nếu bạn làm sai thì sẽ phải “trả nghiệp”, nếu bạn bạn làm đúng thì sẽ được “hưởng nghiệp”. Việc trả nghiệp và hưởng nghiệp không cộng chung để chia trung bình! Sẽ rất kì-lạ khi bạn nghĩ rằng: “Nếu em hại 99 người thì em chỉ cần cứu 100 người, như vậy em sẽ dư phần phước của một người!”.

Thậm chí tệ hơn, bạn nghĩ rằng chỉ cần kê lại bàn ghế, để thêm chậu bông, đổi đầu giường, thay màu rèm cửa, hoặc thỉnh bùa hộ mệnh…là có thể giúp bạn khỏi phải trả “nghiệp” do bạn gây ra! [Hoặc ngược lại, thì bạn sẽ mất hết phần “phước” bạn được hưởng chỉ vì cửa nhà bạn không đúng hướng!].

Nghĩ như vậy, thật hết sức khinh thường vũ trụ, hay thế lực siêu nhiên nào đó mà bạn tôn thờ!

Để Chó Sói nói rõ hơn một chút, “vì mình tin như vậy” hay “vì mình có cảm giác vậy” hay “vì ai đó nói vậy”… là những kiểu căn cứ không rõ ràng cho niềm tin của mình. Đây cũng là thứ dễ gây tổn hại cho người khác nhất.

Nếu không có căn cứ cụ thể nào, đừng khuyên bảo hay tư vấn gì cho người khác. Bạn chỉ cần dùng niềm tin của bản thân để sống tốt phần đời [còn lại] của mình.

Sống tốt phần đời của mình là quá đủ rồi, không cần phải tranh thủ “tạo phước phần” thêm! Nếu bạn vẫn [cố tình] chưa hiểu, thì để Chó Sói cho bạn một câu hỏi: “Nếu bạn đã sống đủ tốt, và không có gì phải hối hận, thì “tạo phước phần” thêm để làm gì, nếu không phải là để lấp đầy lòng tham của bạn?”

Vũ trụ, hay bất kì thế lực siêu nhiên nào đó mà bạn tin, nên cho bạn phước phần này bởi vì bạn tham?

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam #congsochuyennghiep

Bất kể bạn tin tưởng vào điều gì, hay vào một thế lực siêu nhiên nào, dù bạn đang theo tôn giáo, hay không theo bất kì một tôn giáo nào, hãy nhớ rằng: bạn không được dùng niềm tin của bản thân mình để gây tổn hại hay can thiệp vào cuộc đời của một người khác.

Không phải lúc nào bạn nghĩ rằng bạn đang “tạo phúc”, thì cũng là tạo phúc, mà có khi là đang “tạo nghiệp”.

Ví dụ: Một người lười biếng không làm gì nên nghèo khó, nhưng lại có những người khác suốt ngày tới từ-thiện cho tiền, thì họ chỉ càng ngày càng lười!

Nên từ thiện, thì cũng phải cân nhắc, chứ không càng làm nhiều “nghiệp” càng chất chồng!

Hay như hôm nay Chó Sói tình cờ bị ép-buộc (vì chưa đi nơi khác được) phải để vào tai lời khuyên của một người-chị-giàu-có-lão-làng cho cậu em trẻ-tuổi-gặp-khó-khăn nào đó, rằng: “Em gặp khó khăn sụp đổ là do vợ em đã sinh ra đứa con “khắc tuổi” vợ chồng em. Em phải cho nó đi khỏi nhà để người khác nuôi, ai nuôi cũng được, như gửi ông bà nuôi, thì sự nghiệp tiền tài của em mới phất lên được. Hãy tin chị!”

Thiệt hết sức phiền với chị và những người tin chị.

Kể cả khi bạn có năng lực giúp cải thiện số phận của người khác, nó cũng không nên được dùng một cách tuỳ tiện, thiếu hiểu biết như vậy. Những người có năng lực thực sự, thường che giấu nó nhiều hơn là suốt ngày đi phô trương. Bởi vì họ hiểu: mỗi một lần can thiệp vào cuộc sống của người khác, họ đều có giá phải trả. Cho dù họ giúp người, nó cũng có giá tương ứng. Họ không dùng nó một cách tuỳ tiện, gặp ai cũng giúp bất chấp lý do!

Nêu nếu bạn gặp những người tuỳ tiện và bất chấp, thì đa phần họ không thực sự có năng lực cải-thiện-số-phận đó!

(Còn tiếp)

#camnangchosoi #camnangdilam #kinhnghiemdilam

Chó Sói xem được một đoạn clip trên mạng, thấy ngạc nhiên khi mọi người đi chỉ trích những bạn trẻ đưa ra câu trả lời rằng họ muốn “hướng tới hạnh phúc” khi chọn một công việc.

Tất nhiên, nhiều bạn trẻ không định nghĩa được thế nào là một “cuộc sống hạnh phúc”, cũng như không hiểu được về nền tảng tự nhiên của bản thân, nên việc chọn lựa công việc để đem lại “hạnh phúc” là khó khó khăn. Nhưng, những người đứng ngoài cười nhạo lý tưởng đó của các bạn trẻ, thì tệ hơn.

Đa phần, là bởi vì họ đã thất bại trước thực tế cuộc sống. Họ bỏ mục tiêu “hạnh phúc” đó [thật ra, họ cũng bỏ vì khúc “tất nhiên” mà Chó Sói đã nói ở trên], nhưng thay vì nhìn nhận thất bại của bản thân, thì họ lại đi chỉ trích và “xỉ vả” những người đang cố gắng.

Khi bạn thất bại, điều đó không có nghĩa rằng những người khác cũng đều sẽ thất bại [tương tự với thành công]. Nhưng khi bạn, dù thất bại hay thành công, theo định nghĩa của chính bạn, về tiền bạc, công việc, cuộc sống…lại cười cợt vào nỗ lực của người khác để sống theo lý tưởng của họ, thì bạn, chắc chắn đã thất bại, về mặt giáo dục. Rộng hơn, thì có thể về mặt nhân cách.

Mà như vậy, thì người nên bị cười nhạo, là chính các bạn.

Nếu bạn vẫn không hiểu Chó Sói đang nói gì, bạn cần có người hướng dẫn thêm.

Nếu bạn đã hiểu Chó Sói muốn nói gì, thì đây là một câu hỏi khác, và quan trọng hơn: “Làm cách nào để đạt [hoặc giữ vững lý tưởng] trước thực tế cuộc sống, đôi khi trái ngược?”.

Để làm được điều này, bạn cần thay đổi về mặt tư duy. Nếu bạn trưởng thành, nó có nghĩa là [trích đoạn Chó Sói từng viết ở chương 47]: “Một giọt nước sạch không thể thay đổi được cả đại dương ô nhiễm. Nhưng cũng chính vì vậy, mà bản thân nó lcàng phải nhớ mình là một giọt nước sạch. Tương tự, bạn không cần thiết hành động để thay đổi thế giới, nhưng cũng đừng để thế giới từ từ khiến bạn biến chất.”

Làm cách nào để bạn không biến chất nhưng vẫn thích nghi được với hiện thực cuộc sống [phũ phàng]?

Điều cần làm là xác định các điểm cân bằng, cũng như giá trị sống. Chó Sói từng nhắc về chuyện này nhiều lần.

Nếu bạn đã làm được, hãy trở thành người hướng dẫn cho thế hệ sau.

Nếu bạn chưa làm được, hoặc đã bỏ cuộc, hãy im lặng để những người khác tiếp tục hành trình sống theo lý tưởng của họ. Đừng cười nhạo nỗ lực của người khác, mà chỉ cần cố gắng tiếp tục sống tốt phần đời còn lại của mình thôi.

#camnangdilam #camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congso

Như Chó Sói có từng viết, quan trọng không phải là bạn đọc được bao nhiêu quyển sách, mà là bạn áp dụng được bao nhiêu điều từ những quyển sách bạn đọc.

Nên, đọc một quyển mà áp dụng nhiều, thì còn hơn đọc trăm ngàn quyển sách mà không áp dụng gì.

Tương tự, quan trọng không phải là bạn “google” ra bao nhiêu kiến thức, mà là chuyện bạn làm cách nào để nhớ, liên hệ nó như thế nào với những điều bạn hiểu, và áp dụng kiến thức đó vào đời sống của bạn nhiều như thế nào.

Nếu không, thì “biết” thêm mọi thứ, phỏng có ích gì?!

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congso

Thế giới, luôn là một thứ rộng lớn.

Bạn, luôn là một phần nhỏ bé.

Bạn, với quan điểm, suy nghĩ, hành vi, niềm tin, tiêu chuẩn riêng, chỉ nên dùng cho chính mình. Bạn nghĩ bạn giỏi và thành công thế nào không quan trọng, đừng dùng suy nghĩ đó để áp đặt lên cuộc sống của người khác.

Cái này, Chó Sói đã từng nói nhiều lần. Nhưng có nhiều người không hiểu. Vì mượn danh nghĩa “quan tâm”, “đấu tranh cho lẽ phải”.

Đó là “lẽ phải” của bạn thôi!

Nên, nếu muốn can thiệp vào thứ rộng lớn kia, hãy đảm bảo sự hiểu biết về “common sense” của mình đã đủ. Thường, nếu hiểu, bạn sẽ thấy đa phần bạn, và nhiều người khác, không đủ.

Thậm chí không biết nó là cái gì.

Nên, nếu mình yếu kém quá, thì chỉ cần căn cứ vào pháp luật. Điều gì không trái pháp luật, thì để yên cho người khác làm. Bạn thấy cái gì tệ, thì đừng làm. Bạn thấy ai không tốt, thì đừng tiếp cận. Sống yên ổn trong thế giới của bạn, vậy là được rồi.

Đừng can thiệp hay tuỳ ý lên án cuộc sống của người khác. Bạn không phải họ, họ không phải bạn. Không ai cần tuân theo tiêu chuẩn riêng của ai cả. Bạn đúng theo ý bạn, và mọi người cũng đúng theo kiểu riêng của mọi người.

Đừng dài tay nữa. Thế giới tự nhiên có cách cân bằng.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam

“Luật sư kì lạ Woo Young Woo” hiện là một bộ phim hay ho, và tách biệt đáng kể so với những bộ phim Hàn hiện tại, vì không đi sâu vào xu hướng “trả thù” hay có một nhân vật phản diện rõ ràng. Đặc biệt, ở tập 3, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra việc chịu áp lực thi cử, học hành, giữ danh hiệu “con nhà người ta”, đối với những người trẻ có thể dẫn đến hậu quả buồn như thế nào.

Lúc trước, khi Chó Sói viết về một sự kiện tương tự, xảy ra vào đầu tháng tư, đã từng nhận xét: “Đó là một tổ hợp đáng buồn: Một thanh niên non dại cùng ba mẹ vô tâm. Tất nhiên người lớn đáng trách hơn chứ, nhưng trách hay không cũng chẳng còn ý nghĩa gì nhiều.”

Lúc đó, rất nhiều nhà đạo-đức-học đã nhảy vào, rồi tính “lồng lộn” lên, rằng “người ta đã buồn rồi còn bị lên án vô tâm, ba mẹ nào mà chẳng thương con.”

Chó Sói trả lời, rằng “vô tâm” ở đây, ý Chó Sói là cái cần quan tâm đã không được quan tâm. Tất nhiên nếu bạn trưởng thành hơn, thì câu “ba mẹ nào mà chẳng thương con” tự nó đã không đúng 100% như vậy rồi. Nhưng, cứ cho là nó đúng 100% về ý định, thì nó cũng thường có nhiều sai sót khi tiến hành hành vi trên thực tế.

Bởi, con trẻ luôn có thế giới riêng. Phải đủ quan tâm, thì mới hiểu được thế giới riêng của con trẻ. Các vị phụ huynh trong bộ phim, không phải không hề “quan tâm” đến con, không lo lắng cho con, hay ngược đãi con cái. Nhưng, họ đã không đủ “quan tâm” để nhận ra những sự thay đổi về tư tưởng, về hành vi, thậm chí khi nó xảy ra chính trong ngôi nhà của mình. Và khi sự việc được kết luận, họ lúc đầu vẫn còn không nhận ra mình đã làm gì sai, và liên tục phủ nhận lỗi lầm từ sự “vô tâm” của mình.

Khi các nhà đạo-đức-học trên mạng nhảy vào tiếp tục, kêu Chó Sói “mượn đau thương để câu view, biết gì mà phán xét”, Chó Sói trả lời: “Làm sai thì phải bị lên án, để học được từ những lỗi lầm.” Không chỉ bản thân người đó, mà những người xung quanh, những hoàn cảnh tương tự, những hành vi tương tự, có thể nhờ đó mà nhận ra được một số bài học từ sự thật. [Tất nhiên, Chó Sói không bàn tới chuyện trang của Chó Sói xưa giờ không cần câu view gì, nhưng các nhà đạo-đức-học bận phán xét trong thế giới của mình quá, nên cũng đâu thấy mình sai gì, nhưng lại bày đặt kêu người khác đang “phán xét”. Có thể, những người đó cũng sẽ hành động rất giống với những bậc phụ huynh trên.]

Chẳng có gì thay thế được sự thật, đặc biệt nên nhận ra việc mình góp phần vào “hậu quả” cao như thế nào. Như Chó Sói đã từng viết, và xin được nhắc lại: “Nếu bạn tham gia vào một việc gì đó, mà nó thất bại, thì ít nhất 50% là lỗi ở bạn.” Hãy tập nhìn nhận về sai lầm của bản thân, dù nó đau đớn, để tiếp tục trưởng thành và tiến về phía trước. Nếu không, bạn sẽ chỉ lập lại lỗi lầm đó dưới một hình thức khác. Bạn đau lòng không là chưa đủ, bạn phải học cách đối diện và nhìn nhận sự thật. Nếu không có [hoặc không còn] cơ hội để xin lỗi, hay mong cầu thứ tha, để cải thiện hành vi, ít nhất, hãy sửa đổi mình từ trong tư tưởng.

#camnangchosoi #kinhnghiemcuocsong

Đối với Chó Sói, nếu bạn nổi tiếng mà không có anti-fan, thì rất kỳ. Nó không cần phải xuất phát từ việc bạn đã làm gì sai. Nó đến từ việc bạn sẽ luôn có quan điểm và cách ứng xử khác với một số người, và chuyện bạn nổi tiếng hơn sẽ khiến họ khó chịu, vì cho rằng quan điểm của bạn sẽ tự nhiên nổi tiếng và ảnh hưởng hơn quan điểm của họ. Chuyện này rất bình thường.

Và anti-fan thường, cũng không có nhiều sức ảnh hưởng, hay cơ hội “tác oai tác quái”, nếu bạn giữ quan điểm một cách nhất quán. Bởi vì, khi bạn nổi tiếng, đó là kết quả của việc bạn có nhiều fan hơn anti-fan, và rất nhiều người, nằm ở nhóm trung lập, biết đến bạn.

Câu chuyện mở rộng các nhóm anti-fan, xuất hiện khi bạn bỗng dưng thay đổi quan điểm, hoặc trước sau bất nhất, khiến nhiều người trung lập, quyết định chuyển thành anti-fan. Cách “xử lý khủng hoảng truyền thông”, theo kiểu mua các nhóm anti, hoặc đe doạ anti-fan, thường là nguyên nhân gây ra việc này. Tức là, bạn không chết vì anti-fan nguyên gốc [tức những người không ưa quan điểm của bạn ngay từ đầu], mà chết vì những người trung lập chuyển qua anti [tức những người không ưa kiểu thiếu nhất quán, trước sau bất nhất của bạn].

Số lượng người trung lập, là rất lớn trong xã hội. Chuyển phần lớn số lượng người trung lập qua anti mình, là một “nghệ thuật của sự không nhất quán”!:)). Sự không nhất quán này, tức thích gì nói đó, không cần biết mình đã nói gì hay làm gì trước đó, thường đến từ cái tôi tự kiêu của những người nổi tiếng [theo kiểu, mình nổi mà, ai làm gì được!], dẫn đến có nhiều người trung lập quyết định tham gia liên minh anti để “làm cho được!” [Như ứng viên nào đó của cuộc bầu cử tổng thống, làm những người trung lập quyết định bỏ phiếu cho người kia chỉ vì quá ghét mình, chứ không phải vì người ta thích thú gì người còn lại!]

#camnangchosoi

Khi ai đó nói với bạn, rằng họ không muốn bạn làm một hành động cụ thể nào đó trong không gian riêng tư của họ, thì chuyện bạn nên làm là tôn trọng ý kiến đó. Bất kể bạn thấy ý kiến đó “đúng đắn” tới đâu, hoặc nó có ý nghĩa cụ thể gì hay không.

Bởi, đó mới là lý do có sự phân biệt về “không gian riêng tư”. Không ai cần giải thích với bạn chuyện họ làm trong không gian riêng tư của họ. Bạn cũng [thường] không được trao quyền để can thiệp vào chuyện đó, dù chỉ là tò mò muốn tìm hiểu động cơ hay thật sự muốn quan tâm tới người khác.

Hãy tôn trọng sự riêng tư của mọi người, để biết giới hạn sự “quan tâm” của bạn.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam #congso