Category

Quyển 2

Category

Chuyện Con-Yêu, giống như chuyện Khải-Siêu, đều bắt đầu khá đơn giản. Có một khách hàng cá nhân phát hiện ra sản phẩm có vấn đề, họ phàn nàn với thương hiệu, họ không được giải quyết thỏa đáng [và cực kỳ chậm chạp]. Họ đợi đến khi không chịu được, họ đưa lên truyền thông, và các Hội, các Cục vào cuộc.

Nhìn vào câu chuyện, ta sẽ thấy ngay một điểm: Quy trình giải quyết vấn đề của cả hai thương hiệu khá tệ.

Tại sao?

Dù hoàn cảnh và hoạt động của doanh nghiệp đặc thù như thế nào, luôn có một nguyên nhân chính cho những sự việc như thế này vỡ lỡ: Đội ngũ dịch vụ khách hàng tệ hại.

Khi người ta lựa chọn một thương hiệu để mua hàng, người ta luôn gửi gắm niềm tin vào đó. Người ta không muốn mình lựa sai. Do đó, khi thương hiệu mình lựa chọn gặp vấn đề, người ta luôn cho thương hiệu đó cơ hội để sửa sai [tức người ta phàn nàn tới thương hiệu]. Trong tâm lý học hành vi, đó gọi là nguyên tắc cam kết và nhất quán. [Nghĩa là chúng ta sẽ luôn cố gắng tới cùng cho lựa chọn của mình đến khi nó không thể “sai” hơn được nữa].

Vậy, chuyện gì đã xảy ra khi người ta cho thương hiệu cơ hội để sửa sai, trước khi bị truyền thông “cấu xé”?

Chó Sói không hiểu hết được về nội bộ bộ phận dịch vụ khách hàng của các thương hiệu này, nhưng cho dù họ nghĩ gì trong đầu, quy trình giải quyết chậm chạp này cho thấy: Họ không coi trọng khách hàng cá nhân, nó đã nằm trong đầu họ từ lâu trước khi câu chuyện xảy ra, và họ đã không được đào tạo đúng đắn.

Tại sao?

Hãy hình dung thương hiệu là Con Voi, và khách hàng cá nhân là Con Kiến. Chắc chắn, bộ phận dịch vụ khách hàng Con Voi cảm thấy không có gì đáng đe dọa từ một vụ phàn nàn Con Kiến [điều vốn xảy ra thường xuyên từ trước đó, do có nhiều khách hàng Con Kiến không đủ quan tâm, không muốn, hoặc không thể, tác động để làm sự việc hoành-tráng lên].

Nên, khi thêm một Con Kiến xuất hiện, bộ phận của Con Voi ghi nhận, nhưng không có động thái đáp trả hợp lý trong một khoảng thời gian hợp lý. Họ tự mặc-định rằng Con Kiến này sẽ giống những Con Kiến kia.

Nhưng, trong một trăm ngàn Con Kiến vô hại, thỉnh thoảng lại xuất hiện vài Con Kiến Lửa. Và Con Kiến Lửa không thích bị phớt lờ. Con Kiến Lửa [dù có mối quan hệ với truyền thông hay đủ thông thái để làm sự việc “bự” ra cho đến khi truyền thông đánh-hơi được mùi-vị] kiên nhẫn dành thời gian trả đũa gắt gao cho đến khi nó cảm thấy thỏa đáng. Độc tố của nó làm tổn thương Con Voi, dữ dội và mạnh mẽ hơn nhiều.

Đến khi vết thương lan ra, và Con Voi đủ cảm nhận được, thì không có cách nào để Con Kiến Lửa ngừng đốt nữa rồi!

Đọc đến đây, bạn tự nhiên sẽ có một câu hỏi: Làm thế nào để phát hiện ra những Con Kiến Lửa ngay từ đầu?

Nếu bạn làm dịch vụ khách hàng, câu trả lời là: bạn gần như không thể biết. Con Kiến Lửa luôn có vẻ ngoài cũng vô hại như Con Kiến.

Vậy phải làm sao?

Câu trả lời là: bạn hãy đối xử với mọi Con Kiến theo kiểu của Con Kiến Lửa. Tức là, khi khách hàng phàn nàn tới bạn, hãy giải quyết nó rốt ráo nhất và trách nhiệm nhất trong khả năng có thể. Khi người ta phàn nàn, đó là cơ hội để bạn cứu Con Voi nhà bạn. Hãy luôn nghĩ, nếu người đó là Con Kiến Lửa, ví dụ như: Khách hàng đó là bạn của tổng giám đốc công ty bạn, bạn có trả lời họ như vậy không, bạn có để họ đợi lâu như vậy không, và bạn nên làm cách gì để không bị đốt?

Trên thực tế, vấn đề còn do một số doanh nghiệp Con Voi tuyển rất nhiều người không phù hợp làm dịch vụ khách hàng (họ có cái tôi lớn hơn cả khách hàng), khiến nhiều trường hợp vốn không nghiêm trọng lại trở nên nghiêm trọng hơn bội phần.

Làm sao để tuyển đúng người làm dịch vụ khách hàng?

Nó cũng là câu hỏi cho mọi bộ phận trong doanh nghiệp, làm cách nào để tuyển đúng người làm công việc cần làm? Như Chó Sói đã từng chia sẻ, có rất nhiều [rất nhiều đấy] người làm tuyển dụng hiện nay có kỹ năng hoặc suy nghĩ không tốt, dẫn đến tỷ lệ tuyển được người phù hợp khá thấp. Nó cũng là một trong những nghịch lý/ sai lầm, mà Chó Sói sẽ đề cập trong những bài sau.

Khi đọc những dòng bên dưới, bất kể thời điểm nào, nếu bạn thốt lên “chắc còn có khả năng khác”, thì Chó Sói phải nói thật với bạn: không có khả năng nào khác. Chỉ có bạn đang tự biện hộ cho chính mình.

Thật không dễ chịu gì khi nhận ra mình thiếu năng lực, nhưng còn tệ hơn nếu mình đã biết mà cố tình phớt lờ đi. Suy cho cùng, bạn tự biện hộ lâu bao nhiêu, bạn càng mất cơ hội phát triển bấy nhiêu. Và người trả giá, đương nhiên là chính bạn. Giống như tiền nợ, bạn càng chậm trả, thì lãi càng tăng.

  1. Khi vị trí bên trên bạn còn trống, nhưng công ty tuyển người khác vào thay thế chứ không thăng chức cho bạn: Ở đây, Chó Sói chỉ nói về vị trí kế cận với bạn. “Thiếu kinh nghiệm”, hay “còn trẻ tuổi” là những lý do thường được đưa ra để biện hộ.

Còn một kiểu nữa, nguy hiểm hơn, “mình có năng lực ngời-ngời mà công ty lại không nhận ra”. Sau khi nói ra, bạn sẽ thấy vấn đề ngay. Nếu bạn đúng, bạn thật tệ vì không biết cách làm cho mọi người nhận ra, nghĩa là bạn không có năng lực như bạn tưởng. Nếu bạn sai, chà, bạn không những thiếu năng lực, mà còn hoang tưởng!

  1. Khi cấp dưới trực tiếp đặt lên bàn bạn đơn nghỉ việc, và đó là ngày đầu tiên bạn biết (hoặc bạn là người biết sau cùng): Nó chứng minh bạn không có được chút tin tưởng nào từ đội ngũ mà bạn đang quản lý. Hoặc bạn quá thiếu tinh tế.
  2. Khi bạn không có đủ thời gian cho những người mà bạn yêu quý (trong đó có bản thân bạn): Bạn quá bận để gặp gia đình, bạn quá bận để gặp bạn bè, bạn quá bận để gặp người yêu, bạn quá bận để đọc sách? Nó chứng tỏ năng lực làm việc của bạn tệ, hoặc bạn chọn sai công việc yêu thích, điều này quá tệ, hoặc bạn nghiện công việc, điều này tệ nhất.
  3. Khi bạn không có đủ tiền để sống: Ở đây chỉ nói về mức sống bình thường, ăn uống bình thường, mua sắm bình thường, theo thu nhập thực tế của địa phương bạn.

Sao gọi là bình thường?

Tất nhiên, định chuẩn tương đối khó. Nhưng có một mức tối thiểu. Nếu bạn không dư được 2 tháng thu nhập trong tài khoản mọi lúc (so với thu nhập bạn tạo ra trong một tháng) thì nghĩa là bạn đang thiếu tiền. (Lưu ý: Lười đến độ không chịu làm việc cũng là một dạng thiếu năng lực, và nếu bạn đang không làm gì, thì bạn nợ 2 tháng lương tối thiểu vùng!)

Vậy còn giải pháp?

Mỗi một thời điểm lại liên quan tới một (chuỗi) giải pháp khác nhau, nên bài viết này không thể đề cập hết. Nhưng điều đầu tiên trong chuỗi giải pháp, là chấp nhận mình đang có vấn đề.

Bạn đã chấp nhận chưa?:)

Tuy hơi kỳ lạ, nhưng nếu bạn từng đi làm ở một số doanh nghiệp tầm trung và lớn trở lên, bạn sẽ nhận ra một trường hợp: Luôn có một người ở chức vụ rất cao mà bạn không thể hiểu nổi!

Không thể hiểu nổi ở đây tức là việc bạn băn khoăn tại sao một người rất tệ không chỉ về mặt quản lý, mà cả về mặt chuyên môn, tệ đến độ không chỉ phòng ban của người đó, mà toàn bộ công ty đều hay biết, chỉ có người thăng chức cho họ là [vờ như] không biết.

Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi thông tin người này được thăng chức lan ra toàn công ty?

Không bàn đến lý do đằng sau việc thăng chức này, đây là những chuyện sẽ xảy ra:

  • Những người ở cùng cấp bậc với người đó sẽ cảm thấy cấp bậc của mình khá mất giá trị.
  • Những người ở dưới cấp bậc người đó sẽ xuất hiện một hiện tượng gọi là “Quy luật của những người kém cỏi”.

Quy luật của những người kém cỏi, do Ben Horowitz đề ra trong quyển “Gian nan chồng chất gian nan”, cho rằng: Với bất kỳ chức danh nào trong một tổ chức lớn, nhân tài ở chức danh đó cuối cùng sẽ tịnh tiến trở thành người kém cỏi nhất với chức danh đó.

Nghĩa là, nếu chị Muỗi là quản lý bán hàng khu vực tệ nhất công ty bạn, thì tất cả cửa hàng trưởng thuộc công ty bạn sẽ chỉ so sánh mình với chị Muỗi, chứ không so sánh với bất kỳ quản lý khu vực nào khác, và ngay khi họ đạt mức năng lực tệ như chị Muỗi, họ sẽ yêu cầu được thăng chức.

Trên thực tế, việc chị Muỗi được thăng lên làm quản lý bán hàng khu vực còn có thế khiến cho những người quản lý bán hàng khu vực khác, không chỉ dừng lại ở việc cảm thấy cấp bậc mình mất giá trị, mà sẽ bắt đầu giảm năng suất xuống cho bằng chị Muỗi, nếu cùng một mức lương.

Tức là, người ta giảm năng suất, hay sự cống hiến cho công ty, để bù đắp cho sự bất công so với chị Muỗi.

Vậy, chúng ta phải giải quyết như thế nào?

Cách đầu tiên, là xây dựng hệ thống thăng chức. Hệ thống này phải đảm báo tính công bằng giữa các phòng ban. Các doanh nghiệp cần một tư vấn giỏi để xem xét về hệ thống thăng chức đang hiện hữu và tìm cách điều chỉnh. Tuy nhiên, việc này hiếm khi xảy ra, vì nếu người chủ/ người điều hành doanh nghiệp đủ tỉnh táo để tìm người tư vấn, họ đã không gặp phải “quy luật của những người kém cỏi” ngay từ đầu.

Cách hai, không phụ thuộc vào người chủ/ người điều hành doanh nghiệp, phải bàn tới kỹ năng quản lý [hay cách ăn ở] của bạn. Nếu nhân viên của bạn đã đạt đến trình độ như chị Muỗi, và yêu cầu thăng chức; bạn phải nhanh chóng chuyển hướng so sánh của họ sang, và chỉ sang: Chính bạn. [Bạn cũng có thể yêu cầu nhân viên của mình ngừng so sánh với người khác, và chỉ tập trung vào công việc. Nhưng họ cũng sẽ xem bạn như thế nào để có thể ngừng so sánh!]

Và nếu như bạn là những nhân viên đang yêu cầu thăng chức?

Chó Sói phải nói ngay với bạn rằng, việc thăng chức hầu như không thành hiện thực. Chị Muỗi đang có một lợi thế [không phải về năng lực] mà rất nhiều người không có được. Sếp của bạn có rất nhiều cách để chuyển hướng câu chuyện.

Nhưng đến khi Sếp bạn không thể nói gì được nữa về chị Muỗi, và thành thật nói với bạn rằng: “Công ty của người chủ đó, họ muốn làm gì làm!”. Bạn chỉ còn hai cách: Hoặc nghỉ việc do không đồng ý với sự bất công, hoặc ở lại sống-chung-với-lũ. [Tất nhiên, những người ở lại sống-chung-với-lũ sẽ bắt đầu tìm cách giảm năng suất và cống hiến lại, cho dù họ không nhận ra.]

Cho nên, thăng chức sai lầm là gián tiếp hại chết công ty, trên diện rất rộng. Có rất nhiều lý do [dù đôi lúc bí ẩn] có thể khiến một số người chủ/ người điều hành vẫn làm chuyện này, nhưng chốt lại, bạn có thể nhận ra họ không còn quan tâm sát sao tới sự phát triển của doanh nghiệp nữa (một trong những khả năng nguy hiểm, là có khi họ sắp bán lại công ty, sắp nghỉ việc hoặc công ty sắp phá sản cũng nên). Vì vậy, khi có dấu hiệu “quy luật của những người kém cỏi” xảy ra, dù bạn ở cấp bậc, cương vị nào, cũng hãy cân nhắc cho mình một sự lựa chọn mới [trước khi trở thành một người khác vì sự bất công].

Chó Sói hiểu rằng không ai trong chúng ta trung thực tuyệt-đối, nhưng rõ ràng rằng chúng ta phải cố gắng để trung thực hơn. Một trong những giải pháp đó, đối với dân công sở, là:

  • Hãy thỏa thuận lương, thưởng hợp lý ngay từ đầu (để tránh cảm thấy bị bất công). Sau đó, tập trung làm việc và đừng so sánh mình với các vị trí khác, hoặc cùng vị trí ở công ty khác.
  • Đọc rõ quy định về sự linh hoạt. Ví như, nếu công ty của bạn Gấu Mỹ chấp nhận chi phí tiếp khách cho cả khách hàng “tiềm năng” (chữ này phải được ghi ra trong quy định), và bạn Gấu Mỹ lấy thông tin đầy đủ từ những người ngồi trong bàn ăn (như tên, tuổi, địa chỉ liên hệ…) và trình bày về sản phẩm (dù sơ lược thôi cũng được) như khi bạn bán hàng, thì điều này chấp nhận được.
  • Cuối cùng, nếu bạn đã có một sự giải-thích linh hoạt nào đó, hãy thông báo với Sếp bạn. Dù đó là tương quan lợi-hại, hay mọi-người-đều-làm. Hãy để Sếp bạn quyết định. Ví dụ trong trường hợp của Chó Sói.

Chó Sói đánh rơi giấy tờ trên đường đến công ty, nên phải làm đơn cớ mất. Đơn có thể in trên mạng rồi điền, hoặc cũng có thể ra tận trụ sở công an phường để điền. Chó Sói nói với Sếp của mình rằng việc ra tận trụ sở rồi chờ điền đơn khá mất thời gian, nên không biết có thể cho Chó Sói tự in bản trên mạng ra rồi điền vào tại công ty hay không. Nếu Sếp đồng ý, Chó Sói sẽ in (giấy của công ty, miễn phí). Nếu Sếp không đồng ý, Chó Sói sẽ tự đến công an phường, và đợi. Chó Sói nghĩ rằng Sếp của Chó Sói tự thấy giờ làm việc của Chó Sói chất lượng hơn so với chi phí 3 tờ giấy in (trong khi ra phường đợi có thể tốn thời gian hơn nhiều), nên Sếp đã đồng ý.

(Hoặc cũng có thể do Chó Sói ăn ở không đến nỗi nào, nên Sếp cho 3 tờ giấy in của công ty. Nhưng việc này rất khó đoán).

Nói cách khác, khi Sếp bạn đồng ý, câu chuyện trung thực được chuyển qua cho Sếp bạn. Và bạn tự do. Ngược bằng họ không đồng ý, cũng đừng cay cú. Có thể không phải vì họ tiếc mấy tờ giấy in cho bạn, mà vì họ có thể có hệ giá trị (hoặc cấp số giả dối) khác bạn rất nhiều.

Bạn có thể cười. Ôi dào mất thời gian! Chó Sói đồng ý với bạn. Như đã nói, chúng ta có thể có hệ giá trị và cấp số giả dối khác nhau rất nhiều.

Nhưng Chó Sói luôn nghĩ rằng, giữ cho bản thân trung thực là một cuộc chiến đấu không đơn giản. Vậy nên, Chó Sói xin kết lại bằng một câu chuyện nhỏ như thế này:

Chắc bạn cũng từng nghe qua, rằng trong mỗi chúng ta, luôn có một cuộc chiến giữa hai con sói. Con Sói Trắng tượng trưng cho những hành động tốt đẹp, và con Sói Đen tượng trưng cho những hành động xấu xa.

Hai con Sói này cắn nhau liên tục mỗi ngày, không ngừng nghỉ. Nhưng điều quan trọng nhất, là con Sói khỏe hơn lại không phải là con giành chiến thắng.

  • Vậy con giành chiến thắng là con nào?
  • Con mà bạn cho nó ăn.

Tất nhiên, như người bạn của Gấu Mỹ, bạn có rất nhiều cách giải-thích linh hoạt:

  • Người bạn của Gấu Mỹ có thể cho rằng trong tương lai nào đó không xa, những người ngồi trong bàn tiệc sẽ trở thành khách hàng của bạn ấy. Và do đó, chi phí này dùng để tiếp khách là có cơ sở.
  • Bạn thì nói rằng việc in tài liệu cá nhân sẽ giúp ích cho tri thức của bạn. Và như vậy gián tiếp giúp ích cho công ty, vì bạn đang làm cho công ty. Những bạn làm tuyển dụng cũng nghĩ tương tự vậy.
  • Và những nhà quản lý sẽ cho rằng tiền bảo hiểm đã trả rồi, nên chi cho nha chu hay làm trắng cũng như nhau.

Sau khi giải thích xong, bạn dừng lại một lúc. Bạn dần thấy nó có lý. Bất kỳ điều gì khiến bạn thoải mái hơn đều giúp bạn đóng góp tốt hơn cho công ty. Và, xa hơn ý tưởng gì đó ban đầu, bạn thấy bạn vốn không-làm-gì-sai. Đây chính là hiện tượng được đề cập trên tiêu đề của chương: “Cấp số giả dối”.

Thuyết cấp số giả dối cho rằng nếu chúng ta muốn hạn chế cảm giác phạm tội, chúng ta phải tìm cách thay đổi phương thức hợp lý hóa hành động của mình. Khi khả năng hợp lý hóa những tham vọng ích kỷ của chúng ta được nâng cao, cấp số giả dối cũng sẽ gia tăng, khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi hành động sai trái và lừa dối. Tương tự như vậy, khi khả năng hợp lý hóa này giảm xuống, chúng ta sẽ cảm thấy khó xử hơn rất nhiều khi hành động sai trái và lừa dối.

Một tương quan mà mọi người, đặc biệt là dân công sở, hay lợi dụng: Đó là tương quan lợi-hại. Theo đó, nếu bạn đem về nhiều lợi nhuận cho công ty trong mỗi hành động, ví như 100.000 VNĐ, thì việc bạn tiêu tốn 10.000 VNĐ (vì bất kỳ lý do gì) cũng không có gì đáng nói. Suy cho cùng, tất cả đều đi làm. Nên miễn bạn đóng góp nhiều hơn so với bạn tiêu tốn, thì công ty cũng nên hiểu.

Và, vì bạn không phải là người cá biệt, mà rất nhiều người xung quanh cũng như vậy. Nên, các công ty cần phải hiểu.

Vậy, các công ty có hiểu?

Với những người điều hành/ chủ doanh nghiệp mà Chó Sói từng được trao đổi, họ hiểu. Họ chấp nhận chuyện đó. Vấn đề là, họ không cho rằng việc đó đúng. Họ cũng đồng ý rằng bạn có giá trị lợi-nhuận, và họ không sa thải bạn khi họ phát hiện ra những hành động 10.000 VNĐ, nhưng họ không cho rằng bạn có giá trị nhân-cách nhiều (tất nhiên, không phải ai cũng dùng từ này).

Cấp số giả dối còn sẽ gia tăng nhiều hơn, trong trường hợp bạn cảm thấy bất công. Ví như bạn cho rằng công ty trả lương quá thấp so với mức đóng góp của bạn. Khi đó, bạn tự giải-thích rằng những tờ giấy in, cây bút, hay tiền tiếp khách, bảo hiểm…là những thứ công ty phải bù cho phần “bất công” kia.

Vậy, chúng ta cần làm gì để trung thực hơn?

Câu trả lời sẽ có ở phần cuối.

Hôm nọ, Chó Sói có hẹn đi ăn cùng một vài người bạn (trong đó có bạn Gấu Mỹ), ở một quán ăn khá có tiếng tại Sài Gòn. Đang ăn uống nửa chừng, thì bỗng dưng xuất hiện một vài người bạn của bạn Gấu Mỹ. Bạn Gấu Mỹ tiện thể mời ăn chung.

Chuyện không có gì đáng nói, cho đến khi tính tiền.

Như thường lệ, Chó Sói đề xuất chia tiền ra, mỗi người trả một phần. Nhưng một người bạn của bạn Gấu Mỹ không đồng ý. Bạn lấy thẻ tín dụng ra đưa cho nhân viên phục vụ, rồi nói để bạn trả tiền, coi như làm quen.

Chó Sói không chịu. Chó Sói bảo rằng Chó Sói không thân với bạn, không có lý do gì xài tiền của bạn.

Bạn bảo Chó Sói đừng lo, vì tiền này không phải của bạn. Bạn sẽ lấy hóa đơn đem về cho công ty tính tiền, coi như là chi phí tiếp khách. Bạn bảo bạn làm chức khá lớn tại công ty, mấy cái này bạn có thể thu xếp được.

Một số người trong bàn tiệc thể hiện sự ngưỡng mộ vì việc làm trên của bạn ấy.

Còn bạn, người đang đọc, thì sao?

Hay câu hỏi quan trọng hơn, bạn có từng làm, hoặc có từng biết ai, cũng đã hành động như vậy chưa?

Và, hành động trên, có được chấp nhận hay không?

Nếu bạn đã và đang đi làm, bạn sẽ nhận ra, tình huống trên xuất hiện rất nhiều. Nó còn nhiều thể hiện khác nữa. Hãy suy nghĩ về điều này. Đồng thời nhẩm đếm trung thực thêm một vài trường hợp bên dưới, nếu bạn đã từng làm:

Như việc bạn lấy giấy và máy in công ty để in tài liệu cá nhân cho bạn.

Hay các bạn làm tuyển dụng lấy phần trăm hoa hồng từ những nhà cung cấp dịch vụ đăng tuyển (như Vietnam-gì-đó, Career-gì-đó…) để lựa chọn dịch vụ của họ.

Thậm chí như rất nhiều nhà quản lý lấy bảo hiểm bệnh nha chu để chi trả cho việc làm trắng răng.

Rồi, bạn còn thấy hành động trên có thể chấp nhận được không? Như bạn sẽ nhận ra, bạn bắt đầu vận dụng thuật ngữ tâm lý mà Chó Sói đã đề cập ở đầu chương, “Cấp số giả dối” để giải-thích cho hành động của bạn.

Bạn giải thích như thế nào? Và vì sao bạn lại giải thích như vậy? Chúng ta sẽ bàn rõ hơn về điều này ở Phần sau.

——————

(*): Cấp số giả dối là một thuật ngữ tâm lý được Dan Ariely đề cập trong tác phẩm “Bản chất của dối trá”.

 

Là một người hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và tư vấn, với tư cách [tự xưng] là một chuyên gia thực dụng về tâm lý học hành vi trong môi trường kinh doanh, Chó Sói có cơ hội tiếp xúc và làm việc với rất nhiều nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp; đồng thời nhận ra kha khá nghịch lý, sai lầm vẫn đang tồn tại trong giới kinh doanh.

Nghịch lý/sai lầm đầu tiên (thường được gọi bằng “Nguyên lý Peter”, do tiến sĩ Laurance J. Peter đề ra vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước), đó là: Một nhân viên [có năng lực chuyên môn] sẽ liên tục được thăng chức cho đến khi đạt đến một vị trí mà anh ta không đủ năng lực để thực thi công việc.

Tức là, cho những người giỏi chuyên môn thăng chức lên làm công việc quản lý. Và, thực tế cho thấy, đa phần họ rất tệ trong vai trò quản lý.

Bởi, như Chó Sói đã từng nói, kỹ năng quản lý và kỹ năng chuyên môn là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau. Bạn không thể từ một Designer giỏi lên làm Giám đốc Sáng tạo, nếu chưa được chứng thực về kỹ năng quản lý.

Nhưng rất nhiều công ty lại có phương cách thăng chức như vậy, dẫn đến việc một người giỏi chuyên môn nhưng thiếu năng lực quản lý chỉ còn hai lựa chọn sau: hoặc nghỉ việc, hoặc thăng chức cho những người thiếu năng lực [quản lý] khác lên, gánh bớt phần công việc của họ, sau đó trở nên lười biếng và trì trệ.

Vậy, làm cách nào để cản bớt nguyên lý Peter?

Điều này không mới, nhưng ít doanh nghiệp làm: Đó là xây dựng hệ thống hạ chức. Trong đó, nhân viên được quyền từ chối thăng chức, và nếu họ có [vô tình hay cố ý] không chịu đựng nổi ở cương vị mới, cho họ hạ chức mà không chịu sự kỳ thị hay trừng phạt nào.

Hoặc, cẩn trọng hơn, là nên thưởng cho nhân viên giỏi chuyên môn bằng cách tăng lương, nhưng giữ nguyên chức vụ. Các nhân viên trước khi lên bậc quản lý cần được trải nghiệm và kiểm chứng về các kỹ năng quản lý, với các hoạt động phù hợp theo từng doanh nghiệp.

Vậy, nếu bạn lỡ là một trong các quản lý được thăng chức theo nguyên lý Peter, bạn phải làm sao? Hoặc, nếu bạn đang phải làm việc với một quản lý như vậy, bạn cần ứng xử như thế nào?

Câu trả lời sẽ đến ở bài sau, kèm theo một nghịch lý và sai lầm khác!

Dám thất bại không đồng nghĩa với việc cứ để mặc cho mình thất bại. Trên thực tế, bạn phải cố gắng tránh thất bại hết mức có thể, để khi thất bại xảy ra, bạn có thể nhanh chóng xác định được một số nguyên nhân chính, thay vì không thể nhận ra nổi một nguyên nhân chủ đạo nào trong mớ bòng bong do sự thiếu chuẩn bị của mình tạo ra.

Rất nhiều ứng viên lựa chọn công ty qua hình ảnh của người phỏng vấn đầu tiên mà họ tiếp xúc. Thế nhưng, rất nhiều công ty lại để một người khá tệ làm người đầu tiên phỏng vấn ứng viên.

Và vui hơn là, người khá tệ đó lại là người đầu tiên kết luận rằng ứng viên không hợp với công ty, trong khi thật ra ứng viên chỉ không hợp với bản thân người đó mà thôi.