Category

Quyển 3

Category

Khi nói về nguồn gốc, ý Chó Sói nói về việc cái vòng luẩn quẩn này bắt đầu khi nào, và do đâu?

Vòng luẩn quẩn này bắt đầu khi mối quan hệ “partnership” giữa Client và Agency đổ vỡ trên-diện-rộng.

Tại sao mối quan hệ này đổ vỡ trên diện rộng?

Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra một sự thật. Rằng theo thời gian và cho tới hiện tại, thì trong khi các Client có xu hướng ngày càng “bự” ra [ví dụ: các công ty hàng tiêu dùng…] thì Agency lại có xu hướng giữ nguyên hoặc “teo” lại, về quy mô. Tức là, không có các Agency đủ lớn và thương hiệu mạnh làm đối trọng với các Client.

Được rồi, Chó Sói hiểu nhiều Agency sẽ nhảy lên phản đối. Các bạn phản đối cũng không sao, các bạn thấy các Agency đang ngày càng lớn mạnh cũng không sao. Lớn mạnh đến nỗi không tuyển được người thì các bạn cũng hiểu rồi nha.

Chính vì các Agency ngày càng “teo” lại [do nhân sự từ chính Agency tự tách ra để chuyển qua làm Client hoặc mở ra một Agency mới], hiệu ứng “miếng bánh Client” không thể được ngăn chặn. Để rồi giống như trong vấn đề tuyển dụng, trên thị trường Client hiện tại cũng đã thành lập nên câu lạc bộ 7080 (4).

Và cơn ác mộng của các Agency đều đến từ những thành viên của câu lạc bộ 7080.

Làm cách nào để chấm dứt cơn ác mộng mang tên Agency?

Giải pháp thì có, nhưng khả thi thì chắc không [nếu nó dễ vậy thì đã không tạo ra tình cảnh ngày hôm nay!].

Một là, có nhiều Agency phát triển đủ mạnh về quy mô để củng cố lại mối quan hệ partnership với Client (hiện tại theo cập nhật ngoại trừ công ty C. chuyên về ý tưởng đã tới được khu vực “quyền từ chối khách hàng” và không bị ảnh hưởng nhiều bởi hiệu ứng “miếng bánh Client”, còn lại thì sẽ mất thời gian khá lâu và không biết có công ty nào còn tiếp tục vươn lên hay không?!), tương lai gần là chuyện không thể xảy ra, tương lai xa là chuyện rất khó xảy ra.

Cách thứ hai là tạo ra liên minh Agency [tập hợp những công ty Agency tốt nhất hiện tại] để chống “phá giá”, tức chặn các Agency bậy-bạ chuyên nhận làm việc theo mục (1). Kết quả từ các Agency bậy bạ sẽ không được công nhận trên thị trường (tương tự như liên minh Big4 của các công ty kiểm toán, dù có nhiều công ty kiểm toán khác trên thị trường). Hãy hình dung liên minh này như liên minh giá của các bến xe, các Agency có thể cạnh tranh về dịch vụ nhưng khi “pitching” không được “down” giá xuống thấp hơn mức quy định của liên minh. Chuyện này hiện tại với các Agency cũng rất khó xảy ra, do hiệu ứng miếng bánh Client đã tác động sâu rộng từ lâu [có những Agency xuất hiện từ sớm, như X. chẳng hạn, nhưng tới giờ vẫn còn luẩn quẩn chạy theo khách hàng ở mục 1, nên liên minh là chuyện gần như bất khả thi!].

Tóm lại, nếu bạn đang làm ở Agency:

Số phận của bạn giống như xổ số, tuỳ thuộc lãnh đạo Agency của bạn chạy theo “miếng bánh Client” đến độ nào. Hãy “deal” lương cho xứng đáng với cơn ác mộng của bạn, hoặc không vào Agency ngay từ đầu.

Nếu bạn đang là lãnh đạo Agency, hoặc “âm mưu” tách ra lập Agency mới từ công ty cũ:

Thật khó để nói bạn “chê” tiền, nhưng nếu bạn không học cách “chê” một số Client, thì sớm hay muộn [và thường sớm], bạn sẽ trở thành “con chuột” chạy luẩn quẩn trong cái vòng bị kiểm soát không thoát ra được [đừng làm công ty X., hãy học trở thành dạng công ty như C. hiện tại, và phát triển hơn nữa].

Nếu bạn đang là Client, hoặc có “âm mưu” chuyển từ Agency qua làm Client:

Đừng lạm quyền, đừng tham gia câu lạc bộ 7080. Hãy dùng chính kiến thức của mình để giảm thiểu các vấn đề từ (1) đến (4), chứ không phải làm nó trầm trọng hơn vì “khi xưa mình cũng bị hành như vậy mà!”

Chúc cho ác mộng không còn tệ nữa!

——–

(4): Trích từ chương 76: “Tuy nhà tuyển dụng không phải là mẹ thiên hạ, nhưng có tới 70% nhà tuyển dụng trên thị trường mang suy nghĩ này, và 80% trong số 70% này đến từ những công ty lớn. Chó Sói hay gọi đây là câu lạc bộ 7080.” Bạn thay chữ “nhà tuyển dụng” thành “Client” là được!

2. Khi Client định ra luôn “giải pháp”:

Về nguyên tắc, thì Client chỉ cần đưa ra “mục tiêu”, Agency mới là bên đề xuất ra “giải pháp”. Thế nhưng, thay vì chọn Agency nào cung cấp “giải pháp” tốt hơn, một số Client lại chọn người quen làm Agency, sau đó can thiệp thô bạo hoặc đưa luôn “giải pháp” và bắt Agency đó phải làm đúng theo như vậy.

“Em phải quay góc đó mới đẹp. Kịch bản phải có câu này mới hay chứ, chị làm lâu năm chị biết!”

Nếu Agency nào lỡ đứng lên phản bác “giải pháp” của Client, tức chỉ ra rằng: “Chị ơi, dù chị làm nhiều năm trong nghề rồi nhưng cái giải pháp này của chị nó kỳ-lạ quá!”, thì y như rằng, mình đang xài con dao hai lưỡi. Nếu không phải “người quen” càng coi như “pitching” (3) cho vui vậy thôi, chứ miếng bánh Client bị “tạp” ngay từ đầu!

Tuy đỡ hơn so với việc đặt ra mục tiêu không tưởng, vấn đề số 2 khiến nhiều Agency mất hết khả năng sáng tạo, chỉ cố gắng tham gia và tiếp cận Client để làm “người quen”. Những nhân viên trong Agency thì hoạt động giống robot, đây cũng là một kiểu ác mộng khác!

3. Vì Agency là nơi nhận lợi ích kinh tế trước:

Agency đương nhiên là đơn vị được nhận tiền trước [thường là một nửa hoặc một phần cọc đủ lớn], cho dù họ chưa sản sinh kết quả, nên Client bù lại muốn họ làm theo ý mình để “đảm bảo” có kết quả sản sinh. Một số đại diện Client thậm chí biết Agency “bùa” số liệu nhưng vẫn cho qua, vì họ chỉ cần trình một-kết-quả-đẹp lên cấp trên, bất chấp nó có đúng hay không, để chứng minh “em đã chi tiền rất đúng chỗ, em thật có năng lực!”.

Cũng chính vì việc này, mà bất kỳ khi nào “cảm nhận” rằng kết quả không được như “dự đoán”, đại diện Client đều có thể chuyển về vấn đề 1 và 2, để buộc Agency phải chấp nhận san sẻ trách nhiệm. Điều này càng đúng khi đại diện Client có “cấp trên” cũng kỳ-lạ.

4. Vì Client là nơi nhận lợi ích kinh tế trong dài hạn, và kết quả đó không phải lúc nào cũng đến từ [hoặc chứng minh được] là có liên kết chặt chẽ với kết quả dự án từ Agency:

Hãy hình dung một đoạn quảng cáo từ Agency sẽ giúp gì cho doanh số bán hàng của Client? Và thậm chí cho dù đoạn quảng cáo đó rất hay? Ai có chuyên môn marketing đều hiểu, hành vi tiêu dùng là một thứ khá phức tạp, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, và các dự án từ Agency chỉ là một trong các yếu tố đó thôi.

Thế nên, cho dù Agency làm rất tệ [ví dụ: quảng cáo quá dở] thì người tiêu dùng vẫn có thể chọn sản phẩm của thương hiệu, vì nó đủ tốt. Ngược lại, cho dù Agency tạo ra kết quả siêu cao [ví dụ: độ nhận diện thương hiệu và số lượng người tiếp cận tăng cao hơn] thì người tiêu dùng vẫn có thể không chọn thương hiệu, vì nó không đủ tốt [hãy hình dung các kiểu quảng cáo đánh vào “lòng yêu nước”].

Tức là?

Tức là, một lần nữa, “quyền định giá” thuộc về Client. Đặc biệt, Client càng có vị thế trên thị trường [ví dụ các tập đoàn hàng tiêu dùng] thì bất chấp Agency có làm gì, lượng tiêu thụ hàng hoá của họ vẫn rất tốt. Thế nên, đây cũng là lý do mà rất nhiều Agency bất chấp tất cả để làm với các Client lớn, vì họ được đảm bảo về mặt kết quả [tức doanh số sau các dự án], bất chấp họ có tâm có tầm gì với Client hay không.

Nếu bạn đã đọc xong, và đọc kỹ bốn vấn đề vừa rồi, câu hỏi còn lại sẽ là “Có cách nào khả dĩ để giải quyết triệt để vấn-nạn này?”

Cái đó, thì chúng ta phải đi ngược lại từ nguồn gốc.

[Còn tiếp]

(3): Thuật ngữ “pitching” được hiểu là việc tham giao vào buổi trình bày ý tưởng dựa trên brief [tức yêu cầu sơ khởi] từ phía Client của các Agency, giống hoạt động “đấu giá” nhưng chú trọng về mặt ý tưởng nhiều hơn.

#camnangdilam #kinhnghiemdilam

Vốn dĩ, bản chất [và xuất phát điểm] của mối quan hệ Client – Agency là mối quan hệ “partnership” (cộng sự hoặc đối tác), trong đó hai bên phối hợp cùng nhau để đạt được lợi ích chung. Việc hợp tác được tiến hành theo phương thức Client cung cấp “mục tiêu”, còn Agency cung cấp “giải pháp”, sau đó Agency sẽ nhận lợi ích kinh tế trong “ngắn hạn” trước, còn Client sẽ nhận được lợi ích kinh tế về “dài hạn” sau. Đáng lẽ, hệ thống này phải vận hành khá suôn sẻ vì bản chất “win-win” [hai bên cùng thắng] của nó, nhưng khi bốn nhóm vấn đề sau xuất hiện [và bây giờ nó xuất hiện rất nhiều], cộng thêm hiệu ứng “miếng bánh Client” trong từng mục, thì cái vòng hỗn mang của cơn ác mộng tại Agency bắt đầu:

  1. Khi Client đặt ra các mục tiêu không tưởng:

Do trình độ marketing đôi khi khá kỳ-lạ của người đại diện cho Client [đến mức đôi lúc các bạn Account (1) phải bần thần nhận xét chắc người này thuộc dạng COCC (2) gì đó, chứ đẳng-cấp-kiến-thức này sao ngồi tại vị trí đó được!], nhiều Agency thường nhận được các “mục tiêu” không tưởng từ phía khách hàng [ví dụ chạy một cái quảng cáo nhưng phải cho ra 1000 đơn hàng chẳng hạn], và bắt Agency đưa ra “giải pháp” để đạt được mục tiêu. Nếu bạn là lãnh đạo Agency, bạn nên làm gì trong tình huống này?

Chuyện bình thường xảy ra, với mức độ không tưởng này, là các Agency phải từ chối [vì không thể thực hiện được]. Nhưng, vấn đề là không phải mọi Agency đều từ chối, bất chấp sự không tưởng của mục tiêu. Khi các Agency, hoặc lớn hoặc đủ có tâm, từ chối, thì ngay lập tức có một lô-lốc các Agency nhỏ hơn từ đâu xuất hiện, nhảy vào cắn “miếng bánh Client” mà những Agency bự và có tâm kia vừa buông bỏ.

Các Agency bậy-bạ này có đạt được mục tiêu đó không?

Câu trả lời đương nhiên là không.

Vậy tại sao họ vẫn nhận?

Lý do đơn giản thường nằm trong 1 đến 2 mục bên dưới:

Mục 1: Họ quyết tâm và tin tưởng vào khả năng “bùa” số liệu gửi cho Client. Thêm vào đó, hãy hình dung với đẳng-cấp-kiến-thức kỳ lạ của một số đại diện Client, họ vẫn được cho “qua phà”, tức đạt được mục tiêu không tưởng [hài hước ghê]!

Mục 2: Họ chỉ cần “ăn” một nửa tiền dự án [hoặc tiền đặt cọc nếu đủ lớn], rồi sau đó chuyện ra sao thì ra. Cũng bởi vì, họ quá nhỏ [hoặc quá thiếu tâm] trên thị trường, nên thất bại cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới “danh tiếng”, thứ mà họ chưa có. Bù lại, cho dù có thất bại, thì trong “profile” công ty, vẫn sẽ có tên Client. “Chúng tôi từng hợp tác với tập đoàn N.” chẳng hạn, cho dù việc hợp tác đã thất bại, thì chúng tôi vẫn đã từng làm việc với tập đoàn N. đó nha [hài hước đợt 2]!

Đương nhiên, đôi khi cũng có mục 3, tức lãnh đạo Agency bậy-bạ có cùng trình độ marketing với người đại diện Client, nên mục tiêu đó chẳng có gì là không tưởng [kinh-hoàng thật sự]. Nhưng, dưới trải nghiệm của Chó Sói, thì tỷ lệ lãnh đạo này không tới 4%, vì dù gì lãnh đạo Agency đa phần là người có chuyên môn marketing nhất định mới lập nên được công ty [dù lớn hay nhỏ].

Vậy, giờ hãy hình dung bạn là nhân viên của ban lãnh đạo Agency bậy-bạ vừa cắn được một “miếng bánh Client”, và phải thực hiện “cho bằng được” cái mục tiêu không tưởng?

Bạn sẽ làm gì?

Cho dù bạn định làm gì, Chó Sói cũng xin chúc-mừng bạn.

Phải, Chó Sói chỉ có thể nói, chúc-mừng bạn! Bạn có thể chọn theo mục 1, hoặc 2, chỉ khác là ở cương vị [là nhân viên] của bạn thì mục 1 hên xui, mục 2 có khi không được nhận lương đâu nhé!

[Còn tiếp]

(1): Ý chỉ người quản lý tài khoản hoặc dự án cho từng khách hàng.
(2): Con ông cháu cha (Tất nhiên)!

#camnangdilam #kinhnghiemdilam

Những ngày này, nếu dạo qua các trang tuyển dụng, đặc biệt là tuyển dụng dành cho Agency (ý chỉ những công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo, hoạt động nhằm mục đích cung cấp dịch vụ tiếp thị quảng cáo cho các công ty khác), chúng ta dễ dàng nhìn thấy một sự mâu thuẫn “không hề nhẹ”: bất chấp ngày càng nhiều người thất nghiệp do dịch bệnh kéo dài, thì lượng vị trí công việc để trống tại các Agency vẫn rất đông, hay phải nói là: rất rất đông.

Điều này có ý nghĩa gì?

Nó có ý nghĩa, rằng bất chấp việc thất nghiệp, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực marketing đều không mặn mà gì với chuyện làm việc cho Agency. Người-trẻ đã không mặn mà, người-già lại càng muốn tránh.

Tại vì sao?

Bởi vì, với những người đã làm, thậm chí với những người đang làm [tại các Agency], khoảng thời gian làm việc thực sự là một cơn ác mộng đối với họ. OT [ý chỉ việc phải tăng ca] quá nhiều, không còn khái niệm cuộc sống cá nhân, vì ban đêm hay cuối tuần đều phải nhận việc. Đầu xù tóc rối, lương [nếu gọi là để đánh đổi] thì hoàn toàn không tương xứng với thời gian bỏ ra [nhất là với nhan sắc sau đó!]. Đặc biệt, là hay bị chèn ép từ chính nội bộ, tức từ đội ngũ lãnh đạo của các Agency.

Tại sao lãnh đạo của các Agency lại tàn-phá nhân sự của chính mình, để đến thảm cảnh đầy vị trí bỏ trống “ngổn ngang” trên các trang tuyển dụng?

Tất nhiên, những người trong nghề đều hiểu, nó xuất phát từ một nhân vật còn “cao” hơn lãnh đạo của các Agency. Thực chất của cơn ác mộng, mang tên Agency, là do nhân vật quyền lực [và đương nhiên đa phần rất kỳ-dị] này: Các anh/chị Client [tức các khách hàng của Agency].

Phải, các anh/chị Client, trong đó có những người xuất thân từ chính Agency, đã tạo nên một vòng hỗn mang và luẩn quẩn của cơn ác mộng, mà đến bây giờ những người làm ở đó, và cả những người đã nghỉ việc, vẫn không thoát ra được.

Cái vòng luẩn quẩn này xuất hiện từ đâu? Và như thế nào?

Hãy cùng bàn về một hiện tượng, mà Chó Sói hay gọi cho câu chuyện luẩn quẩn này, mang tên: hiệu ứng “miếng bánh Client”.

[Còn tiếp]

#camnangdilam #kinhnghiemdilam

Thế nên, chính trị, cũng giống như rất nhiều thứ bình thường khác trong cuộc sống này, đều có ưu và khuyết điểm tùy theo tình huống. Việc chúng ta hành động vì lợi ích [đúng đắn], hành động vì niềm tin và sở thích riêng, là hành động chính trị dính tới bản chất của con người, nên không thể thay đổi. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn phát huy ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của chính trị mà thôi.

Chính vì vậy, khẩu hiệu “No Politics”, nghe có vẻ tươi đẹp, giống như “hãy tin tưởng tất cả mọi người”, thật ra chỉ là một kiểu khẩu hiệu sáo rỗng và vô nghĩa, hơi hướng mị-dân [đặc biệt nếu được phổ biến nhiều lần cho các thành viên trong công ty hoặc trong đội ngũ]. Không phải vì chúng ta nghĩ thứ gì đó xấu xa, thì bản chất của nó cũng là như vậy. Bản chất sẽ luôn là bản chất, bất chấp việc chúng ta cố ý viện dẫn nó theo một kiểu [tươi đẹp hoặc xấu xa] khác.

Nên chính trị, cũng phải biết phân định để nhận ra loại đúng, loại sai [chính trị hợp lý, hợp tình], xét trong từng hoàn cảnh. Không thể bất chấp đúng sai và “kiên quyết” [ngoan cố] nói “không” với chính trị.

Nhắc lại, điều chúng ta có thể làm, thực tế, cuộc sống và con người hơn, là tìm cách đúng đắn để phát huy ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của nó.

Phát huy ưu điểm, nghĩa là tìm hiểu về con người, cân nhắc động cơ chính trị của họ, xem nó có phù hợp với giá trị và đường hướng phát triển của doanh nghiệp, hoặc của người điều hành hay không [bạn có thể không thích ai đó hành động vì tiền, nhưng không có nghĩa động cơ này của họ là xấu xa], để khuyến khích sự phát triển trong đội ngũ [các động cơ khác nhau sẽ tạo ra mâu thuẫn và cũng là điền đề của sự phát triển].

Hạn chế khuyết điểm, tương tự là loại bỏ sự không phù hợp. Điều này liên quan tới khả năng định lượng và tiên đoán của bạn, trên cương vị người điều hành và lãnh đạo doanh nghiệp, vì nó có nghĩa rằng bạn phải nhận định để lựa chọn loại mâu thuẫn nào sẽ khiến đội ngũ không thể [hoặc kém] phát triển, và loại mâu thuẫn nào khiến đội ngũ, ngược lại, còn linh hoạt, tăng tính thấu hiểu và rực rỡ hơn, tương ứng với từng giai đoạn phát triển của đội ngũ.

Chúc bạn chính trị đúng!

#camnangchosoi #yeudancongso #kinhnghiemdilam

Để có câu trả lời đúng đắn nhất, như thường lệ, chúng ta cần đi ngược tìm về định nghĩa của chính trị. Dù có nhiều cách triển khai khác nhau và khác biệt đôi lúc ở một số hệ thống, tất cả học giả [nhà kinh tế, triết gia…], đều đồng tình về khía cạnh định nghĩa này của “chính trị”: chính trị là các hoạt động nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích. Chính trị là lợi ích, là quan hệ lợi ích và là đấu tranh cho lợi ích. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Mở rộng hơn nữa, chính trị là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó.

Từ định nghĩa, chúng ta sẽ thấy được ngay vấn đề. Nếu bạn đang mở doanh nghiệp, thì tức là bạn đang làm kinh tế, cũng tức là, bạn đang làm chính trị. Việc tiêu diệt chính trị, cũng tức là tiêu diệt kinh tế, nghĩa là bạn đang điều hành doanh nghiệp, nhưng lại muốn giết chết doanh nghiệp của mình?!

Nếu bạn ít “hạt”, tức yếu về logic, [hoặc vẫn còn ngây thơ, hay cố tình lý-tưởng-hoá], Chó Sói sẽ cho bạn thêm một ví dụ nữa.

Hãy hình dùng tình huống này: Bạn được thăng chức từ trưởng phòng lên làm giám đốc. Do vị trí trưởng phòng còn trống, bạn đang cân nhắc xem giữa anh Hà Mã và chị Ngựa Vằn, hai phó phòng hiện tại, ai là người thích hợp cho vị trí này hơn.

Anh Hà Mã đang phụ trách một team [ví dụ: facebook ads], là người có năng lực, đã làm ở công ty được 5 năm. Vợ anh thường thắc mắc vì sao anh có năng lực vậy mà hoài chưa được thăng chức, nên đây là cơ hội để anh chứng tỏ năng lực của mình với vợ con, sau 5 năm cống hiến cho công ty.

Chị Ngựa Vằn cũng đang phụ trách một team [ví dụ: google ads], là người có năng lực, đã làm ở công ty được 3 năm. Chị làm mẹ đơn thân nên cần tài chính tốt để nuôi con, và việc thăng chức này sẽ giúp chị có nền tảng tốt hơn về tài chính, để lo cho con của mình.

Khi vị trí trống được công bố, cuộc đua chỉ có hai ứng viên này. Nhưng bạn, vốn nghĩ rằng mình rất sáng-suốt, đã tuyên bố rằng, bạn là người không làm chính trị, nên không cần biết đúng sai, ai có hành động chính trị trước để lên được vị trí trống, bạn sẽ thẳng tay đuổi việc người đó.

Bạn có sáng-suốt như bạn nghĩ không?

Bất chấp bạn nghĩ bạn giỏi, hay bạn đang nghĩ gì, thì tuyên bố “ai có hành động chính trị trước” của bạn, chính là một hành động chính trị, vì nó đang phục vụ cho lợi ích của bạn. Nên, tuyên bố rằng bạn “không làm chính trị”, thực ra là một tuyên bố hài-hước, vì bạn không hiểu rõ “chính trị” nghĩa là gì. Đứng ở vị trí càng cao, mà càng không hiểu rõ bản chất vấn đề, đối với Chó Sói là một việc hết sức đáng quan ngại. Chó Sói hiểu rằng bạn có ý tốt [bạn đang muốn nói về chính trị kiểu xấu xa theo định nghĩa riêng của bạn cơ], và nhiều người chắc đang ngưỡng mộ ý tốt của bạn về việc xây dựng một công sở không chính trị kiểu Utopia (*). Nhưng ngưỡng mộ ý tốt thì cũng được, và tuỳ lựa chọn của mỗi người, bạn vẫn chắc chắc không thể được xem là người giỏi về bản chất, tư duy logic hay lập luận được!

Hãy hình dung tiếp sự sáng-suốt của bạn:

Anh Hà Mã sẽ tiến hành họp team, để củng cố năng lực làm việc, và vận động mọi người ủng hộ anh. Chưa cần bàn việc anh bày “team” làm chuyện gì xấu xa, anh chỉ hy vọng được ủng hộ về mặt tinh thần để tiếp tục giành lấy cơ hội. Vậy, đây là một kiểu hành động chính trị. Anh không làm gì xấu, anh đang làm “chính trị” đúng. Nhưng như tuyên bố đầy sáng-suốt của bạn, bạn đâu có phân biệt đúng sai, ai có hành động chính trị trước là bạn đuổi thôi mà. Vậy là bạn sẽ đuổi anh Hà Mã?

Rồi nếu chị Ngựa Vằn cũng họp team tương tự, và bàn thảo về chuyện này, cùng một lúc với anh Hà Mã, bạn sẽ đuổi luôn chị Ngựa Vằn?

Vậy bạn có hiểu, người đang tạo “thị phi” nhất lúc này, là ai không? Người đang khiến cho mọi chuyện “chính trị” hơn, và thậm chí “ngu ngốc” hơn, là ai không?

Và nếu bạn không làm vậy?

Vậy tuyên bố ban đầu của bạn là gì? Bạn có hiểu nó sẽ dẫn đến chuyện gì không? Bạn có hiểu logic của điều bạn nói, với chuyện bạn buộc phải làm, để cân nhắc về bản chất của nó không?

Bạn thực sự xuất-chúng như bạn nghĩ?

Và nếu ai đó vẫn đang nói những điều kỳ-dị như vậy với bạn, mà bạn vẫn nghĩ họ xuất-chúng? Chúc mừng bạn (!), Chó Sói hy vọng bạn dành thêm thời gian để “tưới nước” về tư duy logic và lập luận bản chất.

(Còn tiếp)

(*): Utopia là thuật ngữ chỉ một nơi mà mọi người sống với nhau bình đẳng, không có tư hữu, không có giàu nghèo, không có lợi ích, không có mâu thuẫn, tất cả cùng lao động và cùng hưởng hạnh phúc.

#camnangchosoi #kinhnghiemdilam

Trong quyển sách đầu tiên, Chó Sói có viết một chương đặc biệt, để bàn về cách đối phó với chính trị nơi công sở. Một vài bạn, đặc biệt là một số nhà điều hành cấp cao, và quản lý doanh nghiệp, đã hỏi Chó Sói rằng: Thay vì “đối phó” với chính trị công sở, sao mình không tìm cách “tiêu diệt” nó, để nơi làm việc trở thành một chốn tốt đẹp hơn?

Tức là, nếu mình là một người lãnh đạo tài giỏi, có giá trị đạo đức, biết phân định đúng sai, thì mình sẽ biết sa thải những người cố tình gây ra “thị phi”, để nơi làm việc của mình không còn tồn tại chính trị công sở nữa.

Chó Sói cười, bảo, nếu bạn nghĩ như vậy, thì bạn không phải là nhà lãnh đạo tài giỏi đâu. Bạn chỉ có thể thành nhà lãnh đạo ngây-thơ, hoặc nhà lãnh đạo lý-tưởng-hoá, tức phi thực tế, đặc biệt nếu công ty của bạn có từ 10 người trở lên và có phân cấp bậc [tức bạn “tưởng” công ty của bạn không có chính trị].

Tại sao chúng ta, dù là nhà lãnh đạo xuất chúng đến độ nào, cũng không thể “tiêu diệt” chính trị công sở?

Bởi vì, không phải chỉ người-xấu mới dùng đến chính trị, mà cả người-tốt cũng vậy. Chính trị xuất phát từ tâm lý con người, và chỉ nơi nào không có con người, thì nơi đó mới không có chính trị.

Nếu bạn chưa mường tượng được điều Chó Sói nói, hoặc nếu bạn đang nghe ai đó nói, và nó khác với điều Chó Sói vừa nói ở trên, hãy dừng lại một chút. Bạn có phải là một người ngây thơ, hay lý-tưởng-hoá không?

Nếu đúng, bạn nên dừng đọc. Những điều tiếp theo sẽ làm bạn đau-lòng, và bớt “yêu” cuộc sống hơn một chút (dù đó mới là cuộc sống theo đúng nghĩa của nó).

Nếu không, chúng ta sẽ đi vào sự thật phũ phàng (*) này. Tức trả lời rõ ràng hơn câu hỏi: Tại sao chúng ta, dù là nhà lãnh đạo xuất chúng đến độ nào, cũng không thể “tiêu diệt” chính trị công sở?

(Còn tiếp)

(*): Theo một số từ điển, xuất phát điểm là từ “phủ phàng” (ý nói về chính tả).

#camnangdilam #yeudancongso #kinhnghiemdilam

[Dành tặng cho các bạn trẻ, hoặc tuổi lớn nhưng tâm hồn trẻ, vì còn yêu-đời, hoặc tỏ ra nguy hiểm hay thần-thánh-hoá con người]

[Những bạn chưa đọc chương 106 có thể bỏ qua bài viết này, hoặc đọc chương đó trước khi bắt đầu đọc bài viết nhé]

Mọi hôm thì Chó Sói sẽ không rảnh để giải đáp từ vựng, với lý do [khuyến khích] những độc giả của trang này “tưới nước” nhiều hơn để phân tích vấn đề, bao gồm cả ngôn ngữ. Sau bài viết hôm qua, có một số bạn trẻ vào comment và inbox hỏi han, thậm chí lên-án, về cách chọn từ “nghi ngờ”, cho rằng nó quá tiêu-cực, đáng lẽ theo ý các bạn thì phải xài từ “quan tâm”, mà hôm nay Chó Sói lại rảnh, nên để Chó Sói viết [hướng dẫn] phân tích về cách chọn từ vựng cho các bạn.

Đầu tiên, tại sao “nghi ngờ” lại gắn với tiêu cực?

Thật ra, nghi ngờ là một từ trung lập [theo định nghĩa trong từ điển, thì nó đơn giản là: Không tin (nói khái quát). Tâm lý học hơn, thì “Nghi ngờ là một trạng thái tinh thần, trong đó tâm trí phải đứng giữa hai hoặc nhiều đề xuất mâu thuẫn, không thể chấp nhận bất kỳ đề xuất nào trong số đó. Nghi ngờ về mức độ tình cảm là sự thiếu quyết đoán giữa tin tưởng và không tin. Nó có thể liên quan đến sự không chắc chắnkhông tin tưởng hoặc thiếu niềm tin vào một số sự kiện, hành động, động cơ hoặc quyết định nào đó. Nghi ngờ có thể dẫn đến trì hoãn hoặc từ chối hành động liên quan do lo ngại sẽ hành động sai lầm hoặc sẽ bỏ lỡ cơ hội.]

Vậy, như định nghĩa, rõ ràng nghi ngờ không gắn với bất kỳ chữ “tiêu cực” nào ở đây. Những người hay gắn nó với chữ tiêu cực, là bởi vì họ thường hành xử tiêu cực sau khi nghi ngờ.

Hãy hình dung tình huống này:

Trong mặt sau điện thoại của bạn có một tờ 500.000 VNĐ. Bạn cho con bạn mượn điện thoại chơi game. Sau đó bạn phát hiện tờ 500.000 biến mất. Bạn sẽ làm gì? Hoặc bạn đang nghĩ gì?

Đầu tiên, bạn sẽ nghi ngờ con bạn đã lấy mất tờ tiền. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu xem xét xem con bạn xưa giờ có tính hay lấy đồ không? Nếu không, bạn sẽ băn khoăn con bạn lấy tiền để làm gì? Sau đó, bạn [thường] sẽ lôi con bạn vào để hỏi chuyện. Nếu con bạn thừa nhận, đương nhiên có hình phạt.  Nhưng nếu con bạn kiên quyết không nhận?

Lúc này, việc đưa ra hình phạt là rất tiêu cực. Bởi vì bạn không có bằng chứng. Giả sử như con bạn nói: Lúc con cầm điện thoại thì đã không có tờ tiền nào rồi, ba [mẹ] coi lại coi có rớt mất chỗ nào không?

Bạn sẽ làm gì?

Đương nhiên, nếu bạn có trí nhớ không tốt lắm, lúc này bạn sẽ nghi ngờ bản thân của bạn. Liệu có khi nào bạn đã quên không ta?

Bạn sẽ làm gì tiếp theo?

Nếu bạn vẫn kiên quyết phạt con bạn, thì đúng là rất rất tiêu cực.

Nhưng như một số phụ huynh không tiêu cực lắm, thông thường, bạn sẽ tiếp tục để ý quan sát con bạn, để xem có xuất hiện điều gì mới không? [Ví dụ: một đồ chơi mới bỗng xuất hiện]. Nếu có, thì bạn sẽ lại lôi con bạn vào để hỏi chuyện [làm sao con mua được đồ chơi này?]. Nếu con bạn thừa nhận, đương nhiên có hình phạt. Nhưng nếu con bạn vẫn không xuất hiện bất kỳ điều mới nào?

Lúc này, bạn thường đưa ra ba lựa chọn. Hoặc để ý tiếp, hoặc bỏ qua luôn [đặc biệt nếu bạn nghi ngờ bản thân nhiều], hoặc đưa ra một bài thử nghiệm về tính lấy đồ của con bạn.

Dành cho những bạn trẻ của chúng ta.

Hãy thay từ “quan tâm” của bạn vào từ “nghi ngờ” trong đoạn nói trên. Bạn thấy nó có hợp lý không?

Hãy hiểu rằng, nghi ngờ là một phần tâm lý của con người. Câu “một mất mười ngờ” không phải tự nhiên được đúc kết. Nhưng hãy nhìn tình huống ở trên. Nếu bạn nghi rồi hỏi han, nghi rồi phân tích, thì rõ ràng chẳng có tiêu cực gì. Nhưng nếu bạn kiên quyết phạt con vì nghi ngờ [dù không có bằng chứng trực tiếp] thì đó là lúc chữ đó bị tiêu cực. Nó không tiêu cực vì nghĩa của nó, nó tiêu cực vì cách hành xử lỗ mãng của bạn sau khi nghi ngờ.

Bạn quyết định không nghi ngờ, dù mất tiền? Bạn tự cho rằng con bạn không lấy tiền đâu, chắc bạn đã bỏ quên? Hoặc bạn quyết định “quan tâm” con nhiều hơn vì cho rằng ngay cả khi con bạn lấy tiền, con bạn chắc đã có một động cơ đúng-đắn nào đó, vì đó là con của bạn, bạn tuyệt-vời như vậy mà?(!)

Đây chính là chuyên mục thần-thánh-hoá con người mà Chó Sói có đề cập ở dòng đầu tiên. Nó cũng chính là chuyên mục thờ ơ về động cơ, hoặc nhu cầu. Hậu quả thì chắc ai có chút thông minh cũng hiểu.

Rồi, chứ cho là bạn cố gắng xài từ “quan tâm” trong đoạn trên, vì đó là con bạn. Quan tâm để hỏi han, quan tâm để phân tích.

Cùng ví dụ, nhưng nếu đó là một người giúp việc mới vừa làm được 1 ngày?

Bạn vẫn tiếp tục xài từ “quan tâm”?

Hãy hiểu rằng, Chó Sói xài từ “nghi ngờ” là bởi vì nó rộng hơn [và đúng hơn], cả về mặt tâm lý hành vi, trong mọi tình huống. Chúng ta có thể xài từ “quan tâm” cho người thân [quen] một cách gượng-ép, nhưng rõ ràng chúng ta sẽ xài từ “nghi ngờ” dành cho người lạ.

Bạn vẫn “quan tâm” đến 1 người lạ bạn vừa gặp 1 ngày?

Chúc mừng bạn, cuộc sống của bạn thật tươi đẹp. Không còn “nghi ngờ” gì nữa. Chó Sói quả nhiên không sống cùng thế giới với bạn.

Chó Sói là người bình thường thôi, không phải thần-thánh gì đâu!:))

P.s: Gửi các bạn trẻ của Chó Sói, đặc biệt là các bạn trẻ luôn tỏ ra nguy hiểm,

Hãy tìm hiểu bản chất của từ ngữ, hay vấn đề, trước khi định bình luận nguy-hiểm gì, dù là ở đâu nha các bạn ơi!:))

#camnangchosoi

 

Nghe có vẻ cực đoan, khi bạn vô tình đọc phải tiêu đề. Nhưng, ý Chó Sói chính xác là như vậy. Hãy nghi ngờ mọi người, đặc biệt khi họ ở gần bên bạn.

Tại sao lại phải nghi ngờ người khác?

Khi một ai đó bỗng dưng thay đổi, khi một ai đó tốt với bạn, khi một ai đó làm một hành động nào đó, tại sao chúng ta nên để tâm? Tại sao chúng ta nên nghi ngờ: “Tự nhiên người đó lại tốt với mình?”, “Sao lại hành động như vậy?”, “Động cơ của người đó là gì?”

Đó là bởi vì chỉ có nghi ngờ, bởi vì chỉ có thực sự soi xét, bởi vì chỉ có can đảm nhìn thẳng vào người khác, chúng ta mới có thể hiểu họ hơn. Từ chối nghi ngờ người khác không phải là hành động đáng quý, kiểu như “hãy tin tưởng tất cả mọi người”, nó là biểu hiện của sự thờ ơ.

Chúng ta không thể giúp ai đó, nếu không thực sự hiểu nhu cầu của họ. Chúng ta cũng không thể bảo vệ ai đó, khi không thực sự hiểu động cơ của họ. Nên, chúng ta phải nghi ngờ. Nghi ngờ để quan sát, nghi ngờ để hỏi han, và nghi ngờ để phân tích. Như Chó Sói đã từng nói ở chương 105, nếu không làm những việc này, thì vốn dĩ bạn không hề muốn nhìn thấu lòng người.

Không muốn nhìn thấu người khác, đặc biệt là những người thân cận với bạn, chính là điểm đáng sợ của việc thờ ơ. Những người không nghi ngờ người khác, thoạt nhìn có vẻ dễ chịu, thật ra sau cùng sẽ chỉ nói được những lời sáo rỗng, những hành động bâng quơ, những lời khuyên vô bổ. Nghi rồi mới tin, tin rồi tiếp tục thử thách lòng tin, đó mới là quá trình làm bền chặt mối quan hệ thực sự.

Bạn không muốn làm?

Không sao, cứ tiếp tục thờ ơ. Nếu có một ngày ai đó bên cạnh bạn làm chuyện gì đó mà bạn không thể hiểu nổi, hoặc trở tay không kịp, hãy nhớ Chó Sói đã từng nói về việc này rồi.

Bạn tự hỏi khi nào thì tin một người cho “đủ”?

Khi họ vẫn còn nguyên động cơ và nhu cầu, thì hành vi của họ sẽ không [hoặc rất khó] thay đổi. Hãy tin người tương ứng với sự hiểu biết về nhu cầu và động cơ của họ. Khi động cơ và nhu cầu của họ thay đổi, hãy cập nhật lại cách thức “tin người” của bản thân.

Nghĩa là, nếu mối quan hệ thực sự có ý nghĩa với bạn, bạn phải [thường xuyên] gặp gỡ người đó để cập nhật thông tin. Câu nói “chúng mình tuy không gặp nhau mười năm nhưng vẫn thân nhau như ngày xưa”, là một câu nói vớ vẩn.

Không ở bên cạnh người khác lúc họ [có khả năng] thay đổi, thì đã không còn thân. Chữ “thân” đó chính là kiểu lời nói sáo rỗng, bởi vì cả hai thực ra chỉ ngồi ôn lại chuyện xưa. Chuyện xưa thì vui đấy, nhưng chuyện nay thì sao?

Nếu họ đã thay đổi động cơ và nhu cầu, nhưng bạn thì không biết, và không còn cập nhật, đó là kiểu “thân” của bạn à?

Và bạn nghĩ một vài buổi trò chuyện là bù đắp được cho lượng thông tin [về động cơ và nhu cầu của họ] trong mười năm?

Bạn, đúng rồi, là bạn đấy, thoạt nhìn có vẻ dễ chịu, thật ra sau cùng sẽ chỉ nói được những lời sáo rỗng, những hành động bâng quơ, những lời khuyên vô bổ.

Hãy thay đổi, và nghi ngờ mọi người nhiều hơn, nếu bạn thực sự muốn có những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa hơn. “Tin” người không phải là “tin tất cả”, mà là tin những điều liên quan mật thiết tới nhu cầu và động cơ của người khác. Nếu họ không có nhu cầu và động cơ gì liên quan, thì đừng “tin”. Hãy cứ nghe và nghiệm, nhưng đừng vội “tin” ai.

#camnangdilam #yeudancongs0 #kinhnghiemdilam

Nó chính là, kỹ năng ra quyết định.

Thật ra, kỹ năng ra quyết định là một trong hai kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống, nên nếu thiếu nó, thì nhiều người đã không thể vươn lên vị trí nào rồi, huống hồ là vị trí lãnh đạo cấp cao.

Nhưng, khi ở vị trí lãnh đạo cấp cao, thì kỹ năng này lại càng mang tính “quyết định”. Bởi vì, quyết định của bạn không chỉ ảnh hưởng tới bản thân, mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều người khác.

Đôi khi, là triệu triệu người, là vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc.

Nên, một quyết định sai sẽ tốn thời gian và công sức của rất nhiều người. Đôi khi, sẽ tốn thời gian và sinh mạng của hàng triệu người. Chính vì vậy, việc đối diện với 3 câu hỏi lý trí và 3 câu hỏi cảm xúc [phương pháp ra quyết định được Chó Sói khuyến nghị trong các khoá học], là rất quan trọng.

Bởi vì, nó dạy cho bạn cách chọn, và trả giá. Là chọn, và sống có trách nhiệm. Nếu ai đó dạy bạn về lãnh đạo, chỉ cần họ có chút thành thật và có tâm, họ sẽ luôn nhắc nhở bạn: Lãnh đạo nghe có vẻ hoành tráng, nhưng nếu thực sự sống với nó, thì đó là một vị trí rất cô đơn, bởi vì chỉ có một mình bạn chịu trách nhiệm lớn nhất, cho mọi thứ. Quyền lực và tầm ảnh hưởng càng nhiều, thì trách nhiệm của bạn lại càng cao.

Nếu không hiểu rõ mình đang có hệ giá trị gì, hay mình sẽ luôn chọn trả giá như thế nào, thì vị trí đó, hiện vẫn chưa nên dành cho bạn!

#camnangchosoi